Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Ờ thì "văn minh" ấy mà... là gì ý nhỉ??

Nãy vừa ngồi dọn dẹp đống note ở Keep thì thấy cái này. Hồi cách đây mấy tháng vụ này đã khá là hot trên toàn cõi facebook. Ầm ĩ từ nhiều phía vì vấn đề nó đặt ra và chiều hướng dư luận cứ thay đổi xoành xoạch mỗi khi một tình tiết của câu chuyện xuất hiện.
----------
Mình đã biết mặt chị Mỹ Linh MC này trên tv và đây quả là một tiếng nói công bằng từ một góc nhìn công tâm. Có lẽ người ta quá quen với kiểu "đi đường tắt", "lách luật" rồi nên không ý thức được rằng có những lúc đi đường tắt như vậy không chỉ là sai và còn dẫn đến những hậu quả thiệt thân khác nữa. Đôi khi người ta còn quên béng luôn sự tồn tại của con đường chính, quên mất một điều hiển nhiên rằng ở đâu chẳng có luật, có quy định (cho dù theo kiểu trời ơi đất hỡi đi nữa) và nguyên tắc cơ bản là cứ tuân theo luật thì không ai có thể làm gì được anh cả. Và đến khi giải quyết hậu quả phụ thiệt thân đó thì cái đầu tiên người ta nghĩ đến không phải là sửa sai (thực ra người ta không nhận thức được là mình sai vì không hiểu luật) mà là có người quen không nhỉ, có "đường tắt" không nhỉ. Đành rằng để một đứa trẻ với ước mong tốt đẹp phải tấm tức khóc là không nên nhưng cũng không thể cứ nhân danh "nghệ thuật", "văn minh" gì gì đó để rồi hành xử mà không cần biết một điều cơ bản rằng trong các nền văn minh họ đang hướng tới đó người ta rất hiểu luật, người ta sống, hành xử và tranh luận hoàn toàn dựa trên luật. Đúng ra người cha người mẹ trong trường hợp này đầu tiên cần phải nhận ra thiếu sót của mình, giải thích cho con hiểu và lên cơ quan quản lý xin giấy phép cho con (nếu cậu bé tiếp tục muốn biểu diễn và mình tin nếu câu chuyện diễn ra như thế thì em ấy vẫn sẽ tiếp tục, vẫn sẽ rất hào hứng) và cuối cùng mới đến việc yêu cầu 2 anh "nhà chức trách" kia xin lỗi cậu bé vì hành động quá thô bạo. Với cách hành xử như vừa rồi người cha người mẹ dường như chỉ nhìn vào thể diện của họ, của con họ, họ để mặc cảm xúc tiêu cực cứ lớn lên trong cậu con trai. Tất nhiên điều này có tác dụng phụ họ mong muốn đấy là cậu bé có quyết tâm học ngoại ngữ để ra đi. Ồ, vậy là đủ hiểu cách nhận thức vấn đề của bậc cha mẹ này: đi thôi con ạ, ở đây ta không thể sống theo ý mình. Ôi, vâng... Với mình thì đây chẳng khác nào là chạy trốn và mình thật lòng mong nếu cậu bé ấy có chọn ra đi thì đây sẽ là lần duy nhất em ấy phải bỏ chạy kiểu như thế này. Vì cuộc sống ngoài kia khó lường lắm...
Cậu bé trong câu chuyện này có thể là một tài năng lớn, với tài năng và trái tim nhân hậu của mình em đã, đang và sau này nữa, có thể còn đóng góp rất nhiều cho xã hội. Nhưng mình vẫn thấy tiếc cho em vì nhận thức và cách hành xử của tất cả người lớn trong sự việc này đã ảnh hưởng đến nhận thức của em. Hy vọng em sẽ lớn lên, sẽ đi và sẽ thấy đủ để hiểu được ý nghĩa của hai chữ "văn minh".
Cậu bé trong câu chuyện này có thể là một tài năng lớn, với tài năng và trái tim nhân hậu của mình em đã, đang và sau này nữa, có thể còn đóng góp rất nhiều cho xã hội. Nhưng mình vẫn thấy tiếc cho em vì nhận thức và cách hành xử của tất cả người lớn trong sự việc này đã ảnh hưởng đến nhận thức của em. Hy vọng em sẽ lớn lên, sẽ đi và sẽ thấy đủ để hiểu được ý nghĩa của hai chữ "văn minh". Có những lúc cần phải bứt ra khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ để thấy và hiểu em ạ.

-------
Trích dẫn bài viết trên facebook của chị Mỹ Linh MC:

Mỹ Linh Nguyễn
30 Tháng 7

Nghĩ lại, thấy thật ra mình sai.
Về tình cảm con người, rõ ràng để một đứa trẻ cảm thấy bị tổn thương đến phát khóc, là không nên.
Thái độ ấy, đáng tiếc đã làm hành động thực thi pháp luật trở nên thô bạo, không tôn trọng con người.
Nhưng về lý, cha mẹ cậu bé đã sai, kể cả cậu, dù với thiện ý tốt đẹp tới cỡ nào, cũng sai.
Tôi có thời gian sống và học tập ở nước ngoài. Ở nhiều nơi, bất luận ai, nghệ sĩ hay người chơi đàn nghiệp dư, hễ mang nhạc cụ ra phố để chơi, chơi suông, chả để nhận đồng nào, đều phải có giấy phép.
Thậm chí, ở Pháp để được chơi đàn trong metro, phải có tới 3 cơ quan cấp phép mới được chơi.
Chúng ta phải thành thực mà nói rằng, việc thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng luật pháp, lách luật đã trở thành thói quen của chúng ta từ lâu mất rồi. 100 người vi phạm giao thông, hỏi có bao người không xin xỏ, không chấp nhận tự nguyện trả tiền cho công an để " đi ngay không nhỡ việc ". Mà thường xin xong, đi rồi lại rất ấm ức 
Trung thực đi, Luật pháp chúng ta nhiều lỗ hổng và chúng ta cũng đều quen sống trong bầu không khí ấy rồi nên mới cứ vừa sai lại vừa trách cứ, hờn giận.
Quay trở về chuyện cậu bé, tôi nghĩ chúng ta phải công bằng. Tôi nghĩ lẽ ra cha mẹ cậu thay vì tức giận và ủng hộ thái độ " con sẽ đi ra khỏi nơi này " thì nên xin lỗi con mới phải.
Nếu cha mẹ cậu hiểu thiện ý của con và hiểu các quy định thì đâu xảy ra câu chuyện này ?
Nếu cha mẹ cậu tìm hiểu trước, xin phép trước thì đâu ra nông nỗi ấy.
Nguyện vọng của cậu bé là được chơi đàn, nguyện vọng của những người làm công việc quản lý phố đi bộ là được thực hiện đúng phận sự.
Sao lại đặt nguyện vọng này cao hơn nguyện vọng khác ?
Sao lại nghĩ nghệ thuật là cao quí mà không nghĩ việc giữ trật tự trị an cũng là cao quí ?
Nếu những người quát nạt cậu bé sai về thái độ, thì chính em rất tiếc lại sai luật mất rồi 
Sai thật.
Tôi nghĩ, dạy một đứa trẻ để biết phân định đúng sai và hiểu lẽ công bằng là rất quan trọng.
Giúp con cởi bỏ những uất ức bằng cách giải quyết đúng sẽ hay hơn để con giữ lại sự ấm ức trong lòng, để cảm giác bị tổn thương làm lu mờ nhận thức lý trí.
Gia đình tôi cả nhà theo nghệ thuật, mẹ chơi đàn con học đàn bác dạy đàn, chị họ cũng chơi đàn ... Học thời Pháp học Việt nam học Liên xô, đủ cả. Việc hiểu nỗi nhọc nhằn để chơi được một tác phẩm cổ điển không có gì vượt ngoài tầm nhận thức. Tuy thế, chưa bao giờ cha mẹ tôi hay các thày cô ở Nhạc viện dạy chúng tôi rằng đây là một việc cao quí hơn những công việc khác. Rằng nếu ai đó không thấu hiểu thì bởi họ ngu dốt.
Ta chọn nghệ thuật vì yêu nghệ thuật, việc thực hành nghệ thuật trước tiên phải hiểu là nhu cầu tự thân, là khao khát của cá nhân. Việc đón nhận nó ra sao là của Xã hội. Nếu xã hội đón nhận là điều tốt, nếu không, hãy cố chứng minh rằng họ đã nhầm. Chả có cách nào tốt hơn cả.
Nếu tôi là mẹ cậu bé 15 tuổi kia, tôi sẽ xin lỗi con mình. Vì sự thiếu am hiểu quy định của tôi mà những người thực thi luật pháp có cơ hội thô bạo, làm con bị tổn thương, và dứt khoát sẽ có bằng được cái giấy phép quái ác kia ( nếu con tôi nghĩ là quái ác ) để con có thể quay lại đúng chỗ cũ, thoả mãn mong ước của mình.
Chúng ta có khát khao được sống trong một xã hội luật pháp nghiêm minh, nhưng thật ra lại rất hay để cảm tính dẫn dắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét