http://giadinh.net.vn/y-te/nghe-y-nghe-nguy-hiem-2-nhung-an-si-trong-phong-thi-nghiem-vaccine-2013101109583432.htm
Nghề y - Nghề nguy hiểm (2): Những “ẩn sĩ” trong phòng thí nghiệm vaccine
GiadinhNet - Giáo sư Nguyễn Thu Vân – Giám đốc Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 chia sẻ, nghề nào cũng có đặc thù riêng nhưng đối với nghề nghiên cứu vaccine, các nhà khoa học phải trực tiếp đối mặt với chính các mầm bệnh. Đó là virus, vi khuẩn gây bệnh, từ đó mới làm sinh khiết ra các chất miễn dịch cho con người.
|
Cán bộ nghiên cứu vaccine được ví như những “ẩn sĩ” trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Hoài Nam
|
Hút phải vi khuẩn tả vào miệng
Một buổi chiều muộn, tôi đến Công ty Vaccine và Sinh
phẩm số 1 nằm trong Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để gặp GS Thu Vân.
Có lẽ tính cách của GS Thu Vân rất điển hình cho công việc nghiên cứu
trong phòng thí nghiệm: Nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Do môi trường thí nghiệm,
sản xuất vaccine phải vô trùng nên mọi người đều phải tuân thủ kỷ luật
khi vào đây. Hành lang, phòng ốc sạch như lau như ly, không có một hạt
bụi.
GS Thu Vân kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn
vất vả, về những tai nạn nghề nghiệp. “Ngày xưa khi hút các dung dịch,
nguy cơ lây mầm bệnh cho người vẫn xảy ra. Ngày nay, phương tiện bảo
hiểm tốt hơn nên tai nạn nghề nghiệp cũng đỡ hơn trước, song tai nạn
nghề nghiệp vẫn không thể nào tránh khỏi hoàn toàn...”, GS Thu Vân chia
sẻ.
Chính bản thân GS Thu Vân cũng từng bị tai nạn nghề
nghiệp khi hút phải phóc môn vào miệng, bị cay sưng lưỡi mấy ngày liền
không ăn uống được gì. Thậm chí có những đồng nghiệp của bà gặp tai nạn
khi cầm pipet bị vỡ đâm vào tay chảy máu, nhiều người còn bị ngất đi.
Thậm chí có người nhỡ tay tiêm vào chính mình. Có trường hợp còn hút
phải phóc môn hoặc hút phải vi khuẩn tả phải đi ngoài là chuyện đã xảy
ra.
Cán bộ nghiên cứu vaccine phải ngồi trong một phòng
kín cả ngày. Đó là môi trường làm việc ngặt nghèo đầy áp lực nên rất dễ
mệt mỏi...
GS Thu Vân ví von: Người nghiên cứu vaccine chẳng
khác nào những “ẩn sĩ” trong 8 giờ đồng hồ làm việc. Đó là một môi
trường im lặng tuyệt đối. Trong lúc làm việc, các cán bộ nghiên cứu
không được nói chuyện, chỉ nhìn là hiểu. Có các quy trình phải thuộc
lòng, làm đến đâu, đưa cái gì, tất cả đều phải chính xác 100%. Bốn tiếng
liên tục không nói năng, không uống nước - đó là chuyện hết sức bình
thường trong một ngày làm việc của họ. Thường phải hoàn thành xong một
công đoạn mới được ra, không có chuyện thay ca như những môi trường sản
xuất dây chuyền khác. Không chỉ “tịnh khẩu” mà đi cũng phải rất nhẹ để
không khí không bị xáo trộn...
|
GS Nguyễn Thu Vân. Ảnh: TG.
|
Thí nghiệm trên chính cơ thể mình
GS Thu Vân kể: “Hầu hết các vaccine chế tạo ở đây đều
thử nghiệm trên chính chúng tôi trước để kiểm chứng sản phẩm của mình
có an toàn hay không? Tâm lý khi tiêm cũng bình thường thôi, vì mình
phải tin tưởng bản thân chứ...”.
Quy trình làm mỗi loại vaccine cũng rất khác nhau.
Khi sản xuất xong ngoài kiểm tra chất lượng phải gửi mẫu đi kiểm định
cấp quốc gia, qua thử nghiệm mới được cấp phép lưu hành. Bất cứ một loạt
vaccine nào xuất xưởng chúng tôi đều đau đáu theo dõi xem có xảy ra sự
cố gì không? Cho dù là vaccine an toàn nhưng không phải người nào cũng
giống người nào, hơn nữa việc tầm soát trẻ trước khi tiêm chúng ta làm
chưa được đầy đủ. Ví dụ bố mẹ chưa kết hợp chặt chẽ với thầy thuốc, sau
khi tiêm, phải theo dõi bao lâu, nếu em bé có biểu hiện khác thường thì
phải báo ngay lập tức, cấp cứu ra sao...
“Mỗi lần xảy ra những sự cố liên quan đến việc tiêm
vaccine, bản thân tôi thấy rất buồn. Buồn không phải do chất lượng
vaccine, vì mình làm mình biết chất lượng ra sao. Nếu vaccine bảo quản
không tốt thì chỉ mất hiệu lực thôi chứ không thể ảnh hưởng tới tính
mạng. Nếu nói do vấn đề bảo quản mà gây tai nạn chết người là không
đúng. Cơ thể của trẻ có những bệnh bẩm sinh mà chúng ta không biết, do
các bệnh đồng nhiễm có thể gây ra tử vong. Còn những ca sốc phản vệ nếu
bố mẹ biết phối hợp tốt với bác sĩ thì vẫn có thể cứu chữa được kịp
thời”, GS Thu Vân cho biết.
“Nếu mình tiêm cho con cả cộng đồng sẽ được bảo vệ,
không tiêm cho con thì bản thân con mình bị mắc và lây nhiễm cho người
khác. Ngay gia đình tôi, các con tôi đều tiêm hầu hết các loại vaccine
trong nước, trừ những loại trong nước không sản xuất được. Hiện nay nước
ta đã sản xuất được 11- 12 loại vaccine. Nghiên cứu và làm ra một
vaccine phải đến 10 năm, vì vậy phải kiên trì lắm không thì bỏ cuộc. Có
người nói giờ người ta tiêm vaccine ngoại, ai tiêm vaccine nội mà nghiên
cứu? Họ không hiểu rằng, nhiều người dân lao động vùng sâu vùng xa,
vùng nông thôn rất khó khăn, làm gì có tiền mà tiêm vaccine ngoại cho
con. Mỗi khi nghe những lời nói kiểu đó, chúng tôi rất buồn, vì bản thân
tôi cũng như những đồng nghiệp suốt đời chỉ làm vaccine cho đất nước
này, cho những người còn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...”, GS Thu Vân
nói đầy ưu tư.
Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét