Linh tinh của tháng tư năm 2022 …
Sáng chủ nhật vừa rồi trong lúc ngồi lướt fb vu vơ chợt thấy
My béo share một bài viết của anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú. Mình cũng tò mò đọc hết
cả bài viết khá dài. Nội dung bài truyền tải thông điệp hay nhưng vẫn có một phần
khiến mình đọc xong mà phải tìm đường để nhắn cho bác ấy. Đấy là 3 cái câu bôi
xanh kia. Mình thấy nó quá lạc lõng giữa nội dung tổng thể của cả bài. Hic. Cái
này có thể chỉ là do cá nhân mình cảm nhận thôi, từ chính kinh nghiệm và câu
chuyện của riêng mình. Dù sao mình vẫn thấy 3 câu đó nó động chạm, đề cập đến một
vấn đề hoàn toàn riêng rẽ, không liên quan và cũng không nên được gắn vào nội
dung bài viết này. Nên mình đã nhắn bác ấy là: Ba câu đó nó như cú vấp, và động
đến một nỗi đau. Có những điều bản thân mình không kiểm soát được và cha mẹ là
một trong số đó. Có thể là một nỗi đau. Vì thế cho mình quyền được oán trách là
cũng nên chứ? Oán trách ở đây chỉ mang nghĩa là không chấp nhận thỏa hiệp với bất
công thôi. Đôi lúc nó không mang nghĩa xấu đâu.
Mình biết đến giờ này bác ấy vẫn chưa đọc, và thậm chí chẳng
bao giờ đọc được tin nhắn của mình. Và có đọc được chưa chắc bác ấy đã xóa bớt
ba câu đó đi. Nhưng không sao cả, mình chỉ muốn nói và đã nói ra như thế là được
rồi. Mình chỉ cần diễn đạt được điều mình muốn thôi. Mình cũng chẳng cần đôi co
đúng sai hay thuyết phục ai cả. Thế nên mình chọn cách là inbox chứ không phải
comment trực tiếp vào bài viết mà :D.
--------------
Tháng rồi có xem vài bộ phim.
Hắc cẩu
Hồi xưa lúc đầu xem My mister là vì Lee Ji Eun thì đợt rồi
quyết định xem Hắc cẩu lúc đầu là vì Seo Huyn Jin. 2 người mà mình rất thích. Nhưng
xem rồi mới thấy mình khoái 2 người bọn họ là đúng, vì họ chọn kịch bản hay quá
luôn.
Xem Hắc cẩu lúc đầu câu chuyện rất bình thường, drama cũng
bình thường. Bình thường ở đây ý là nội dung và nhân vật vẫn rất hay nhưng quả
thực là nội dung diễn biến nói chung là kiểu xu hướng thường thấy, và theo lý lẽ
vẫn thường thấy. Câu chuyện trường lớp xoay quanh những thi đua cạnh tranh. Chuyện
của bọn trẻ con thì là học hành thi cử giành điểm số, ghen tỵ, những va chạm rồi
làm lành rất tuổi học đường. Câu chuyện của người lớn thì là cạnh tranh giữa đồng
nghiệp, chuyện ma mới-ma cũ, chuyện kinh doanh giáo dục… Những đề tài, những
câu chuyện đó đã thấy rất nhiều, dù cho Hắc cẩu có dàn nhân vật với cá tính và
câu chuyện thú vị riêng thì nó vẫn mang mùi vị rất quen thuộc.
Nhưng không chỉ có thế đâu. Bốn tập cuối phim, ¼ chặng đường
cuối đã rẽ theo một hướng khác.
Như tên phim, hắc cẩu là chó đen. Dù cho bé cún ấy có xinh
thế nào, ánh mắt ướt át đáng yêu ra sao thì miễn là lông nó màu đen thì khả năng
nó được chọn để về nhà với chủ mới vẫn là rất thấp. Hắc cẩu ý chỉ những kẻ bị bỏ
rơi vì không vừa mắt thiên hạ nói chung. Đoạn phim phía sau nói về năm thứ hai
của cô giáo Go “Sky” Ha Neul ở trường trung học đó. Có thể nó biên kịch đã có một
màn “quay xe” vô cùng ý nghĩa với mình. Như trong phim đã nói, trường học đâu
phải chỉ để dành cho những em học sinh xuất chúng chỉ cạnh tranh vị trí top đầu
của trường để giành suất vào đại học. Trường học còn vô số những hắc cẩu nữa chứ
và học sinh nào thì cũng nên được các thầy cô giáo dành cho sự quan tâm chỉ bảo,
là chỗ dựa cho các em bước vào đời. Cậu bé trong phim đã nộp đơn xin nghỉ học cho
cô giáo chủ nhiệm. Cậu ấy cũng đến tâm sự với người thầy giáo già về quyết định
của mình. Thực sự cậu ấy là người đặc biệt, vì suy nghĩ đã rất độc lập và có ý
thức rồi. Thế nên cũng như truyện phim thì cuối cùng các thầy cô giáo cũng đã ủng
hộ quyết định của cậu bé và trở thành chỗ dựa cho cậu về tinh thần, mình tin là
vậy.
Nếu như thông thường thì có lẽ bạn sẽ thấy một câu chuyện kiểu
như học sinh cá biệt đòi nghỉ học và cô giáo sẽ dùng tấm lòng nhân hậu để cảm
hóa, thuyết phục học sinh tiếp tục đi học. Nhưng ở đây, câu chuyện kết thúc rất
khác. Cậu bé học sinh đã được thực hiện quyền lựa chọn và tự chịu trách nhiệm của
mình. Và người lớn trong phim (gồm bố cậu bé và các thầy cô giáo) thì với việc
chấp nhận và ủng hộ quyết định nghỉ học của cậu bé chính là thể hiện việc dám
nhìn nhận thực tế cuộc sống rất không ổn, khi mà ở đó người lớn mải chạy theo
thành tích, sự ganh đua mà vừa chèn ép những đứa trẻ này lại cũng vừa bỏ rơi những
đứa trẻ khác. Bốn tập cuối đã đụng đến những sự nhức nhối trong lòng nhiều thế
hệ: “Trường học đâu chỉ có toàn những học sinh lớp chọn” và “Rồi thì bọn trẻ
cũng sẽ phải tự sống cuộc đời của mình”. Hãy để yên cho bọn trẻ được sống chính
cuộc đời chúng. Cố gắng hiểu đúng bản chất sự việc để làm cho đúng. Đơn giản vậy
thôi.
---
Đợt rồi còn có hai phim là “Ba mươi chín” và “Twenty five twenty
one”. Những con số đều là về tuổi tác cả. Mỗi phim lại có câu chuyện riêng rất
đẹp về thanh xuân và tình bạn. Nhưng riêng mình thì mình yêu Ba mươi chín hơn.
Có lẽ bởi lứa tuổi gần với hiện thực của tui bây giờ hơn chăng?
Không phải thế đâu. Vì thực ra giờ tui cũng mới chỉ tầm cuối đầu hai, 27, 28 gì
đó thui mà =))
Thực ra thì Ba mươi chín có lẽ hơi thiệt thòi hơn vì cùng thời
điểm với 25 21. 39 mang tông màu buồn buồn vì sad ending, vì lứa tuổi, vì chủ đề
nó chạm tới. So với một 25 21 đầy thanh xuân, sống động thì dù cho cùng là không
phải happy ending đi chăng nữa thì cũng thiệt thòi nhiều.
Có một chi tiết mà ngay từ đoạn đầu phim 39 đã bị nhiều người
phản ứng. Đó là câu chuyện về mối quan hệ giữa Chan Young và Jin Seok. Người ta
cứ gán cho nó hay gọi họ bằng đủ những từ thông dụng kiểu như người tình hay thậm
chí “kẻ thứ ba”. Ôi trời, tôi không chấp nhận nổi những từ ngữ đó. Vì mối quan
hệ ấy thật sự đáng trân trọng và không nên bị nhìn nhận với những suy nghĩ bất
cẩn như vậy.
Ngay từ đoạn đầu phim đã có những tình huống để mô tả dần dần
về mối quan hệ này để người xem dần dần hiểu ra bản chất của nó. Hiểu được rồi
thì bạn mới thấy quả thực để nói về nó không chỉ xài một hai từ mà nói lên được
mối quan hệ đó là gì. Chỉ biết là nó rất có ý nghĩa. Vì hai con người họ phải dựa
vào đó để sống, để làm tốt nốt vai trò còn lại trong cuộc đời mà họ đã chọn. Đặc
biệt là với Jin Seok là làm chồng của một người phụ nữ khác và làm cha của một đứa
bé không phải con ruột của mình. Chan Young và Jin Seok đều phải chịu đựng nhiều
khi duy trì tình trạng như thế. Chan Young thậm chí đã từng tranh luận, đã từng
thẳng thắn nói ra mong muốn giải quyết tình trạng nhùng nhằng này hoặc là chia
tay. Nhưng mà rồi, hôm sau Jin Seok vẫn xuất hiện, chỉ đơn giản là bởi vì Jin Seok
không thể sống mà không gặp Chan Young. Và nếu bạn có thắc mắc là gặp để làm gì
thì bạn hãy thử xem phim đi để thấy như Chan Young đã từng khẳng định với Mi Jo
ấy: giữa họ không có gì để phải xấu hổ với bản thân hay với chuẩn mực xã hội cả.
Mình tôn trọng hai người họ và mối quan hệ đó. Nhưng mình cũng thấy họ quá khổ,
quá đáng thương. Và cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã được làm cho rõ ràng, dù thật
không may là lý do là nhờ có tình trạng của Chan Young.
Cha Mi Jo, Jung Chan Young và Jang Joo Hee, ba nữ diễn viên đảm
nhiệm ba vai diễn này sau khi xem xong tra google mới biết cả ba chị đều đúng
39 tuổi vào năm quay bộ phim. Họ đang kể câu chuyện của chính lứa tuổi của họ. Trong
39 vẫn còn nhiều mảng đề tài khác nữa. Tổn thương của những đứa trẻ bị bỏ lại đến
hai lần, lần đầu là số phận đẩy chúng vào thân phận côi cút và lần thứ hai là vì
sự ghẻ lạnh của những vòng tay đã từng giang ra để chúng ùa vào trú ẩn. Mi Jo
hay cô bé em gái chơi piano là hai câu chuyện như vậy. May sao là dù họ không có
thân thích ruột thịt nhưng họ đều đã tìm được những người yêu thương mình thật
lòng, cha mẹ nuôi, anh chị, bạn bè. Những chỗ dựa để họ nhận ra mình là ai, để
họ có thể tự tin vững bước trong cuộc đời.
39 với riêng mình còn có một ý nghĩa rất riêng nữa. Ấy là nhìn
vào những ngày tháng cuối của Chan Young, vào cách chị ấy đối diện và chuẩn bị
mọi thứ. Dạo này sức khỏe với mình là một điểm bất lực. Theo thói quen thì ta cứ
dự tính cho tất cả các trường hợp cho tới cả trường hợp tệ nhất đi chăng nữa. Có
lẽ nhìn Chan Young để thấy là nên làm vậy dù cũng đúng là đáng buồn thật.
Mà thôi xong, đột nhiên đụng đến vấn đề này làm tụt mood quá,
bay luôn cả ý tưởng để viết tiếp mất rùi.
Thôi thì tạm dừng vậy đã nhỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét