Giờ thì cũng chả rỗi rãi cho lắm, còn nhiều việc phải làm mà vẫn chưa làm, nhưng mà không tập trung nổi.
.. Vậy nên đành lan man một tí. Cứ lan man hết cỡ có thể lan man rồi sẽ đến chỗ để dừng thôi. Hy vọng là thế (và càng sớm càng tốt keke).
---
Chuyện là hôm trước xem trên tivi một đoạn các bạn học viện ngôi sao học vỡ bài với thầy giáo. Thầy giáo là ai giờ tự dưng chả nhớ ra, hình như là nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong hoặc là anh Nam Khánh của AC&M thì phải. Đại khái là mình cũng chỉ khoái hóng hớt kiểu cưỡi ngựa xem hoa vì bản chất là không có tố chất để theo mấy cái cao siêu gọi là năng khiếu nghệ thuật như thế này. Và mình là chuyên gia ăn may, toàn hóng được những đoạn hay và rất thú vị. Ví dụ là lần này. Các bạn ý vỡ bài, thầy bảo đừng hát giật cục, nhấn từng chữ một như tiếng đàn piano như thế, hãy hát kiểu mượt và da diết như tiếng vĩ cầm ý. Ơ, tự dưng nghe thế mới chợt nhận ra đúng là tiếng piano khác hẳn tiếng violon thật. Tiếng piano được tạo ra do phím gỗ gõ vào dây đàn, một nốt là một tiếng gõ, nhiều nốt là nhiều tiếng gõ, bản nhạc sẽ là các tiếng gõ rời rạc nốt tiếp nhau. Còn violon thì lại khác, âm thanh được tạo ra do động tác kéo, cọ sát vĩ vào dây đàn, một lần kéo có thể tạo ra nhiều nốt, các nốt "dính" vào nhau, âm thanh kéo từ nốt này sang nốt khác, không ngắt rời như piano. Ồ, vậy là bản thân việc lựa chọn nhạc cụ nào để chơi bản nhạc cũng sẽ tạo nên những hiệu ứng cảm xúc khác nhau đấy.
Cũng vẫn các bạn học viện ngôi sao ý, nhưng trong một buổi học khác, cô giáo dạy các bạn ý hát kiểu hàn lâm, tức là hát giống kiểu học ở nhạc viện. Cô giáo bảo các bạn ấy hát nốt nhạc của một giai điệu bài hát thiếu nhi. Hát nốt nhạc chứ không phải hát lời bài hát nhé. Nhưng mà cô bảo các bạn ấy phải hiểu lời bài hát nói gì để mà diễn tả cho đúng. Ví dụ đoạn nói về bác nông dân thì phải hát với một tinh thần khỏe khoắn, mạnh mẽ, tươi vui. Nói về mùa màng thì lại hơi khác một chút, vui kiểu khác, bay bổng một chút, khoáng đạt một chút... Cô giảng giải, sửa chữa một hồi thì nghe các bạn ý hát lại thấy khác hẳn. Nói tóm lại là hát không chỉ cần đúng nốt, đúng cao độ, trường độ mà còn phải có sắc thái tình cảm. He he, cái này biết là thế nhưng đầy người không làm được. Thế nên mình vẫn rất khoái mấy bài cậu Thái băm hay hát kiểu "bên bờ ao có con chuồn chuồn/ mắt nó buồn nhưng mặt nó vui" cho cả đám PTN nghe hồi xưa. Bài hát thì lời lẽ gọi là tình ca hơi sến tẹo nhưng qua cái giọng ca của thằng cu Thái mà nghe nó vừa ngồ ngộ lại vui vui. Mình rất khoái.
-----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét