Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

The Green Light and The Great Gasby

Đây là một tác phẩm thuộc hàng kinh điển của thế giới. Đấy là lý do vì sao nghe tên nó nhiều và rồi đến một ngày nào đó vào năm ngoái đã quyết định rước quyển Gasby vĩ đại ở hiệu sách về (hic, nhưng giờ này vẫn chưa giở ra lần nào hehe).
Nếu xem Inception thì the kich là điểm nhấn thì ở đây là green light. Cái ánh sáng màu xanh của cái đèn hiệu ở cuối bến tàu nhà Daisy ở bên kia bờ vịnh New York được nhìn từ nhà Jay. Ánh sáng màu xanh đầy ma mị.
The Great Gasby là tác phẩm nói về ảo vọng của con người thì chính ánh sáng màu xanh của ngọn đèn ấy là ảo vọng của Gasby, đó là nơi nàng Daisy của anh đang sống.
Hy vọng, mộng ước ... đấy là động lực sống của Gasby, nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh, kể cả nàng Daisy yêu kiều cũng vậy.
Gasby là một nhân vật điển hình, một ẩn dụ văn học. Giờ thì mình đã hiểu nghĩa của cái ẩn dụ đấy. Không biết đọc truyện sẽ như thế nào nhưng qua điện ảnh thì thấy rất ấn tượng.
Gasby là một thanh niên trẻ, đã từng là như thế. Và như tất cả các thanh niên trẻ khác, anh ta sống có khát vọng, một chút tham vọng và lý tưởng. Anh ta gặp ông Dylan, một hình mẫu lý tưởng, và rồi học được cách để trở thành một quý ông, à, ít nhất là anh ta đã biết cách để cư xử như một quý ông.  
Nhưng đáng tiếc là anh ta vẫn nghèo. Vì thế cho dù anh ta có thật sự có tâm hồn và một ý thức của một quý ông thì anh ta vẫn để vuột mất người con gái mà anh ta yêu, đóa hoa mong manh, Daisy. Và sự hụt hẫng được biết trước này, (anh ta hoàn toàn ý thức được sự thiếu hụt của mình, và dở hơi ở chỗ là anh ta lại đi mong đợi người ta sẽ thông cảm cho mình) đã đẩy cuộc đời anh đến những điều không tưởng. Một quý ông gangster, anh ấy trở thành một tên gangster, nghe có vẻ đầy đe dọa và nguy hiểm. Nhưng nói thật là một tên gangster-quý ông như Gasby không đê hèn và đáng khinh như tên quý tộc Tom Buchanan. Ồ, anh ta có bồ, Tom í, hiển nhiên và dễ hiểu thôi. Còn tuyệt vời hơn nữa là anh ta đã đánh vỡ mũi cô bồ Myrtle sau một cuộc vui tới bến khi cô ấy nói cái gì đó động chạm tới Daisy, ồ, một người chơi bời và vẫn biết nghĩ đến vợ, cũng khá đấy. Thậm chí anh ta còn xúc động đến run rẩy và rớt nước mắt khi lật tấm vải phủ và thấy Myrtle nằm đó, đã chết. Ôi, anh ta cũng có chút lương tâm đấy chứ. Ít nhất thì anh ta đã giúp Myrtle có những lúc vui vẻ trong cái cuộc sống khốn khổ của cô ấy và cũng đã dành cho cô ấy một ít tình thương cảm. Tuy nhiên, cái cách anh nhìn lên ánh mắt van nài của Myrtle rồi sau đó quay mặt đi đầy tội lỗi thì thật bực mình. Nhưng thế vẫn còn hiểu được, anh ta quay đi bởi vì anh ta sẽ không bỏ Daisy được, anh ta yêu Daisy cho dù anh ta có ngoại tình. Nhưng khốn nạn ở chỗ chính cái tình yêu vô bờ bến và vương vãi lung tung của anh ta đã khiến Myrtle phải chết, chính cái ánh mắt khốn khổ đầy tội lỗi khi buộc lòng phải quay đi của anh ta đã khiến Myrtle đầy hy vọng mà lao ra đường khi nhìn thấy cái xe màu vàng đang lao tới vào cố chặn đầu nó. Cuối cùng thì cô ấy đã chết. Chết rất nhanh, thậm chí là còn chưa kịp nhận ra là cô ấy bị đâm bởi cái mà cô ấy tưởng là tình yêu, cái xe màu vàng lúc ấy đối với Myrtle là dấu hiệu của hy vọng. Và rồi tên khốn nạn kia, sau giây phút xúc động đến run người trước thi thể Myrtle thì anh ta nghĩ ngay đến việc kết tội Gasby. Ồ, chỗ này thì đúng là số phận trớ trêu, một công đôi việc. Cho dù sự thật thế nào thì cái xe màu vàng là của Gasby, và người duy nhất nghĩ cái xe ấy là dấu hiệu của Tom chỉ là Myrtle, thế thôi. Thế nên mọi tội lỗi đổ thẳng lên đầu Gasby, danh chính ngôn thuận, Tom đã lợi dụng được tình huống đó để vừa được tỏ lòng tiếc thương Myrtle một cách công khai và đầy trách nhiệm, xóa bỏ được sự hối tiếc của anh ta lại vừa trả thù tình địch, Gasby. Ôi trời, đời đúng là đời! Cơ hội luôn đến với những kẻ giơ tay ra và vợt được nó. Great!
Còn Gasby, anh chàng ngây thơ, nồng nhiệt, ... cuối cùng đã sung sướng chết trong hạnh phúc vì mọi toan tính của anh ấy về hạnh phúc đã thành hiện thực. Đến lúc ngã xuống nước thì những điều cuối cùng Gasby nhận thức được là tiếng người quản gia trả lời điện thoại: "Vâng, ngài Gasby chắc sẽ rất vui khi biết cô gọi". Ha ha, chỗ này là lỗi dịch kinh điển nhưng mà chẳng biết làm thế nào được, tiếng Việt khác tiếng Anh, tiếng Việt có ngôi xưng hô rất phức tạp. Cứ đơn giản như tiếng Anh ấy, chỉ một chữ "you" ấy thôi là đủ để Gasby chết một cách sung sướng rồi. Thực ra thì đấy là phân tích về dịch thuật, còn thực sự chắc lúc ấy chỉ cần tiếng chuông điện thoại reo lên là đủ với Gasby rồi. Mọi thứ đều đúng như anh ta mong đợi. Anh ta ở trong ngôi nhà đối diện nhà Daisy bên kia bờ vịnh, tổ chức những bữa tiệc xa hoa thu hút hàng trăm người để mong một ngày Daisy xuất hiện ở đó. Và cuối cùng anh ta đã thành công. Giờ anh ta chỉ mong Daisy gọi điện và anh ta đã nghe tiếng chuông điện thoại. Vậy là quá đủ. Mọi thứ đều hoàn hảo. Song cũng giống như ánh sáng xanh ma mị của ngọn đèn, đấy chỉ đơn thuần là một ánh sáng, một ngọn đèn, nó chẳng phải là tín hiệu cho cái gì cả, chẳng mang những ý nghĩa mà Gasby đã ấn định cho nó, ánh sáng ấy không phải là Daisy. Tất cả mọi thứ xảy ra có vẻ như trong tính toán của Gasby nhưng thật ra đó chỉ là vẻ ngoài, chẳng có gì là thực cả. Anh ta là đại gia, hô mưa gọi gió, thu hút điều khiển được hàng trăm người ở cái thành phố ấy nhưng anh ta nhầm lẫn một điều cơ bản, mỗi con người là một cá thể riêng biệt, anh ta có thể vẽ kịch bản cho đời mình nhưng không thể bắt người khác diễn theo kịch bản ấy được. Anh ta không thể có quyền năng điều khiển suy nghĩ của người khác, làm cho họ theo ý mình cho dù anh ta thuyết phục rất chân thành đi chăng nữa. Vì vốn dĩ con người là những kẻ ích kỉ và không mấy ai có thể đủ tỉnh táo để nhận ra và trân trọng một sự chân thành.
Nick Carraway ấn tượng với Gasby và giúp anh ta gặp lại Daisy, thậm chí còn động viên những lúc Gasby thiếu tự tin. Nick làm như vậy tất cả chỉ vì ấn tượng với nụ cười của Gasby dành cho anh trong lần đầu tiên gặp. Nick đã nói rằng nó đầy tin tưởng. Mình nghĩ đấy là sự chân thành. Gasby không phải tính toán, sắp xếp để dụ Nick vào kế hoạch của mình mà Gasby đã thể hiện sự chân thành với Nick. Đơn giản vậy thôi. Không có lợi dụng ở đây. Một lời đề nghị của bạn bè. Hết sức chân thành. Và Nick nhìn thấy sự tin cậy đó nên đã đồng ý giúp đỡ. Đơn giản vậy thôi.
Và Nick đã thực sự trân trọng sự chân thành đó. Anh là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện, toàn bộ các mối liên hệ giữa các nhân vật. Anh thấy rõ đâu là điều đáng quý và đâu là những cái đáng khinh. Cuối cùng thì anh bị sốc. Làm sao khác được. Nhưng may mắn là ông bác sĩ đã đúng, viết ra câu chuyện khiến cho mọi thứ được giải thoát. Và như một món quà, để tỏ lòng trân trọng, nhớ về Gasby, Nick đã viết về cuộc đời Gasby, về những ảo vọng và thực tại, và đặt tên nó là The Great Gasby.
Trước đây mình biết đến tên tiếng việt của câu chuyện là Gasby vĩ đại. Đến khi bộ phim được quảng cáo thì người ta gọi nó là Đại gia Gasby. Còn mình, trong lúc xem phim mình đồng ý với cách dịch thứ hai cho đến trước cái cảnh Nick viết tay thêm hai chữ The Great vào trước tên truyện Gasby đã được đánh máy xong. Sau cảnh ấy thì mình nghĩ rằng dịch là Gasby vĩ đại mới đúng. Đấy là sự tôn vinh, tưởng nhớ một người bạn, một lý tưởng. Gasby đã sống theo đuổi những điều đẹp nhất, tình yêu, Daisy, sự xa hoa với một sự nhiệt thành đáng ngưỡng mộ, không hề mệt mỏi và đầy chân thật. Cái tinh thần ấy cho dù đúng là ảo, vì nó sẽ bị bao vây bởi sự thật nghiệt ngã của cuộc sống, sự ích kỉ của con người che lấp, nhưng nó thực sự đẹp và đáng trân trọng.
Còn một chi tiết nữa rất ấn tượng với mình. Đấy là phát súng anh chồng Myrtle bắn Gasby ở cuối phim. Tiếng nổ gọn, đanh, và nó thực sự vẫn khiến mình giật nảy mình cho dù đã được dõi theo anh ta cầm khẩu súng và bước đi dọc hành lang ở cảnh phim trước. Không hiểu đạo diễn làm thế nào nữa??? Mình biết rõ Gasby sẽ chết vì bị bắn, cũng đã nhìn thấy anh ta cầm súng bước vào nhà. Thế mà rồi vẫn bị bất ngờ khi súng nổ. À, chắc lúc đó còn đang mải mê, hồi hộp theo dõi tiếng điện thoại. Như kiểu bị lừa ý. Tập trung chú ý vào tình tiết Daisy có gọi điện thoại không và rồi thì hoàn toàn bị bất ngờ khi súng nổ. Kiểu như lúc ý mới thấy rõ thế nào là ảo mộng và thực tại, mới hiểu được cảm nhận khiến Nick suy sụp đến thế. Mọi thứ đối với Gasby đều vẫn đẹp và đúng y anh mong đợi cho đến cả khi súng nổ, tay anh đưa lên chạm vào máu trên ngực và cho đến tận khi anh mỉm cười lúc ngã xuống bể bơi. Nhưng đối với người xem, chứng kiến câu chuyện thì tiếng súng ấy là ranh giới giữa ảo mộng và thực tại. Ảo mộng vỡ tan cùng với tiếng súng ấy và chỉ còn lại thực tại nghiệt ngã thôi.
Nói chung là một tác phẩm tuyệt vời, bộ phim ấy. Còn tác phẩm văn học thì mình sẽ cố gắng đọc trong một ngày gần nhất. hihi.
---
Một chút cho riêng mình: Có một lúc nào đấy mình chợt thấy mình thật giống với Gasby. Xây dựng một thế giới ảo cho riêng mình với đầy đủ mọi thứ và sống hạnh phúc trong cái tổ ấm ấy. Ồ, thế cũng tốt cho một kẻ như mình, mình cần phải mạnh mẽ và những ảo ảnh đó giúp mình rất nhiều. Nhưng quả đúng là mình không giỏi như Gasby (làm sao mà bằng được, anh ấy là nhân vật tiểu thuyết mà), mình vẫn bị vướng vào những cái khúc mắc giữa ảo ảnh và đời thực. Những cú đụng độ giữa hai cái đấy thỉnh thoảng mới xảy ra thôi nhưng thực sự là nó khiến mình thấy bối rối, loạn cào cào, nó đảo lộn trật tự thế giới của riêng mình vì thực sự nó rất rất mơ hồ. Mình không thể nắm bắt, không thể hiểu được nó.
Chà, một chút than thở thế thôi chứ vẫn phải đối mặt í mà. Hạn chế tối đa và mong cho nó qua thật nhanh.
À, còn một điều nữa là ngưỡng mộ Leonardo DiCaprio, Jang Dong Gun và Kate Winslet... những nhân vật đã nổi tiếng từ lâu nhưng phải nói là đến giờ mình mới thấy họ thực sự giỏi, tức là phải đến các vai diễn gần đây mình mới thích họ chứ còn trước kia thì không. Và cho đến bây giờ mình vẫn không thích Titanic.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét