Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Cuộc chiến truyền thông

Đây không phải là lần đầu mình viết về chủ đề này. Thực ra so với lần đầu tiên, mình viết vì lúc đó thực sự cảm thấy quá bức xúc vì những gì truyền thông "xấu" có thể gây ra, giờ thì mình càng ngày càng thấm thía tác hại đó và cũng càng ngày càng thấy rõ hơn tại sao lại thế.
Đi vào chủ đề trước hết phải nói đến nguyên nhân tại sao bản thân mình lại bức xúc với truyền thông "xấu" đến thế. Sự thể bắt đầu từ các vụ việc liên quan đến vắc xin ở Việt Nam làm dư luận sốt xình xịch. Bản thân mình là người làm trong ngành, cộng với có chút khả năng tư duy nên tất nhiên khi bị đập vào tai những thông tin của truyền thông "xấu" mình không thể không cảm thấy khó chịu.
Ở đây cần nói rõ hơn một chút về cái ngoặc kép "xấu" trong cụm từ truyền thông "xấu". Mình sử dụng ngoặc kép ở đây để nhấn mạnh và gây chú ý. Vì đúng là truyền thông về bản chất không có gì xấu, vì thực ra nó chỉ là phương thức lan truyền thông tin. Cái xấu ở đây chỉ là cách thức người ta sử dụng nó cho mục đích không tốt đẹp mà thôi.
Trong bài viết này mình sẽ không bàn luận đến sự đúng sai của những vấn đề đang gây tranh cãi, bởi thứ nhất, để biết đúng hay sai thì luôn cần thời gian để làm rõ và thứ hai, làm như thế với tư cách của một người trong cuộc như mình thì thời điểm này nói gì cũng chỉ là đổ thêm dầu vào lửa, cho những người không tỉnh táo hoặc cố tình không tỉnh táo cơ hội để lan truyền những gì không rõ ràng, gây thêm rắc rối mà thôi. Trong bài viết này mình chỉ muốn nói đến cái cách mà người ta sử dụng truyền thông trong thế giới phẳng ngày nay. Theo mình đó mới thực sự là rắc rối chính mà con người phải đương đầu trong thế giới hiện nay.
Vậy nói cho đúng ra vấn đề có lẽ là: Trong xã hội ngày nay, việc anh đúng hay sai chưa chắc đã là do bản chất sự việc mà là do khả năng truyền thông của anh tốt đến đâu. Có thể nói rằng đa số đánh bại thiểu số là một tiên đề cơ bản và chưa bao giờ sai.
Gần đây một cậu em mà mình vốn rất khâm phục về khả năng và bản lĩnh có hai bài viết trên trang cá nhân đề cập đến 2 vấn đề: dầu ăn và nước detox. Vì đã nói từ đầu là mình sẽ không đề cập đến sự đúng sai của bản chất sự việc ở đây nên mình sẽ không đi vào phân tích hai chủ đề đó, mình sẽ chỉ nêu ra rằng mình ủng hộ 1 trong 2 bài viết của em ấy, trong khi cả hai bài viết đề có cùng một kiểu kết cấu thông tin, để có thể bàn luận về cách truyền thông có thể làm gì. Trước hết mục đích của em ấy khi đề cập tới cả hai chủ đề chính là dầu ăn và detox, là để nói rằng mọi người đừng bị mờ mắt mà tin vào những gì không thực sự tốt như người ta vẫn nói. Kết cấu cả hai bài viết đều như nhau: mở đầu bằng những cam kết của tác giả về mục đích phi lợi nhuận của mình, sau đó là đến những câu khẳng định và dẫn nguồn cho những khẳng định đó bằng những bài viết hoặc tin tức từ những kênh truyền thông được cho là có uy tín trên mạng thế giới. Như vậy em ấy đã tuân thủ những quy tắc cơ bản cần có là thông tin đưa ra có tính khách quan, không phải làm lợi trực tiếp cho cá nhân và đối với mỗi luận điểm đều có luận cứ đi kèm để thuyết minh làm rõ. Mình đưa ra ví dụ này để cho thấy là đối với một tác giả là người mà mình biết rõ là mục đích hoàn toàn không phải làm lợi cho cá nhân mà chỉ là vì muốn nói cho mọi người biết mà thôi thì với cùng một cách thức đưa ra thông tin bạn ấy đã có thể truyền đạt nghe có vẻ rất có lý một thông tin (mà mình thấy) đúng và một thông tin (mình thấy) chưa đúng. Như vậy suy ra, cách thức truyền đạt thông tin giờ đây hoàn toàn đã được nghiên cứu và giảng dạy đầy đủ đến mức độ chỉ cần người ta nắm rõ các nguyên tắc truyền thông tin thì đều có thể làm cho xã hội tin tưởng bất chấp bản chất sự việc là như thế nào.
Thêm một ví dụ nữa, đấy là ý tưởng mà bộ phim "Thank you for smoking" truyền tải (http://www.imdb.com/title/tt0427944/). Nhân vật chính của phim là một người làm nghề lobby, anh ta là đại diện truyền thông của ngành công nghiệp thuốc lá. Mình cho rằng vấn đề smoking or not không phải là chủ đề của phim mà chính là cuộc chiến truyền thông. Lobbier là người kiếm tiền bằng cách nói, thuyết phục người ta tin tưởng vào những gì họ đang nói, vấn đề là những gì họ đề cập lại là những cái không có lợi cho con người, như thuốc lá, rượu, hay súng đạn. Ở đây vấn đề rất hay là thuốc lá, rượu hay súng thì đều không tốt, ai cũng biết nhưng người ta vẫn dùng. Thực ra truyền thông không có nghĩa lý lắm ở đây trong việc tỉ lệ hút thuốc hay uống rượu hay sử dụng súng (ở Mỹ) vì người ta thấy cần thì họ vẫn dùng, đơn giản là thế. Vai trò của những người lobbier không phải là thuyết phục người ta sử dụng mà chỉ là thuyết phục rằng những nhà sản xuất thuốc lá, rượu hay súng cũng có quyền truyền thông, quảng bá để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của họ như tất cả các nhà sản xuất khác được làm và chống lại các cáo buộc xấu liên quan đến sản phẩm của họ. Như vậy mục đích của lobby ở đây chỉ là thuyết phục người ta tin, bất kể bản chất sự việc như thế nào.Và nếu xem phim rồi bạn sẽ thấy cách người ta làm điểu đó như thế nào, cách để thuyết phục, cách để luôn giành phần thắng trong một cuộc tranh luận trên truyền thông.
Nói như vậy, dẫn hai ví dụ trên là để nêu ra rằng cách truyền đạt thông tin để chiếm niềm tin là cách thức đã được nghiên cứu rất bài bản và ai nắm rõ nó thì đều sẽ trở thành kẻ đáng tin cậy, bất chấp nội dung thông tin mà anh ta truyền tải. Đối với kẻ đã muốn lợi dụng truyền thông thì đều có mục đích cả, và muốn giành thắng lợi thì cần phải: Gia tăng uy tín cho bản thân đồng thời Hạ thấp đối thủ.
Vậy thì đối với người tiếp thu thông tin cần phải lưu ý những gì để tránh rơi vào cái lưới mà người ta đã giăng ra? Theo mình: Hãy làm người tiêu dùng thông thái:
  1. Bạn cần biết là giờ là thời đại thông tin và marketing. Nhà sản xuất luôn biết bạn cần gì và nhà sản xuất giỏi là những người biết xoáy sâu vào những gì bạn cần.
  2. Làm ơn tỉnh táo một chút: Mình không hiểu được là tỉ lệ sinh viên có học để biết marketing là gì rất lớn (vì các ngành kinh tế thì không nói đến rồi, ngay như mình học công nghệ sinh học mà còn được học môn marketing cơ mà) vậy mà sao mọi người vẫn "bị" truyền thông tác động dễ thế nhỉ?
  3. Tất cả mọi người đi làm thì đều có mục đích kiếm ăn, mà muốn kiếm được nhiều thì phải bảo vệ những gì mình đang làm. Cái này là chân lý rồi. Tất cả những người "tốt" hay "xấu" ngoài kia hành động gì thì cũng là vì lý do này cả thôi. Họ chỉ đang làm công việc của mình chứ không phải là làm điều gì "tốt" hay "xấu" cả. Và những người giỏi là những người làm công việc tốt của mình thôi.
  4. Liên quan đến vấn đề vắc xin mình có mấy điều muốn nói như sau:
+ Thứ nhất vắc xin là sản phẩm dược phẩm, có tác dụng phòng bệnh nhưng trước hết nó vẫn là một sản phẩm hàng hóa, vậy nên việc phân phối và đưa nó ra thị trường, đến tay người tiêu dùng cũng tuân thủ tất cả các cách thức marketing như với tất cả các hàng hóa khác. Vậy nên đừng ngạc nhiên, tất cả những bài tuyên truyền các bạn đọc, dù với ý định tuyên truyền gì thì người viết cũng đều tuân thủ các quy tắc của truyền thông trong đấy cả thôi.
+ Thứ hai, cái mà đáng lẽ ra các ông bố bà mẹ muốn dành cho con theo như họ vẫn muốn và theo như truyền thông đang kêu gào ầm ĩ trên mạng, đó là tính an toàn thì thực ra lại đang chả được để ý đến một cách đúng đắn. Người ta bàn cãi tranh luận xem vắc xin nào là tốt, hay thậm chí có kẻ còn đặt vấn đề có nên tiêm vắc xin hay không (bó tay với lập luận của những kẻ này về miễn dịch cộng đồng và cái kiểu so sánh miễn dịch cộng đồng ở Việt Nam và ở những nơi cách cả ngàn km, mẹ ơi, không biết những người đó có biết khái niệm địa lý là thế nào không nữa !?) với cả ngàn những lập luận nghe rất có vẻ có lý. Mình không nói họ nói sai hoàn toàn vì đương nhiên những kẻ viết bài truyền thông đó đều ít hay nhiều áp dụng những quy tắc truyền thông cơ bản do đó, họ không thể truyền thông tin với những luận cứ sai được. Nhưng cái cách họ đánh lạc hướng thông tin mới thật là ngoạn mục. Hãy nhớ lại bài học trong "Thank you for smoking" nhé. Sau đó hãy đọc lại lần nữa những bài viết đó để biết đối tượng được nói đến thực sự là gì, ý định họ muốn truyền đến người đọc thực sự là gì và cuối cùng những gì họ mở ra họ có đóng lại được không? Họ câu view của các bậc cha mẹ xã hội bằng sự quan tâm đến sự an toàn của những đứa trẻ thế nhưng trong cả bài viết chẳng có chỗ nào phân tích và hướng dẫn để giúp các bậc cha mẹ hiểu biết thêm và đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ cả. Xin đừng để bị đánh lạc hướng với những câu mở màn kiểu như: Bài viết này hoàn toàn chỉ để thông tin thêm cho bạn, còn quyền quyết định thuộc về bạn. Hãy tự hỏi mình, tại sao bạn lại muốn đọc bài viết đó? Lý do thực sự là gì? Vì bạn là một người làm cha làm mẹ, bạn đang hoang mang trước các thông tin trái ngược nhau ngập tràn ngoài kia, bạn chẳng biết phải làm gì để tốt cho con mình. Bạn thực sự muốn tìm một giải pháp, một lời chỉ dẫn phải làm gì trong tình huống hỗn loạn này. Nhưng thế nào là an toàn? Thế nào là tốt? Bạn cần phải có một ý kiến khách quan. Ok. Vậy làm ơn hãy luôn tâm niệm ghi nhớ mục đích ban đầu của bạn trong đầu và bình tĩnh đọc lại một lần nữa các bài viết trên mạng mà bạn được người thân quen tag vào để hiểu rõ xem mình đang đọc gì và nhận được gì từ những bài viết đó.
Cứ bình tĩnh mà đọc nhé. Làm ơn hết sức bình tâm để đọc và hiểu.
Tại sao tôi lại muốn các bạn bình tâm để đọc và hiểu. Vì cần phải hết sức bình tĩnh và tỉnh táo bạn mới hiểu được người ta đang thực sự nói gì và đang muốn nói gì với bạn và những điều đó có thực sự là câu trả lời bạn đang cần, đang đi tìm ban đầu hay không? Làm ơn hãy nhớ ra rằng, những người làm truyền thông có kĩ thuật để thuyết phục bạn cả đấy. Nói thật là ngay cả khi tôi luôn lưu ý bạn rằng tôi không muốn truyền đạt ý kiến phán xét của bản thân mình rằng những bài viết đó là đúng/sai thì nguyên việc tôi viết bài viết này cho bạn đọc cũng là để bày tỏ ý kiến phản đối của tôi với vấn đề đó đấy chứ. Bạn có hiểu ý tôi không? Mọi người khi phát ngôn điều gì đó thì đều có mục đích cả, trừ khi họ không nói gì thôi.
+ Điều nữa mình muốn nói, mà thật ra mình đã nói điều này từ bài viết đầu tiên về vấn đề bão truyền thông, liên quan đến vắc xin rồi. Cái mà mọi người băn khoăn là tính an toàn, và sợ nhất là sốc phản vệ. Vậy thì làm ơn tập trung vào vấn đề chính: Làm thế nào để chống sốc phản vệ? Trước hết hãy đưa con bạn đến các trung tâm tiêm chủng có đầy đủ các phương tiện cấp cứu tử tế. Làm ơn đừng nghĩ rằng cứ tiêm Pentaxim là được còn con bạn tiêm ở đâu không quan trọng mà đưa con đến tiêm chui ở nhà y tá mà không có các phương tiện cấp cứu. Cực kì nguy hiểm. Vì phản ứng của các cá thể khác nhau với cùng một loại kháng nguyên là khác nhau. Đối với từng cá thể thì % an toàn hay nguy hiểm, hay dễ hiểu ra thì tỉ lệ sống-chết là 50-50 đấy, chả có tỉ lệ nào khác đâu. Vậy thì nếu có thể, hãy yêu cầu các nhân viên y tế thử phản ứng dị ứng trước khi cho phép họ tiêm bất cứ thứ gì vào cơ thể bạn, con bạn hay những người bạn phải đứng ra bảo lãnh. Đấy là nguyên tắc đảm bảo an toàn duy nhất và cơ bản. Hãy nhớ rằng, nếu bạn dị ứng với lạc thì cho dù bạn ăn một hạt lạc được trồng siêu sạch trong nhà kính, được bọc bạc bọc vàng hay ăn một hạt lạc rơi dưới đất bùn ngoài chợ thì nguy cơ bạn chết do lạc vẫn là như nhau nhé. Và hãy liên tưởng thế này, bạn tập cho bé ăn dặm, làm quen với thức ăn mới bằng cách đầu tiên chỉ cho bé thử một miếng, chờ xem phản ứng thế nào (bé có dị ứng với đồ ăn không? có thích không?) rồi mới tiếp tục tăng lượng bé ăn dần lên. Đối với kháng nguyên lạ (ở đây là vắc xin) cũng vậy thôi. Trong các hướng dẫn sử dụng thuốc, dược phẩm, thậm chí là đồ ăn đều có câu: Chống chỉ định với những người dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kì thành phần nào. Như vậy, các nhà sản xuất không có lỗi, họ đã cảnh báo bạn rồi. Nhưng rõ ràng bạn không thể biết mình có bị dị ứng với thành phần nào hay không, bạn chưa từng dùng nó cơ mà. Vậy phải là thế nào mà biết được? Hãy yêu cầu được kiểm tra phản ứng dị ứng. Đó là cách duy nhất để đảm bảo an toàn. Không có cách nào khác cả. Các con số, các tỉ lệ lúc này chả có ý nghĩa gì với cá nhân bạn đâu. 
+ Có một số các thành phần vắc xin bị nói là chất độc, ví dụ thimerosal. Thế tôi hỏi bạn một điều: đã bao giờ bạn thấy người ta dùng độc dược làm thuốc chữa bệnh chưa? 
Câu chuyện tôi muốn nói đến đây là hết.
Cuộc chiến truyền thông lại tiếp diễn và chúng ta lại lên đường ra trận ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét