Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Trả lời cho những trả lời.. và một mơ ước riêng tư - Sống là cần phải dũng cảm

Trả lời lại cho những trả lời... Có những lúc thấy thật chạnh lòng và bất lực. Chạnh lòng vì có khi vô tình thôi nhưng những gì là tâm huyết, là lý tưởng của bản thân mình bị xúc phạm. Bất lực là vì có lẽ cũng vì vô tình thôi nhưng ý kiến của mình đã bị hiểu sai. Có thể trong hoàn cảnh mọi thứ đều nhạy cảm như thế này nên  ý kiến của mình nó lạc dòng dư luận nhưng mình vẫn muốn nói. Có những thứ là nỗ lực, là tâm huyết, là lý tưởng của người này nhưng người khác lại không coi nó ra gì. Vì sao ư? Có lẽ nào do thời đại này mọi thứ đều phải thực dụng và lý tưởng, tâm huyết kia nó trở nên viển vông quá và mọi người khó có thể tin nó là sự thật ư?
Trong công việc hàng ngày mình cũng thấy điều đó. Cũng là những con người trẻ như nhau. Nhưng có người miệt mài, chăm chỉ làm việc và cũng có những người nghĩ rằng làm vậy là đủ rồi. Người thì tiếc từng phút, thấy một ngày 24h là không đủ. Người thì thấy sao ngày quá dài, không nghĩ ra việc gì để làm. Đấy là lớp trẻ. Những người mới bước chân ra với cuộc đời sóng gió và còn đang loay hoay tìm kiếm hướng đi cho bản thân.
Mình cũng là một trong số những người mà bây giờ hay được gọi là "giới trẻ" như thế. Lúc ra trường với tấm bằng đại học trong tay, bốn năm trời học hành rồi mơ mộng và giờ bước ra với cuộc đời vẫn đầy ngơ ngác. Làm gì đây? Để mà xác định cho mình một mục đích cho cả cuộc đời không phải là dễ. Có những người bạn mình chỉ đơn giản là kiếm một công việc với mức lương họ chấp nhận được, sau đó thêm vài tuổi, công việc ổn định thì xây dựng gia đình và phấn đấu lo cho gia đình. Đó là một xu hướng chiếm đa số và đáng hoan nghênh. Cũng có những người không chấp nhận sự "bình thường" như thế. Họ khát vọng những vị trí cao trong xã hội và cũng phấn đấu vươn lên không ngừng. Điều đó cũng rất đáng trân trọng. Vì sao ư? Vì tất cả họ đều tìm được mục đích của cuộc đời và biết nỗ lực, phấn đấu vì nó.
Còn bản thân mình thì sao? Mình cũng băn khoăn chán chê, nghĩ ngợi mãi rồi. Mình đang có gì trong tay và mình có thể làm được gì với những công cụ ấy? Mình có tuổi trẻ. Mình có tri thức và mảnh bằng CNSH trong tay. Và mình cũng có một cơ hội, một công việc đúng chuyên môn. Vậy thì mình sẽ nỗ lực hết mình với những gì mình có để sống có ích cho đời.
Thế hệ đi trước mình, bố mình làm nghề y, cô mình là y tá, rồi những đồng nghiệp của mình, các cô các chú đi trước đã làm những gì mình đều có thể quan sát và nhận thức được. Mình biết những gì đáng trân trọng và mình đang có cơ hội để thực hiện điều đó vì thế mình sẽ cố gắng đến cùng.
...
Tháng này có nhiều sự kiện xảy ra với cộng đồng xã hội, những sự kiện buồn. Nhưng mình bỗng nhận ra một điều: Những gì mình có trong tay, tuổi trẻ và kiến thức, có thể giúp ích cho xã hội nhiều đến thế nào. Và giờ thì mình mới hiểu rõ hơn ý nghĩa công việc của những người đồng nghiệp thế hệ trước. Mình hiểu mình phải làm gì và có thể làm gì và cần cố gắng hơn. Không phải vì cái đích là đáng trân trọng mà là vì thực tâm mình nhận ra đấy là việc mình phải làm và có thể làm được. Và vì nó tốt cho tương lai chính những đứa con của mình.  
Và những ngày qua mình cũng nhận ra một điều khiến mình càng không thể quên lời thầy cô đã dạy từ khi còn lớp 7, lớp 8, tập viết những câu văn nghị luận đầu tiên: Viết cho ai? viết để làm gì? Quả thật mình không có đủ năng lực để trở thành nhà báo hay nhà lãnh đạo. Nhưng mình cũng đủ nhận thức để hiểu những gì xã hội đang và sẽ phải gánh chịu do những dư luận trái chiều hỗn loạn. Từng cá nhân hoang mang sẽ khiến cả xã hội hoang mang. Giờ mọi thứ quá thoáng, quá nhanh trong khi thần kinh con người lại yếu đi nên nhiều khi người ta cứ phát ngôn mà không lường hết ý nghĩa những lời họ nói. Kể từ những người bình thường cho đến những người có trách nhiệm là phát ngôn viên chính thức của các tổ chức có thẩm quyền đều bị sự nhanh nhạy vượt trội của thông tin cuốn đi mà không kịp định thần. Trước đây hiện tượng này mình có biết, có nhìn thấy nhưng chưa bao giờ cảm nhận nó rõ như lần này. Hệ lụy của xã hội thông tin. Mình phải cảm ơn nó vì nhờ thế mình mới có cơ hội bày tỏ với nhiều người như vậy. Nhưng mình cũng thấy cần phải tỉnh táo hơn khi sống trong xã hội thông tin này.
Bản thân mình cần rút kinh nghiệm. Và giờ đây mình ước con mình sau này có thể giỏi trong ngôn ngữ để trở thành một nhà báo có lương tâm thì tốt biết mấy.
-----------------------------------------------------
Xin rất cảm ơn anh đã bớt chút thời gian đọc những ý kiến của tôi. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ một chút thế này. Tôi viết những dòng này với mục đích muốn tất cả mọi người hãy bình tĩnh mà xem xét sự việc và không nên có những lời lẽ gây xáo động dư luận không cần thiết. Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của bộ trưởng bộ y tế, của cơ quan y tế địa phương, của nhà sản xuất vắc xin hay của cá nhân các cán bộ y tế có liên quan tôi thực lòng không dám lạm bàn và cũng không có ý ngụy biện hay thanh minh gì.
Tôi chỉ xin anh cân nhắc lời nói mà thôi. Vì theo hiểu biết của tôi thì Sốc phản vệ gây nên là do đáp ứng của kháng nguyên (ở đây là vắc xin viêm gan B) và hệ miễn dịch cơ thể (cá thể từng người sẽ có sự đáp ứng khác biệt). Vì vậy cho dù có kết luận cuối cùng của vụ việc rằng nguyên nhân là do sốc phản vệ thì anh cũng không thể kết luận rằng là hoàn toàn lỗi do vắc xin. Thưa anh, theo ý hiểu của tôi thì bài viết của anh ở trên nói rằng lỗi do vắc xin và lỗi do những nhà sản xuất vắc xin Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến tôi phải viết phản hồi lại. Vì tôi thấy cần có một sự công bằng với những nhà khoa học và những người lao động đã nghiên cứu sản xuất ra vắc xin viêm gan B tại Việt Nam. Thưa anh, họ là những người đóng góp cho y học dự phòng của Việt Nam và họ đáng được trân trọng. Khi vắc xin được cấp phép đưa ra thị trường thì phải vượt qua rất nhiều kiểm nghiệm nghiêm ngặt, cho dù sản xuất ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu cũng vậy mà thôi. Nhất là vắc xin được sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thì không chỉ chịu sự kiểm soát của chính phủ VIệt Nam mà còn có cả các tổ chức khác như WHO nữa. Vì vậy, họ không thể làm việc vô trách nhiệm được thưa anh.
Ngoài ra, ở đây không có gì là ngụy biện cả. Tôi chỉ nói dưới cách nhìn khoa học mà thôi. Sốc phản vệ là điều không ai mong muốn và không phải có thể kiểm soát hết được vì nguyên nhân là do sự tương tác giữa kháng nguyên và cơ thể. Cá thể mỗi người là khác nhau do đó phản ứng của mỗi cá thể khác nhau với cùng một loại kháng nguyên cũng sẽ khác nhau. Đó là điều cơ bản tôi được học trong trường và tất cả các sách, tài liệu. Ở đây không có gì là ngụy biện cả. Chỉ có thể nói rằng do con người chưa thể kiểm soát được hết mọi thứ mà thôi. Và khát vọng đấu tranh chống lại bệnh tật của những người bác sĩ như anh và phòng ngừa bệnh tật, ở đây bằng cách nghiên cứu sản xuất vắc xin của những nhà khoa học Việt Nam đều đáng trân trọng như nhau.
Thưa anh, anh có thể trình bày ý kiến, vận động dư luận để loại vắc xin Viêm gan B sản xuất tại Việt Nam ra khỏi thị trường như trường hợp của thuốc Cerivastatin anh đã lấy ví dụ. Điều này tôi không có ý kiến gì. Vì ở đây mục đích của tôi không phải tranh cãi với anh để bảo vệ bà bộ trưởng hay vắc xin Việt Nam. Mà tôi chỉ muốn anh hãy cân nhắc cách dùng từ để tránh xúc phạm đến những điều đáng được tôn trọng. Có thể vắc xin Việt Nam chưa bằng được những loại của ngoại mà anh cho là xịn, công nghệ còn hạn chế, nhưng vẫn có những con người Việt Nam làm việc không ngừng bằng tâm huyết để tạo ra những loại vắc xin tốt nhất cho người Việt Nam, để Việt Nam có thể tự chủ trong việc phòng bệnh, tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người bất kể giàu nghèo. Những con người đó cần được trân trọng.
Một lần nữa xin rất cảm ơn anh đã giúp tôi đăng lại ý kiến của mình ở đây để tôi có thể bày tỏ ý kiến của mình vì trước tôi có đăng reply mấy lần mà không được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét