Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Tai trái

Đối với mình thì Tai Trái là tên bộ phim của Ngũ A Ka Tô Hữu Bằng làm đạo diễn. Nghe về nó là muốn xem để biết y như lúc nghe về So Young của Tiểu Yến Tử Triệu Vy vậy.  Tò mò muốn xem những bộ phim đầu tay hai người họ đóng vai trò làm đạo diễn, muốn chứng kiến một bước trưởng thành của hai người gắn liền với tuổi thơ của mình. Ngoài ra thì cái thông tin ngoài lề rằng Triệu Vy bao lâu nay không hát mà giờ lại xuất hiện, hát một bài hát trong bộ phim của người bạn Tô Hữu Bằng, một đóng góp như một món quà cho người bạn thời thanh xuân, cái thông tin rất đáng yêu này về tình bạn giữa hai người cũng khiến mình rất tò mò. Hai người đó là một phần của một phần tuổi thơ tôi và ấn tượng trong tôi là rất đáng yêu. Đơn giản vậy thôi.
Và quả thật là xem phim xong thì cảm giác là thỏa mãn, không hề bị thất vọng, rất giống cảm giác khi xem So Young. Một cảm giác của tuổi thanh xuân, cảm giác ấm áp đầy yêu thương của tình bạn, cảm giác hứng khởi của tuổi trẻ bồng bột bất cần... nhiều thứ cảm xúc đan xen nhưng cảm giác cuối cùng lúc xem xong vẫn là trọn vẹn.
Với So Young thì vì mình đọc truyện trước khi xem phim nên lúc xem xong cảm giác trọn vẹn rất rõ ràng, rất thích thú, vì đúng là phim là một câu chuyện có đời sống riêng của nó. Tuy là dựa trên truyện nhưng phim hoàn toàn có thể sống độc lập được, thậm chí là mình còn thích phim hơn truyện cơ mà. Cái cảm giác trọn vẹn này khác hẳn với cái sự hụt hẫng, thiếu thiếu khi xem phim Rừng Nauy, bởi vì nếu không đọc Rừng Nauy trước thì khi xem phim bạn sẽ rất khó nắm bắt được câu chuyện và ý nghĩa của nó. Vậy nên mặc dù khi xem Tai trái của Tô Hữu Bằng cũng đã cảm thấy phim trọn vẹn rồi nhưng mình cũng rất tò mò xem phim với truyện có gì khác biệt không. Vậy là mấy hôm trước google mò mẫm ra truyện để đọc. Và kết quả là quả thực phim và truyện lần này cũng có đời sống riêng, đều có những nét hay, nét đẹp rất riêng.

Nói chung là về phim này thì mình rất thích cách chọn diễn viên của Tô Hữu Bằng, đều là những gương mặt rất hợp vai và để lại được ấn tượng rất mạnh, diễn đạt rất tốt cá tính nhân vật. Đặc biệt trong đó là nhân vật Lê Ba La, vai diễn của cô ấy xuất hiện ngay phần đầu phim, và gây ấn tượng rất mạnh với mình. Một cô gái có vẻ đẹp rất đặc biệt, mạnh bạo, phóng khoáng, nhìn vào cô ấy là thấy nhẹ bẫng trong lòng, là thấy tự do, thấy tuổi trẻ, tuổi thanh xuân phơi phới. Nồng nhiệt, vui tươi, hăng hái. Diễn viên thể hiện rất tốt các biểu cảm, từ ánh mắt, nụ cười, cử chỉ đều diễn tả được thỏa đáng những gì mình mong đợi ở tính cách của nhân vật ngay từ những cảm giác đầu tiên, ấn tượng đầu tiên lúc nhìn thấy cô ấy xuất hiện. Mà đấy là mình chưa đọc truyện trước nhé, cảm giác linh cảm của mình đúng quả thật rất là thích thú đấy. Các nhân vật khác cũng có nét rất riêng, rất đáng yêu, vừa như mộng tưởng song cũng có cảm giác rất chân thật với người xem.
Bởi vì câu truyện này được xếp vào thể loại ngôn tình nên có thể sẽ không được đánh giá cao. Tuy nhiên mình vẫn thấy nó có sự khác biệt, cũng giống như So Young, hay tên truyện là Anh có thích nước Mỹ không, cũng có một sự phân biệt với kiểu ngôn tình như Bên nhau trọn đời, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên, hay Sam Sam đến rồi. Trong Tai trái và So young mình thấy có một thông điệp cho tuổi thanh xuân chứ không chỉ đơn thuần là những cảm xúc để thỏa mãn những mộng tưởng của tuổi trẻ về tình yêu. Mình cảm giác về mặt truyền tải thông điệp thì có thể nói dạng ngôn tình như So young cũng làm được một phần cái việc mà Rừng Nauy làm đối với tuổi thanh xuân một thời của Nhật Bản vậy.
À, có một chi tiết thế này, khi xem phim, lúc nhân vật Ba La chết có kéo Tiểu Nhĩ Đóa xuống, nói vào tai trái cô ấy một cái gì đó, mà vì tai trái của Tiểu Nhĩ Đóa lại bị tật nên không nghe được. Điều này làm mình vô cùng tò mò, không hiểu Ba La đã nói gì. Vì vậy lúc đi tìm đọc truyện cũng một phần rất hy vọng là trong truyện sẽ tiết lộ chi tiết này. Trong phim thì tác giả đã rất khéo léo dùng chi tiết này một cách rất hợp lý ở đoạn sau phim, lúc Tiểu Nhĩ Đóa động viên Trương Dạng khi họ gặp nhau trước mộ Ba Lạp. Đọc truyện xong tuy rằng khúc mắc vẫn chưa có lời giải, hehe, thắc mắc mãi mãi vẫn là bí ẩn, nhưng mình lại nhận thấy một điều thế này, có thể tóm lại trong mấy câu hát tình cờ nghe được chiều nay trên tivi lúc vừa đọc xong truyện, một bài hát cũ nhưng nghe thấy lại vào lúc này khiến mình cảm thấy thật hợp tình hợp cảnh làm sao. Đoạn điệp khúc của bài hát là như thế này này:
Don't love me for fun, girl.
Love me for a reason.
Let the reason be love... la la la...
Đôi khi chẳng có gì là bí mật cả, chẳng có gì mà phải tò mò cả. Lời nói gió bay thôi, nghe được thì nghe mà không nghe được thì thôi, cứ để gió cuốn vèo cái đi là thôi. Quan trọng là người ở lại. Tìm được một chỗ dựa, tìm được một nơi để gửi gắm tinh thần, gửi gắm tâm hồn yêu thương là được.
-----
Cuối tuần trước nằm nhà xem hai phim, một là Tai trái, hai là phim English của Ấn Độ. Phim ấy kể về một người phụ nữ Ấn Độ, một người mẹ làm nội trợ ở nhà, sống trong xã hội mà những người có ăn có học đều nói tiếng Anh vèo vèo, kể cả chồng, và đứa con gái lớn của cô ấy cũng vậy, trong khi cô ấy chỉ nói tiếng Hindi, tiếng Anh chỉ biết một ít. Chính vì thế mà mặc dù có tài nấu ăn, chăm sóc cả gia đình rất tốt mà cô ấy vẫn không thể tự tin được. Sự việc rắc rối xảy ra khi cô ấy sang Mỹ để giúp chị gái tổ chức đám cưới cho con. Cô ấy phải đối mặt với xã hội Mỹ, công bằng, bình đẳng, nhưng thiếu những bàn tay giúp đỡ cảm thông. Không nói được tiếng Anh nên cô ấy gặp nhiều rắc rối, ngay từ một việc nhỏ là mua cà phê ở Starbuck. Người bán hàng không thông cảm lắm với việc cô ấy không nói được tiếng Anh, cũng không thể trách người đó được, xã hội công bằng mà, không xét nguồn gốc xuất xứ, không xét đến các yếu tố riêng, ai cũng như ai cả thôi. Vậy là dĩ nhiên cô ấy gặp rắc rối. Xong, nhưng chính sự việc này cũng chính là động lực giúp cô ấy có quyết tâm học tiếng Anh, trong một thời gian ngắn cô ấy đã tiến bộ rất nhiều.
Phim Ấn Độ dạng này có những thông điệp rất hay. Âm nhạc, màu sắc, văn hóa. À ở phim này còn có sự thêm vào của sự đa văn hóa của Mỹ, sự phong phú của các nhân vật phụ, ông thầy dạy tiếng Anh gay, các bạn học người nước ngoài đến Mỹ mưu sinh, đặc biệt nổi bật nhất là anh chàng đầu bếp người Pháp.
Một bộ phim rất đáng yêu đấy.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét