Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

a little gift

Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh

00:00:20 17/10/2013

Thật không khó chút nào để có được một chiếc khăn len do chính tay bạn làm đâu!

Chuẩn bị những dụng cụ sau:

- Len màu
- Kim móc 
- Kéo 

Bắt tay vào hành động nào >:D<:

Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 1
Bước 1:

- Đầu tiên, bạn lấy sợi len vàng thực hiện móc mũi tết bím thành dây dài khoảng 170cm - đây sẽ là chiều dài của khăn.
Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 2
Bước 2:

Móc sợi len ở đầu dây thành vòng tròn lớn, đặt 1 cây thước có bản rộng 3cm vào trong vòng tròn rồi kéo căng sợi len.

Luồn mũi đan vào mũi tết kế tiếp móc sợi len thành vòng tròn luồn vào cây thước, kéo căng sợi len
Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 3
Bước 3:

- Tương tự, bạn luồn mũi đan vào mũi tết kế tiếp, móc sợi len thành vòng tròn, luồn vào cây thước rồi kéo căng sợi len cho đến hết chiều dài đoạn khăn.
Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 4
Bước 4:

Thực hiện móc tương tự cho sợi len màu xanh.

Bạn có thể phối các màu khác tùy theo sở thích nhé!
Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 5Bước 5:

Luồn đầu móc vào 5 vòng của dây màu xanh và 5 vòng dây màu vàng, móc cho len vàng nằm bên trong len xanh.
Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 6
Bước 6:

Tiếp theo, móc 5 vòng dây màu xanh vào trong 5 vòng dây màu vàng. Thực hiện móc đan xen 5 vòng hai màu với nhau cho đến hết chiều dài khăn, sau đó thắt nút cố định.
Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 7
Bước 7:

Lấy sợi len màu tím nối tiếp sợi len màu vàng, thực hiện móc vòng tròn qua cây thước đến hết chiều dài khăn.
Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 8Bước 8:

- Làm tương tự như từ bước 4 đến bước 7, bạn móc các dải màu với nhau cho đến khi chiếc khăn có bản rộng theo ý muốn.
Chiếc khăn len choàng cổ ấm áp đầy sắc màu đã hoàn thành rồi!

Học móc khăn len đơn giản cho những ngày trở lạnh 9
Với cách móc vô cùng đơn giản này, bạn có thể tự móc cho mình một chiếc khăn thật xinh xắn và nổi bật.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Bác tâm huyết quá bác ơi!

http://vtc.vn/tapchi/447-444891/chuyen-de/gs-nguyen-lan-dung-toi-noi-ma-khong-ai-nghe.htm GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nói mà không ai nghe... 02/10/2013 09:33
Không biết bao lần tôi được nghe ông nói. Không biết bao bài báo đã phỏng vấn ông. Ông được mệnh danh là người có “nghề” trả lời phỏng vấn đặc biệt là hỏi gì đáp nấy. Không phải tất cả những điều ông nói tôi đều thích nhưng phải thừa nhận rằng những điều ông nói bao giờ cũng hấp dẫn và nó luôn ẩn chứa một thông điệp nào đó liên quan đến những vấn đề “nóng” của xã hội.
Ông được xếp vào hàng “tứ trụ” (Nhất Thước/Nhất Ngoạn – Nhì Trân – Tam Lân – Tứ Quốc) trong Quốc hội, là người không thích nói suông  mà phải xắn tay vào thực hiện, đó là điều chúng tôi cảm nhận được từ con người ông. Có gần ông, nghe ông trong những lúc “trà dư tửu hậu” mới hiểu rằng những khao khát cống hiến của ông cho đời thật là ghê gớm. Và đây là một trong những lần nói chuyện như thế mà chúng tôi ghi lại được với Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nói mà không ai nghe...
 
Sách giáo khoa là linh hồn của bài giảng. Vâng, vấn đề sách giáo khoa (SGK) hiện nay phải nói là không ổn một chút nào.
Tôi đi nước nào tôi cũng mua SGK phổ thông, hiện nay tôi có chừng 70 cuốn SGK sinh học của các nước và tôi giật mình thấy SGK của nước mình không giống với SGK của bất cứ nước nào. 
SGK Việt Nam dạy cái gì? Xin thưa, dạy tất cả các môn của Đại học Sư Phạm: Thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, động vật không xương, động vật có xương, giải phẫu người, giải phẫu động vật, sinh lý người, sinh lý động vật, sinh thái học, vi sinh học, tiến hóa, di truyền… 
Trong khi đó một nước phát triển như nước Pháp, trong chương trình giáo dục học sinh phổ thông không dạy chương trình biologie, từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng họ có môn “la sienne de la vie”, “sienne de la terre” (khoa học về sự sống, khoa học về trái đất). Như vậy thay vì họ học về dương xỉ, mộc bá, quyết… cấu tạo dây thần kinh của thằn lằn, dây thần kinh thỏ… như chúng ta thì họ dạy những khái niệm rất chung như thần kinh từ vi khuẩn đến người, dinh dưỡng từ vi khuẩn đến người… còn những thứ mình dậy là vấn đề của những nhà nghiên cứu, của trình độ đại học. 
Mô hình thứ hai là mô hình giáo dục của Nepal, một nước rất nghèo, nghèo hơn cả Việt Nam, nhưng giáo dục của họ tuyệt vời. Tôi mua 2 cuốn sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12 mỗi cuốn 700 trang. Với số lượng trang như vậy chắc học sinh của họ không cần phải học thêm gì nữa. Tại sao họ có thể dạy sinh học cho lớp 11, 12 với những cuốn sách 700 trang? 
Câu trả lời cực đơn giản, nhưng tôi nói không ai nghe!
Đó là coi lớp 9 và lớp 10 là xong phổ thông. Thế hệ của tôi cũng vậy. Hai năm lớp 11 và 12 họ chia 4 phân ban: một là quản trị kinh doanh, hai là khoa học xã hội và nhân văn, ba là toán lý, bốn là hóa sinh. Và mỗi một chuyên ban lại học 4 môn. Chỉ có ban hóa sinh mới học sinh học, còn 3 ban kia chỉ cần kiến thức sinh học ở bậc phổ thông là đủ. Như vậy mới có cuốn sách giáo khoa 700 trang dành cho lớp 11 và 12. Lớp 11, 12 gần như bước đệm, dự bị đại học. Hơn nữa, không có nước nào có một bộ sách giáo khoa duy nhất như nước ta. Khi ở trong quốc hội, tôi đấu tranh chuyện này mà không thành công là bởi vì họ nghĩ một bộ SGK còn chưa ra gì huống hồ nhiều bộ. 

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nói mà không ai nghe...
 
Nhưng, chính là một bộ mới chưa ra gì vì không có cạnh tranh, còn ở các nước thì rất nhiều bộ SGK. Cũng như không có nước nào có một loại thuốc đánh răng, và đương nhiên không phải ai cũng làm được thuốc đánh răng vì nó phải có tiêu chuẩn của Bộ Y tế, cho nên phải có một chương trình chuẩn, phải dùng được lâu dài, nhiều năm chứ không phải như hiện nay. 
Thế nhưng, kiến nghị của tôi cũng không ai nghe!
Xây dựng một chương trình chuẩn đâu có khó. Tôi không đồng ý với cách Nhà nước chuẩn bị đến 2015 mới bắt đầu đổi mới toàn diện chương trình giáo dục, làm thử vài năm rồi mới viết sách giáo khoa, rồi lại thử nghiệm vài năm nữa… đến lúc đó chắc thế hệ chúng tôi đã hai năm mươi rồi. Tôi cũng không hiểu tại sao không giao việc này cho các Hiệp hội chuyên ngành để chỉ cần trong một năm có thể hoàn thành Bộ Chương trình Giáo dục phổ thông trước khi đưa ra thảo luận rộng rãi, sau đó có thể thông qua tại một Hội đồng đủ quyền lực cấp Nhà nước. Hội sinh học chúng tôi sẵn sàng chỉ với điều kiện cho chúng tôi xin những chương trình dạy học của một số nước. Việc đó cực dễ hỏi Đại sứ quán nào người ta cũng có thể cho ngay. 
Để cho các hội chuyên ngành tham gia viết SGK là điều nên làm, và họ sẽ mời những người dạy lâu năm cùng tham gia. Như vậy SGK phải là chuyện của  các nhà khoa học hay nhóm các nhà khoa học, của các thày giáo hay nhóm thày giáo… khi đã có một chương trình chuẩn rồi. Và cuốn nào hay thì người ta dùng. Chỉ tập chung làm một việc đó thôi cũng đủ tạo ra một bứt phá rõ rệt trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục. Một câu chuyện rất đơn giản đó nhưng…
Tôi nói cũng không ai nghe, không ai làm!
Học sinh của chúng ta đâu có kém, bằng chứng là đã có lần tôi ngạc nhiên và vô cùng phấn khởi khi dự một buổi lễ trao phần thưởng ở một trường Dược khá nổi tiếng ở bang California khi những em học sinh lên lĩnh phần thưởng đa phần là người Việt. Như vậy người Việt Nam không kém nhưng chương trình học của người Việt không tốt, SGK không tốt mà ở bậc đại học lại càng không tốt. Các trường Đại học lại mở ra quá nhiều mà không có SGK. Hiện nay nước ta có khoảng 400 trường Đại học cao đẳng, dự kiến đến năm 2020 có đến 600 trường, tôi nghĩ rằng nếu như thày không đủ trình độ để giải quyết những vấn đề của xã hội thì mở ra nhiều trường như vậy để làm gì. Ví dụ như ngành môi trường chẳng hạn. Giải quyết các vấn đề về rác thải, nước thải, ô nhiễm… đến thày các em còn chả làm được huống hồ sinh viên mới ra trường. 
Môi trường chỉ là một ví dụ thôi, các ngành khác cũng vậy, phải có các thày là các nhà khoa học giỏi mới có thể đào tạo ra các chuyên gia, còn nếu các thày còn chưa đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề của ngành đó thì có đào tạo ra một loạt cử nhân cũng chả giải quyết được gì. Chi bằng ta nên mở nhiều trường đào tạo về ngoại ngữ, vì thích học đại học là nguyện vọng chính đáng của mọi người, và thậm chí cả nước được đào tạo về ngoại ngữ cũng chả sao. Tôi quen một người bạn là người đầu tiên làm ra cái bẫy dính chuột, tôi hỏi anh lấy đâu ra công thức? Anh bảo, trên mạng internet đầy. Bây giờ cái gì đã qua thời kỳ bảo hộ tác quyền người ta đều công bố hết. Như vậy, chỉ cần biết ngoại ngữ có thể trở thành nhà kinh doanh. Thà thế còn hơn đào tạo những chuyên ngành mà cả thày và trò đều không đủ trình độ để giải quyết các vấn đề xã hội. Dẫn đến việc rất nhiều sinh viên ra trường phải đi tiếp thị mì tôm, thuốc lá, bán chè chén vỉa hè... Đấy là chuyện đau lòng. 

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nói mà không ai nghe...
 
Không có ngành công nghiệp vi sinh vật chúng ta không bứt phá lên được về kinh tế đâu! Tôi nói mà cũng không ai nghe…
Trong lĩnh vực vi sinh vật học, chúng tôi có hợp tác với Nhật bản để tìm ra các vi sinh vật mới, có một điều rất lạ là nếu như họ cần phải đi tìm một loài mới nào đó thì sẽ rất vất vả nếu họ đến các nước Châu Á song hễ cứ sang Việt Nam thì chỉ trong khoảng 2 tháng là bao giờ cũng tìm được rất nhiều loài mới… Tôi vẫn nói đùa rằng, có lẽ tại nước tôi bẩn quá chăng? 
Thật ra không phải thế. Điều này xuất phát từ chỗ điều kiện khí hậu của nước ta nằm giữa khí hậu nhiệt đới với ôn đới, mặt khác nước ta lại có những khu rừng nguyên sinh mà tại đó chúng tôi chỉ cần lấy một cục đất bằng ngón tay thôi rồi cùng với những chuyên gia Nhật bản chúng tôi phân lập lựa chọn… Vậy mà tôi đã từng bị những người xấu tính vu cho là bán bí mật quốc gia, và tôi đã phải giải thích với những đồng chí lãnh đạo rằng đó chỉ là một cục đất không phải cái cây hay con vật. Nếu tôi không hợp tác thì họ cũng đút túi đem về tự làm và mình chả được gì. Chi bằng mình hợp tác cùng nghiên cứu, hai bên cùng được hưởng thành tựu từ việc tìm ra những vi sinh vật mới. Chỉ tiếc rằng mình chưa có ngành công nghiệp vi sinh vật, nên dù biết cái chủng này hay lắm, nó sinh ra chất này, chất kia, nhưng biết để đấy thôi vì… lấy đâu ra nhà máy mà sản xuất. Đất nước ta gần 90 triệu dân mà đến nay chưa sản xuất ra được một miligam kháng sinh hay vitamin nào, tất cả đều phải nhập khẩu. Điều đó thật vô lý và đáng tiếc. Trong khi đó ngành công nghiệp vi sinh vật là một ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cực kỳ lớn cho đất nước. 
Cho đến nay, ngành công nghiệp vi sinh vật của chúng ta chỉ xoay quanh 3 lĩnh vực: Đó là bia (chúng ta xứng đáng là cường quốc Bia). Tiếp đến là bột ngọt (nhưng là toàn nằm trong tay các công ty nước ngoài, họ chỉ lấy sắn, gỉ đường của chúng ta để làm ra bột ngọt. 1 lít dịch lên men làm được 150g bột ngọt. Mỗi nồi lên men vào khoảng 1000 lít, mà mỗi nhà máy của họ có khoảng 700 nồi lên men, như vậy mỗi ngày họ làm ra biết bao nhiêu tiền). Thứ 3 là Vaccin. Đây là lĩnh vực mà chúng ta đã làm được khá nhiều việc do được Nhà nước tập trung đầu tư nghiên cứu. Việt Nam đã tự túc được khá nhiều loại vaccin, kể cả những vaccin thế hệ mới sử dụng tái tổ hợp gen.  Đó là minh chứng điển hình cho khẳng định của tôi là: Nếu đầu tư nghiêm túc cho lĩnh vực vi sinh vật học thì chúng ta sẽ gặt hái được rất nhiều thành công. 
Ngoài 3 lĩnh vực trên, chúng ta không phát triển thêm bất cứ sản phẩm nào từ vi sinh vật và đó là điều đáng buồn. Có những thứ rất đơn giản, rất thực tế, dễ làm mà chúng ta không làm. Tôi nói ví dụ như vấn đề số người mắc căn bệnh ung thư hiện nay của chúng ta tăng lên một cách đáng sợ. Vậy tại sao số lượng người bị ung thư lại tăng lên nhiều như vậy? Trong rất nhiều nguyên nhân có một nguyên nhân mà dường như ai cũng biết, song đành phải cố quên đi. Đó là việc chúng ta đang phải ăn rất bẩn, ăn phải rất nhiều chất gây ung thư có trên các loại rau cỏ, thực phẩm… Tôi đã từng kiến nghị với Bộ Y tế một vấn đề mà chưa được giải đáp đó là Tương. 

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nói mà không ai nghe...
 
Tương là món ăn truyền thống rất ngon, đặc biệt là Tương Bần. Tôi đã phải về tận Hưng Yên để xem người ta làm tương như thế nào và tôi thấy sợ cách làm của người dân nơi đây. 
Về lý thuyết cách làm tương là ngâm gạo nấu thành xôi sau đó đổ vào nong, chờ lên nấm mốc đó chính là nấm Aspergillus Oryzae một loại nấm tốt men cao chuyển hóa bột thành đường, chuyển hóa đậu tương thành axit amin. Nhưng khi tôi nhìn vào cái nong của họ thì thấy rằng không phải chỉ có Aspergillus Oryzae mà trăm thứ bà rằn, xanh đỏ tím vàng đủ các loại nấm. Trong đó có một loại nấm có tên là Aspergillus Flavur sinh ra độc tố Aflatoxin cực nguy hiểm có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi và sinh ra một số chất độc hại khác. Ngay những người có chuyên môn như chúng tôi cũng không thể phân biệt được 2 loại nấm Aspergillus Oryzae và Aspergillus Flavur vì chúng rất giống nhau. Tôi có đề nghị một bà cụ, người khá nổi tiếng vì đã từng được huy chương vàng về làm tương là: cho chúng tôi làm thử một mẻ, với điều kiện là… hãy để chúng tôi giặt nong. 
Bà ấy nhìn tôi từ đầu đến chân giống như người ở hành tinh khác đến. Bà nói: Chúng tôi làm tương đã mấy đời nay, và bí quyết của chúng tôi là không giặt nong, đồ xôi xong là đổ ra nong ngay. 
Tôi nói với bà, điều này quá nguy hiểm và thuyết phục bà cứ cho chúng tôi giặt nong, nếu hỏng chúng tôi sẽ đền toàn bộ chi phí cho bà, cuối cùng bà cũng đồng ý. Tôi lấy ra một gói bao tử nấm Aspergillus Oryzae do chúng tôi sản xuất (có giá là 1000 đồng/gói) và nhờ bà đồ xôi rồi rắc bao tử vào. Chúng tôi để lại số điện thoại và ra về. Hai ngày sau, bà gọi điện thoại cho tôi bảo: Bác ơi, chưa lần nào mà mốc nó lại lên đều và đẹp như thế.
Tôi tin là bà nói đúng, vì chúng tôi đã cấy hàng tỉ bao tử nấm vào mà lại chỉ toàn là nấm Aspergillus Oryzae đã được kiểm nghiệm và nghiên cứu kỹ. 
Qua chuyện này, tôi kiến nghị với Bộ Y tế là cho kiểm tra Aflatoxin ở các mẫu tương được bán trên thị trường. Để kiểm tra cũng rất đơn giản vì nó phát huỳnh quang khi chiều tia tử ngoại vào.
Nhưng tôi nói cũng không ai nghe, cho đến hôm nay cũng không ai làm!
Một chuyện nữa tôi thấy cũng khá hài hước. Trên TV ngày nào cũng ra rả quảng cáo các loại nước mắm không có vi khuẩn. Điều này thật buồn cười, chả có nước mắm nào có vi khuẩn vì nồng độ muối như vậy lấy đâu ra vi khuẩn. Còn nhớ đợt dịch tả năm nào cứ đổ cho thủ phạm là mắm tôm. Tôi đã nói trước Quốc hội: không phải do mắm tôm, vì với nồng độ muối của mắm tôm, không có vi khuẩn nào sống được, nhất là vi khuẩn tả là vi khuẩn không có bao tử thì chết ngay, nên không thể đổ tội cho mắm tôm được. Và kết luận phải chôn các bể mắm tôm ở các làng làm mắm tôn đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người dân nhưng về mặt khoa học lại không đúng.
Tôi cũng đã từng kiến nghị với đồng chí Chủ tịch thành phố Hà Nội về vấn đề rau sạch. Một lần tôi được một đồng chí lãnh đạo của Hà Nội đưa đi thăm vùng trồng rau sạch, tôi hỏi anh căn cứ vào đâu để cho là rau này sạch. Anh bảo: Tôi đã ký hợp đồng với họ rồi, họ đã cầm bao nhiêu tiền rồi và cam kết là 5 ngày trước khi hái rau không phun thuốc…
Tôi cười bảo: Thế mà anh cũng tin được à? 
Sâu chỉ trong một đêm là nó phá tan cả ruộng, họ chỉ nói vậy thôi chứ không thực hiện đâu. Một nguyên lý quá đơn giản là không có bướm thì không có sâu nên chỉ cần làm nhà lưới là giải quyết được vấn đề. Với nông dân chỉ cần trang bị đầy đủ nhà lưới, lo đầu ra cho sản phẩm và thuê họ làm với giá hợp lý là giải quyết được ngay vấn đề về rau sạch. Đấy cũng là một việc không hề khó, mà chúng ta không làm được. Ngoài cách làm này ra không thể tin được vào bất kỳ một loại rau sạch nào khác. Mọi người đừng bao giờ tin khi ra chợ các bà bán rau nói rau của họ bị sâu cắn lỗ chỗ nghĩa là không hề có thuốc sâu. Đó chẳng qua là “bài” của các tay đầu nậu, họ xui nông dân hãy để cho sâu cắn một ít rồi phun thuốc. Thậm chí có bà bán rau còn dấu một ít sâu trong túi thỉnh thoảng bắt vài con cho bò lổm ngổm trên rau… 
Điều này là quá nguy hiểm mà tôi nói thì không ai nghe, và không ai làm cả…
Tại sao chúng ta không nghiên cứu những vấn đề rất cụ thể ví dụ như thuốc trừ sâu sinh học an toàn tuyệt đối với người nhưng diệt sâu rất hiệu quả. Khi trồng rau trong nhà lưới, mà có những vi khuẩn nhỏ vẫn lọt qua nhà lưới như con bọ nhện chẳng hạn, thì sẽ dùng thuốc trừ sâu sinh học. 
Hay một ví dụ khác là hiện tượng ô tô, xe máy đang đi tự dưng bốc cháy gây hoang mang trong dư luận thời gian gần đây nhưng người dân không biết hỏi ai. Người thì bảo do chuột cắn, người bảo xăng có methanol, người bảo vấn đề tâm linh… và chẳng ai nghiên cứu về vấn đề này cả. 
Như vậy tôi cho rằng phải có những cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu và chịu trách nhiệm trả lời về những vẫn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của mình. Phải có những phòng nghiên cứu chuyên đề cấp nhà nước. Ví dụ như về vi sinh vật, tôi xin đảm bảo, hỏi chúng tôi về vấn đề vi sinh vật học chúng tôi sẽ trả lời được. Nếu chúng tôi không trả lời được, chúng tôi sẽ hỏi bạn bè quốc tế, chúng tôi có quan hệ với tất cả các viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Cũng tương tự như vậy đối với các lĩnh vực khác. Tôi mong muốn nhà nước phải xây dựng những lực lượng nghiên cứu chuyên nghành để giao nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu. Không bứt phá về khoa học thì sẽ không bao giờ theo kịp các nước khác ngay cả mục tiêu cho đến năm 2020 sẽ trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại cũng là điều rất khó.
Với những ví dụ trên có thể thấy rằng không thiếu gì đề tài nghiên cứu mà chúng ta phải đổi mới hoạch định chính sách khoa học bằng cách là chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu như hiện nay. Chúng ta phải xây dựng những lực lượng nghiên cứu để nhà nước cần việc gì, giao việc đó cho bộ phận có nghề. Còn đấu thầu hiện nay đang dàn trải lung tung và không bứt phá lên được. Nếu chúng ta sử dụng tốt 600 triệu dolla dành cho nghiên cứu khoa học (một con số rất nhỏ so với thế giới, nhưng lại là một con số rất lớn với những người làm khoa học ở Việt Nam) chúng ta giải quyết được rất nhiều việc. Sắp tới chúng đang cố gắng để lập một xưởng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao ví dụ như cái taq polymerase là cái mà lâu nay chúng ta phải nhập để cho các máy PCR với giá rất đắt, chúng tôi đã làm thử với giá rẻ hơn Mỹ 10 lần thế mà tại sao chúng ta không làm mà phải đi mua do đó chúng tôi sẽ cố gắng làm ra những sản phẩm công nghệ cao để nuôi nhau. Và tôi nói thật, tôi rất tiếc, lẽ ra Nhà nước phải giúp chúng tôi vì đó là mô hình rất hay. Các nhà khoa học không cần tăng lương, mà chúng tôi biết cũng không thể tăng lương được (hiện nay gần 9 triệu người ăn lương thì làm sao mà chúng tôi hy vọng được tăng lương)… Nhưng, ngay cả điều này tôi cũng đã kiến nghị mà… không ai đầu tư cả!

Lê Trang

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

đấy, lập luận đây này!

http://giadinh.net.vn/y-te/nghe-y-nghe-nguy-hiem-2-nhung-an-si-trong-phong-thi-nghiem-vaccine-2013101109583432.htm

Nghề y - Nghề nguy hiểm (2): Những “ẩn sĩ” trong phòng thí nghiệm vaccine

GiadinhNet - Giáo sư Nguyễn Thu Vân – Giám đốc Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 chia sẻ, nghề nào cũng có đặc thù riêng nhưng đối với nghề nghiên cứu vaccine, các nhà khoa học phải trực tiếp đối mặt với chính các mầm bệnh. Đó là virus, vi khuẩn gây bệnh, từ đó mới làm sinh khiết ra các chất miễn dịch cho con người.

Nghề y - Nghề nguy hiểm (2): Những “ẩn sĩ” trong phòng thí nghiệm vaccine 1
Cán bộ nghiên cứu vaccine được ví như những “ẩn sĩ” trong phòng thí nghiệm.  Ảnh: Hoài Nam
Hút phải vi khuẩn tả vào miệng
Một buổi chiều muộn, tôi đến Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 nằm trong Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để gặp GS Thu Vân. Có lẽ tính cách của GS Thu Vân rất điển hình cho công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm: Nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Do môi trường thí nghiệm, sản xuất vaccine phải vô trùng nên mọi người đều phải tuân thủ kỷ luật khi vào đây. Hành lang, phòng ốc sạch như lau như ly, không có một hạt bụi.
GS Thu Vân kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn vất vả, về những tai nạn nghề nghiệp. “Ngày xưa khi hút các dung dịch, nguy cơ lây mầm bệnh cho người vẫn xảy ra. Ngày nay, phương tiện bảo hiểm tốt hơn nên tai nạn nghề nghiệp cũng đỡ hơn trước, song tai nạn nghề nghiệp vẫn không thể nào tránh khỏi hoàn toàn...”, GS Thu Vân chia sẻ.
Chính bản thân GS Thu Vân  cũng từng bị tai nạn nghề nghiệp khi hút phải phóc môn vào miệng, bị cay sưng lưỡi mấy ngày liền không ăn uống được gì. Thậm chí có những đồng nghiệp của bà gặp  tai nạn khi cầm pipet bị vỡ đâm vào tay chảy máu, nhiều người còn bị ngất đi.  Thậm chí có người nhỡ tay tiêm vào chính mình. Có trường hợp còn hút phải phóc môn hoặc hút phải vi khuẩn tả phải đi ngoài là chuyện đã xảy ra.
Cán bộ nghiên cứu vaccine phải ngồi trong một phòng kín cả ngày. Đó là môi trường làm việc ngặt nghèo đầy áp lực nên rất dễ mệt mỏi...
GS Thu Vân ví von: Người nghiên cứu vaccine chẳng khác nào những “ẩn sĩ” trong 8 giờ đồng hồ làm việc. Đó là một môi trường im lặng tuyệt đối. Trong lúc làm việc, các cán bộ nghiên cứu không được nói chuyện, chỉ nhìn là hiểu. Có các quy trình phải thuộc lòng, làm đến đâu, đưa cái gì, tất cả đều phải chính xác 100%. Bốn tiếng liên tục không nói năng, không uống nước - đó là chuyện hết sức bình thường trong một ngày làm việc của họ. Thường phải hoàn thành xong một công đoạn mới được ra, không có chuyện thay ca như những môi trường sản xuất dây chuyền khác. Không chỉ “tịnh khẩu” mà đi cũng phải rất nhẹ để không khí không bị xáo trộn...
 
Nghề y - Nghề nguy hiểm (2): Những “ẩn sĩ” trong phòng thí nghiệm vaccine 2
GS Nguyễn Thu Vân. Ảnh: TG.
Thí nghiệm trên chính cơ thể mình
GS Thu Vân kể: “Hầu hết các vaccine chế tạo ở đây đều thử nghiệm trên chính chúng tôi trước để kiểm chứng sản phẩm của mình có an toàn hay không? Tâm lý khi tiêm cũng bình thường thôi, vì mình phải tin tưởng bản thân chứ...”.
Quy trình làm mỗi loại vaccine cũng rất khác nhau. Khi sản xuất xong ngoài kiểm tra chất lượng phải gửi mẫu đi kiểm định cấp quốc gia, qua thử nghiệm mới được cấp phép lưu hành. Bất cứ một loạt vaccine nào xuất xưởng chúng tôi đều đau đáu theo dõi xem có xảy ra sự cố gì không? Cho dù là vaccine an toàn nhưng không phải người nào cũng giống người nào, hơn nữa việc tầm soát trẻ trước khi tiêm chúng ta làm chưa được đầy đủ. Ví dụ bố mẹ chưa kết hợp chặt chẽ với thầy thuốc, sau khi tiêm, phải theo dõi bao lâu, nếu em bé có biểu hiện khác thường thì phải báo  ngay lập tức, cấp cứu ra sao...
“Mỗi lần xảy ra những sự cố liên quan đến việc tiêm vaccine, bản thân tôi thấy rất buồn. Buồn không phải do chất lượng vaccine, vì mình làm mình biết chất lượng ra sao. Nếu vaccine bảo quản không tốt thì chỉ mất hiệu lực thôi chứ không thể ảnh hưởng tới tính mạng. Nếu nói do vấn đề bảo quản mà gây tai nạn chết người là không đúng. Cơ thể của trẻ có những bệnh bẩm sinh mà chúng ta không biết, do các bệnh đồng nhiễm có thể gây ra tử vong. Còn những ca sốc phản vệ nếu bố mẹ biết phối hợp tốt với bác sĩ thì vẫn có thể cứu chữa được kịp thời”, GS Thu Vân cho biết.
“Nếu mình tiêm cho con cả cộng đồng sẽ được bảo vệ, không tiêm cho con thì bản thân con mình bị mắc và lây nhiễm cho người khác. Ngay gia đình tôi, các con tôi đều tiêm hầu hết các loại vaccine trong nước, trừ những loại trong nước không sản xuất được. Hiện nay nước ta đã sản xuất được 11- 12 loại vaccine. Nghiên cứu và làm ra một vaccine phải đến 10 năm, vì vậy phải kiên trì lắm không thì bỏ cuộc. Có người nói giờ người ta tiêm vaccine ngoại, ai tiêm vaccine nội mà nghiên cứu? Họ không hiểu rằng, nhiều người dân lao động vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn rất khó khăn, làm gì có tiền mà tiêm vaccine ngoại cho con. Mỗi khi nghe những lời nói kiểu đó, chúng tôi rất buồn, vì bản thân tôi cũng như những đồng nghiệp suốt đời chỉ làm vaccine cho đất nước này, cho những người còn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...”, GS Thu Vân nói đầy ưu tư.
 
Hoài Nam

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

đi... và ở...

đi là ra đi mãi mãi... còn ở là tiếp tục ở lại với cuộc đời này...
Chiều tối 04/10/13, bác Giáp đã ra đi để về với Bác Hồ.
Người người tiếc thương, cả nước xúc động. Đúng là nghĩa tử là nghĩa tận... đến cả fb cũng có nhiều bạn mình chia sẻ nhiều điều xung quanh sự kiện này.
Riêng mình thì thấy mừng cho cụ, cuối cùng cũng được ra đi thanh thản, cuối cùng cũng được về với bình yên. Thế nên là mình lặng im trước việc này trên fb và cũng không bình luận gì ngoài đời. Đưa tiễn cụ trong lòng thôi, ngày nào cũng đi với cụ một đoạn đường từ chỗ cụ đang nằm, ngay nhà tang lễ 5 Trần Thánh Tông, ngay cạnh cty mình, về qua nhà cụ, nơi có bàn thờ cụ mà ngày ngày dòng người nườm nượp đến thắp hương, ở 30 Hoàng Diệu.
Riêng với mình thì thời điểm này cũng nhiều biến động. Suy nghĩ cũng lộn xộn với nhiều cảm xúc. Giờ đã bớt bức xúc hơn thời điểm vài tuần trước, giờ đã bình tĩnh hơn. Nhưng có cái gì đó đã mất đi và nó cũng chẳng để lại khoảng trống nào cả. Có lẽ chưa bao giờ nó tồn tại chăng. Mọi người ai nhìn thấy mình cũng bảo sút cân à? sao mà sụt đi thế? Và cũng chỉ biết cười trừ. Chẳng thể nào nói ra được câu chuyện vì sao lại thế với mọi người cả vì ngay cả đến những người là khởi nguồn câu chuyện cũng chẳng cần biết cơ mà. Chẳng biết nên buồn hay nên vui khi mà mình lại là đứa có thể dễ dàng cho qua những thứ không phải là của mình đến như thế... Ôi!
Lại nói đến những thứ không phải của mình... Đúng là người đó không phải của mình đâu... Xao lòng chút thôi, đôi khi thấy ấm lòng chút thôi... Nhưng rồi cái gì không phải của mình thì cũng vẫn sẽ không thuộc về mình được đâu.
Hôm nay ngồi phơi nắng gặm cái bánh mì ở ngoài cầu thang đằng cửa sau lab một mình lúc trưa muộn mới chợt nghĩ ra một điều. Hôm nay chị bán hàng tự dưng quên không hỏi lại cứ thế cho cả ớt vào bánh của mình. Chẹp, tự dưng ăn cái bánh mình cay cay tương ớt mà nghĩ ra một điều: anh cũng như tương ớt với mình vậy, nó đỏ đỏ, hăng hăng, hấp dẫn, dễ thương, thu hút theo một nghĩa nào đấy, nhưng quả thật là nó cay, nó làm mình rộp lưỡi bỏng môi, nó làm mình không thấy ngon nữa. Mọi người cũng bảo phải cay cay mới ngon, mình cũng thấy thêm chút ớt cũng thú vị, ăn vào thấy ngòn ngọt, hăng hăng nhưng sao ăn rồi lại bỏng rát lưỡi vậy, dù chỉ chút ít thôi cũng rộp môi, cũng mất hết vị giác đi vậy. Mọi người hay bảo mình, con gái phải biết ăn cay để còn biết ghen chứ. Nhưng mình không ăn cay được vì khi đó mình chẳng cảm nhận được gì ngoài vị hăng cay và cái khó chịu vì rộp lưỡi, rộp môi cả. Thế đấy. Mà anh thì lại là người rất thích ăn cay, càng cay càng ngon. Ví anh như là tương ớt với mình quả thật là hợp. Ai nhìn ngoài vào cũng bảo mình với anh có gì đó hợp nhau, như kiểu mọi người bảo mình phải tập ăn cay ý. Bác Kiên lại còn mạnh miệng gọi luôn tên anh lúc mình đùa đùa hỏi bác ý là thế anh nghĩ ai sẽ cưới em. Chẹp, duyên quá cơ. Nhưng mà anh cũng như tương ớt ý, có gì đó hấp dẫn, đáng yêu, nhưng không hợp với mình, không phải của mình, thế nên mình chẳng thể nào thích nghi nổi, y như là mình không ăn được tương ớt vậy. Mình có thể đi bên anh, giúp anh nhiều việc như anh giúp mình nhưng để mà yêu thương anh, để anh được tự hào thì chắc khó. Hì, nghĩ xa xôi quá nhỉ. Ví cũng giống như tương ớt ý, mình có thể lấy tương ớt cho mọi người ăn, nhìn mọi người ăn và thấy vui vì mọi người cảm thấy ngon miệng với cái cay cay hăng hăng ấy trong khi lại không thể ăn được, không cảm thấy ngon miệng như thế. Cũng may là không phải ví anh như món rau diếp cá, hic, món ý thì mình tránh xa, còn không cả ngồi cạnh mọi người lúc mọi người ăn được ý chứ.. May quá, dù sao thì vẫn có thể thấy ấm áp khi ở bên anh, nhận sự quan tâm của anh như một người em gái, xưng hô thân thiết với anh là bác - em, mừng cho hạnh phúc, niềm vui của anh. Hì, thế là vui rồi.
Mình biết sẽ rất khó để tìm được một ai đó hiểu được mình, thông cảm cho tình cảnh của mình, chấp nhận những gì mình đã và đang làm. Và có thể là chẳng tìm được ai cả. Và có thể nếu anh và mọi người xung quanh, bạn bè mình biết những gì mình đã phải đối mặt thì có lẽ mọi người sẽ không còn yêu thương mình như bây giờ nữa. Mình biết điều đó. Mình biết phản ứng của mọi người sẽ ra sao và mình chấp nhận nó, kể cả sẽ phải đứng một mình và đi một mình trên đường đời này... mình sẽ ra đi một cách thanh thản vì mình vốn dĩ chẳng có gì để mất cả mà...
Mình vui vì trên đời này mình gặp được anh, được bác Kiên, được Hà, được Lâm béo... và cả cái đề tài Quai bị đầy vật vã và trăn trở nữa... Yêu anh nhiều như yêu cuộc đời này vậy... Thơ thẩn và thờ ơ... hjhj...