Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Phim cuối tuần

Gọi là phim cuối tuần bởi vì phim xem vào cuối tuần, đúng kiểu tranh thủ giữa những cơn buồn ngủ miên man ngày cuối tuần bù lại cho các ngày trong tuần. Và còn mặc dù hôm nay, bây giờ là tranh thủ viết trước giờ đi làm sáng thứ 4 vào tuần sau đó...
Cuối tuần này mình xem 3 phim. Thứ tự lần lượt là: The freedom writers (2007) - Bay qua tổ chim cúc cu (1975) - The visitor (2007). Đều là phim Mỹ. Và cái thứ tự này tình cờ thế nào lại tạo được cho mình một mạch cảm xúc rất hay.
Phim đầu tiên: The freedom writers (2007). Hình như đã từng nghe về nó trên tivi hoặc đọc về nó ở đâu đó từ rất lâu nhưng mãi tới giờ, khi một người bạn mình nói về nó mình mới mò mẫm đi tìm, download từ tuần trước và tuần này mới xem. Mình chảy nước mắt 2 lần và cảm thấy sốc 1 lần. Hai lần mình rớt nước mắt là 2 cảnh rất xúc động, cảm xúc cứ theo mạch phim và được đẩy lên đúng 2 cao trào thể hiện sự thành công của các nhân vật. Đầu tiên là cảnh lúc bắt đầu năm học mới, cô giáo mời mọi người lên nhận túi sách mới, lấy một ly rượu và nói lên ước mơ, cảm xúc của họ, và rồi một cậu học sinh bình thường chẳng nói câu gì đã xin lên để đọc những cảm nghĩ trong nhật kí của cậu ấy, thế là nước mắt cứ tự nhiên chảy theo những lời chia sẻ của bạn ấy thôi. Cảnh thứ hai là khi cánh cửa mở ra và bà Miep Gies bước vào, rồi cậu bé học sinh Marcus bước ra, khoác tay bà và dẫn vào như mong muốn của cậu. Cũng là một thành công của niềm tin và cảm xúc của mình thì cứ thế trào dâng.
Còn lúc cảm thấy sốc là lúc Erin về nhà và chợt nhận ra là chồng cô đã sắp xếp xong hết vali và anh ta đang ngồi chờ cô về để nói lời từ biệt trước khi ra đi. Thực ra đấy là kết cục thường thấy của những cặp đôi với 2 lý tưởng sống khác biệt. Rất dễ hiểu, và thực sự cách người chồng làm thực sự rất văn minh, rất đẹp, nó tốt cho cả hai người, mình hoàn toàn không phủ nhận điều đó. Nhưng tại sao xem đến cảnh đấy mình vẫn thấy một cảm giác hụt hẫng rất rõ ràng nhỉ? Trước đó tất cả các biểu hiện của người chồng, không ủng hộ, không đồng tình lắm với những miệt mài trong công việc của Erin mình là khán giả, đứng ngoài và rõ ràng là thấy rất rõ, vậy mà tại sao vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng rất buồn kia.
Chắc có lẽ là vì dù nhìn thấy hết những biểu hiện của người chồng nhưng mình vẫn luôn mong một điều kì diệu xảy ra, và lại còn tự vẽ cho mình một kịch bản theo ý mình nữa chứ. Ấy là một ngày nào đó anh chồng đến đón Erin ở trường lúc tối, cùng cô đọc nhật kí của những đứa trẻ để hiểu, cảm nhận cảm xúc của vợ và có lẽ sẽ giúp cô trong những dự án gây quỹ, hoặc lái xe đón những đứa trẻ đến bảo tàng trong dự án The Trips của Erin. Theo mình thấy thì những việc đó không đòi hỏi anh ta từ bỏ công việc của mình, cũng chẳng ép buộc anh ta phải quay trở lại trường để học tiếp kiến trúc như ước mơ một thời của anh ta mà Erin vẫn nhớ. Những hành động kia chỉ yêu cầu một chút sự yêu thương và mong muốn gắn bó với vợ của một người chồng mà thôi. Đâu có gì nhiều đâu. Thay vì chỉ nằm dài ở nhà, chờ vợ về nấu bữa tối lúc rất muộn thì người chồng có thể đến gặp người vợ ở trường sau giờ làm, chẳng phải để giúp những đứa trẻ đâu, chỉ cần để gặp vợ mình, gần với vợ mình hơn thôi, chỉ cần vậy thôi. Nhiều sợi dây tuy mong manh nhưng khi chúng đan vào nhau thì sẽ rất chắc chắn, còn nếu cứ lần lượt dứt bỏ thì... 
Còn đây là đoạn đối thoại mình thấy rất ý nghĩa, bởi vì mình cũng nghĩ và muốn làm như thế này. Cứ làm những gì bạn thấy đúng với trái tim của bạn, chỉ cần thế thôi, vì nhiều ánh nến nhỏ bé cũng sẽ xua tan được bóng đêm thôi, không lo. 
Miep Gies: You are the heroes. You are heroes every day.
Miep Gies: But even an ordinary secretary or a housewife or a teenager can, within their own small ways, turn on a small light in a dark room.
Marcus: I've never had a hero before. But you are my hero.
Miep Gies: Oh, no. No, no, no, young man, no. I am not a hero. No. I did what I had to do, because it was the right thing to do. That is all.
---
Phim thứ hai: Bay trên tổ chim cúc cu (1975). Nghe tên bộ phim này rất lâu, một bộ phim kinh điển của điện ảnh Mỹ thì phải. Mình cũng đã mua quyển truyện cùng tên, nhưng chưa đọc. Cuối cùng lại quyết định load phim về xem trước khi đọc truyện.
Ấn tượng là: Thật kinh khủng!
Trời!
Biểu cảm gương mặt gần như không biến đổi của cô y tá trưởng.
Cái chết của Billy.
Cuối cùng là cái xác không hồn của Randall McMurphy trong vòng tay tù trưởng khi bị trả về với hai vết khâu trên trán.
Mình thấy sững sờ.
Đa số họ tự nguyện vào trại tâm thần đó để trốn tránh cuộc sống bên ngoài xã hội mà họ cảm thấy không thể tự điều khiển được. Với một số kẻ thì điều đó là tốt, một cuộc sống trong khuôn khổ, kỉ luật, có trật tự giúp họ cảm thấy an toàn và xã hội cũng an toàn. Nhưng với một số khác, như Billy, McMurphy, như tù trưởng, họ bị số phận đẩy vào cái trại tâm thần này và cuộc đời họ bị phá hủy hoàn toàn. Billy trong một vài câu ngắn ngủi đã nói rất trơn tru, điều mà chính bản thân cậu không nghĩ sẽ làm được (cậu bị tật nói lắp và mất hết tự tin). Nhưng cuối cùng Billy đã tự giải thoát cho mình bằng một nhát cứa vào cổ.
Mình không cho rằng McMurphy là một kẻ điên, anh ta chỉ là kẻ nổi loạn trong xã hội, anh ta phá mọi quy tắc nhưng anh ta cũng đã mang lại điều tuyệt vời cho Billy, cho cậu sự tự tin mà đáng lẽ cậu phải có. Nhưng cuối cùng thì... phải nhờ tù trưởng McMurphy mới lại được "sống" - "tự do" trở lại.
Tù trưởng, người giả vờ điên, trốn tránh những khắc nghiệt của xã hội đối với thân phận của ông ấy. Người duy nhất đã tự do đúng nghĩa.
Mình thấy thật đáng sợ. Xã hội đấy. Đấy chính là xã hội loài người đấy.
---
Mình cảm thấy thật sự may mắn vì đã xem phim theo thứ tự này.
Bộ phim thứ ba: The visitor (2007) là một giai điệu nhẹ nhàng khép lại tất cả những cảm xúc rất mạnh của hai bộ phim trước.
Câu chuyện đơn giản. Tình người.
Giai điệu trống đi xuyên suốt gần hết phim chính là thứ nâng đỡ cảm xúc, làm sáng bừng cuộc sống ảm đạm, đáng sợ của các nhân vật. Nó chỉ hết nhiệm vụ khi phim chuyển sang mô tả một cảm xúc ấm áp được thể hiện rất rõ ở cuối phim thôi.
---
Trời trở rét đột ngột cuối tuần rồi. Thứ sáu trưa còn nắng nóng, oi bức hầm hập, tối gió cũng chỉ mới hơi se se. Thế mà sáng thứ bảy trời đã chuyển rét được luôn, đã phải lôi chăn bông ra đắp.
Muốn nhắn tin cho một người: Lạnh không?
Cuối cùng thì... chẳng nhắn được.
...
...
...
|

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét