Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Romeo phải chết! - Nguyễn Phương Mai - Thanhnienonline

Một lần trong dịp nói về lễ Tình nhân 14.2, dẫn dắt đến câu chuyện hôn nhân sắp đặt, cậu sinh viên gốc Ấn Độ ở Hà Lan đưa cho mọi người xem mẩu quảng cáo của gia đình đăng báo để tìm... chồng cho chị gái mình: “Tuyển người phối ngẫu cho con gái chúng tôi, là thạc sĩ khoa học, quốc tịch Canada, nghề nghiệp danh giá...”. 

Nhóm sinh viên (SV) người Âu - Mỹ cười ầm lên chế nhạo một tập tục hủ lậu. Lập tức gần 1/3 lớp gồm rất nhiều sắc tộc Á châu, một vài SV đạo Hindu và Hồi giáo phản đối mạnh mẽ. Các em cho rằng bố mẹ là người hiểu mình nhất, và vì tình yêu thường mù quáng nên sự khách quan nhìn nhận từ bên ngoài, cộng với kinh nghiệm cuộc sống của bố mẹ sẽ khiến sự lựa chọn không chỉ có sự tham gia của trái tim mà còn có phần tính toán của lý trí.
“Tại sao lại có tính toán ở đây! Tình yêu mạnh mẽ sẽ khiến người ta vượt qua tất cả chông gai!” - một cô người Bỉ lên tiếng.
“Tình yêu mạnh mẽ chỉ khiến bạn có đủ nghị lực để vượt qua chông gai. Còn có thực sự vượt được qua chông gai hay không cần có cái đầu tỉnh táo để tính toán. Chả có cái gì trên đời không cần đến lý trí cả. Bạn đừng tưởng cứ vục mặt vào hàng đống gấu bông và hoa hồng là cuộc đời sẽ toàn màu hồng”, một SV khác nói.
Tôi lắng nghe cuộc tranh luận của những cô cậu tuổi 20 và thấy bản thân mình đang được học một bài giảng quý giá. Bởi quả thật tình yêu, tưởng chừng như là một thứ tình cảm mang tính toàn cầu không rào cản, thực ra cũng chỉ là một sản phẩm văn hóa.
Xã hội phương Tây đề cao tính cá nhân khiến tình yêu cũng trở thành một thế giới riêng tư không ai có quyền phán xét. Người ta gắn bó với bạn đời và rời bỏ gia đình để thiết lập một nhánh cành mới độc lập. Kể cả khi hết yêu thì việc rời bỏ nhau cũng không vướng bận quá nhiều đến cha mẹ và họ tộc. “Yêu là yêu”, và “yêu chỉ để mà yêu” là những tuyên ngôn hiển nhiên được coi là chuẩn mực trong một xã hội người ta được phép sống vì mình.
Với những SV người châu Á, các bạn hiểu hơn ai hết tình yêu không phải là mục đích, nó chỉ là phương tiện để đạt được một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Người ta không yêu một cô gái hay một chàng trai, cưới một người chồng hoặc một người vợ, mà là yêu và cưới cả một họ tộc của con người ấy. Khi đó, tình yêu gắn chặt với tình phụ mẫu, tình anh em, không chỉ là trái tim thổn thức yêu thương mà còn phải là những kỹ năng sống thành thục với cái đầu luôn tỉnh táo, khéo léo. Chân thành đôi khi không đủ mà còn là tính toán, đôi khi không còn yêu mà vẫn phải thương, không còn tình mà vẫn phải thờ cái nghĩa.
Cho nên giả sử Romeo và Juliette có chạy thoát khỏi sự thù hằn của gia đình, thì hai đứa trẻ con nhà quyền quý không kinh nghiệm sống, không người thân thích, bật rễ khỏi sự chăm lo động viên của họ mạc, trốn chui trốn lủi, liệu tình yêu của họ sẽ tồn tại được bao lâu? 
Thế nên, Romeo phải chết. Bởi yêu không thôi, thế vẫn là chưa đủ.
Phương Mai(Amsterdam, Hà Lan)
-----------------
Chị này còn có loạt bài về văn hóa Trung Đông viết rất hay. 4 phần. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140213/the-gioi-yeu-duong-o-trung-dong.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét