Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Câu chuyện tháng Tám

Lâu lâu không viết gì... nên nay lại viết.
Hình như tuần trước cũng định viết mà rồi lười lại thôi. Có mấy việc, giờ cũng chả nhớ cụ thể nữa, thôi cứ đến đâu thì viết lại đến đấy vậy. Thế giới của mình mà.
Bác Thoa. Bác ấy gần như là người đầu tiên mình tiếp xúc khi đến cái công ty này. Mãi sau đi làm lâu rồi, nghe mọi người nói mới biết tên bác chứ cũng chả bao giờ hỏi. Nói chuyện với bác thì chủ yếu là: mình: "Chào bác ạ", còn bác ý thì hay cười cười bảo: "Cô này lại quên chìa khóa nhé. Tôi gửi trong bảo vệ cho đấy". Tết thì mình với mọi người đi về hay được bác gửi lời chúc mừng đến gia đình. Bác rất chu đáo, sáng ra mọi người đến hòm hòm, xe để dần dần kín chỗ thì bác đi một lượt, sắp xếp lại xe ngay ngắn, dồn các xe lại để lấy chỗ cho người đến sau còn để được. Đầu giờ chiều cũng một lượt như vậy. Cuối giờ, trước khi về bác lại dắt mấy xe của mọi người về muộn lùi vào trong mái hiên, khỏi mưa, khỏi gió mà cũng gọn gàng. Bác nhớ tên từng người, từng xe, ai quên chìa khóa thì bác cất hộ, hết giờ mà chưa ra thì bác sẽ gửi lại bảo vệ cẩn thận trước mới về. Mình làm ở tầng hai, ở trong nhà máy suốt, không mấy khi ra ngoài, chỉ gặp bác lúc sáng đến hoặc đầu giờ chiều, chứ chiều cũng về muộn, ít gặp bác. Nhưng phải nói là nhờ có bác mà mình thấy cái công ty này ấm áp hơn một chút đấy. Mình chả biết nói chuyện nên cũng chả dám hỏi thăm gì, đi qua chỉ cười chào Bác ạ thôi. Mình cũng có thói quen dựng xe sát các xe khác một cách ngay ngắn, không chỉ ở công ty mà ở đâu cũng vậy, là từ cách làm việc của bác. Chứ lúc đầu vào mà gặp cái chú trông xe bây giờ thì chắc không được thế. Chú ấy cứ kệ, xe ai nhét được vào thì nhét, chả nhét được thì thôi. Bác Thoa ngày trước có lúc thấy mình loay hoay dắt xe mọi người xếp lại để cho xe mình vào, bác mà đi qua gặp thì hay bảo, cô để sang bên kia, lát tôi dắt vào cho. Bác nói thế mình càng thương bác, cứ tự dắt luôn, xong bảo, thôi cháu dắt tí là xong rồi bác ạ. Giờ mà để ra rìa vườn hoa ý thì coi như là yên phận ở đấy, mưa gió gì cũng kệ. Đấy, ngẫm ra mà nói thì có khi cứ làm theo cách của mình, có tình có lý thì mọi người tự theo, đỡ phải nói nhiều nhỉ. Thôi rút ra là, như thầy mình dạy rồi ý, sống cần có tâm, làm cũng cần có tâm.
---
Lại nói về thầy. Thầy làm chủ nhiệm lớp mình 3 năm cấp 3. Thầy cũng như bác Thoa, cũng là điểm sáng trong cái quãng thời gian chán ỉn ấy của cuộc đời mình. Thầy lấy bài Thời thanh niên sôi nổi để làm lớp ca cho lớp mình. Thầy dạy văn, không lãng mạn kiểu sến sủa như các cô giáo mà thầy rất cứng rắn, thầy còn là một người lính nữa mà. Mình thì vốn dĩ sống trong môi trường tập thể từ nhỏ, đã bị quản thúc trong môi trường chặt chẽ như vậy lâu rồi, thầy hiệu trưởng cấp 1, cấp 2 mình cũng là người lính mà. Mình cũng hiểu và cảm được "cái tự do trong khuôn khổ" từ bé nên mình không thấy bất mãn gì với cách quản lý cái lũ tiểu yêu mới lớn, lắm chuyện của thầy. Rất chặt chẽ nhưng cũng rất tình cảm. Thầy hay kể chuyện, hay nói những câu chuyện nhiều ngụ ý để dạy lũ học trò, thái độ sống, cách kiên cường mà đối mặt với nghịch cảnh trong đời, con gái thì đừng nhẹ dạ cả tin mặc dù đấy là bản chất của các cô rồi đấy.... Mình thì nói thật là chả thiết tha gì với cái lớp cấp ba ý, môi trường ấy quá lạ lẫm với mình, 3 năm chẳng đủ để mình hòa nhập được vào nó. Nhưng cũng may là có thầy và một vài người bạn, họ giúp mình thấy được mình chẳng làm gì sai, cách sống cách nghĩ của mình không sai mà chẳng qua là mình không gặp đúng môi trường thôi. Nhờ vậy sau này mình mới lấy lại được tự tin và có thể được như bây giờ. ... Hồi xưa thỉnh thoảng ngồi nghĩ linh tinh, mình đã nghĩ là sau này có chồng mình sẽ đưa đến gặp 3 thầy cô giáo đã từng dạy mình, cô Diệp, thầy Phong và cô Tâm. He he, cứ tưởng tượng thế đấy.
9 năm ra trường mới gặp lại thầy. Mình chẳng có ý giữ liên lạc với ai cả nên họp lớp mình không biết. Đứa bạn mình đi họp lớp về kể, thầy cứ hỏi bà cả buổi, lúc đến hỏi, lúc về lại hỏi xong dặn tôi đi tìm bà, thế là về may sao tôi add fb bà lại accept luôn. Chiều tối họp lớp thì 10h đêm hôm ấy mình được nó add vào group của lớp, trong đó có cả fb của thầy. Sáng hôm sau thấy thầy gửi lời mời kết bạn trên fb cho mình. Lúc đầu ngại, chẳng dám add, mãi một lúc sau mới accept. Chiều hôm đấy hẹn gặp lại nó, cái đứa tìm ra mình cho thầy, nghe nó kể chuyện thầy hỏi thăm mà trong lòng cứ nhột nhột. Hôm sinh nhật lớp, 19-8, thấy mấy đứa không đi họp lớp rủ nhau lên nhà thầy, mình cũng đi theo. Chả thân với bọn nó, chẳng nói chuyện bao giờ nên cũng hơi ngại. Mà thực ra gặp thầy rồi mình cũng chẳng biết nói gì. Nhưng mà nghĩ mà thấy .... thôi, cứ đi gặp thầy thôi. Vậy là đến nhà, trông thầy vẫn như xưa, chẳng khác mấy, thầy vẫn nhận ra học trò cũ. Thầy vẫn vậy, kể những câu chuyện của cuộc đời mình để nhắn nhủ học trò một cái gì đó trong lẽ sống ở đời. Thầy ơi, con chẳng biết nói gì đâu thầy ạ. Cuộc đời con có những sự khác biệt và con biết là sẽ phải chịu đựng những gì, con chấp nhận vì con thấy con không sai thầy ạ. Con rất trân trọng những gì thầy yêu thương, quí mến chúng con, con vẫn nhớ thầy là thầy giáo chứ không phải giáo viên của con, thế nên con chỉ biết xưng con gọi thầy để cảm tạ ơn nghĩa đấy của thầy. Lớp mình cũng còn thiếu vài người chưa tìm nối lại liên lạc, trong đó có bạn Loan, cái đứa lí lắc, vô tâm vô tính ngồi cạnh mình suốt 3 năm cấp 3. Chẳng hiểu sao mà đến nỗi hầu hết cả lớp nhắc đến nó chẳng ưa gì. Nhưng mình thấy nó bình thường, nó cũng cần được công bằng, nó cũng nằm trong danh sách lớp A6 suốt 3 năm cơ mà. Vậy là mình đi tìm nó cho thầy, đến nhà nó theo trí nhớ cái địa chỉ mình biết, vì ngồi cạnh nó mà, lúc nó điền hồ sơ giấy tờ nên mình biết, chứ cũng chưa đến nhà nó chơi bao giờ. Hơn nữa cái phố đấy mình cũng đi qua suốt, nhất là hồi học bên khoa tiếng anh, mỗi lần đi qua lại, à, nhà cái Loan ở đâu đây đoạn này, vậy là nhớ. Mà cũng may là nhà nó chưa chuyển đi đâu, vậy là mình cứ mạnh dạn vào hỏi, cũng hơi ngại, tự dưng mò vào nhà người ta hỏi han cũng ngại chứ. Nó không có nhà, nhưng xin được số điện thoại, gọi cho nó hỏi có phải Loan không, xưng tên, nó nhận ra mình ngay, vẫn cái giọng đấy, vẫn kiểu nói chuyện vồ vập, hồn nhiên ấy. Tối về mình add fb nó, rồi add nó vào group lớp. Thấy thái độ của những đứa khác trong lớp chả hay ho gì nhưng thôi kệ, quan trọng là mình tìm được người quen, vậy thôi. Vẫn còn một số bạn nữa, thầy vẫn tìm... mình thì chịu rồi, không nhớ nổi nữa rồi.  
-----
An education (2009) là một bộ phim kể về câu chuyện của một cô gái 16 tuổi và sự lựa chọn của cô trước ngưỡng cửa cuộc đời. Một cô học sinh trung học bình thường, luôn đứng đầu lớp và hướng tới Oxford. Hướng tới Oxford với một cô bé thông minh như vậy là một định hướng được ủng hộ từ tất cả các phía: gia đình (mà đại diện là người cha), xã hội (nhà trường, cô giáo) và kể cả bản thân cô bé (kể cả trong một tâm trạng hoang mang không hề nhẹ).
Cho dù lý do gì thì Oxford vẫn là bia đích.
Người cha với mong muốn một cuộc sống giàu có, (hoặc danh tiếng), chi tiền cho con gái học trong trường tốt, mua tặng cô bé quyển từ điển tiếng La tinh trong ngày sinh nhật 17 tuổi, khuyến khích cô bé tham gia dàn nhạc ở trường để lấy thành tích khi nộp đơn vào Oxford chứ không nên phí thời gian vào luyện đàn cello chỉ vì đấy là sở thích của cô. Ông kể lể rằng phải tằn tiện như thế nào để có tiền cho cô học hành nhưng sau ông cũng phát hiện ra một cách nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn để đạt được mục đích của mình, với cô con gái vừa xinh đẹp vừa thông minh như vậy, chỉ cần kiếm một anh chàng giàu có cho con bé là xong thôi!
Với nhà trường, đại diện là cô hiệu trưởng thì Oxford là danh tiếng, chẳng có gì để bàn cãi. Còn cô bé với khả năng của mình, hoàn toàn có thể đạt được cái danh tiếng ấy. Nhiệm vụ của nhà trường là phải giữ được cô bé đi thẳng hướng đúng con đường ấy mà thôi. Chẳng vì cái gì khác cả (!?)
Còn nhân vật cô giáo, người duy nhất có thể hiểu đúng vì sao cô bé nên chọn Oxford thì lại không thể đưa ra được lý do thuyết phục cô bé trước những cái hiển hiện rõ mồn một trước mắt: tiền bạc và danh vọng.
Còn cô bé, bản thân cô ấy chỉ thấy có gì đó không ổn trong định hướng tương lai của mình chứ rất mơ hồ, không thể nhận rõ đâu là đúng đâu là sai. Một cô bé mới chỉ 16, 17 tuổi thôi mà, biết làm sao được cơ chứ. Vậy nên với những lý luận đầy mâu thuẫn của người cha, cô bé chỉ biết cãi theo đúng lý thôi chứ cũng không thể phủ nhận hoàn toàn được. Người ta vẫn cần tiền để được sung sướng, cần danh để ngẩng mặt giữa đời. Đó là những cái cô ấy nhìn thấy trước mắt, những cái làm cô ấy được ngưỡng mộ, được cảm thấy vui. Vậy là cô bé cứ thế buộc phải chấp nhận đi theo con đường được vạch sẵn cho mình mặc dù cảm thấy nó chẳng có chút gì thuộc về mình. Cô cứ loay hoay, vừa bước vừa băn khoăn, cho đến một ngày cô phát hiện ra một cách khác để đạt được mục đích (đạt được những cái phù hoa người ta vẽ ra ở vạch đích và bảo cô phải chạy tới) và vậy là cô đã lạc lối. Nhưng dù sao cuối cùng cô bé cũng may mắn dừng lại được đúng lúc, trước khi quá muộn, và đứng lên được.
Vậy đó, bản thân lẽ phải tự thân rất khó giải thích, cũng rất khó để thuyết phục người khác. Chỉ có thể để cho người đó tự trải nghiệm mà dần ngộ ra thôi. Cũng như cô bé 16 tuổi kia vậy. Cuối cùng sau những phù hoa danh lợi, cô ấy cũng nhận ra cái gì là cần thiết và chọn được con đường đi mà cô ấy cảm thấy được là chính mình nhất.

-------
Về cuộc đời và tình yêu trong cuộc đời. Sex and the city (2008).
Mình xem đi xem lại phim này vài lần rồi. Vì để nghe tiếng anh và cũng vì nội dung của nó, đôi lúc mình cần một cái gì đó đúng thời điểm trong đời.
Cảnh Carrie nói với Mr. Big về ý định muốn tổ chức đám cưới: Ở đây thấy rõ sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Đàn ông là trụ cột, vì thế họ suy nghĩ những cái lớn lao, tiểu tiết không quan trọng. Anh yêu em, anh muốn có em. Vậy là được rồi. Còn đám cưới ư? Ok, thích thì chiều. Đơn giản ý mà. Chỉ mất 1 giây cộng với ánh mắt âu yếm đầy hạnh phúc của người thương, vậy là họ đã quyết định xong. Còn đàn bà thì sao? Họ mềm yếu, họ dễ bị lay động, họ biết điểm yếu đấy nên họ không đưa ra quyết định nhanh, họ do dự, họ băn khoăn, mất rất nhiều thời gian và cho đến cả khi đưa ra đề nghị thì cũng rất, rất dè dặt, họ không chắc lắm là cần hay không nữa mà, họ hỏi ý kiến người thân. Nhưng một khi đã quyết, và được chấp thuận, ủng hộ thì họ rất kiên quyết, quyết tâm và kiên định đi theo con đường đã chọn, không chịu từ bỏ, không chịu đầu hàng. Vậy đó, vậy là một thời gian sau, khi đã qua cơn sung sướng của tâm lý, lý trí của người đàn ông mới tỉnh táo lại, lúc đó anh ta mới lại suy nghĩ lại, mới lại vội vàng thay đổi, thường là 180 độ luôn, trong khi người đàn bà thì lúc đấy đã quyết xong và vẫn kiên quyết đi theo con đường đã chọn. Ở đây chẳng nói được ai đúng ai sai cả, vì cái đó còn phải xem xét cả một quá trình, trước đó và sau đó, rất dài, chỉ biết là thái độ đối đầu với sự việc là rất khác biệt mà thôi.
Đám cưới: Người phương Tây hiện đại đôi khi trong một mối quan hệ chỉ có sự công nhận của đôi bên là đủ. Hai người yêu nhau, họ dọn về sống với nhau và xác định một mối quan hệ là partner của nhau, hoàn toàn là thỏa thuận giữa hai người, có thể công khai với bạn bè, gia đình hoặc không, mà không cần ràng buộc gì về mặt pháp lý, giấy tờ. Lý tính là vậy. Tuy nhiên cũng có những lúc họ lại cảm thấy cần có một sự công nhận của xã hội rõ ràng hơn, cần một sự khoa trương rộng rãi để công nhận sự hạnh phúc của họ, đó là khi họ mong muốn có một đám cưới, và thường là nhu cầu ấy xuất phát từ bên nữ. Cái này thì xã hội nào cũng vậy, chỉ khác là đối với phương Đông thì yếu tố quan niệm xã hội ảnh hưởng quá lớn nên cái này trở thành quy tắc xã hội, buộc phải có, chứ không được nhìn nhận là do nhu cầu. Vì thế xã hội phương Đông và phương Tây có những quan niệm và cách tổ chức đám cưới khác nhau, mà bản thân trong xã hội phương Tây cũng đã có nhiều sự khác biệt rồi. Chẳng thế mà chỉ riêng trong phim, chỉ riêng đôi Carrie và Mr. Big đã có đến hai cái đám cưới với hai phong cách, hai tâm trạng hoàn toàn khác biệt rồi đấy.
Thực sự thì hạnh phúc là gì? Chả biết. Có khi hạnh phúc là được khoác lên người những bộ váy thật đẹp, thật lộng lẫy, cảm giác như mình là công chúa đang bước lên cầu thang của tòa lâu đài để đến lễ đường tràn đầy hoa và những ánh mắt ngưỡng mộ. Cũng có lúc hạnh phúc lại là lúc nhìn vào gương, thấy vệt bọt kem sữa trên môi và chợt nhớ ra, chợt biết mình phải làm gì là đúng đắn. Hạnh phúc có khi được thể hiện trong một ánh nhìn trìu mến, cảm thông, giúp ta bớt lạc lõng giữa chốn đông người. Nhưng đối với một cô gái thì một trong những thời điểm hạnh phúc nhất là khi nắm tay người mình yêu mà thề thốt với nhau những lời mãi mãi, "Ever thine. Ever mine. Ever ours.", kiểu như vậy, lúc ấy thì dù xung quanh có 1000 người hay chẳng có ma nào chứng kiến thì cũng chả quan trọng đâu. Hạnh phúc chắc là vậy đó.
---
Mình thấy con đường đi tìm hạnh phúc của mình có những con đường không thể đi, có những cánh cửa đã đóng lại nhưng giờ cứ biết đủ là ổn rồi.
Hạnh phúc là khi tìm được một cái balo ưng ý, để có thể đi và cảm nhận. Một phần đó là đê chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới, chuyến đi mình buộc phải đi dù không muốn, chưa biết thế nào nhưng trách nhiệm phải gánh tất nhiên làm mình mệt mỏi và không thoải mái như những chuyến đi khác. Dù sao thì là công việc thì vẫn phải làm, chỉ là cần chuẩn bị tâm thế cho vững vàng mà thôi. "Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên..." mà.
À đấy, để bước cho đúng nhịp thì cần một chút âm nhạc. Vậy là món quà thứ hai tự thưởng cho bản thân là một cái máy mp3, bù lại cho cái trước kia đã bị người ta mượn và làm mất. Hạnh phúc là tìm ra được nó, ưng ý và gợi nhớ kỉ niệm xưa nữa. Thời đại này, người ta bỏ tiền mua i-phone, i-pad, chứ chả có ma nào lại cầu kì đi chọn một cái máy mp3, có chức năng ghi âm, rẻ rẻ tiền như mình. Hic, ngay cả cái đầu tiên cũng đã không dễ tìm được cái ưng ý, nhìn là yêu ngay, vậy mà bị mất, lại còn không phải mình làm mất, nên bị cảm giác tiếc vô cùng. Mình còn một quyển sách nữa cũng bị mất khi cho người khác mượn, quyển "Những người khốn khổ", bìa màu xanh lá cây, mỏng thôi, chắc là sách rút gọn rồi. Sau này đi tìm chưa bao giờ thấy lại quyển nào như vậy ở ngoài hiệu sách, cả cũ, cả mới, chỉ toàn những bộ toàn tập, gồm 1 hay 2 quyển, dày cộp, nhưng cầm vào mình chẳng có cảm xúc gì cả. Chắc cái mất đi mới là cái yêu nhất chăng. Tiếc nuối là vậy đấy.
Vậy là...,
Tuần sau sẽ quay cuồng làm việc với quy trình, với thí nghiệm.
Tuần sau sẽ mệt mỏi với giấy tờ, thủ tục.
Tuần sau cũng sẽ chờ đón hai món quà mình tự thưởng cho bản thân, hai hạnh phúc bé nhỏ :)

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

... Vớ vấn thôi

(Nguồn gốc của cái đoạn văn viết lung tung sau đây một phần là do ảnh hưởng của những đoạn văn khác cũng "tạp nham" không kém dạo này mình hay gặp trên mạng, trên fb. Thêm vào nữa là một phần bức xúc cần xả ra theo một phương thức nào đó, bất kể phương thức nào cũng được thì đúng hơn, miễn là được xả)
Dạo này chị HNH hay bị chửi, chính xác thì là bị thiên hạ "trên mạng" chửi. Lý do thì mình bập bõm mà cũng chả liên quan nên không bàn. Nhưng cái việc chửi của thiên hạ mới hay chứ. Chửi chả ra thể thống cống rãnh gì cả (cái khái niệm thể thống cống rãnh là khái niệm riêng của mình nhé), chửi tùm lum, chỗ nào cũng chửi được. Thế mình mới thấy tài.
Riêng với bản thân mình thì có thể nói thế này, mình vẫn thích nghe HNH vỗ mông con để mỉa TL hơn là ngồi chịu đựng nghe TL gào rú nghệ thuật đẳng cấp.
Theo nhiều ý kiến chuyên môn, nhiều cái tai đẳng cấp đánh giá thì HNH chả có giọng hát. Vậy mà giờ đây cô ấy vẫn kiếm được tiền bằng cách đi hát, tất nhiên, thời buổi này biểu diễn nghệ thuật là tổng hợp nhiều giác quan chứ nói hát thì không chỉ có nghĩa chúng mình chỉ làm thính giả, chính xác thì chúng mình làm khán giả, xem biểu diễn để giải trí. Đúng, cô ấy là nữ hoàng giải trí. Kể cả ngồi nghe cô ấy nói trên ti vi, đọc những quan điểm sống cô ấy viết trên fb, nghe đĩa, xem show... tóm lại là xem cô ấy diễn, với mình tất cả đều ổn, và đều hướng đến cái tốt đẹp cho xã hội cả. Ngay như việc cô ấy tham gia làm giám khảo cho các chương trình tìm kiếm tài năng chẳng hạn, giúp cho thế hệ sau, chưa có gì nhiều thì cũng là động viên các bạn tham gia chương trình và tạo động lực cho những bạn ngồi trước màn hình. Vậy là ok đấy chứ, tốt đấy chứ. Nói thêm một chút, với DVH cũng vậy thôi. Mình không nghe nổi cái cách rền rĩ của DVH (có vẻ kiểu cách rất hợp với TL đấy chứ) nhưng mình hiểu đối với thị hiếu khán giả thì DVH cũng như HNH, họ đều là những người làm marketing xuất sắc, có đầu óc. Có thể nói tài năng bẩm sinh về nghệ thuật của HNH có lẽ không nằm ở giọng hát (HNH học piano trong trường nghệ thuật thì phải) nhưng cô ấy đã biết học hỏi, biết vận dụng những gì có trong tay để thành công. Mình khâm phục.
Còn TL thì sao? Là con nhà nòi. Tố chất hơn người - cái này nhiều người nói nhưng quả thực là mình không tin, không thể đồng tình với ý kiến này được cho đến chính xác cách đây 5 phút. Rất rất nhiều thông tin mình đọc, mình được nghe đều ca ngợi giọng hát TL. Mình nghe và im lặng, chả buồn cãi, chỉ hoàn toàn không hiểu. Hôm qua, trên tv có chương trình văn nghệ kỉ niệm 27/7. Bật tv đúng lúc TL đang biểu diễn. Tự dưng nghĩ mà thương các chú, chả hiểu các chú nằm có yên không nữa. TL hát bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến, đương nhiên là thế, bài Màu hoa đỏ. Bài này mình nghe mãi hồi còn bé, chả nhớ là nghe trên tv, đài hay nghe loa ở lăng Bác nhưng nó ngấm vào mình rất tự nhiên, xúc động. Nhưng mà hôm qua nghe TL hát mình choáng, dạo này rất kiên nhẫn, rất cảm thông, vậy nên cố gắng ngồi nghe xem có thấy giọng xuất sắc, hát hay như thế nào. Quả thật là nghe mà chỉ thấy thương các chú. Ấy thế mà cách đây 5 phút, trước lúc viết bài này mình phải lên google xem lại xem bài hát tên là gì, vì mình nghe nhiều nhưng toàn nghe trên loa phát thanh, phát cả băng, liên tục không có giới thiệu, giai điệu nhớ, lời bập bõm thuộc chứ tên bài hát thì nhiều khi không biết. Thế nào lại ra được bản thu đầu tiên của bài hát, từ năm 90, người đăng thì ghi là bản thu của TL hát, nhưng mình nghe mà choáng, vì không nhận ra nổi đó là TL. Hát khác hẳn, nghe đúng chất bài hát, nhẹ nhàng mà tình cảm. Chắc các chú nghe bản này thì trong lòng cũng phơi phới và cảm mến người con gái đang hát lắm. Vậy đó, nếu quả thật đấy là bản thu tiếng hát TL thì giờ mình cảm thấy hiểu những người mình khâm phục tại sao lại bảo TL hát hay, vậy là mình phục họ vẫn đúng. Tuy nhiên nếu đó đúng thật là tiếng hát TL thì đấy, TL giờ liệu có còn là TL đáng để mọi người tung hô, nể trọng, có còn có cái tầm để mà mở mồm khinh miệt người khác: có cái gì để dạy học trò?? Chà, theo mình thì HNH có nhiều cái để dạy giới trẻ hơn đứt TL là cái chắc.
Riêng về hát, HNH hát tình ca buồn ra tình ca buồn, nhạc sôi động ra nhạc sôi động chứ không như TL, à, chị là người có tài, chị có cách riêng của chị, là đặc sắc của chị, là sáng tạo của chị, vậy nên chị bê nguyên xi cái kiểu gào rú dở người ấy từ tình ca, nhạc vàng cho đến nhạc đỏ - không đỡ nổi chị luôn. Chỉ riêng đoạn thẩm mỹ đó thôi mình đã đánh giá HNH hơn đứt TL rồi.
Có thể thiên hạ bảo nhìn thế thì phiến diện quá, con người là phải đánh giá trên mọi phương diện mới khách quan. Vậy thì xin thưa, thứ nhất, những người đó là nghệ sĩ, họ mang lại sự giải trí cho thiên hạ, vậy thì trước hết cứ nhìn họ dưới góc độ giải trí đã chứ. Ai đáp ứng tốt yêu cầu giải trí của thiên hạ, diễn giỏi hơn thì người đó giỏi hơn. Đơn giản vậy thôi. Thứ hai, về những phương diện khác, nói thật những cái đó tất cả đều là tin đồn, có ai trong số các nghệ sĩ đó công khai tất tần tật con người họ cho mình xem đâu mà đòi đánh giá này nọ. Mình chỉ được và cũng chỉ nên xem họ "diễn" thôi chứ. Còn cuộc sống riêng, nói thật, HNH chả biết sinh ra chậm vài năm so với TL, trong cái thời truyền thông mà tin của thông tấn xã vỉa hè lan nhanh còn hơn báo chính thống thế này thì là phúc hay họa. Chứ chị TL mà cứ thử bằng tuổi HNH xem, tin tức về chị liệu có thơm tho hơn chăng? Vậy nên với những cái gọi là mặt khuất ấy, mình không rõ nên mình không đánh giá. Túm lại, nhìn họa sĩ thì nhìn vào tranh để bảo thích hay không, nhìn ca sĩ thì nghe bài hát, diễn viên thì xem phim xem kịch,... cứ vậy mà làm thôi.
Như vậy, dựa trên tiêu chí đó thì với mình, TL chả có cái thế nào để mà mở mồm ra khinh HNH không có gì để dạy con nhà người ta cả. Nếu chị thật sự có đẳng cấp thì chị nên im lặng, chuyển kênh là xong, chả việc gì phải xem để mà nhận với cả xét vớ vẩn như thế. Còn HNH, cái trò vỗ mông con dạy đời thiên hạ ấy cũng là diễn đấy, diễn tốt, kịch bản xuất sắc, hợp vai - quá hay.
Nói về chửi ý, các cụ nhà mình chửi là nghệ thuật chứ chả đùa. Làm sao mà kẻ nghe vuốt mặt không kịp, nghe hát hay mà sợ vãi linh hồn nhưng lý lẽ của các cụ đầy đủ, đâu ra đấy nhé. Ngày mình học tiểu học hay cấp 2 gì đó có cái bài bà lão chửi thằng ăn trộm gà, chẳng nhớ là đọc ở đâu. Cái đó mới gọi là nghệ thuật chửi. Chẳng cần văng bậy nhưng mà đào xóc lộn hết cả lên. Lý lẽ đầy đủ, rõ ràng, đâu ra đấy, không khéo ăn đứt mấy ông luật sư bây giờ. Có chuyện con gà nhưng bà nói dài thành một bài, dài nhưng không thừa thông tin. Đấy là cái hay. Thằng ăn trộm nghe chắc vuốt mặt không kịp. Bà con hàng xóm tuy có điếc tai về độ lu loa nhưng chắc cũng chả phiền lòng lắm vì bà nói lý nào ra lý đấy, chả sai câu nào. Của đau con xót mà, cứ để cho họ xả một tí cũng chả sao.
Giờ cái văn hóa chửi lại được đưa ra bàn luận nhiều. Ồ, chả mấy ai giờ còn chửi được và dám chửi như bà cụ mất gà ngày xưa. Toàn văng lung tung cho đỡ stress nếu cố rồi mà nhịn không nổi, không diễn được nữa ý mà. Giờ con người ta văn minh, diễn tốt, mức độ kìm chế cao, người ta cố im lặng là nhiều. Vừa đẹp lòng thiên hạ (đỡ điếc tai) vừa không lộ sơ hở gì (dốt) của mình. Gọi văn hoa thì là dĩ hòa vi quý. Nói văn mình thì là khình, không thèm chấp bọn hạ đẳng hơn mình. Thôi thì diễn, đã trót diễn rồi thì diễn nốt cho xong, cứ diễn thế để thấy thế giới an hòa cũng là cái hay.
Nhưng chính vì cái kiểu dĩ hòa vi quý ấy mà cũng có những kẻ trí thức rởm lợi dụng nhảy ra đòi dạy đời thiên hạ, định hướng dư luận. Mình chứng kiến một ông bác sĩ, (chả biết có giáo sư gì không, vì đâu như ông này ở nước ngoài có đi dạy ở đại học) cũng khá nổi vì văn vẻ hay, cũng có viết sách, cũng chịu khó đi xa hướng về quê hương, nhưng có những phát biểu quả thật chả có tí chuyên môn nào. Nhưng vì văn anh giỏi, nên anh viết cũng có Vì... Nên..., cũng nêu này nêu nọ cộng với cái danh bác sĩ của anh nữa thì thành ra bà con tin sái cả cổ. Ôi giời, tôi không phủ nhận có những tin tức cần định hướng dư luận. Vì sao? Vì có những vấn đề xem xét phải rất cân nhắc lợi - hại, chứ không đơn giản là cứ thế mà nói được, nói đúng còn phải biết lựa cách nói để tránh gây hiểu lầm, nữa là ở đây anh còn nói sai lè ra. Vì đây là vấn đề liên quan đến khoa học, không phải chỉ đơn thuần là cảm nhận cá nhân như đối với nghệ thuật đâu anh. Khoa học là nó có lý lẽ, có đúng có sai, có nguyên nhân, hậu quả cả đấy chứ không phải đơn thuần anh không thích cách tôi viết thì anh chê văn tôi dở đâu ạ. Thưa anh, có lẽ anh nên chọn đi, hoặc là anh diễn tiếp với văn chương, khi anh bay với nghệ thuật thì anh làm ơn chừa các chủ đề chuyên môn ra, hoặc là anh ngừng diễn và làm một vị bác sĩ bình thường, hết lòng với bệnh nhân và ngoài giờ thì đọc thêm sách chuyên môn để mở mang kiến thức là hơn ạ.
Còn nói về khinh, dạo này mình đang rất khinh miệt một con mụ, từ xưa đến nay chưa gặp trường hợp nào dùng được từ khinh như trường hợp này. Người ta không biết (không có kiến thức) hoặc không biết cách (cách học, cách tiếp thu) thì còn có thể thông cảm, hoặc bỏ qua, hoặc gia công dạy dỗ, giúp đỡ. Được dạy, được giúp thì cũng phải biết ơn mà có tiến bộ, không ít thì nhiều. Vậy thì cho dù người đó có dốt cũng chả có gì để khinh cả. Ai cũng cần thời gian để phấn đấu, để học tập. Vâng vậy xã hội cũng tạo điều kiện cho rồi. Xã hội còn hết sức là kiên nhẫn, cho cơ hội không chỉ một mà là đến n lần rồi. Vậy mà cái trường hợp này quả là mới gặp lần đầu, đã dốt, lại còn không cố gắng. Đã dốt nhưng lại vâng dạ rất ngoan, vậy là được tiếng ngoan át cho tiếng dốt. Diễn còn giỏi gấp tỉ lần HNH luôn. Đã không cố gắng lại còn ỷ lại, làm phiền người khác. Cái này phải nói là lợi dụng rõ rành rành chứ không phải làm phiền, ỷ lại đơn thuần nữa. Ấy vậy mà xã hội vẫn rất kiên trì, nhẫn nại, vẫn một câu: phải cảm thông. Vâng, nó lôi lý do nhà nó có chuyện, lục đục này nọ để thiên hạ cảm thông với nó. Nhưng thử nhìn vào thái độ của nó xem, nó vẫn ăn đều, vẫn chơi đều, ngày buôn điện thoại à ơi với bạn khéo được chục cuộc có lẻ, con nó nó vẫn quẳng một xó, may ra lo được cho bữa cơm (khéo nó quẳng thẳng con bé về bà thì nó phải lo cái nỗi gì nữa nhở??). Còn á, mặt thẫn thờ á, mất ngủ á, nó bảo chồng nó đi về muộn làm nó tỉnh nên dở giấc, không ngủ lại được, mình nghĩ có mà dạo này vợ chồng lục đục, đéo được sướng nên sinh ra thế thôi. Ôi được cái là năng khiếu diễn của nó cao thủ thật, diễn mà như không, thật thương cảm, thật xúc động. Ọe. Nói thật trường hợp con mụ này mình chẳng thể nuốt thêm được biểu hiện gì của nó nữa rồi, chỉ thấy thương con bé con nhà nó, ngây thơ, vô tội mà vớ phải con mẹ với thằng bố vứt đi thì khác gì hỏng cả đời con bé.
---
Chốt lại,
Đời khốn nạn nhưng vẫn phải niềm nở => Diễn đi em!
Đẳng cấp mỗi thằng một khác, nhìn bề ngoài thì chả dễ mà biết được thằng nào hơn thằng cả đâu => Không đụng đến mình thì không khinh làm gì cho phí công.
Trong cuộc đời muôn màu dù tránh thế nào cũng không khỏi phải gặp cái thể loại đáng khinh => Một khi đã gặp phải loại củ chuối trên đường thì cố mà khinh nó đi, né qua một bên mà bước.
Nhiều lúc cần xả thì vẫn phải xả, không thì uất ức lắm chỉ tổ hại thân => Chửi được thì cứ chửi thật bài bản, chửi thật hay nhưng chỉ chửi nặc danh  (= giấu tên nó), sau lưng nó. Bởi vì mục đích chính là giải tỏa stress cho mình, chứ đời nó nó lo, chửi cho nó nghe làm gì cho phí nước bọt của mình.