Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

mình thích bài này

Bạn có phải là một người tốt?

Bạn có phải là một người tốt?
TTCT - Câu chuyện từ “poverty porn” (TTCT số 31, ra ngày 17-8-2014) gợi ra nhiều suy nghĩ về cách chúng ta làm từ thiện.

Bà Janina Ochojska (chống nạng, đứng giữa) trong một chuyến đi cứu trợ tại Nam Sudan - Ảnh: bartpogoda.net
Bài phỏng vấn bà Janina Ochojska - nhà hoạt động từ thiện Ba Lan nổi tiếng, chủ tịch - nhà sáng lập tổ chức thiện nguyện phi chính phủ “Hoạt động nhân đạo Ba Lan” - dưới đây (Grzegorz Sroczynski thực hiện, đăng trên Gazeta Wyborcza - nhật báo lớn nhất Ba Lan, số ra ngày 8-8-2014) là một góc nhìn có khá nhiều điểm mà Việt Nam có thể tìm thấy sự tương đồng.
* Có nên cho tiền những người ăn xin không?
- Không cho.
* Thế nếu là một đứa trẻ ăn xin thì sao?
- Cũng không cho. Đứa trẻ bị lợi dụng để làm anh cảm động và để moi tiền anh. Kẻ kiếm được tiền là người khác, cả một băng nhóm. Một người quen của tôi làm việc trong tu viện ở Kraków đã quan sát những người ăn xin trước tu viện, họ kiếm tiền rất khá. Một ngày có thể kiếm được 300 zloty (1) và người ăn xin phải mua chỗ.
Một bà mẹ ngồi với đứa con nhỏ, trông có vẻ nghèo rớt mồng tơi, chắc là họ nghèo thật, nhưng có kẻ đã đặt họ ngồi vào chỗ ấy và thu tiền. Người quen tôi có lần nhìn thấy hắn sau khi thu tiền đã đi về bằng taxi.
Có lời khuyên chung nào để người được nhận sự giúp đỡ không cảm thấy tủi thân?
- Tôi nhớ chuyện hồi nhỏ, khi một bà của cứu trợ xã hội bước vào lớp và nói: “Chúng ta sẽ mua quần áo cho các bạn nghèo. Ochojska không có áo khoác, vậy ta sẽ mua áo khoác cho bạn, còn cho Kowalska thì mua quần”. Khi đó tôi cảm thấy rất kinh khủng. Nếu tôi phải đưa ra một lời khuyên thì nó sẽ là không chỉ mặt điểm tên.
* Bằng cách này giới trung lưu Ba Lan rũ bỏ trách nhiệm của mình. “Toàn là những kẻ đểu cáng, họ muốn lừa tiền của chúng ta” - chúng ta lặp đi lặp lại điều đó và thờ ơ lướt qua những người ăn xin.
- Tôi chơi thân với xơ Chmielewska (2), bà cũng có ý kiến: không cho tiền những người ăn xin. Một đứa trẻ buổi tối không mang tiền về sẽ bị đánh. Có thể như thế. Nhưng nếu tôi cho tiền, đứa trẻ cũng vẫn phải chịu hình phạt bởi nó sẽ vẫn tiếp tục bị cho đi ăn xin.
Ném ra một đồng xu, bạn không làm cho cuộc sống của họ thay đổi gì. Bạn không giúp đỡ được họ. Hiệu quả duy nhất là bạn vỗ về được một chút cho lương tâm của mình: ồ, tôi đã làm được một việc gì đó, tôi đã không thờ ơ đi ngang qua.
* Lương tâm cũng quan trọng chứ.
- Quan trọng là giúp đỡ, chứ không phải là giải quyết cho lương tâm yên ổn.
Bà nghĩ điều gì tốt hơn: khiến người ta vô cảm với những người ăn xin, lướt qua họ một cách thờ ơ, không cho gì hết hay đôi khi cho vài đồng xu lẻ?
- Vậy thì tốt hơn là không cho gì hết.
* Tôi thấy khó lòng đồng ý với điều này.
- Những người thật sự thành đạt ở Ba Lan thường vô cảm với cái nghèo. Họ cho rằng thành công của họ duy nhất chỉ nhờ vào tài năng và họ không nợ ai điều gì hết. Một yếu tố của sự tự mãn này thường là quan điểm cho rằng nếu ai đó được đứng trên bục cao của cuộc đời thì chắc hẳn là do anh ta xứng đáng.
“Không có cái nghèo, chỉ có những người lười nhác” - đó là phiên bản dân túy luận của các tầng lớp cao. Và lời khuyên tuyệt đối “không cho” của tôi có thể trở thành công cụ hữu hiệu cho họ, cũng như câu chuyện về những băng đảng ăn xin.
* Chính thế.
- Tôi không muốn gỡ bỏ trách nhiệm cho người Ba Lan, nhưng hãy để sự mẫn cảm của họ đơm hoa kết trái thành một điều gì đó sáng suốt hơn là cho tiền lẻ ngoài đường. Vài đồng xu? Anh mua sự yên ổn cho lương tâm mình với giá quá rẻ mạt! Anh sẽ ném ra những đồng xu lẻ suốt cuộc đời mình và tự dối mình rằng anh không thờ ơ với số phận của đồng loại.
Tốt hơn là đừng cho, hãy để lương tâm nhạy cảm của anh đau khổ một chút và có thể rốt cuộc nó sẽ ra lệnh cho anh làm một điều gì đó nghiêm túc. Sự cắn rứt lương tâm có thể trở nên rất sáng tạo.
Một người bạn tôi từng hỏi một câu khó hơn: “Tôi dắt con trai đi trên phố, tôi muốn giáo dục cho nó về xã hội. Một người phụ nữ có bầu ngồi ăn xin. Tôi phải làm gì? Thờ ơ đi qua? Thế thì con tôi sẽ học điều đó. Cho tiền? Như thế cũng không tốt”.
Bạn tôi cùng cả gia đình đã tham gia giúp đỡ những người tàn tật từ nhiều năm, anh muốn dạy con việc làm thiện nguyện. Và anh muốn cư xử thích hợp trong cả những tình huống trên đường phố như thế này, để không phô bày chứng tâm thần phân liệt về đạo đức.
Tôi khuyên anh dạy con trong những tình huống như thế này thay vì cho tiền phải biểu lộ sự quan tâm. Đó là phản ứng tốt nhất.
* Sự quan tâm?
- Hãy tiếp cận. “Mẹ của em ở đâu?”, “Vì sao em đứng ngoài đường?”, “Em từ đâu đến?”. Tất nhiên sự tiếp cận này sẽ không dễ dàng bởi người ăn xin có thể không muốn điều đó, sẽ làu bàu khó chịu. Có thể họ không biết tiếng Ba Lan, nếu đó là một gia đình người Di-gan từ Romania. Nhưng cần phải cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của người đó.
Sau đó nói với con: “Con à, có các nhà tế bần và những tổ chức khác nhau, khi về đến nhà chúng ta sẽ gọi cho họ ngay và cố gắng làm điều gì đó”. Ví dụ, anh hãy tra trên mạng “quận Mokotów - nhà tế bần” hay “quận Mokotów - cứu trợ trẻ em”.
Anh gọi điện cho họ: “Ở số 80 đường Độc Lập có một em bé ăn xin, các ông bà có giúp được không?”. Hôm sau đứa trẻ cũng sẽ vẫn đứng đó mà.
* Còn họ sẽ phân bua rằng họ không phải là tổ chức có thể giúp được, và không thể làm gì.
- Rõ là như vậy. Đừng hi vọng rằng anh gọi điện và người ta sẽ cuống quýt lên: “Ôi ôi, ông thật cao cả khi gọi điện đến như vậy! Ôi, chúng tôi chạy ngay đến đó đây”. Đây chính là sự khác biệt giữa việc ném vài xu lẻ ngoài đường và sự chú tâm thật sự, cái thứ hai thường không dễ chịu và đòi hỏi sự kiên định.
Nơi đầu tiên sẽ nói đó không phải là việc của họ. Nhưng có thể họ sẽ biết phải liên hệ chỗ nào và cho số điện thoại. Nếu không thì anh tiếp tục tìm trên mạng. Anh cố gắng tìm được tổ chức thông thạo khu vực này và hứa sẽ kiểm tra tình hình đứa trẻ cùng gia đình nó.
Vài ngày sau anh lại gọi điện xem họ có xác minh thêm được gì không. Và khi đó chính là lúc để rút ví. Các tổ chức như vậy, dù lớn hay nhỏ, rất nhiều và họ luôn có khó khăn về tài chính.
* Ở Ba Lan các tổ chức xã hội không được tin tưởng.
- Nếu anh hỏi một người bất kỳ xem anh ta có biết tổ chức nào có thể giúp đỡ trong quận hay trong thành phố của anh ta hay không, thì tôi dám cá rằng anh ta không thể nói được tên tổ chức nào cả. Người giàu lại càng không, vì họ sống trong khu khép kín. Người Ba Lan không biết về sự tồn tại của các định chế cứu trợ một cách đáng đau lòng.
Những người bỗng dưng bất ngờ gặp khó khăn, họ làm gì? Họ gửi thư cho những nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng và truyền hình. Đấy là tất cả những gì họ có thể nghĩ ra được.
Một lần tôi đến xem chương trình của Elzieta Jaworowicz về một cô gái có nguy cơ bị đuổi ra đường. Những trường hợp như thế ngày một nhiều, vì tòa án bắt đầu phán quyết nhiều bản án vô tâm. Khắp nơi (nhà cô) bừa bộn khủng khiếp, giẻ rách vung vãi.
Tôi hỏi: “Cô không thể dọn dẹp một chút sao? Để thấy được có chút cố gắng từ phía cô”. Không. Cô ấy ĐỢI sự giúp đỡ của truyền hình. Nhân viên của tổ chức địa phương nói rằng cô ta không hề liên hệ với họ, mà họ có ngân sách cho những trường hợp như vậy.
Truyền hình thật ra gây hại, bởi nó có thể làm đình đám mọi sự cứu trợ bằng một phương pháp vô hạn định. Một người cần 1.000 để bơi tiếp bằng chính sức lực của mình, bỗng nhiên lại nhận được 100.000. Sau trận lụt năm 2001, truyền thông đưa công khai số tài khoản cá nhân của những người bị nạn, không ai kiểm soát tiền bạc.
Chúng tôi cùng báo Gazeta Wyborcza xây nhà cho những người bị lụt và có một cô nhận được thêm 250.000 trong tài khoản. Cô thường được lên tivi, đúng là cô ấy rất khó khăn. Thế là cô ấy mua một chiếc xe oách, đi vòng quanh Ba Lan và chúng tôi không thể giao nhà mới cho cô ấy. Con cái thì chị cô ấy phải nuôi.
Một sự trợ giúp thiếu kiểm soát như vậy có thể trở nên sai lầm, bởi không phải ai cũng biết sử dụng nó một cách sáng suốt. Tôi cho rằng tốt hơn nên chuyển tiền cho một tổ chức địa phương, một định chế có tài khoản ngân hàng và có thể giám sát điều đó. Họ sẽ giúp ở mức vừa đủ và số tiền thừa ra để dành cho những người khác.
* “Tôi chẳng bao giờ cho ai cái gì, toàn là phường lừa đảo hết” - một người quen của tôi nói vậy.
- Một người bất hạnh.
* Cuộc phỏng vấn của chúng ta khẳng định thêm điều đó.
- Nhưng xin lỗi, ai mới là người có lỗi về chuyện cứu trợ vô trách nhiệm? Về việc một số tổ chức lợi dụng? Tôi biết điều tôi nói đây sẽ khiến nhiều người nhảy dựng lên, nhưng vấn đề nằm ở những người cho! Nếu những người đóng góp muốn có bản quyết toán, quan tâm đến việc tiền của mình được sử dụng ra sao thì các tình huống như vậy đã ít hơn.
Một ông đến chỗ chúng tôi và cho 1 triệu zloty để xây giếng nước ở Sudan, chúng tôi ký hợp đồng đàng hoàng và trình cho ông ấy bản quyết toán đầy đủ.
Nếu anh cho tùy tiện thì người ta cũng chi tùy tiện. Nếu anh cho hợp lý thì tiền sẽ được chi hợp lý. Hợp lý là gì? Điều này đòi hỏi nỗ lực, đi lại, kiểm tra, quan tâm. Sự chú tâm đến nó. Chứ không phải là giả vờ làm những cử chỉ cao đẹp, ném ra cả đống tiền bằng phản xạ của trái tim bởi đứa trẻ mồ côi khiến ta xúc động.
Chúng ta cho rằng bản thân việc cho tiền đã cao đẹp đến mức có thể miễn trừ mọi nỗ lực khác. Chỉ cần cho tiền và cả thế giới phải lấy làm hạnh phúc.
Sở hữu tiền bạc là một trách nhiệm. Một người may mắn trong cuộc sống và phải có trách nhiệm chia sẻ. Chia sẻ một cách thông minh.

* May mắn?
- Tôi cố ý dùng từ này. Tất nhiên, có thể nói: tôi giỏi, tôi chăm chỉ, vì thế tôi có được như vậy. Nhưng đó không phải là toàn bộ sự thật của cuộc sống. Bởi nhiều người từ điểm xuất phát đã được cuộc đời ban tặng rất nhiều: một nơi sinh tốt hơn, trong nhà đầy sách, vốn văn hóa, hay có thể bố mẹ có những người quen biết xin việc cho, rồi sau đó nhờ thông minh và chăm chỉ tôi thành công ngoạn mục...
Dẫu sao đi nữa thì người đó cũng có nhiều cơ hội. Nhưng có những người không nhận được những cơ hội ấy hoặc họ rất bị hạn chế. Họ giỏi, chăm chỉ, mặc dù vậy họ không thành công. Ví dụ tôi là một người rất may mắn, tôi được số phận ban tặng rất nhiều và tôi coi điều này là một món nợ.
Cứu trợ là sự chọn lọc, lựa chọn. Đôi khi tàn nhẫn.
* Sự chọn lọc?
- Lần đầu tiên tôi phải đưa ra một quyết định là ở Sarajevo. Tôi phải quay về thành phố, xe tải của chúng tôi đã chuẩn bị lên đường. Tôi trở về xe và thấy một phụ nữ ngồi trong đó cùng một bé trai và hai cái vali. Cô van xin chúng tôi mang cô đi khỏi Sarajevo.
Và... anh biết đấy..., tôi phải đuổi cô ấy xuống xe. Bởi chúng tôi đi cùng với một toán quân Serbia và nếu không có họ thì chúng tôi không đời nào vào được Sarajevo. Thế là tôi đuổi cô ấy xuống giữa trời tuyết, tôi đã bỏ lại đứa trẻ giữa lòng chiến trận.
Tôi luôn nghĩ về người phụ nữ này, không biết cô có sống sót không. Và về cậu bé. Anh biết không..., cô ấy... quỳ giữa tuyết... và van xin tôi. Còn tôi...
* Lần đầu tiên tôi thấy bà khóc. Điều này không hợp với bà chút nào.
- Tôi nhớ tiếng khóc của cô ấy. Tóc cô ấy đen. Tôi nhớ người phụ nữ đã quỳ xuống và hôn chân tôi. Đúng thế. Và cậu bé ấy, kêu khóc ở đó...
Cứu trợ không phải là một câu chuyện cổ tích, tôi đã hiểu ra điều này. Sẽ không dễ chịu và phải mạnh mẽ về tâm lý.
* Phải tàn nhẫn.
- Anh có thể gọi như vậy. Tôi muốn dùng từ này hơn: kiên quyết. Để cứu trợ, cần có một điều gì đó bề ngoài có vẻ như trái ngược với đặc thù của nó - chính là cái đầu lạnh. Khoảng cách.
* Bà nổi tiếng về điều này. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy bà thường lạnh lùng đến thế khi kể về những người mà bà giúp đỡ.
- Tôi tỉnh táo. Tôi không thể giúp tất cả mọi người. Tôi phải chọn lựa. Và khi đã chọn lựa thì thực hiện một cách tốt nhất.
Chỉ có người như bà mới có thể cho phép mình đuổi một phụ nữ ra khỏi xe. Bởi bà làm những việc khác quan trọng hơn. Nhưng tôi thì không thể cho phép mình làm như vậy mà đạo đức không tan nát. Và cũng thế, tôi không thể lướt qua những người ăn xin ngoài phố một cách thờ ơ mà không cho họ tiền. Đây chính là sự khác biệt giữa chúng ta.
- Vậy thì anh hãy bắt tay vào làm điều gì đó quan trọng đi! Hay để tâm vào đi!
Anh muốn cư xử một cách có đạo đức và anh cảm thấy cực kỳ khó xử khi đi ngang qua những người ăn xin, điều đó nghe thật là hay. Sự cảm thông, mẫn cảm... Nhưng đó thật ra là những tình cảm yếu đuối và không nhất thiết hữu ích trong việc cứu trợ thật sự.
Tôi nhớ một cô gái đã được huấn luyện và chuẩn bị, nhưng khi nhìn thấy lũ trẻ mặc áo rách và quần thủng đít chạy theo cô ấy và kêu la: “Cho em một đồng” thì cô ấy bắt đầu phân phát hết không chỉ kẹo và tiền mà tất cả những gì cô ấy có trong người, vừa cho vừa khóc. Chúng tôi đưa cô ấy về trại và phải rút cô ấy khỏi Sudan. Đó không phải là đất nước dành cho cô ấy.
* Phải khiến những người như thế trở nên mất cảm giác, theo một nghĩa nào đó?
- Anh có thể gọi như thế. Tôi thì sẽ nói là làm cho họ trở nên thực tế.
Một người quen có lần kể cho tôi nghe ông đi tham quan ở Ấn Độ và khi nhìn thấy sự nghèo đói ở đó, ông đã thật sự xúc động, Sự thấu cảm, phản ứng của trái tim, những cảm xúc dâng trào khác... Ở một địa danh du lịch ông gặp một cô bé xinh xắn dễ thương, cô bé dẫn ông về nhà, ông trò chuyện với bố mẹ cô bé. Họ không muốn xin tiền, nhưng mơ ước có một quầy hàng nhỏ và họ cần có một cái xe bò. Ông đã mua xe bò cho họ.
Có thể nói rằng ông đã xử sự đúng mẫu: cho cần câu chứ không cho con cá. Và ông rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Chúng chuyên lừa những khách du lịch giàu có, nhưng chúng biết xin tiền đã trở thành một việc đáng ngờ, nên chúng nghĩ ra câu chuyện về quầy hàng và cái xe bò.
Có thể nói chúng đã điều chỉnh món hàng thị trường của mình cho phù hợp với trí tưởng tượng của một khách du lịch phương Tây được dạy dỗ tử tế về xã hội. Tất nhiên là chúng bán lại cái xe bò ngay lập tức, chúng đã thỏa thuận trước với người bán rồi.
Việc giúp đỡ có hiệu quả không? Đó là câu hỏi quan trọng nhất. Chúng ta hãy kết thúc lớp vỡ lòng về cứu trợ.
* Nhưng thế thì sao chứ? Dẫu sao họ vẫn nghèo khổ thật mà.
- Tất nhiên. Nhưng bằng cách đó họ học được rằng có thể kiếm tiền nhờ lừa đảo. Và điều đó làm hỏng họ. Không ai nói với tôi rằng lừa đảo, lợi dụng sự giúp đỡ có thể mang lại điều gì đó tốt lành.
* Bà nói gì với ông người quen?
- “Chính ông có lỗi. Cô bé làm ông xúc động và ông không tìm hiểu gì thêm về gia đình nó... Ở đó có hàng xóm, các tổ chức địa phương, ông có thể hỏi trước xem những người ấy có cần giúp thật không”.
Để kiểm tra, ông ta sẽ phải tách ra khỏi đoàn tham quan và ở lại thêm hai ngày.
- Chính thế. Phải chú tâm một cách NGHIÊM TÚC. Còn chúng ta thì thường muốn sửa chữa thế giới khi thể nghiệm những xúc cảm nhất thời.
* Người Ba Lan có tốt không?
- Người ta nói chung không xấu, chỉ có điều đôi khi họ thiếu kiến thức. Nếu giải thích cho họ, họ sẵn lòng thay đổi. “À, đúng vậy, bây giờ mọi thứ đều rõ ràng”.
NGUYỄN THÁI LINH trích dịch
(1): Khoảng 100 USD.
(2): Małgorzata Chmielewska, nữ tu sĩ Ba Lan nổi tiếng với các hoạt động thiện nguyện.

29.08.14

Lâu lâu lại có cảm giác như vừa bị tẩy não. Tự dưng đang miệt mài làm một việc xong bỗng dưng có một cái gì đấy chen vào xong đến lúc xong cái chen ngang để quay về cái đang làm dở thì cảm giác giống y như vừa bị tẩy não ý. Phát sợ với cái kiểu não cá vàng của mình.
---
Mình tự hỏi một điều thế này: Nếu trước khi làm một việc gì đấy mà đặt một câu hỏi là "Làm việc này để làm gì?" thì có phải là thực dụng không nhỉ?

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

23.08.10

It was the first day of my new life - Aug 23rd, 2010.

Cách đây 4 năm thì 23.8 là thứ 2. Thế nên nó là ngày đầu tiên đi làm của mình.
Thực ra cũng chẳng nhớ hôm gặp các sếp để "phỏng vấn" chính xác là hôm nào nữa, chỉ nhớ là lúc các sếp hỏi muốn đi làm ngay hay để đến tháng 9 thì mình bảo đi làm luôn cũng chẳng có vấn đề gì. Vậy là 23.8 là ngày đi làm đầu tiên. Mình rất nhớ vì đúng trước mốc 1.9, bắt đầu tính thử việc đúng 1 tuần mà.
Từ đầu năm nay đã có mấy lần nghĩ đến cái mốc 4 năm này rồi thế mà đến ngày thì lại quên béng mất. May sao tự dưng hôm nay cứ muốn viết viết mà không biết viết gì nên nghĩ lấy nghĩ để và vừa cách đây độ chục phút thì bỗng nhớ ra cái mốc 23.8 này.
4 năm trời quằn quại và nhiều thăng hoa.
Mốc 4 năm này còn liên quan đến một cái dự án gọi là "Kế hoạch 5 năm lần thứ 1" mà thực sự là mình cũng không nhớ là được đề ra từ bao giờ, từ hồi 360 plus cơ mà. Chỉ nhớ trong đấy đặt ra mấy cái tiêu biểu là: học thêm một ngoại ngữ, đi lòng vòng Hà Nội, Việt Nam nhiều hơn, dành dụm được 1-2 cái bánh ô tô, có bằng lái xe... Có mấy cái gạch như thế đấy.

Giờ thì sẽ không viết tiếp một cái kế hoạch 5 năm như thế kia nữa. Ít nhất là ở thời điểm này, cái cũ còn chưa xong mà. Và kế hoạch trước mắt cũng cần kíp hơn: viết cho xong cái chuyên đề để tháng sau đi chơi cho thanh thản, mà cũng đến hạn rồi. Xong còn phải đánh vật với các em nấm men iu dấu nữa. Và còn bao lo lắng cho cái dự án sục sạo tập làm thổ dân Singapore nữa. Còn có hơn nửa tháng nữa thôi. Cố lên nào!

Couchsurfing - một thử thách với mình. Ẩn số và thử thách. Có gì đâu, cứ đi thử xem nhỉ.

----------
Vừa mò lại được cái này trong đống dữ liệu Yahoo blog đã tải về mà k biết load vào đâu - tìm lại được mà vui mừng quá đi!

Kế hoạch 5 năm lần thứ 1

Category: , Tag:
06/25/2011 08:45 pm
Sáng nay thứ 7 nên không phải đi làm. Ở nhà rảnh rỗi đọc truyện. Truyện khá hay. Đọc từ tối hôm qua đến 2h chiều nay thì xong. Hết chuyện thì đi ngủ. Vậy là một ngày nghỉ ngơi vui chơi đúng nghĩa. Không phải lo lắng việc gì. Mặc kệ mấy em tế bào với virut ở công ty chả biết có bị nhiễm te tua hay không; mặc kệ bên ngoài trời cứ mưa, tạnh, mưa, tạnh rồi lại mưa theo ý của trời; ta cứ ngồi yên thân trong cái không gian của ta tận hưởng một ngày được nghỉ. Sung sướng và bình yên.

Sung sướng vì được nằm yên ổn ở nhà, trong đầu không luẩn quẩn ý nghĩ về mấy em virut vật vã nửa tháng nay.


Bình yên vì không suy nghĩ lung tung, trừ những lúc buộc phải nghĩ thì chả nghĩ gì cả.


...


Thế nhưng -  trong lúc chả cố tình nghĩ gì thì lại nảy sinh ra lắm thứ hay ho để nghĩ - ngày hôm nay lại ngồi mà vạch cho bản thân một cái phương hướng hoạt động - hay như Đảng và Nhà nước vẫn gọi là "Kế hoạch 5 năm lần thứ n" - Với ta giờ thì nó là Kế hoạch 5 năm lần thứ 1


Kế hoạch 5 năm lần thứ 1 (2010 - 2015)

1.
Tốt nghiệp ra trường, lấy được cái bằng đại học đã nhọc công mất 4 năm trời, à không chính xác là 20 năm qua - tính cả thời gian đi học nhà trẻ và mẫu giáo vì lúc đó đã bắt đầu bước chân vào con đường chinh phục cái bằng đại học rồi.
=> Mặc dù thì cái bằng hơi chệch hướng hoạch định ban đầu của bố nhưng nó vẫn là cái bằng đại học. Và nó vẫn phát huy tác dụng trong việc tạo công ăn việc làm cho ta. Như vậy, bản thân nó - cái bằng Kĩ sư Công nghệ Sinh học của ta - đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó!

2.
Có trong tay 3 ngoại ngữ - Anh, Pháp, Trung - Tiếng Anh thì phải lấy được cái bằng đại học ngoại ngữ (cho dù nó có là bằng trung bình hay yếu) và cần cái tạo trình độ nói (cho đỡ bị xếp vào hạng câm điếc). Hai thứ còn lại thì có thể thay đổi tùy theo tình hình cụ thể nhưng trước mắt cứ nhắm vào tiếng Pháp và tiếng Trung vì 2 thứ đó sẽ giúp ích cho công việc của ta và nói chung là cũng khá hữu ích với cuộc đời. Tiếng Pháp và tiếng Trung chỉ cần ở trình độ A là đạt yêu cầu - nghe được trên phim người ta nói chuyện mà hiểu được chút ít là được - còn nếu khả quan hơn thì càng tốt.

3.
Xê dịch: trong đầu hiện tại chỉ muốn đi chứ chưa xác định cụ thể được là đi đâu. Nếu công việc cứ tiếp tục như hiện nay thì chắc chỉ có thể đi những chuyến đi ngắn tầm 2 ngày, vào dịp cuối tuần thì mới không ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo. Mục tiêu trước mắt có thể là SaPa. Hoặc không thì có thể quanh quanh trong vòng bán kính 100km, đi về trong ngày, cũng có vô khối thứ để mà khám phá. Quan trọng là đi thì phải hiểu biết thêm, học hỏi thêm và hứng thú thêm.

4.
Có trong ví một mảnh giấy chứng nhận có đủ khả năng điều khiển được một em 4 bánh ra đường. Đây là bước đầu trong công cuộc xê dịch dài lâu sau này và nó cũng là động lực để phấn đấu sở hữu một mảnh giấy khác chứng minh quyền sở hữu một em 4 bánh trong ví của ta.

5.
Tài chính: chi tiêu hợp lý và phấn đấu tích góp được 36 triệu. Sau năm 5 có thể sẽ thay đổi những gì đã và sẽ thành thói quen trong vòng 5 năm này thế nên cần có một sự chuẩn bị nhất định để đi xa hơn. Cần tích góp để có thể chi những gì cần chi vào những lúc cần chi, một cách thoải mái. Lấy mục tiêu tích góp là 36 triệu (đơn vị là gì thì chưa rõ
) - là trị giá của em Honda Today mới tăm tia đươc - để mà có mục tiêu cụ thể mà phấn đấu cho dễ, mà cũng là để phòng trường hợp em Wave S thân yêu của mình hết hạn sử dụng thì cũng có đủ cho một phương án dự phòng mà không phải suy tính nhiều. Tất nhiên về mặt tài chính thì châm ngôn vẫn là "càng nhiều càng ít" - vì tương lai xa thì phải là một em nào đó 4 bánh chứ không chỉ 2 bánh được (kể cả đó có là SH đi chăng nữa).

Đấy là một số mục tiêu lớn trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.


Nói thì dễ và lên kế hoạch như thế trong lòng cũng khá run vì kinh nghiệm đau thương đã có với những cái kế hoạch trước đây. Nhưng vẫn cần nói để mà có quyết tâm và phương hướng mà còn phấn đấu.


5 cái gạch đầu dòng trên chỉ là ý chính, thế nên để thực hiện nó cần phải có những chương trình hành động cụ thể hơn. Cái này thì trong thời gian 5 năm -  thực ra là còn 4,5 năm nữa thôi - sẽ dần dần vạch ra và thực hiện. Làm đến đâu thì tính cụ thể đến đó dựa trên thực tế tại thời điểm đó. Dù sao cũng xác định điểm đến rồi thì tìm đường đi cũng dễ dàng thôi.



Hoang Do Huy at 08/03/2011 12:16 pm comment
ôi ôi bái phục bái phục ! tớ cũng muốn làm cái mục tiêu số 4 của cậu nhưng mịt mù quá vì chẳng có mấy time rảnh cả ..còn ngoại ngữ thì tớ cũng mong có thể giao tiếp mà .. chả biết học thế nào cả
Huong at 06/28/2011 10:09 pm comment
hoho mình chuẩn bị phải đi ăn khao nhiều rùi đây
chị của Vịt bầu at 06/29/2011 12:03 am reply
thì kế hoạch 5 năm mà em... cứ từ từ mà lên kế hoạch đi ăn khao đi cũng được..

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

cuối tuần của tôi

Hai tuần nay, tuần nào cũng hùng hục, hì hụi làm miệt mài, mải miết. Cuối tuần nào thứ 7 cũng đi bơi buổi sớm xong lượn vòng quanh Hà Nội bét nhè. Dùng từ lê la thì đúng hơn. Mồm thì kêu mỏi, mỏi lưng, mỏi người, mỏi rụng rời đến cả từng đốt ngón tay mà vẫn lê la cả ngày.
----
Than thở giả vờ về cái cuối tuần để có cớ viết blog. Viết lại những điều một tuần qua muốn viết ra thôi.
Bạn mình gọi điện buôn chuyện với mình và bảo mình hãy kể về một người bạn bất kì. Ờ thì tớ kể... nhưng kể được tầm 3, 4 câu thì không biết phải nói gì nữa. Được mỗi là bạn tớ học đại học cùng, là lớp trưởng lớp tớ. Bạn mình phải bảo là trước hết phải cho biết tên đã, thế là mình thêm tên vào. Nhưng rồi cũng được có thế. Nói chung câu này là câu hỏi khó. :))
Mình chẳng biết kể về một người khác thế nào cả. Mô tả một người khó thật đấy. Hoặc là do mình ít kể cho người khác nghe như thế đâm ra chả biết bắt đầu từ đâu và kể như thế nào. Hoặc cũng có thể là do bản thân mình cũng không khoái nghe mọi người kể về người khác như thế, nghe kể như vậy thì mình dễ bị ấn tượng về người đó trong khi có thể mình chưa từng gặp mặt. Đúng thì không sao. Nhưng nhỡ mà sai thì... tội lỗi lắm. Hì. Lý do lý trấu gì thì cũng mãi sau khi cúp máy mấy ngày mới nghĩ ra để lý giải cho câu hỏi tại sao mình lại không kể được của bạn mình và của mình. Nhiều khi tò mò những cái vớ vẩn thế thôi.
À mà lần này nói chuyện mình phát hiện ra một điều, à không, làm rõ thì đúng hơn. Bạn mình là một trong những single-friend của mình. Mình giải thích với bạn ý là single-friend là kiểu bạn chỉ có một mình bạn ý một nhóm thôi. Bạn ý bảo thế thì cô đơn, nhưng mà không phải đâu, tớ có nhiều single-friend mà. Hì. Mình phát hiện ra bạn mình rất giống mình hồi còn đi học, cho đến tận khi học đại học thì mình vẫn như thế.
Hồi đấy mình thích những câu hỏi mang tính đố đố logic, đòi hỏi suy luận, có thể tư duy mình không đủ sức giải được nhưng vẫn thích. Mình thích Conan, rồi cả những câu đố, mạch truyện trong Harry Potter là vì vậy. Sherlock Homes, một chút. Triết học, những tranh luận v.v... Giờ nhắc lại vấn đề này vẫn có cảm giác thích thú. Nhưng thích đến mức mê thì có lẽ là không còn nữa rồi. Bốn năm được quẳng vào cuộc đời này, giờ ngẫm lại mới thấy mình đã khác rồi đấy.
Giờ thì câu đố của mình là làm thế nào để có 1000 trang dịch để quyết toán đề tài? làm thế nào để phá vỡ cái màng tế bào con nấm men kia để lôi cái protein iu dấu ra đây?... và những câu tương tự như thế. À mà còn có cả câu là: làm thế nào để đầu không bị ong ong và máy tính không bị treo? Đấy. Cuộc sống của tớ giờ chỉ lởn vởn quanh những thứ ấy thôi. Câu đố của cuộc đời: "Sống mỗi ngày để làm gì?" là một câu hỏi lớn, và tớ tự thấy mình dở hơi khi đặt ra câu hỏi đấy xong rồi lại phải vật vã suy với nghĩ để mà trả lời cho nó thỏa đáng, cho nó có logic. (Ờ, sao mình dại thế nhỉ). Nhưng mà có hỏi hay không thành lời thì câu hỏi nó vẫn ở đấy thôi bạn ạ. Tớ vẫn phải ngày ngày đi tìm câu trả lời.
Cậu bảo tớ có thể thử chơi trò GodTower, một trò câu đố khó nhất mà cậu biết. Hoặc tìm lời giải thich cho câu đố về 5 cái mũ, 2 trắng, 3 đen.... Những cái đấy tớ đọc đáp án xong là quên. Tớ chỉ thích thú cái cảm giác mọi thứ có logic với nhau và ta có thể suy luận được, liên kết giữa cái này với cái nọ để dẫn đến một kết quả, gọi là lời giải cho câu đố ý. Đáp án có thể biết - người đầu hàng đội cái mũ đen - nhưng lời giải thích mới là cái tạo nên sự thú vị - tại sao lại người đầu hàng lại biết mình đội mũ đen trong khi ông ta hoàn toàn không nhìn thấy 2 người kia đội mũ gì? Tớ biết điều đó chứ. Bản thân tớ cũng thích tìm ra lời giải dựa trên những suy luận logic mà. Con đường đi tìm kiếm mới là cái thú vị chứ không hẳn là kết quả đúng không?
Nhưng cậu có biết không? Hàng ngày cái đè nặng lên tớ lại chính là công cuộc tìm lời giải đáp cho những câu đố của cuộc đời đấy. Cứ luẩn quẩn mãi, vò đầu bứt tai mãi ấy thôi. Công cuộc ý thật không đơn giản và thật nặng nề đấy.
À, tớ cũng học được một điều cậu ạ. Đáp án cũng có thể là cái biết trước và nó là cái quan trọng. Không cần biết làm thế nào để đi đến nó, cứ có được đáp án như thế là được. Nhiều khi người ta chỉ cần nhìn liếc qua cái kết quả vèo cái là xong. Chẳng cần có một chút bận tâm xem tâm sức ta đổ ra để tạo ra được cái kết quả ấy là như thế nào. Không một tí nào luôn. Chỉ cần đúng cái đáp án.
Vậy đấy. Vậy là đôi khi tớ lại cứ tự hỏi: Mình đang làm gì thế này? Có bao nhiêu cách để đi đến cái đáp án kia vậy thì sao mình không chọn cách nào cho nó nhẹ nhàng nhất nhỉ? .... Đôi khi đầu óc tớ tự động tìm lấy những con đường đơn giản nhất để đi. (À mà đơn giản cũng là một khái niệm có tính tương đối nhé. Tùy vào mỗi người mà khái niệm đơn giản cũng khác nhau đấy). Đơn giản nhất đôi lúc là ngắn nhất, nhanh nhất, hoặc là ít tốn sức nhất. Nhưng đôi khi không thế, nó đi theo con đường của riêng nó, lòng vòng một tí...
Nói chung là có một thời những câu đố là sự thích thú nhưng giờ thì không thích thú được như xưa nữa. Có nhiều cái khác hiện ra, chen vào sự thích thú ấy. Và lúc này cái đầu óc mệt mỏi của tớ có vẻ thích thú những việc đòi hỏi sự lao động tay chân tỉ mẩn, chứ không đòi hỏi đầu óc tư duy để thư giãn cậu ạ. Thế nên giờ tớ đang ngồi móc thú bông với lại khâu váy cho các cháu xinh yêu đây. hehe
----
À, nhân tiện đang xem lại "Chuyện tình Paris" trên vtv2, một câu nói của nhân vật Kang-Tae-Young mà mình thích từ hồi xưa vừa được xem lại đúng đoạn ý:
"Đôi khi người đàn ông cần phải dựa vào người phụ nữ. Trông anh có vẻ mệt đấy. Vai của em đây, anh dựa vào đi"
Sau đấy thì anh Ki-Joo bảo là: "Không. Nhưng anh thích bụng của em hơn"
:))) Ôi, lần nào xem đến đoạn này cũng phì cười. Xem có đến n lần rồi ý :)))
Hồi cấp 3 thầy Phong suốt ngày bảo "Nhẹ dạ, y chính là đàn bà", thầy dạy văn nên trích cái câu ý trong kịch của Shakespear thì phải, ý là giáo dục bọn con gái tuổi cấp ba ý đừng có nhẹ dạ cả tin quá mà hỏng đời. Ngẫm ra thì đúng bản chất của con gái là nhẹ dạ, cả tin và lãng mạn thì chết thôi. Tuổi nào cũng thế cả. Đỡ làm sao được ==)))) !!!
----
Đã out ra rồi đấy. Nhưng vừa xem đến đoạn anh Ki-Joo rưng rưng nước mắt cảm động trước bài hát động viên của Tae-Young làm mình lại phải lộn trở vào viết thêm dòng này nữa đây: mình muốn gặp được một người con trai có thể tựa đầu vào vai mình mà khóc những lúc anh ấy cần. Ước gì.... cứ ước tí nhỉ, mất gì đâu mà :)

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

tớ là tớ đây!

Xử Nữ ưa cái "trật tự" của cậu ấy.
Nhưng "trật tự" của Xử Nữ trong mắt người khác đôi khi cũng chính là "bừa bãi".
"Bừa bãi" của người khác, đối với Xử Nữ đôi khi lại là "ngăn nắp một cách phi lôgic".
Để đơn giản hóa vấn đề, tốt nhất là đừng chạm lung tung vào đồ của Xử Nữ.

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

cuối một ngày chóng mẹt!

Giờ thật sự là đầu óc vẫn chưa an tọa xuống đất được mà bài này quá dài nên chỉ mới đọc lướt. Vì thế nên phải lưu lại đây để lúc khác ngẫm lại xem sao.
Vừa vợt được trên facebook đây https://www.facebook.com/CungXuNu/posts/944022285623588
----------------
bài này khá là dài nhưng hay ^^ mọi người cố đọc kĩ hết nhé!
Mười Nỗi Sợ Của Xử Nữ
1. Xử Nữ sợ sự nặng lòng của mình. Khi Xử Nữ muốn quên mà vẫn luôn bị ám ảnh nhớ tới. Thật ra, Xử Nữ đã bao giờ cố gắng quên thật sự, hay trong lòng và trong trái tim của Xử Nữ vẫn là những mong muốn được giữ lại kỉ niệm, và cái gọi là không nỡ?
Xử Nữ, chẳng dễ để thân thiết, và càng chẳng dễ để quên lãng ai đó.
2. Xử Nữ sợ sự tự làm tổn thương mình. Đôi khi, Xử Nữ không thể phũ phàng được. Họ giấu chặt những nỗi đau của mình và tự làm tổn thương mình một cách ngu ngốc. Họ cho đó là mạnh mẽ, nhưng thật ra tất cả là do họ sợ bị tổn thương và bị coi thường, vỏ bọc của họ sẽ vỡ và cảm xúc của họ sẽ không thể kìm nén.
Sống thật với mình hơn nữa đi, Xử Nữ ạ. Có thể chẳng hoàn hảo đâu, có thể đầy khoảng tối, xấu có, tổn thương có, chẳng lành lặn. Nhưng là chính mình chẳng phải tốt hơn sao?
3. Xử Nữ sợ sự xét nét của mình. Tính xét nét ấy làm bạn bè cũng phát điên lên. Ừ, họ bực bội vì Xử Nữ quá dò xét, quá soi mói, quá kĩ tính và tỉ mẩn. Xử Nữ cũng sợ chính điều đó. Nhưng như một bản năng, lúc nào cũng phân tích, so sánh, và không ngừng theo dõi. Và đôi khi, chính sự soi xét quá mức, yêu cầu quá cao của Xử Nữ làm cho Xử Nữ tổn thương tới người mà họ yêu thương.
Thật ra, những ai quan tâm, Xử Nữ mới càng soi xét. Nhưng, hãy sống thoáng hơn một chút.
4. Xử Nữ sợ tính ích kỉ chiếm hữu của mình. Nó làm cho người khác cảm thấy thật sự mệt mỏi. Đôi khi, bạn bè cảm thấy không được tin tưởng bởi Xử Nữ lo lắng và chiếm hữu quá nhiều. Họ cảm thấy không gian riêng tư và sự tự do của mình bị xâm phạm bởi sự chiếm hữu tới ích kỉ của Xử Nữ.
Nhưng Xử Nữ không hiểu nổi, bên trong Xử Nữ luôn là những khoảng trống, những sự lo lắng, chỉ cần một dấu hiệu nhỏ không an toàn là có thể bùng phát lên dữ dội. Càng cố gắng kiềm chế, nó lại càng bùng phát.
5. Xử Nữ sợ sự suy nghĩ liên tục không ngừng nghỉ của mình. Mệt mỏi, thật sự rất mệt mỏi. Đôi khi thật sự bị luẩn quẩn bởi những suy nghĩ rối rắm đó. Và tự dìm mình trong mớ bòng bong đó, ôm ấp nó không thoát ra được.
Suy nghĩ mọi thứ rõ ràng, phân tích và tin vào cảm nhận của mình, nên thế. Cho mình khoảng không để có thể trầm tư bình tĩnh suy nghĩ thay vì cố gắng dò dẫm và đi loạn.
6. Xử Nữ sợ những mặt nạ của mình. Quá nhiều. Khả năng phân tách con người của Xử Nữ rất tốt. Nhưng đôi khi nó làm cho người khác sợ tiếp cận với Xử Nữ. Họ không hiểu, với mình, Xử Nữ là ai? Có phải con người thật hay không hay chỉ là một chiếc mặt nạ giả dối nào đó?
Giấu giếm con người thật, chôn vùi những cảm xúc bản thân vào sâu bên trong, Xử Nữ chờ đợi ai đó tìm được và mở nó ra, trong khi chính Xử Nữ cũng hiểu rằng, bản thân Xử Nữ không chịu mở lòng, không chịu bỏ mặt nạ ra thì đối phương cũng không thể mở lòng hoàn toàn được với Xử Nữ.
7. Xử Nữ sợ sự tự suy nghĩ tiêu cực của mình. Nó làm cho Xử Nữ bị cuốn vào những suy nghĩ tối tăm. Hãy hỏi chính mình thay vì nhìn vào một chấm đen tại sao không thể nhìn vào những khoảng trắng còn lại?
8. Xử Nữ sợ sự độc lập của mình. Cái gì cũng ôm hết vào mình không chịu chia sẻ. Làm người khác cảm thấy chẳng thể giúp gì cho Xử Nữ. Và đôi khi chính sự tự lập quá mức ấy làm cho họ cảm thấy mình không thể chạm vào được Xử Nữ.
9. Xử Nữ sợ sự hèn nhát của mình. Chạy trốn sự thật, không dám đối diện với nó và tự huyễn hoặc bản thân. Tự an ủi rằng sẽ ổn, rằng sẽ tốt, nhưng thật sự bên trong đã mục nát đến thế nào
Đừng tự làm đau mình và làm đau người yêu thương mình nữa.
Có đau hãy khóc, có buồn hãy nói. Nói ra đi. Để người khác còn có thể chạm vào bạn, chạm vào cảm xúc của bạn.
10. Xử Nữ sợ sự nhạy cảm của mình. Làm cho Xử Nữ dễ bị tác động bởi cảm xúc của người khác, đôi khi bị chi phối bởi tình cảm quá nhiều.
Xử Nữ, mỗi tính cách đều là 1 con dao hai lưỡi, cái gì quá mức đều không tốt.
Và quan trọng nhất, chúng ta chỉ sống 1 lần thôi, thay vì sợ người khác quá hiểu mình, hãy học cách chia sẻ. Xét cho cùng, mỗi người chúng ta đều cần 1 người để dựa vào lúc mệt mỏi, nắm tay ta lúc ta lạc lối cơ mà, và yêu thương ta, nâng đỡ ta lúc ta kiệt sức mất niềm tin nhất?
_st_