Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Gửi tuổi thanh xuân

Lần thứ hai viết về cái này.
Lần trước là sau khi đọc xong bản chữ. Hồi đầu tìm đọc bản chữ cũng là vì biết đến bản điện ảnh của Triệu Vy mà lúc đấy chưa được xem. Tò mò mà.
Đọc xong bản chữ tất nhiên là có những cảm nghĩ, mà viết ra rồi nên chả nhớ rõ lắm. Đại khái là ấn tượng về sự tươi trẻ của tuổi thanh xuân.
Hôm nay mới xem bản điện ảnh của Triệu Vy. Đọc bản chữ cũng lâu rồi nên nhiều chi tiết cũng không nhớ lắm. Vậy cũng hay. Tốt nhất là không nhớ gì cả. Vì 2 phiên bản là 2 bản thể độc lập mà.
Xem bản điện ảnh này mình cũng tâm đắc lắm. Thích. Thích hơn bản chữ. Ít nhất là thỏa mãn với cái kết hơn. Bản chữ có cái kết mà mình không lý giải được. Có lẽ thế nên chỉ cảm thấy là "Ok, chấp nhận vậy. Dù sao cũng là lựa chọn của họ, mình thì vẫn nguyên tắc cũ, miễn cứ không hối hận là được.". Tiểu thuyết với truyện thôi mà.
Xem bản điện ảnh này, vẫn là ấn tượng thích thú, thỏa mãn với vẻ tươi trẻ, sinh động của Trịnh Vy. Nhưng ngoài ra như Triệu Vy đã nói rồi đấy, bản điện ảnh là có một sinh khí riêng của nó mà.
Lúc Trịnh Vy đi nhận mặt Nguyễn Nguyễn, cô ấy nói rằng: "Tớ sẽ không khóc vì cậu. Cậu chết vì hắn ta là không đáng." Xong cảnh quay chuyển nhìn sang phía băng ghế, một bên là Triệu Thế Vĩnh đang gục đầu khóc vật vã, còn một bên là bác sĩ Ngô, chồng sắp cưới của Nguyễn Nguyễn, ngồi lặng im. Trong khung hình không quay mặt anh ấy, chỉ nhìn được hai bàn tay anh nắm chặt đặt trên hai đầu gối, dáng ngồi thẳng tựa vào tường, lặng im như tượng, đối ngược với một bên là Triệu Thế Vĩnh khóc lóc vật vã, quằn quại gục lên gục xuống. Khung hình ấy gây ấn tượng với mình. Đột ngột và mạnh mẽ.
Đoạn này mình không nhớ trong truyện nội dung như thế nào. Kệ. Nhưng đến đoạn này mình chợt hiểu ra tại sao trong truyện cuối cùng Trịnh Vy lại chọn Lâm Tĩnh. Tại vì cô ấy không muốn như Nguyễn Nguyễn. Vì một chữ yêu, cho dù là đã qua rồi, cho dù là đã quyết định từ bỏ rồi, nhưng cuối cùng chỉ vì một chút rung động trong chốc lát, vì cái tình yêu đã qua ấy mà cô ấy mất mạng. Vy Vy thấy quá thương tâm và cũng không can tâm. Vy Vy đã bị bỏ rơi đâu chỉ có một lần. Cô ấy không muốn tiếp tục nữa.
Lúc Nguyễn Nguyễn giới thiệu bác sĩ Ngô với Vy Vy, Vy Vy có hỏi một câu: "Cậu có yêu anh ấy không?" Nguyễn Nguyễn đã trả lời: "Sao có thể chỉ mới gặp qua vài lần đã có thể nói là yêu đương gì được. Chỉ có điều cả mình và anh ấy đều muốn tìm đối tượng để kết hôn. Mình cảm thấy anh ấy là người chồng tốt." - Mình chợt thấy tình huống này quen quen. Có lẽ đã có một lúc nào đó nghĩ về vấn đề này, hoặc nói chuyện với ai đó về vấn đề này. Giờ mới có được câu chữ rõ ràng để mà lý giải, giờ mới tìm được câu chữ thỏa mãn. Và đến lúc xem đến đoạn Vy Vy đi nhận mặt Nguyễn Nguyễn và nói với cô ấy mấy lời trên, mình chợt rất muốn nhắn tin cho một người. Nhắn tin để hỏi là:
- Này, cậu muốn tìm người thích hợp để kết hôn hay là muốn tìm một người để yêu?
Xong người đó sẽ nhắn trả lời mình: - Cậu cũng biết câu trả lời rồi mà. (Vì có một lần người đó đã nói với mình một câu gì đó về vấn đề này rồi)
Xong mình sẽ nhắn lại là: - Ừ, vậy thì cậu cố gắng nhé.
Hehe, muốn cố vũ bạn theo đuổi lý tưởng thôi mà.
Đoạn kết, cảnh Trịnh Vy để lại tin nhắn cho Lâm Tĩnh rồi tự trở về trên xe tải chở ngô là bước ngoặt. Mình cảm thấy được giải thoát. Hình ảnh Trịnh Vy ngồi bó gối trên đống ngô vàng ươm, chiếc xe tải vút đi trên con đường uốn lượn dọc theo bờ sông cuộn sóng ầm ào thật có một sức mạnh. Trịnh Vy lúc đó mới đúng là Trịnh Vy. Con người của tuổi thanh xuân, có những lúc đã mất đi, giờ lại sống lại.
- Anh quay lại gặp em không phải để nối lại tình xưa. Anh quay lại để hỏi em rằng anh có thể yêu em lần nữa không?
Quá khứ đã qua, tuổi thanh xuân đã qua là những hồi ức đẹp. Hồi ức thì là của quá khứ. Nhưng con người ta sống ở thì hiện tại. Vậy thì sao không thể tiếp tục chứ? Mình cảm thấy, sau khi Trần Hiếu Chính nói câu này thì Vy Vy có chọn anh ấy hay không, hai người có nên duyên vợ chồng hay không thì cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa. Vì mọi thắc mắc, băn khoăn của mình đều đã được giải tỏa rồi. Và Triệu Vy cũng để một cái kết mở cho câu chuyện. Cho dù có chi tiết Trịnh Vy hỏi Trần Hiếu Chính về kỉ niệm ở công viên Hải Dương, có nhắc đến một lời cầu hôn thì chi tiết này cũng chỉ để cho người xem có sự tưởng tượng cho thỏa mãn về happy ending nếu thích trọn vẹn thôi. Chứ mình thấy chỉ cần đến đoạn Trần Hiếu Chính nói câu nói trên là cái kết đã đầy đủ rồi. Mình thích những cái kết mở. Giống cái kết mở trong Lovers in Paris cũng vậy.
--------
Tuần này có nhiều chuyện khiến mình quay cuồng đầu óc, đôi khi không bình tĩnh được. Và có một nhịp mình bị sock.
Một người chị đã nói với mình: Chị không biết được, vì thực tế, ý thức trách nhiệm với công việc của mỗi người là khác nhau.
Chỉ một câu nói ấy thôi mà đầu óc mình đang loạn bỗng dưng trống trơn. Một cú đánh tỉnh người đấy.
Ôi trời. Tuổi thanh xuân của em. Lý tưởng của em. Chị ơi.
---------
Tivi đang chiếu phim "Mùi cỏ cháy". Phim được làm dựa trên Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. Kịch bản hình như của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một đồng đội của tác giả.
Hồi cấp 3, phải viết bài cảm nhận về Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, mình hình như chỉ đọc một vài đoạn, hoặc có thể là chưa từng đọc, không nhớ rõ nữa. Mình viết chỉ tóm lại có một ý thế này: Cái thời ấy chiến tranh là điều không ai lựa chọn, ra trận hay đi chiến đấu, đi bộ đội trong mắt của những thanh niên trẻ, nhất là sinh viên đang trên ghế nhà trường, thực ra chỉ có cái gì đấy oai hùng, chẳng ai biết, chẳng ai tưởng tượng ra đến lúc bom nổ bên tai hay người bạn ở ngay trước mặt mình trúng đạn gục xuống. Cái chết lúc ấy chỉ là lông hồng trong văn chương, là "hy sinh", là một danh từ trừu tượng. Thế thôi. Mình chỉ muốn nêu ra cái ý đấy. Thế nên mình có thể cảm động, có thể xúc động rơi nước mắt. Nhưng bảo mình tung hô những mỹ từ ca ngợi sự hy sinh của tuổi trẻ, sự xung phong ra trận thì mình không làm nổi. Thực ra lúc đấy họ đâu có nhận thức hết được cái ác liệt của chiến tranh, đâu có nhận thức rõ được hy sinh là thế nào đâu. Họ chỉ có duy nhất tuổi trẻ, sự nhiệt thành, sức sống mãnh liệt và quyết tâm dám làm thôi. Những cái đấy thì thanh niên thời đại nào cũng có và nên có. Thời đại của họ thì cộng thêm với lòng yêu nước trong chiến tranh thì ra như vậy thôi. Nếu hỏi những người sống sót qua chiến tranh, những người chứng kiến những mất mát của đồng đội có lẽ chả ai chọn sự hy sinh để mà tự hào cả. Họ có thể tự hào vì sức trẻ, vì tuổi thanh xuân đã sống hết mình, nhưng tự hào vì hy sinh, vì mất mát thì có lẽ không. Đau đớn lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét