30.01.17
Tổng kết Tết 2017
Hôm nay mới có mùng 3
Tết thôi và giờ cũng mới chỉ 9h sáng, nhưng mình đã đang ngồi viết cái tổng kết
Tết này. Có vẻ hơi sớm nhỉ? Hì.
Năm nay 29, 30 Tết vẫn đi trực và còn đi làm nữa ý chứ, đi đọc
kết quả chuẩn độ. Vậy là công việc định ra trước Tết đã hoàn thành được như dự
định. Sau một quá trình nuôi cấy các kiểu kéo dài lê thê thì kết quả cuối cùng
vẫn phải chờ đợi chính là kết quả chuẩn độ, vì có nó mới có thể đánh giá kết quả
của cả quá trình kéo dài lê thê trước đó mà. Dự định của mình là hoàn thành
công việc trong phạm vi của mình phụ trách xong xuôi hết trước tết, chính là có
kết quả chuẩn độ đó, và như vậy thì mình đã làm được và mình thấy rất vui mừng
vì điều này.
Thực ra sự vui mừng có vẻ hơi lố này có được là vì mấy năm gần
đây năm nào cũng bị cái đề tài dở dang nó treo lơ lửng trước mặt. Năm nay vì đã
xong cái đề tài ý rồi, nên khi sát rạt 30 Tết hoàn thành nốt được một công việc
nho nhỏ như thế kia mới thực sự nói là xong việc được. Vì vậy mà vô cùng vui mừng.
Sau Tết thì mùng 6 sẽ đi làm ngày đầu tiên, như vậy là còn
mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4, mùng 5 được thoải mái và tự do nữa.
Giao thừa Tết dương và Tết âm lần này có chung một đặc điểm
là mình chẳng biết cụ thể nó là lúc nào vì lúc ý mình đang say giấc nồng rùi.
Hè hè… Cảm giác giao thừa trong giấc ngủ sâu như thế nào ư? Vui chứ, dĩ nhiên
là sau khi tỉnh dậy, nhìn đồng hồ lần đầu tiên trong năm mới thấy chỉ 1:11 mình
tự dưng thấy rất vui. Giấc ngủ sâu giờ phản ánh đúng sự sung sướng đáng có và cần
có đối với bản thân mình.
Dậy vào lúc 1:11 rùi thì tui làm gì nhỉ? Tui xem bộ phim chiếu
tất niên trên ti vi :)) Mình rất thích những bộ phim chọn lọc để chiếu vào mùng
1 Tết từ xưa đến giờ mà. (À mà có một bộ phim được chiếu vào dịp này từ hồi mình
còn bé, mấy lần liền ý, mình rất thích mà vẫn chưa tìm lại được nó).
Xem phim rồi thì lại lăn ra ngủ. Sau đó thì mùng 1, mùng 2 lặp
lại cái điệp khúc hạnh phúc đó. Đừng nghĩ cuộc sống như vậy là nhàm chán nha.
Có những lúc muốn mà không được đó. Nên giờ có thể muốn ăn là ăn, muốn ngủ là
ngủ được vậy mới thấy thật sự hạnh phúc và vui mừng.
----
Lòng vòng một hồi về cái sự sung sướng vậy là đủ rồi. Giờ thì
mình muốn viết một tí.
Hôm qua lang thang trên fb và rồi thì vẫn như mọi khi, từ chỗ
này dạt qua chỗ nọ… và gặp bài viết của một bạn. Lúc đó vì có một bài bạn ý nói
về Daniel Radcliffe, cậu bạn đáng yêu đóng vai Harry Potter, nên mình cứ nghĩ bạn
ý hơn tuổi mình. Nhưng giờ google thì mình mới nhận ra Daniel sinh năm 1989. Vậy
là mình mới chợt hiểu ra một điều, hóa ra là thế, cái tuổi 1989 ý mà… ra là vậy…
Không biết mọi người có cảm nhận như mình không nhưng kinh
nghiệm của mình cho thấy trong cái thế hệ được gọi là 8x còn có thể chia ra những
thế hệ cấp độ nhỏ hơn với những đặc điểm rất riêng đấy. Cái tuổi 1983 có một sự
trẻ trung, yêu đời đáng kinh ngạc. 81, 82 thì già dặn. 84 thì phải nói là “mãi
mãi tuổi 20”. 85, 86 thì có vẻ mình không hợp tuổi lắm nên mình thấy các đồng
chí này khó yêu nhất trong đám 8x. 87 thì già kinh, toàn cụ non. 88 thì… haha…
bà con tự biết nhỉ J
Còn đến 89 thì lại là một sự khác biệt không hề nhẹ với những đứa chỉ đẻ các đó
có một năm trước đấy.
Cái hội 89 này có tất cả sự ngây thơ + mơ mộng + già đời + cụ
non mà bọn 88 không có.
Thế nên hồi đầu cứ nghĩ bạn kia hơn tuổi mình, khoảng 87 trở
về trước thì mình có những suy nghĩ khác và giờ nhận ra bạn ý sinh năm 89 thì
mình lại có cảm giác khác đấy. He he…
Mà thôi, có những thứ chỉ hoàn toàn là cảm nhận của riêng
mình mà thôi và nói rất thực là mình bất lực khi mong muốn trình bày rõ ràng cụ
thể những “linh cảm” đó của mình với mọi người nên thôi, cứ để những cái đó là
một kiểu “giác quan thứ 6” bí ẩn khó giải đáp vậy nhé.
Quay lại chủ đề chính lúc nãy định nói, về bạn kia, về những
gì bạn ấy chia sẻ trên fb. Có nhiều vấn đề, rất đa dạng, từ giáo dục trẻ em,
cách học tiếng anh, đến quan điểm sống, khác biệt văn hóa… v.v. đến cả các hiểu
lầm về sảy thai, việc Sun Group xây dựng cáp treo khắp nơi hay nước rửa bát ảnh
hưởng đến môi trường như thế nào. Chủ đề bạn ấy nói rất phong phú. Như một người
bạn mình nhận xét thì “bạn này viết hay, kiến thức nền rộng, quan điểm rõ ràng
nhưng không cứng nhắc”. Bạn ấy là một người làm freelance, có dạy ielts, một cựu
du học sinh Canada, đã lập gia đình nhưng không rõ là có baby chưa. Đó một chút
về riêng cá nhận bạn ấy như vậy để biết là mình có một sự nhìn nhận trân trọng
với những “quan điểm rõ ràng nhưng không cứng nhắc” của bạn ấy như thế nào.
Nói thật thì trong cái thời đại của các thái cực siêu hỗn loạn
này, mình cực kì yêu quý những người có quan điểm rõ ràng mà không cứng nhắc.
Đơn giản là vì để xác định được cho mình một quan điểm rõ ràng trong mớ bòng
bong thông tin kia không phải đơn giản. Sau đó lại còn cần có đủ tỉnh táo thì
quan điểm mới có thể không cứng nhắc được nữa cơ.
Giờ đây người ta cổ vũ việc xây dựng một xã hội tranh luận,
đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm là việc con người ta được khuyến khích làm
hàng ngày hàng giờ. Chủ đề có thể là những việc rất đơn giản hàng ngày trong mỗi
gia đình, nhưng cũng có thể là việc trọng đại, liên quan đến sinh mạng, hay có
tác động rất lớn đến cả xã hội. Và nó diễn ra hàng ngày, mỗi ngày mỗi thời điểm
bạn phải đưa ra quan điểm của mình, hoặc đơn giản hơn thì là lựa chọn đứng về một
bên nào đó, rồi việc tiếp theo là bảo vệ chỗ đứng của mình, bảo vệ quan điểm của
bạn, hay của cái tập thể mà bạn đã chọn. Cách hành xử này hoàn toàn dễ hiểu khi
mà văn hóa phương Tây theo chân những du học sinh, những “văn minh” trên các
phương tiện truyền thông đã lan rất rộng trong một xã hội Việt Nam – một xã hội
phương Đông nhiều kìm kẹp, nhiều bất mãn vì những cái “phải” và “phải”, vì cái
tôi cá nhân không được coi trọng trước quá nhiều thứ tự trong xã hội. Các cụ có
câu “Con giun xéo lắm cũng quằn” là để mô tả sự phản ứng một cách rất tự nhiên
như vậy đấy.
Đưa ra quan điểm là một việc khó. Nhưng điều mình bận tâm là
liệu nó có mang tính cá nhân không? Ồ, tại sao lại không chứ? Và nếu không thì ảnh
hưởng gì? Bạn cũng có thể sẽ hỏi lại mình như vậy.
Tranh luận là hình thức đấu tranh để bảo vệ quan điểm, suy
cho cùng là bảo vệ lợi ích đi cho dễ hiểu hơn chút nhé. Vậy thì lựa chọn quan
điểm có thể hiểu là lựa chọn lợi ích, tất nhiên là lợi ích cho cá nhân mình rồi.
Vậy thì sao lại có thể đặt ra nghi ngờ rằng việc đưa ra quan điểm có mang tính
cá nhân không?
Khi bạn đưa ra quyết định một vấn đề gì đó, có những điều gì
sẽ được bạn cân nhắc? Lợi ích cá nhân – Có. Lợi ích cá nhân bạn trong mối quan
hệ với xã hội – Tất nhiên cũng Có. Đó, vấn đề ở đấy đó. Nếu chỉ dừng lại ở câu
hỏi thứ nhất thì việc lựa chọn của bạn chỉ mang tính cá nhân thôi. Nhưng sang đến
câu hỏi thứ hai thì không còn như vậy nữa rồi. Rất rõ ràng phải không?
---
Đến đây thì bản thân mình cũng thấy độ lan man của mình nó
quá cao rồi :)) Đấy là rắc rối của một đứa có quá nhiều ý tưởng trong đầu mà
không phải lúc nào cũng viết ra được. Thế nên một khi đã bắt đầu viết là những
ý tưởng đó sẽ chen chúc nhau xông ra :)))
Một lần nữa, lại quay về những gì lúc đầu định đề cập nha.
Trong một bài viết của người bạn trên fb kia, ngày
17/10/2016, bạn ấy viết về việc tiếp nhận thông tin trong thời đại này. Đại ý
là hiện giờ có quá nhiều điều tiêu cực trên các phương tiện truyền thông, một
người bạn của bạn ấy có quan điểm là: những cái tiêu cực đó, báo chí không nói
thì mình cũng biết, vậy nên thôi, đừng mất thời gian đọc thêm nữa mà làm gì, chồng
bạn ấy nên để thời gian mà chơi với con còn hơn. Còn bạn ấy phản đối ý kiến đó,
bạn ấy nói cần đọc, cần biết, kiểu như một đứa trẻ cần học cách kiểm soát những
câu chửi thề chứ không phải là bị ngăn cấm không được học cách chửi thề để không
biết nói “fuck the govement”. Thực sự thì mình không đọc được hết hoàn chỉnh
bài viết của bạn ấy vì chả hiểu sao cái apps FB lite trên điện thoại toàn không
thể mở hết được phần xem thêm ở những bài viết quá dài, và ví dụ về đứa trẻ và
câu chửi thề trên là ý mà mình lấy từ một bài viết khác của bạn ấy, chứ không
phải trong bài ngày 17/10/16 vì mình cảm thấy nó phù hợp với những gì bạn ấy diễn
đạt. Mình không có ý định viết một bài trình bày quan điểm của mình dựa trên những
gì bạn ấy viết thế nên mình cũng không cố gắng đi đọc trọn vẹn bài viết của bạn
ấy. Và giờ mình chợt nghĩ, có thể vì chưa đọc trọn vẹn nên mình chưa hiểu hết ý
tưởng bạn ấy định trình bày chăng? Nhưng túm lại thì mình chỉ muốn viết về những
ý tưởng của mình đã được gợi ý từ câu chuyện của bạn ấy mà thôi.
Theo mình thì những gì tiếp nhận được, những gì đọc được,
nghe được, học được không quan trọng bằng những gì bạn thể hiện ra, viết ra,
nói ra, truyền đạt lại cho người khác. Cách bạn phản ứng lại xã hội quan trọng
hơn nhiều.
Mình rất đồng ý với bạn ấy, đọc nhiều, nghe nhiều để biết
nhiều. Như ví dụ của bạn ấy thì một cậu thanh niên sống ở vùng thôn quên hẻo
lánh nghèo nàn cần đọc cần nghe để mà không mù quáng lao ra thành phố với giấc
mộng đêm hè để rồi vỡ mộng và trở thành nạn nhân của sự mù quáng ngớ ngẩn. Một
cô bé sinh năm 89 khác chơi với mình vừa rồi vừa bắt đầu cuộc sống du học sinh ở
Czech một hôm nhắn tin về kể cho mình câu chuyện chính em ấy vừa trải qua. Em đang
ngồi trên xe buýt thì gặp một đối tượng hơi có vấn đề về thần kinh, khi em mỉm
cười với con chó của nó thì nó đến bên ngồi cạnh em, rồi đặt tay lên đùi em và
cười một cách đáng sợ. Cô bé bắt đầu sợ, đứng dậy và nhảy ngay xuống điểm dừng
tiếp theo, em bảo, dù sao cũng chỉ cách bến nhà em có một bến nên em quyết định
nhảy xuống luôn. Theo mình thì rất may là đó có lẽ là một người thần kinh không
bình thường thật, có gì đó ngờ nghệch và hiểu lầm ở đây. Mình có hỏi lại cô bé
đó: em sẽ làm gì tiếp nếu cái người đáng sợ đó nhảy theo em xuống bến xe buýt
đó và có thể là sẽ bám theo em về tận nhà? Cô bé không trả lời được. Mình nói với
em ấy là, đáng ra việc em cần làm chỉ là chuyển chỗ ngồi, như thế an toàn hơn
nhiều. Sau đó, nếu em vẫn cảm thấy không an toàn, em có thể cầu cứu những người
xung quanh trên xe, chị tin là trong cả chục người quanh đấy ít nhất cũng sẽ có
một người giúp được em. Nhất là khi cô bé chỉ nói được tiếng anh, và ở đó là
Czech, không phải ai cũng hiểu “Help me” nghĩa là gì. Tất nhiên đặt vào một câu
chuyện cụ thể như thế này thì mọi người có thể nói, bạn không ở trong hoàn cảnh
lúc đó bạn làm sao mà hiểu được cảm giác sợ đến thế nào, rồi thì bạn cứ thử bị
như thế xem, lúc đấy bạn có còn nói được mạnh mồm thế không?
Đúng, mình không ở trong hoàn cảnh đó và khi mình đọc dòng
tin nhắn kể lại câu chuyện của cô bé mình cũng mất một lúc bình tĩnh lại mới
nghĩ ra được cách phản ứng cân nhắc thiệt hơn như thế kia. Nhưng tất cả những
điều đó không tự nhiên mà có, mình đã học được, chính xác hơn là đọc được nhiều
tình huống tương tự, và lời khuyên bao giờ cũng là đầu tiên cần phải bình tĩnh.
Khi mình nói như vậy, cô bé em mình cũng kể là lúc đấy em cũng có nhận thấy một
phụ nữ trung niên đã nhìn thấy sự việc xảy ra với em nhưng em đoán chắc bà chưa
thấy có vấn đề gì cần lên tiếng nên bà không có phản ứng gì. Em bảo, người
phương Tây họ rất độc lập, việc ai người đó tự giải quyết mà. Mình chỉ ừ, rồi
cười bảo em là, đọc nhiều chỉ để biết nhiều, để rồi khi gặp sẽ có thể bình tĩnh
mà xử lý vấn đề chứ không phải đọc nhiều để sợ mà né tránh, vì thế thì còn gì
là trải nghiệm, là sống nữa.
Bản thân mình cũng đã từng có lúc không hiểu làm sao mà lại khoác
tay một người đàn ông xa lạ đi dạo rồi ngồi ăn giữa những người “chị em” trong
một con ngõ nhỏ ở Singapore. Khi đó, mình được dặn là chỉ nên im lặng, và tuyệt
đối không được nói tiếng Việt. Rồi còn được hỏi những câu hỏi không biết có khiến
các bạn thấy đáng sợ không nữa. Nhưng cho đến giờ mỗi lần ngồi nhớ lại buổi chiều
hôm đó, mình vẫn thấy rất biết ơn sự bình tĩnh đã giúp mình có ấn tượng tốt, có
sự yêu mến với một người bạn ở một nơi xa lạ như thế thay vì chỉ là sự oán hận,
sự ân hận vì một điều đáng tiếc nào đó có thể đã xảy ra. Lúc đó vẫn có thể nói
là mình thuộc thể loại điếc không sợ súng, vì là lần đầu tiên đi xa một mình
như vậy nên không biết sợ là gì, nhưng chính vì có lần đầu tiên như vậy mà mỗi
lần khoác balo lên và đi sau này của mình đã đúng thật là trải nghiệm và đều để
lại những kỉ niệm rất đẹp.
Tất nhiên còn một điểm nữa nhất định cần phải có, đấy là sau
khi bình tĩnh đủ để nhìn nhận sự việc thì bạn cần phải có một cách phản ứng “đúng
đắn” với tình huống trước mặt. Chính vì thế nên câu chuyện ở Sing của mình mới
có một cái kết để lại ấn tượng tốt đẹp đến vậy chứ.
Và cho mình hỏi, có bao nhiêu bạn đã từng xách balo đi du lịch
tự túc (có thể gọi là phượt thủ đi cho dễ hiểu nhỉ) ra nước ngoài khi trình hộ
chiếu đi qua hải quan bị họ ghi chú lại như trong trang đóng dấu xuất nhập cảnh
Sing-Malay của mình?
Chắc hiếm (hoặc có thể là hoàn toàn không) có câu trả lời
nào là Có phải không? Đa số chúng ta một khi đã xác định xách balo lên đi du lịch
tự túc thì đều có một sự chuẩn bị nhất định, sự kĩ lưỡng đến đâu tất nhiên tùy
thuộc từng người, nhưng chắc chắn không thể không có chuẩn bị gì được. Bản thân
mình cũng đã chuẩn bị tương đối kĩ càng, đặt phòng, đặt vé xe, vé máy bay, một
vài địa danh trong lịch trình dự tính để khi hải quan hỏi mình có thể trả lời
được. Mặc dù vậy thì việc trong hai ngày liên tiếp, tối đi Malay, sáng lại về
Sing cũng sẽ thật là khó hiểu đối với những người kiểm soát xuất nhập cảnh, nhất
là khi lần thứ hai sang Malay không có kèm một cái đặt phòng nào cả. Vậy là lúc
xuất cảnh sang Malay mình được ghi chú vào hộ chiếu :)) Vậy đó, nói việc này để
thấy rằng, cùng là đi, cùng là xuất ngoại nhưng không phải ai cũng đi như nhau,
có cùng một kiểu trải nghiệm như nhau. Cùng là đến Sing, đa phần mọi người đến
Marina Bay chụp ảnh với Merlion còn mình thì lại dành thời gian lang thang ở
Geylang giữa những người “chị em” của mình.
Mình nói vậy để thấy rằng, không phải ai là du học sinh, là
Việt kiều, là người phương Tây cũng đã “biết”, chứ chưa nói đến việc “hiểu”
phương Tây là như thế nào. (Tất nhiên mình dùng từ phương Tây ở đây là trong một
mối tương quan tương đối với phương Đông thôi, còn thì cũng còn có thể hiểu là
việc so sánh giữa cuộc sống ngoài kia – phương Tây, khác với cuộc sống hàng
ngày của bạn – phương Đông, nữa). Và đương nhiên, vì thế nên mỗi người nêu ra
quan điểm gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là dựa trên sự nhìn nhận qua góc quan
sát nhỏ bé của mình mà thôi. Dĩ nhiên, càng đi nhiều sẽ càng có nhiều góc nhìn
khác nhau, và mình tin rằng quan điểm của người đó khi đó sẽ càng … bình tĩnh
hơn.
(Lại một lần nữa) Trở về câu chuyện của cô bạn trên fb lúc đầu,
đoạn trên là mình thể hiện sự ủng hộ còn giờ thì là mình phản đối quan điểm của
bạn ấy và mình ủng hộ cách nhìn của người bạn bạn ấy: người chồng nên để thời
gian mà chơi với con là hơn.
Có một bài học mà cô giáo lớp 9 của mình đã khiến mình nhớ
mãi thế này. Khi bạn đi học thì việc thay nhau trực nhật, quét lớp ai cũng từng
trải đúng không? Chuyện trốn trực nhật, không quét lớp… là chuyện cơm bữa rồi,
bọn nhất quỳ nhì ma mà lại, phải không? Cô giáo mình bảo: khi có đứa nào đó được
phân công mà trốn việc thì mặc kệ bọn nó cũng chả sao (quét lớp thôi mà, bỏ một
ngày chắc cũng không lún đầu trong rác đâu nhỉ ;) ), báo lại cho cô thì càng tốt,
nhưng đáng trân trọng nhất là những đứa có thể cầm chổi đi quét lớp trước khi
chạy đi mách cô giáo.
Cô bạn trong bài viết ngày 17/10/16 có nói theo bạn ấy biết
những điều đang diễn ra xung quanh mình không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ.
Ok, mình thấy bạn ấy nói đúng. Nhưng mình cũng thấy rất nhiều những ví dụ khác
về những người chỉ “biết” không thôi mà chẳng làm gì cả.
Giống như việc trực nhật vậy - Ồ, hôm nay con A, thằng B, trốn
trực nhật nha. Bọn này đáng ghét nhỉ? Như thế là không được. Hôm nào tổng kết
phải kiểm điểm bọn nó, phải phạt chứ, cả lớp làm đầy đủ mà bọn nó trốn việc thế
là không được. v.v…
Mình thì mình chẳng
quan tâm người chồng người bạn kia đọc được những gì, lề trái, lề phải gì đó,
nhưng mình thấy không chấp nhận được việc chính việc là người vợ phải than vãn:
sao anh không để thời gian mà chơi với con?
Mình cũng thấy chả có ý nghĩa gì khi cứ mạnh mồm nói về dân
quyền hay nhân quyền gì gì đó mà con bạn bóc cái kẹo bỏ cái vỏ kẹo rất hồn
nhiên vô tư vào trong túi gắn vào lưng ghế phía trước một cách rất automatic, bất
chấp cái túi đó là túi lưới mắt cáo.
Mình sẽ thấy yêu hơn rất nhiều nếu người cha người mẹ ngồi
bên cạnh bỏ tạm tờ báo với rất nhiều vấn đề nhức nhối đang đọc dở xuống, và nhẹ
nhàng quay sang giải thích với đứa bé là con biết bỏ rác vào gọn như thế là tốt
rồi nhưng túi mắt cáo to như thế này thì không thể giữ được cái vỏ kẹo bé thế
kia, nên con có thể bỏ tạm vỏ kẹo vào túi quần, lát nữa tìm thùng rác thì rồi vứt
đi sau nhé.
Như thế thì cuộc sống có phải là đáng yêu hơn nhiều không
nào?
Mình vẫn tin câu “tích tiểu thành đại” là đúng. Và mình cũng
vẫn rất trân trọng những người biết cầm chổi quét lớp dù có phải là phiên trực
nhật của bạn ấy hay không. Những người biết hành động đúng bao giờ cũng đáng
yêu quý hơn những người chỉ biết nói không.
----
P.S. Về độ lan man thì lúc nào mình cũng là số 1 trong số những
người mà mình quen biết đấy hehe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét