Đi đám cưới cũng thấy vui vẻ hớn hở lắm. Cũng biết nó sắp cưới, cũng biết là đầu tháng 5 chỉ là không biết ngày nào thôi. Thế nên là trưa thứ 2 trong lúc đang vật vã vì đói và lên cơn sốt thì nó gọi điện mời cưới, làm mình giật cả mình :)) Nghĩ lại cũng giật mình. Hì.
Đi đám cưới được nghe bác Quyền Văn Minh thổi sacxophone nhé. Đặc biệt chưa? Mà đám cưới cũng rất thời sự nhé, có cả bài Tình đảo xa mà, vấn đề biển đảo của Tổ quốc lại đang nóng nữa. Chà. Cô dâu chú rể thì thế nào nhỉ? Mình chẳng biết tả như thế nào.
Nghĩ mà thấy ngộ. Một người thì mình vẫn gọi bằng chị, vậy mà cưới mình chẳng biết. Một người thì lúc còn học chắc chẳng bao giờ nói chuyện, mãi học xong đại học, gần đây mới gặp lại được 2 lần thì cưới lại gọi mình. Mà nghe tin hai cái đám cưới mình lại có cảm giác rất trái ngược nhau. Cả hai đều có phần bất ngờ. Nhưng vẫn có cái gì đó rất khác biệt, rất trái ngược. Hoặc yên tâm hoặc có chút lấn cấn, không tin được. Ồ, mình chẳng có ý so sánh gì vì giờ hoàn cảnh sống khác nhau, môi trường khác nhau, mối quan hệ khác và chẳng liên hệ gì nữa rồi. Ngoài cái facebook thỉnh thoảng like lấy lệ hoặc là like thật lòng, hoặc hỏi thăm lấy lệ hoặc chia sẻ thật lòng...
Mình thích kiểu người như cái Trương Vân. Hổ báo cáo chồn, khẩu xà tâm phật. Đanh đá, đốp chát, bất cần đủ cả. Nhưng nó cũng rất tử tế, nó có điểm dừng. Vậy là được rồi. Hoàn hảo quá lại đâm mệt.
Đây, hôm nay đọc bài này, lý do phụ nữ tự phá hỏng sự nghiệp của mình, với mình thì không phải sự nghiệp mà là cuộc sống. Và mình dính hai trong 3 cái gạch đầu dòng, cái số 2 & 3, còn cái số 1 thì dính kiểu khác:
1. Ghen tị quá mức với thành công của người khác
Khi thấy một đồng nghiệp nữ có điều gì đó hơn mình, phụ nữ thường cảm thấy “ngứa mắt”, khó chịu. Như một “hội chứng” thường gặp ở các công sở, các nhân viên nữ thích ganh đua nhau trên mọi phương diện, và thường là theo những cách sai lầm. Khi thấy người khác hơn mình, họ thường làm những việc như nói xấu sau lưng, “buôn” chuyện, tung tin đồn thất thiệt, tỏ thái độ lạnh lùng, cô lập… người đó.Hãy thử tưởng tượng ra tình huống sau: Bạn bước vào cơ quan, chỉ vài ngày sau khi bạn được cất nhắc lên một vị trí cao hơn. Bạn cảm thấy vui sướng và hãnh diện, bạn tự hào về bản thân và cảm thấy mình hoàn toàn xứng đáng với những thứ bạn đang có vì bạn đã làm việc đầy nỗ lực. Tuy nhiên, các đồng nghiệp nữ của bạn bắt đầu nhìn bạn với ánh mắt không giống như ngày thường. Họ thì thào vào tai nhau điều gì đó khi bạn bước qua. Họ không mời bạn đi ăn trưa nữa. Rồi thì xuất hiện những tin đồn về việc bạn đã “thực sự” thăng tiến bằng cách nào… Thực ra, họ đang ghen tị với bạn và tìm cách dìm bạn xuống và phá hoại công việc của bạn, cuộc sống của bạn.Các ứng xử như vậy không chỉ làm tổn thương người phụ nữ ở vị trí “nạn nhân”, mà còn gây trở ngại cho chính những người phụ nữ thể hiện sự đố kỵ. Với tính đố kỵ ăn sâu, họ khó có thể học được những điều tốt, và cơ hội dành cho họ vì thế cũng hạn hẹp hơn. Lối sống hẹp hòi, ích kỷ chắc chắn sẽ cản trở con đường thăng tiến của họ.
Mình không ghen tị với thành công của người khác vì mình biết mình có thể giỏi đến đâu. Nhưng mình ghen tị với cái thái độ thờ ơ, bất cần, với thái độ vô trách nhiệm của người khác. Ức lắm. Mà ức thì lại đâm ra khổ thân, khổ não mình vì căng thẳng mà thôi chả giải quyết được cái quái gì vì mình có hét vào mặt người ta được đâu.2. “Lời nguyền cô gái tốt”
Không phải phụ nữ nào cũng vướng phải “lời nguyền” này, nhưng đây vẫn là một vấn đề cần phải bàn tới. Với “lời nguyền” này, người phụ nữ luôn phải cố gắng để tốt với tất cả mọi người, trong tất cả mọi vấn đề, mọi lúc và mọi nơi. Họ phải hòa đồng, phải là người đem lại hòa bình, không nói xấu sau lưng, không ích kỷ, nói năng nhỏ nhẹ, biết kết bạn… Rất nhiều chữ “phải” đè lên vai họ khiến đôi khi người phụ nữ khiến cảm thấy đuối sức.Khi bạn còn là một cô gái nhỏ, việc phấn đấu để có những đức tính tốt như vậy là không có gì đáng phải bàn. Tuy nhiên, việc mang những tính cách như vậy vào môi trường công sở lại có thể không mang đến những lợi ích. Đã có không ít phụ nữ năng lực cố gắng hết sức trong một dự án nào đó, nhưng ngay khi vấp phải những phản hồi bất lợi, họ - những “cô gái tốt” ngay lập tức rút lui và từ bỏ tất cả những nỗ lực trước đó, chỉ để tránh sự xung đột và đối đầu.3. “Hội chứng kẻ lừa dối”
Hầu như tất cả mọi người, ai cũng có chút gì đó nghi ngờ về bản thân. Tuy nhiên, với “hội chứng kẻ lừa dối”, người mắc phải không chỉ nghi ngờ về bản thân. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là tình trạng “cảm thấy bất an sâu bên trong do tự cho mình là một kẻ lừa dối - đã tỏ ra là một người tốt, một người giỏi nhưng không phải như vậy”. Từ sâu thẳm bên trong, người mắc phải “hội chứng” này lo ngại, đến một ngày nào đó, sẽ có người phát hiện ra sự thật, rằng mình thực ra là một kẻ vô dụng và khác xa với những gì được thể hiện ra ngoài, và mọi “bí mật bẩn” sẽ được phơi bày ra ánh sáng.Cảm giác hoài nghi về bản thân tới mức cao độ như vậy có thể khiến một nhân viên, nhất là nhân viên nữ, tự hủy hoại sự nghiệp của mình bằng cách chẳng buồn phấn đấu để được cất nhắc nữa, vì họ không tin là mình có thể làm được. Hoặc cũng có thể, họ phấn đấu và được thăng chức nhưng trở thành những nhà quản lý kiểu vi mô, thích “soi” từng ly từng tý, khiến cấp dưới nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức trước sự mất niềm tin thái quá của sếp.
Cái thứ hai. Mình thích cái cách người ta dùng từ lời nguyền ở đây. Đúng là lời nguyền. Bản thân mình đâu có được chọn. Họ cứ tự nhiên úp cái đó lên đầu mình đấy chứ. Nếu tự bản thân mình phấn đấu vì điều đó lại ra một nhẽ. Đằng này thì cứ đương nhiên bị quy kết ra như thế. Đâm ra khổ, khó xử. Lúc nào cũng phải thế này, phải thế kia... thế mới tốt còn không thì thôi. Hic. Nhưng mà càng ngày càng hiểu ra một điều, chả có cái mịa gì là tuyệt đối cả. Mà bản thân họ cũng từng hét vào mặt mình cái câu ý cơ mà. Thế sao họ lại cứ thích nhận xét này nọ, thích áp đặt này nọ. Mình ức lắm. Chỉ cần nghĩ đến thôi là nước mắt lại tự dưng trào ra. Ôi. Mình không chấp nhận được. Mình càng nghĩ càng thấy không chịu được. Mệt mỏi.
Cái thứ ba. Cái này thì mình cảm thấy thực sự uất ức. Vì sao ư? Vì nhìn đi nhìn lại cái họ cho mình ngoài cái mạng sống này thì chính là cái này. Càng ngày mình càng hoài nghi bản thân. Càng mất tự tin một cách trầm trọng. Mình đã từng có ý định từ bỏ cuộc sống này cũng vì không tìm được sự tự tin bản thân mình là ai. Mình là ai ngoài là cái mong muốn của họ. Và oái oăm thay, mong muốn của họ lại khác người. Đâm ra lúc nào mình ra ngoài xã hội, khi không có họ, mình so mình với xung quanh và lúc nào cũng phải giật mình tự hỏi, mình là ai thế nhỉ? mình làm gì ở đây? ở cái cuộc sống này ý.
Ồ, những khi cái mình muốn và cái họ muốn nó trùng khớp thì thật may mắn! Thật yên bình! Nhưng là trước kia thôi. Trước kia mình sống trong một cái xã hội bé nhỏ, gần như đóng kín. Nhưng giờ bơi ra giữa đại dương rồi, hiểu thế nào là thích nghi và hiểu rằng chỉ cần đáp ứng mong muốn của người khác là không đủ để sống rồi, thì mọi sự lại khác. Không bình yên!
Chả biết họ có bao giờ bỏ thời gian ra mà nghĩ như mình đang làm bây giờ không?
Họ đẻ ra mình để làm gì?
Duy trì nòi giống? Hoàn thành nghĩa vụ sinh học? Nghĩa vụ với tổ tiên? Bản chất tự nhiên của con người????? Mình nghĩ mãi rồi. Vì cái này mình không thể lý giải, mà lý giải cũng không để làm gì vì sự đã rồi và mình làm gì có quyền quyết định đâu.
Mình mệt mỏi. Vì mình muốn cũng không làm được gì.
Mình cũng muốn được trưởng thành, muốn được lớn lên như những người bạn xung quanh mình chứ. Nhưng mà đâu có được như thế. Luôn luôn nằm an toàn trong một cái đường kẻ. Đứng ở lằn ranh đó thì đâu có gì là sai?
Giờ thì mình mất hết hy vọng. Mình không muốn có con vì mình không muốn nó phải chịu khổ như mình. Không biết nó là ai? Nó liên hệ với cuộc đời như thế nào?
Mình không muốn nó không có ông bà, không có họ hàng. Không muốn nó không được yêu thương và không biết yêu thương. Không muốn nó giống mình.
Có những hoàn cảnh bất khả kháng không làm gì được đã đành. Đằng này... Nên mình không muốn con mình nó phải chịu những bất công như thế.
Đến cả yêu hay lấy chồng mình cũng không dám. Chẳng có lý do gì lại bắt một người khác phải chịu cái hoàn cảnh oái oăm của mình cả. Một cái không toàn vẹn. Bất công lắm.
Các chị vẫn hay bảo, không cưới cũng được nhưng mà có thể kiếm một đứa con, sau này còn có chỗ dựa dẫm. Vâng, em chẳng câu nệ gì. Nhưng làm thế là ác với đứa trẻ lắm chị ạ. Nó chưa ra đời đã mang tiếng. Việc này nó không có quyền tự quyết mà mình là người quyết định, và quyết định này ảnh hưởng đến cả cuộc đời nó sau này thế nên mình không ích kỉ được như thế đâu chị ạ. Mình tạo ra nó, thì phải yêu thương nó chứ, nghĩ cho nó chứ. Sao lại có thể tạo ra một đứa con chỉ để sau này nó hầu hạ mình. Ở đời có nhân có quả. Cứ cho thì rồi sẽ được nhận. Ít nhất thì cũng sẽ được nhận cái thanh thản trong tâm. Vậy là quá đủ. Mình phải biết lo cho bản thân mình trước, vậy là không phải làm phiền người khác. Sau rồi còn lo được cho con mình, vì mình tạo ra nó mà, phải có trách nhiệm với hành động của mình. Rồi sau nữa mới đến những người xung quanh, giúp được ai thì giúp, càng nhiều càng ít.
---
Nhiều khi nghĩ mà tủi thân.
Bạn mình cứ bảo, tại vì ấy không kể nên tớ chẳng biết chuyện của ấy như thế nào mà nói cả.
Nhưng làm sao tớ có thể nói được hả cậu? Tớ nói thế nào được đây?
Mà nói ra thì có để làm gì? Người có thể giải quyết được thì chắc chắn không giải quyết. Tớ không tin là có thể khác được.
Mọi chuyện với tớ bây giờ chỉ có thể là đứng lên, bước chân đi và không bao giờ quay đầu trở lại nữa. Xóa bỏ hoàn toàn đằng sau lưng tớ cậu ạ. Thế thì mới có thể khác được. Nhưng làm thế bây giờ quả thật không dễ... Mà nếu đã lựa chọn con đường như thế thì rút cuộc nói ra hay không nói cũng như nhau cả thôi.
Cậu còn hỏi tớ: sao ấy cứ phải tự, tự, tự hết như thế để làm gì? Tự thân vận động hết đâu phải là tốt và không thể như thế được. Sống ở đời phải có lúc này lúc khác.
Đúng, cậu nói đúng lắm. Tớ cũng đâu có tự, tự hoàn toàn. Tớ quá hiểu cái câu không có gì là tuyệt đối hết chứ. Tớ biết mà. Và thực tế ra đường tớ đâu có tự hết đâu. Trong công việc tớ cũng biết nhờ vả, cũng biết mềm dẻo đấy chứ. Quan hệ với đồng nghiệp hay bạn bè cũng vậy thôi. Tớ cũng biết lựa lắm đấy.
Nhưng cái người đã nói với tớ là phải biết tự thân vận động mà lại còn bảo tớ không biết thế nào là 1+1 không phải bằng 2 thì tớ không thể chấp nhận được. À, phải tự thân vận động để không phiền đến họ. Và lại còn phải biết lựa, phải biết uốn với họ mà thực tâm mình không muốn. Tớ ức ở chỗ đấy đấy cậu ạ. Ra ngoài xã hội phải biết nhún, biết nhường, biết nhịn là đúng. Nhưng với những người tạo ra mình mà mình cũng phải vậy, cũng không được sống thật với con người mình thì mệt mỏi lắm. Đến các chị các cô sáng dậy trang điểm ra đường đi làm thì tối về đến nhà cũng phải tẩy trang chứ lại còn phải đeo mặt nạ ở nhà thì ai mà sống nổi.
Con người phải có sai lầm, phải có vấp ngã, nhưng tớ phải sống kiềm chế với ngay cả những người thân thiết nhất. Vậy thì khác gì tớ không có quyền được sai. Vậy thì chả phải tốt nhất là không làm gì để khỏi phải sai, khỏi phải sửa à? Chẳng phải cứ bảo gì làm nấy cho lành à? Ngay cả với những người thân thiết nhất mà cũng không thể sống tự tin được thì ra ngoài bảo sao cứ có cảm giác mình đang đi lừa thiên hạ vì mình đâu có được sống thật với chính mình. Mà ngay cả với những người thân thiết nhất mình cũng không được thể hiện hết ra, kể cả đúng, kể cả sai nên tớ sống mà không có cảm giác an toàn. Lúc nào cũng bị băn khoăn không biết phải làm thế nào, gặp tình huống gì là tớ lại lưỡng lự và rất khổ sở. Không một người chỉ bảo, giúp đỡ. Tớ đâu có muốn tự tự ngay từ đầu đâu. Tớ bị đẩy ra đường đấy chứ, vứt ra đường, đầy hoang mang và không có chỗ dựa.
Quẳng mình ra đường mà không có vũ khí trong tay. Vậy nên mình sống được đến giờ này là quá giỏi! Chẳng có gì là vui vẻ, tự hào nhưng buộc phải nói thế đấy.
Mà thành ra, theo ý họ thì tớ thành đứa hoàn toàn lạc lõng với cộng đồng xung quanh tớ.
Họ mang tiếng là có học cấp tiến thế mà họ bảo tớ không được có ym, không được có email. Những cái đấy đơn giản để làm việc thì cũng phải có rồi và nó hoàn toàn chẳng đánh giá gì được con người cả. Thế mà... nói mà uất. Lại ứa nước mắt.
Nhạy cảm quá rồi chăng? Sụt. Quẹt.
Bây giờ nhớ về ngày xưa hồi còn bé thì lại nhớ hồi đi học mẫu giáo, chẳng mấy cảm giác vui vẻ, hào hứng. Lại nhớ cái cảm giác bị ăn tát mà đờ người ra, hôm ấy không khóc, không ăn vạ, không có ai biết cả mà mãi sáng hôm sau lúc vào lớp mới khóc lóc vật vã vì tủi thân, không muốn bị bỏ lại một mình. Lúc ý còn bé quá, chẳng biết gì chỉ biết tự dưng tủi thân rồi bật khóc thôi. Đến lúc học tiểu học, cấp hai, hè ra, mấy ngày đầu đi học cũng hay bị tủi thân, ngày đầu tiên nhất định đòi phải được đèo đi, hôm sau mới đi ô tô. Mỗi năm cũng được có một lần. Sau này cấp ba, đại học cũng nhiều phen tủi thân mà lúc ý thì đâu thể như hồi bé nữa, có tủi thân thì cũng chỉ biết tự nuốt nước mắt vào trong thôi.
Mà mãi sau này học văn, đọc truyện mới biết cái từ tủi thân, mới biết cái cảm giác đấy gọi là thế. Nhìn lại hóa ra hồi bé mình tủi thân nhiều đến thế mà mình đâu có biết. Chỉ biết ngoan ngoãn, không được khóc là không được khóc, không được đòi là không được đòi, bảo gì làm nấy, tự làm đi..
------
Mình học Sinh. Thuyết tiến hóa ấy. Thích nghi và Đào thải. Quy luật của chọn lọc tự nhiên. Mình tin vào cái đấy.
Vậy thì cứ để mình được chọn lọc đi.. Mình chấp nhận rủi ro cơ mà.
Ai biết và ai dám chắc được cái gì là tốt, là xấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét