Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Hụt hẫng

Ngữ pháp tiếng Trung có một cái logic theo mình là rất hay thế này. Ting bu dong = nghĩa là có nghe thấy mà không hiểu. Mình thấy nó hay chính là ở điểm ngữ nghĩa của nó rất rõ ràng, rành mạch, có nghe thấy mà không hiểu rõ ràng là khác hẳn với không hiểu do không nghe được. Trong tiếng Việt và cả tiếng Anh nữa, đều chỉ đề cập đơn giản, không phân biệt rõ như tiếng Trung. Tôi không hiểu. I don't understand. Không hiểu do không nghe ra (bu ting bu dong) thì người nói còn thông cảm được và có thể nói lại cho đến khi nào bạn nghe được và hiểu ra. Nhưng với một vài đối tượng ting bu dong hoài thì... bó tay.com, siêu ức chế.
Cũng tương tự như thế là: nhìn mà không thấy, đi mà không đến... Đều là những logic rất hay.
---
Tự dưng mưa gió rền rĩ làm mềnh tự dưng tủi thân quá.
Xung quanh mình sắp sửa vắng bóng một số người. Chị L thì về quê. Chị T thì chuyển phòng. Bạn A thì đi vào miền nam, đi hẳn mấy năm, chà ở đây còn thỉnh thoảng cafe chứ đi lâu thế thì... Tự dưng cũng thấy thiếu hụt kha khá...
Mà sắp tới công việc chắc chắn là nặng nề hơn. Mấy vị tâm đầu í hợp đi rồi thì còn lại mấy "vĩ nhân" đáng sợ thôi. Hic. Nghĩ tới tương lai thấy mịt mùng phết đấy.

Liên tưởng

Xem The Voice có một chi tiết thế này: Đôi khi các thí sinh thể hiện rất hay nhưng cả 4 vị HLV đều không quay lại. Cả bài hát họ (HLV) chăm chú, chau mày, trăn trở, băn khoăn, mấy lần định bấm nút rồi lại chợt khựng lại. Và cho đến khi bài hát dừng, thì họ gục xuống chờ khi ghế quay lại phía thí sinh thì mới vỡ òa sự hối tiếc.
Cái mình muốn đề cập ở đây chính là cái cảm giác của sự hối tiếc ấy. Một chút thôi, chỉ một chút gì đó thôi mà khiến con người ta thực sự tiếc nuối.
Cảm xúc đó của các vị trên ti vi lúc ý có thể là diễn hay không thì mình không cần biết, cái mình muốn nói ở đây là nhìn thấy cái cảm xúc ấy làm mình liên tưởng đến chính nó nhưng nằm trong một hoàn cảnh khác.
Dạo này, thì cũng là do đến tuổi nên tự dưng xung quanh gặp một vài tình huống như thế này. Một cô bạn mình trước đây chưa từng yêu ai, đến lúc đi làm một thời gian thì một anh đồng nghiệp tấn công liên tục. Bạn mình thấy, chà anh chàng này cũng nhiệt tình, vậy thì gật đầu yêu thử xem sao. Vậy là nhận lời yêu, ban đầu cũng chưa có tình cảm gì, nhưng sau lửa gần rơm, cuối cùng cũng nhớ thương day dứt lắm. Tuy nhiên, kết cục lại không như mong đợi, một ngày đẹp trời, anh chàng kia bảo rằng lỗi không tại em, chỉ là anh không thể vượt qua bố mẹ nên thôi "ta chia tay nhau từ đây..." kèm theo màn khóc lóc sướt mướt. Cô bạn mình tuy cũng kịp nhận ra được rằng chia tay sớm được với kiểu người như vậy cũng là điều tốt, nhưng không tránh khỏi một cú sốc lớn, khiến cho tâm trí thẫn thờ và còn vô cùng uất ức nữa, lỗi không tại mình, mình cũng đã hết mình như vậy rồi, sao vẫn không thể đạt được. Một người bạn khác, xung quanh mọi người đều trêu chọc, gán ghép cô ấy với một anh chàng làm cùng cơ quan, một thời gian rất lâu, vài năm có lẻ, từ lúc anh chàng còn cùng người yêu cũ cho đến giờ cũng đã chia tay khá lâu. Lúc đầu thì vì cũng mới gặp, chưa rõ con người ra sao và anh ấy cũng đã có người yêu nên bạn mình cũng rất biết giữ khoảng cách, tình cảm đồng nghiệp, anh em rất tốt đẹp. Sau này, khi anh ấy chia tay người yêu một thời gian thì cũng có ý muốn tiến tới với bạn mình, nên cũng nhắn tin, hỏi thăm, chăm sóc. Bạn mình do trải qua một thời gian quen biết trước đó, đánh giá con người này cũng không có điểm gì không tốt, chỉ có điều lúc nào cũng nhiệt tình quá, đâm ra hay chịu thiệt thòi. Bạn mình vốn dĩ tính cũng như vậy, nên cô ấy nhận thấy, một người còn được chứ cả đôi mà cùng nhược điểm như vậy thì quả thật không ổn. Thêm nữa là khó xử cũng bởi quan hệ đồng nghiệp gần gũi cùng cơ quan. Nó vừa là sức ép, là nhân tố thúc đẩy, lại cũng là nhân tố cản trở. Mọi sự xuôi chèo mát mái thì không sao, chứ có vấn đề gì thì dư luận xung quanh lại cũng là một điều rất khó xử cho cả đôi bên. Cô ấy lưỡng lự. Mãi cho tới giờ, hơn một năm rồi, mọi người xung quanh nói vào bao nhiêu mới gật đầu đồng ý, chấp nhận lời ngỏ từ anh kia. Nhưng, cô ấy vẫn nói với mình một câu: quả thật, nước chảy thuyền trôi, chứ đến giờ vẫn không hiểu tình cảm là thế nào.
Thực ra, cảm giác nuối tiếc là cảm giác của tương lai, khi mọi việc đã xong, ngồi nhìn lại ta mới biết có thấy nuối tiếc hay không được. Còn cảm giác của hiện tại là cảm giác băn khoăn, lo lắng, lưỡng lự, thậm chí là sợ hãi. Mọi quyết định đều có thể dẫn đến kết quả tốt đẹp hay hậu quả không lường. Nếu có những tín hiệu rõ ràng thì khác, các HLV đã có thể quay ghế ngay từ những giây đầu tiên, những nốt đầu tiên hoặc kiên nhẫn ngồi nghe hết bài một cách bình thản. Vì thế dở nhất chính là gặp phải những tình huống mà người ta cảm thấy sợ phải quyết định, sợ phải chọn lựa, sợ sự hối tiếc.
Nhưng đấy là thực tế thông thường, và thường thì quyết định càng quan trọng thì nỗi sợ sự hối tiếc càng lớn.
Trong cuộc sống của mỗi người, rõ ràng việc gặp phải các tình huống phải đưa ra quyết định và cảm giác sợ hãi sự hối tiếc là sự thật khách quan, không thể tránh khỏi. Và giữa hai cái đó, ta cũng chỉ có thể chọn hướng tìm cách làm giảm nỗi sợ hãi sự hối tiếc để đối mặt mà thôi.
Vậy một khi đã nhận diện ra được vấn đề như vậy thì bản thân tôi cũng phải nên thử tự tìm cách xoay sở giải quyết xem sao chứ nhỉ :P
- Thứ nhất, chính là "Làm người phải có nguyên tắc" - Đưa ra nguyên tắc đối phó cho một vài tình huống giả định (cái này lúc nào rỗi rãi có thể tự ngồi suy nghĩ hoặc học hỏi trong sách, truyện, rút kinh nghiệm từ các tiền bối...)
- Thứ hai chính là "Kiên định" - Nhất định phải tự tin mà bước theo con đường đã chọn. Tuy nhiên nói vậy nhưng cần phân biệt rõ, "kiên định" không phải là "cố chấp", nếu thấy nguyên tắc không hợp lý thì sai phải sửa, không được cực đoan, cứng đầu.
- Thứ ba, cuối cùng chính là "Không hối hận" - cái này chính là mục tiêu, nhưng cũng là cách thức đối mặt, thái độ "có chơi có chịu". Con người quả thật không phải là thần thánh. Để mà kiên định làm theo nguyên tắc quả thực vô cùng khó khăn. Nếu thành công, tốt đẹp, tức là đạt được mục tiêu không hối hận rất dễ dàng. Nhưng nếu thất bại, để mà không hối hận quả thực rất khó. Vậy chỉ có thể hối hận một chút thôi, một chút thôi, để lấy đó làm kinh nghiệm mà sửa sai, ngẩng đầu bước tiếp. Như vậy mới được.
Mới nghĩ được ba cái như vậy, hy vọng là đủ xài rồi. :)
-----
Đối với một số tình huống, một khi đã nhận thấy rằng mình là không có khả năng xoay chuyển tình thế, và chắc chắn không phải là kẻ kiểm soát cuộc chơi thì mình chọn cách không tham gia ngay từ đầu. Ví dụ như trường hợp mình biết rõ mình ngu hơn đối thủ, như thi đại học chẳng hạn, nếu được lựa chọn, chắc chả bao giờ mình chọn con đường này.
Một số tình huống thì cũng có thể biết là có cách để xoay chuyển tình thế, kiểm soát tình hình, nhưng cách thức phức tạp quá, tốn nhiều trí lực quá, nếu xét thấy không cần thiết thì mình cũng không chơi. Ví dụ như đối với trò dò mìn trên windows, chả bao giờ chơi dù biết chắc là mọi người chơi có cách để tính toán, dự đoán vị trí mìn mà tránh. Tuy nhiên với mình, giải trí thì mang tính ngẫu nhiên, may rủi một chút sẽ đem lại cảm giác sảng khoái, thú vị hơn là cứ phải tổn hại tâm trí tính toán, giành giật chiến thắng. Đó chỉ là trò chơi thôi mà, lao lực vậy thì đâu còn là giải trí nữa. Đối với các trò chơi khác cũng như vậy.
Đối với một vài tình huống khác thì quả thật là do không biết tự lượng sức mình, kiểu "điếc không sợ súng" hoặc là tình thế ép buộc phải liều, lúc ấy mình nghiêm túc thực hiện điều thứ hai và điều thứ ba ở trên kia. Cái này thì gặp thường xuyên hơn hai cái trên. Mọi sự thường ngày có lẽ đều phân vào ý này là nhiều, công việc này, thậm chí cả đến việc ăn uống, hay vấn đề tình cảm. Đa số là "nhắm mắt đưa chân" mà thôi.
----
Hôm qua được hỏi một câu mà mình cảm thấy choáng. Đại ý là nếu có bầu mà siêu âm thấy con mình bị dị tật thì mình cảm thấy sao? Bị Down chẳng hạn.
Mình từng nghĩ đến trường hợp này rồi nhưng đấy là tự nghĩ, giờ bị người khác hỏi mới thấy choáng, cảm giác thật chân thật.
Trước đây mình nghĩ có thể vượt qua được. Mình có hiểu biết, có khoa học, yêu con vậy là có cơ sở để giữ con được sống, có cơ sở để vượt qua chứ. Mình đã nghĩ thế. 
Nhưng hôm qua lúc bị hỏi, thực sự là lưỡng lự, không thể trả lời.
Mình thử lên tiếng biện minh rằng nhiều người bị Down mà vẫn sống tốt, vẫn thành công. Nhưng thực ra khi bản thân nói ra những lời đó cũng đã cảm thấy rất hoang mang. Bạn mình bảo, cứ cho nó xem Forest Gump là được. Một câu đùa? một gợi ý? Thực sự cảm thấy càng hoang mang hơn vì mình biết là khống chế bản thân mình còn khó, đừng nói đến thay đổi hay can thiệp gì vào tâm trí người khác. Nhiều cái mình biết là phải giữ thái độ thế này mới hợp lý mà mình không thể làm được hoặc cũng phải rất rất cố gắng mới làm được. Ngay đến bây giờ nghĩ cách để truyền đạt sự thích thú trong học hỏi tới một người bình thường (về trí lực) cũng đã rất khó khăn với mình rồi... Vậy mà...
Hơn nữa mình vẫn nghĩ từ lâu là con cái giống như một sản phẩm của người cha người mẹ, tuyệt đối không được lựa chọn gì lúc sinh thành, nếu may mắn thì không sao chứ có hậu quả gì thì đều là nó phải gánh chịu trong khi lỗi không phải của nó.
Vậy nên, có lẽ nào thà mình đau một lần rồi thôi, chứ đừng để hậu quả cho con yêu mình phải gánh.
...
"Bản thân mình đã chẳng thể tự tin được thì sao có thể..." - Chà, quả thực là phải suy nghĩ nhiều đấy.
(Vừa lướt web, thấy câu chuyện này. https://m.daikynguyenvn.com/doi-song/wrights-law-bai-hoc-tu-mot-nguoi-thay.html. Đây có lẽ là câu trả lời cho mình đây. Con người gồm phần con và phần người, con người ý thức được điều đó, giống như trong cuộc sống có khoa học và tình cảm vậy. Cuối cùng thì quan trọng là cần phải cố gắng và chiến đấu kiên cường hết khả năng thôi)
----
Dù sao thì ngày mai, bước ra với cuộc đời, mình sẽ lại vẫn "điếc không sợ súng", mắt nhắm mắt mở mà dũng cảm bước đi thôi :))) 

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Cảm xúc

Mấy hôm vừa rồi miệt mài xem The Voice China. Lúc đầu thì rỗi rãi vào youtube tìm mấy video để xem, gặp mấy trích đoạn vòng giấu mặt, đủ các mùa. Càng xem càng thích. Thế rồi thì đi tìm xem cả hẳn full toàn bộ vòng giấu mặt và được đoạn đầu vòng đối đầu của season 1. Chẹp, thích thật. Rất giàu cảm xúc, cả từ phần hát đến phần đối đáp, giao lưu giữa các laoshi và thí sinh. Rất nhiều lần các laoshi lên sân khấu hát với thí sinh, có thể là do nguyện vọng của thí sinh yêu mến, muốn được một lần hát cùng với thần tượng, hoặc có vị laoshi như Na Ying thì là lên hát tặng em bé thí sinh đang mang bầu một bài hát. Còn một điểm rất đáng chú ý là rất ít bài thi bằng tiếng Anh, hầu hết là tiếng Trung, mình nghe không hiểu, phải đọc sub, nhưng cảm xúc thì cảm được. Rất đầy và ấm.
Cái thể loại tai trâu như mình ấy mà, nói chung là cũng khó chiều phết đấy. Đừng tưởng kĩ thuật giỏi, luyến láy feeling mà mình bẩu hay nhá. Không. Nghe mà không cảm xúc thì dù thiên hạ tung hô mình vẫn thấy chán như thường. Việt Nam thì có ca sĩ Thanh Lam là ví dụ điển hình. Những ca sĩ khác thì ít ra còn thích được một hai bài, hoặc một thời điểm nào đấy. Còn Thanh Lam thì chịu. Thử nghe mãi rồi mà hoàn toàn không thích nổi. Nghe chả thấy có cảm xúc gì, chỉ thấy gào thét, vật vã thôi. Dạo trước cũng có đọc mấy bài báo mạng, nói về Thanh Lam, quan điểm này nọ, v.v. chuyện muốn làm việc này việc kia, phong cách làm việc, đúng là báo mạng thì không biết thế nào thật, nhưng mình thấy về mặt đó thì hoàn toàn ok. Duy có mỗi khi cô ấy hát thì mình chịu. Không cảm nổi.
Mấy cái  kiểu tông này tông nọ, giọng cao giọng trầm, v.v. đến giờ nhiều cái mình vẫn hoàn toàn không hiểu. Mình nghe nhạc, thấy cảm thì thích, không thì thôi, chứ chịu, không biết bình luận về kĩ thuật thế nào được. Mình thích những người hát bằng cảm xúc, giọng không cần hay, hoặc cách hát chẳng cần có gì đặc biệt, cứ thế, cứ hát lên thôi là đủ rung động con tim rồi. Như Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn ấy. Hay như không, chả cần gào thét, chả cần vật vã mà buồn ra buồn, buồn chết đi được. Có người nói với mình, hôm nào mưa, buồn mà đi nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh thì không khéo đập đầu tự tử mất. Mình thấy chuẩn. Hay gần đây mình có bắt được cái clip anh Chu Tam tự đàn guitar và hát bài "Thư tình chàng ca sĩ" của anh ấy. Hát như nói, như đang kể chuyện ấy, chả kĩ thuật, chả nhấn nhá, bổng trầm gì, cứ đơn giản là nói ra nỗi lòng thôi. Nghe thật là phê. Vì anh ý hát tiếng Trung, nếu không có sub thì mình chịu, chả hiểu đang hát gì, nên lúc đầu nghe thấy còn hơi buồn cười, thú vị vì giọng hát rất tưng tửng. Nghe đi nghe lại vài lần + đọc sub để hiểu lời thì thực sự là cảm động. Thật sự là đáng yêu.
Nhiều người như thế lắm. Hát như không, mà buồn ra buồn, vui ra vui, phấn khởi ra phấn khởi, muốn bay cả lên cũng được. Chẳng cần vật vã, gào thét, nhảy nhót loạn xạ mà cảm xúc đâu ra đấy. Nhưng cũng có một điểm là vì hát bằng cảm xúc nên chắc là không thể lần nào cũng như lần nào được, sự rung động chỉ có tính thời điểm thôi. Nên mình hay phải vất vả đi tìm những bản thu mà đúng cái lúc mình nghe mà thích, cho dù đúng ca sĩ ấy nhưng lúc họ hát trong phòng thu, mọi thứ đầy đủ cũng có thể không bằng lúc họ hát ngoài đường, ồn ã, nhiều tạp âm nhưng đúng lúc tâm trạng bộc phát.
Nói thế cũng không phải là bảo là hát không cần kĩ thuật, không cần khổ luyện, không cần một giọng hát trời cho. Nhưng yếu tố cảm xúc vẫn là quan trọng. Như bài Chi em quan tâm anh nhé. Bài này vốn dĩ nổi tiếng từ xưa, nhiều người hát. Lên Zing search thì ra một loạt tên ca sĩ nổi tiếng lẫn người thường hát bài này, trong đó có một giọng ca nổi tiếng là cảm xúc, là Đặng Lệ Quân. Nhưng lần đầu tiên mình nghe bài này và kết ngay tắp lự là lúc xem trên youtube, phần thi của Hoắc Tôn trong chương trình Sing my song, trong phần nhận xét của huấn luyện viên, họ mời mẹ Hoắc Tôn lên giao lưu và bác ấy đã hát bài này. Lúc đấy mình ấn tượng ngay, dù bác chỉ hát có một lời, và chả ấn tượng gì với phần thi của con trai bác cả, dù bạn ấy được cả 4 huấn luyện viên ca ngợi hết lời. Bác ấy cũng là người hát chuyên nghiệp, nhưng sau này mình có đi tìm bản mp3 bác ấy hát và nghe cả nhiều người khác hát, trong đó có Đặng Lệ Quân thì mình chưa thấy ai hát cảm động bằng bác ấy.
---
Lúc này đây, vừa nghe liên khúc mở màn The Voice China season 3 xong thì máy tự next sang bài Give me some sunshine (ost của 3 Idiots) rồi tiếp đến My heartache (ost của The Gentlemans Dignity). Một loạt các bài hát, à không các phần trình diễn đầy cảm xúc, nó thôi thúc, bay bổng, sức truyền cảm hứng rất lớn. Chả biết diễn tả thế nào. Tuyệt!

---
Nhiều lúc ngồi nghĩ tự dưng thấy bản thân cũng thật ngộ. Cuộc sống của mình vốn dĩ chẳng có gì. Có người đã hỏi mình hình như chục năm không gặp mà mình vẫn thế, vẫn kiểu chăm ngoan, hiền lành, cái gì cũng ok, đi làm xong về nhà, chả nổi loạn, chả biến động gì thì phải. Ôi trời :)))) Nghe hỏi xong mình nhìn lại mình, hình như nói đúng thật. Vẫn thế, chả khác gì. Thế thì mình đúng là một kẻ nhạt toẹt, cuộc đời mình đúng là chán òm.
Nhưng tự bản thân mình nhìn nhận mà nói thì cuộc sống của mình vô cùng phong phú, về mặt cảm xúc ấy.... và đa số là cảm xúc vay mượn. He he. Tức là thực ra thì không phải cảm xúc có được từ tình huống thực tế của mình mà là cảm xúc mình cảm nhận được từ thế giới xung quanh. Từ những câu chuyện trong sách, trên mạng, những chuyện bà tám với mọi người này. Từ những bài hát, những bản nhạc, bộ phim. Từ những hoàn cảnh trong những chương trình truyền hình thực tế. Từ những quan điểm chia sẻ trên status mạng xã hội của mọi người... Từ tất cả các nguồn ấy, nó không phải là của mình, nhưng mình đã biến nó thành cảm xúc của mình.
Cảm xúc vay mượn... Hoàn toàn có thể nói là vậy. Nhưng cũng thú vị đấy chứ.

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Trẻ con

Hôm nay mình vừa xem xong Like Stars on Earth (Taare Zameen Par (2007) định mò lên facebook post status tâm đắc thì gặp ngay bài viết của bác này (bài trích dẫn ở dưới ý), cô giáo mình like và share. Duyên thật là duyên.
Nhiều lúc tự dưng lẩn thẩn ngồi ngẫm ngợi thì thấy là mình có một vấn đề thế này, bế tắc kinh khủng, đấy là mình không biết làm gì với bọn trẻ con cả, và vì thế mà mình chả hiểu sao người ta có thể dễ dàng sinh con đẻ cái đến vậy. Chả lẽ cứ tin vào cái thuyết "trời sinh voi, trời sinh cỏ" rồi mạnh dạn đẻ là xong à? Ô hay nhỉ!

-------
Minh Triet đã thêm một ảnh mới. (https://www.facebook.com/Baongvlq/posts/1426681867653812)

2 cái chết
1 em 7 tuổi chết vì chui vào máy giặt, 1 em 17 tuổi học sinh trường chuyên tự tử.
Tôi chân thành chia buồn với bố mẹ và gia đình các em.
Nhưng có 1 điều tôi thấy cần nói, để những ng làm cha mẹ biết, rằng 95% lỗi tại cha mẹ.

Có thể nhiều ng nghĩ điều tôi viết ra đây làm cho ng thân các em đau buồn thêm. Nhưng vấn đề vẫn còn đó. Họ có thể có những đứa con khác, những ông bố bà mẹ khác cũng có những đứa con. Và điều tôi nói có ích.
Trường hợp chết vì máy giặt, tất nhiên rất hi hữu. Nhưng đã xảy ra. Chúng ta có thể coi như 1 rủi ro. Và không vì thế mà các nhà kinh doanh dừng sản xuất, chính phủ cấm bán và người tiêu dùng thôi xử dụng máy giặt. Trên đời này có 1 tỷ loại rủi ro tương tự.
Không ai và không bao giờ lường hết được rủi ro.
Thời trước do sợ trộm bẻ khoá nên người ta nghĩ ra loại khoá bên trong, chìa khoá thì buộc vào sợi dây đeo vào cổ các cháu. Khi các cháu kiễng chân luồn tay mở khoá thì trượt chân, cái dây biến thành thòng lọng treo cổ. Vài cháu đã chết.
Các tai nạn tương tự rất nhiều.
Nhiều nước có bộ máy tử tế sẽ giúp loại trừ 1 phần rủi ro. Ví dụ ở Mĩ sau một loạt tai nạn thòng lọng như ở VN họ ra luật cấm bán các loại áo có dây buộc cổ, buộc mũ cho trẻ con dưới 10 tuổi, khuyến cáo bố mẹ không cho trẻ con đeo dây chuyền, vòng cổ. Vì các sợi dây đó có thể biến thành thòng lọng khi các em chơi thể thao, đùa nghịch. CP VN cũng có thể học Mĩ mà cấm trẻ con dưới 10 tuổi đeo bất cứ loại dây gì vào cổ. Tuy nhiên các ô bố bà mệ ko nên chờ CP làm cái điều họ có thể làm, ngay và luôn.
Khi cô em tôi có đứa con đầu tiên, thỉnh thoảng nó đưa cháu về thăm ông bà ngoại. Việc đầu tiên tôi làm là gọi người đến lấp ngay cái ao mà Ba tôi vừa mới làm. Ba tôi rất bực, tôi nói cái ao này có thể giết chết cháu ông đấy. Hiểu rồi.
Khi con tôi 3 tuổi, nó bắt trước ng lớn lấy ấm điện cắm vào ổ điện và thích thú khi thấy cái ấm đỏ rực bốc khói nghi ngút. Ngay lập tức tôi gọi thợ đến làm lại toàn bộ hệ thống điện, tất cả ổ cắm phải cao 1m6, vì VN chưa có các ổ cắm an toàn.
Tôi đến nhà 1 bạn người Đức. Con anh 3 tuổi. 2 vợ chồng bỏ ra 1 ngày đi mua những quả bóng giống như bóng tennis để lắp vào tất cả những đồ vật có góc nhọn như góc bàn, góc tủ để khi đứa bé chạy có va vào sẽ không bị lòi mắt, vỡ đầu. Trước đó họ đã phải thay cái hàng rào thấp 80cm có những thanh sắt nhọn bằng hàng rào cao 1m6, các đầu thanh đều uốn tròn. Khi thấy cảnh các ông bố bà mẹ VN hồn nhiên bế con trèo rào sắt nhọn vào công vien nước, bạn nói phải tống cổ ban tổ chức vào tù. Hành vi của ban tổ chức công viên nước Hồ tây nếu ở nước khác như Pháp, Đức sẽ bị coi là hành vi giết người. Tù không dưới 7 năm. Có bà BT Y tế pháp đã bị truy tố vì để lọt mấy túi máu nhiễm HIV vào hệ thống y tế. Bà ta không trực tiếp liên quan. Nhưng trách nhiệm thuộc về bà BT, và cáo trạng là tội giết người.
Chờ bọn nó đi tù còn lâu, nhưng đơn giản đừng bế con trèo rào, ai cũng làm được, ko cần chờ CP và QH.
Sau khi xảy ra thảm hoạ Heyssel, các sân bóng đá Anh và châu Âu phải bỏ ngay các hàng rào ngăn cách khán giả với cầu thủ, để khi xảy ra chen lấn thì khán giả có thể tràn xuóng sân thoát thân, không bị chết bẹp do bị ép vào hàng rào.
Sau khi đọc tin về cháu bé 7 tuổi chết trong máy giặt, việc đầu tiên tôi làm là xem cái máy giặt nhà mình, nó giống hệt loại mà bài báo viết. Tôi dắt bọn trẻ con vào buồng giặt, chỉ cho chúng nó thấy cái máy và dặn đừng có chui vào, chết tươi đấy. Ngoài ra ra tôi cho lắp khoá phòng giặt, bảo cô GV phải luôn luôn khoá. Biết đâu đấy.
Tóm lại khi con chưa đủ 18 tuổi thì bố mẹ phải tìm cách ngăn ngừa các rủi ro có thể. Nếu CP thông minh thì sẽ giúp hạn chế 1 số rủi ro, nhưng đừng có chờ CP.
Còn chuyện em học sinh trường chuyên?
Lí do cụ thể tôi không biết. Từ những gì tôi đọc được thì em trầm cảm vì bị bạn bè cô lập. Tôi không nghĩ em bị trầm cảm bẩm sinh, em đã học chuyên NH, chuyển đến trường mới này đã 1.5 năm. Vậy trầm cảm nếu có là mới phát sinh.
Cũng tương tự như chết vì cái máy giặt thôi. 95% tại bố mẹ.
Xin lỗi bố mẹ và ng thân của em. Tôi nói những điều tôi nghĩ là có ích cho những ng còn sống.
Cuộc sống, muốn hay không, là sự ganh đua khốc liệt. Từ học thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin đến tất cả các học thuyết tân thời đều như vậy. Ngay các lãnh tụ kính yêu của chúng ta cũng thường xuyên nói xã hội ta tốt gấp vạn lần xhtb, đấy là gì nếu không phải ganh đua? Có thể cấm trẻ con các nước tư bản đọc các bài phát biểu của lãnh tụ VN không? Không. Vậy chúng nó trầm cảm thì sao?
Con bạn sẽ phải ganh đua từ khi lọt lòng cho đến lúc chết. Điều đó không phụ thuộc con bạn, hay bạn. Đã là sinh vật sống thì nó theo các quy luật như thế. Không vì trường hợp này mà anh Luận xoá bỏ ngay hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Mà có bỏ thì vấn đề vẫn còn đó. Chẳng qua nó thể hiện rõ rệt hơn ở môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn mà thôi. Trường thường, lớp thường cũng vậy, chẳng khác là bao.
Ông con tôi 6 tuổi. Nó tập bơi và mới bơi được độ 3m. Hôm qua tôi đưa nó xuống bể bơi. Tôi chui vào một góc để quan sát. Gặp bạn cùng lớp với nó, đang mặc áo phao, chưa biết bơi. Ông con tôi quay ra dè bỉu ngay
- bạn dốt nhỉ, bơi dễ ợt, tớ nhảy xuống nước là bơi luôn.
Tất nhiên nó bốc phét, nó đã qua 2 khoá tập bơi với những vđv bơi lội hàng đầu VN.
Và kết quả là bơi như ếch và thở như chó, trong vòng 3m.
Nó rất tự hào vì biết bơi, như nó nói là bơi như rái cá, điều đó không thể khoe khoang v ai trong nhà được vì ai cũng bơi hơn đứt nó. Vậy khoe v ai? Nó lượn lờ trước mặt mẹ thằng ku kia, bi bô đủ điều là bơi dễ hơn đọc với viết, vì ông ranh này đến bg không biết đọc biết viết. Tôi cũng chẳng bận tâm chuyện đọc viết của nó. Và trước mặt ku kia thì ông con giở đủ trò: lao đầu xuống nước, lặn ngụm, lộn nhào, bơi sấp, bơi ngửa, bơi chó, bơi ếch...ku kia càng khiếp, ngồi thu lu 1 góc.
Nếu mẹ đứa bé cũng ngớ ngẩn, hoạc nhiễm thói ganh đua dở hơi, quay ra mắng con mình:
- đấy, xem con người ta đấy, học có 2 buổi đã bơi được rồi, còn mày thì... Đồ toi cơm.
Và rồi những thứ khác cũng thế thôi. Luôn có những đứa bé khoe khoang những điều con bạn không có, hoặc chưa làm được. Chúng ta không thể cấm bọn trẻ con nhà người khác khoe khoang, ganh đua. Cũng như không thể cấm Ngọc Trinh khoe da trắng, khoe eo nhỏ, không thể cấm a Vượng Vincom khoe nhiều tiền.
Một lần có giấy mời đi xem chung kết hoa hậu VN, tôi cho cháu gái 14 tuổi, con ông anh. Anh xé mẹ đi vứt thùng rác. Và tôi hiểu ý anh. Ngộ nhỡ nó tủi thân vì không có mông, vú và chiều cao như mấy con khỉ kia thì sao.
Hãy bảo v con bạn
- Kệ mẹ thằng ranh kia con ạ. Mẹ đây 40 tuổi đã biết bơi đéo đâu. Bố con cũng chẳng biết bơi. Không sao cả. Con cứ xuống bể bơi, nếu con không thể bơi thì lấy cô vdv bơi lội kia làm vợ. Dễ hơn học bơi.
Đừng bao giờ tạo bất cứ áp lực nào lên con bạn. Đến 18 tuổi mà nó biết đọc, biết viết, có thể nói ra suy nghĩ của nó, tự chăm sóc bản thân là rất tuyệt vời. Còn lại cứ kệ mẹ nó. Nếu các bạn trường nó đói xử v nó không tốt, hãy chuyển trường cho nó. Tôi nghĩ đã vào được trường chuyên số 1 HN thì vào trường nào chả được.
Ảnh. Loại áo có dây buộc ở cổ ntn bị cấm bán cho trẻ em dưới 10 tuổi ở Mĩ.

Những bộ phim gợi nhớ về tuổi học trò

 Tính đến hôm nay thì mình đã xem được 3/5 phim trong list này. Hay, có mỗi một từ đấy thôi. 
Một thời đã qua...
--------

Những bộ phim gợi nhớ về tuổi học trò không thể bỏ qua

11:00:01 31/05/2015

Mùa tan trường đã đến, đây là quãng thời gian vô cùng thích hợp để điểm lại những bộ phim gợi nhớ về tuổi học trò đầy kỉ niệm.

Mùa tiếc nuối, mùa buồn, mùa tan trường đã đến, hãy cùng nhau điểm lại những bộ phim gợi nhớ về tuổi trẻ nói chung hay tuổi học trò nói riêng đầy ắp những kỉ niệm ngọt ngào về tình yêu, tình bạn, tình thầy trò. Những tác phẩm dưới đây tuy không màu mè, hoa mỹ, cũng không có những kĩ xảo hoành tráng, song lại là những tác phẩm khiến người xem day dứt khôn nguôi về tuổi trẻ tươi đẹp đã qua không thể nào níu giữ.
 
You Are the Apple of My Eye (2011)
 
 
You Are the Apple of My Eye (Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi) kể về Kha Cảnh Đằng (Kha Chấn Đông) cùng nhóm bạn thân bao gồm Lão Tào, Bột Khởi, Cai Biên và A Hòa đều cùng yêu thích một cô gái tên Thẩm Giai Nghi (Trần Nghiên Hi). Chuyện tình cảm của nhóm bạn kéo dài xuyên suốt những năm tháng trung học đến tận đại học, cùng với đó là những lần tình yêu tan vỡ đầy tiếc nuối của các bạn trẻ vì nhiều lý do khác nhau.
 
 
You Are the Apple of My Eye của đạo diễn Cửu Bả Đao là một tác phẩm xuất sắc, nội dung nhẹ nhàng nhưng tinh tế, những cảnh quay chân thật tuyệt đẹp, âm nhạc dịu nhẹ sâu lắng. Quan trọng hơn là diễn xuất ăn ý của bộ đôi Kha Chấn Đông và Trần Nghiên Hi đã thực sự khiến người xem trải lòng về chuyện tình tuyệt đẹp nhưng nhiều tiếc nuối của họ.
 
 
Gửi gắm những thông điệp giản đơn nhưng khiến người xem giật mình ngỡ ngàng khi cho rằng con gái mãi mãi trưởng thành hơn con trai cùng tuổi, tình yêu đẹp nhất là trong giai đoạn yêu thầm vì khi thật sự ở bên nhau rồi rất nhiều cảm giác sẽ biến mất. Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi của điện ảnh Đài Loan là sự trộn lẫn giữa những vui tươi hớn hở của tuổi mới lớn với những tiếc nuối khôn nguôi về thời thanh xuân tươi đẹp lặng lẽ qua đi.
 
Under the Hawthorn Tree (2010)
 
 
Under the Hawthorn Tree (Chuyện tình cây táo gai) của điện ảnh Trung Quốc xoay quanh mối tình trong sáng giữa cô học sinh thành thị xuống nông thôn thu thập tư liệu để hoàn thành bài tập và chàng thanh niên tri thức làm ở Cục mỏ địa chất trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa những năm 70 của thế kỷ trước. 
 
 
Điểm nổi bật ở tác phẩm là những cảnh quay thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, lối kể chuyện đơn giản, chậm rãi dẫn dắt người xem dõi theo mạch phim của mình. Ngoài ra, diễn xuất của Châu Đông Vũ và Đậu Kiêu cũng chính là điểm nhấn của phim, chính sự ăn ý của hai diễn viên đã vẽ nên chuyện tình trong sáng, thuần khiết với những cái nắm tay rụt rè, nụ hôn khẽ khàng lên mái tóc của Tịnh Thu và Lão Tam.
 
 
Under the Hawthorn Tree không chỉ đề cập đến những vấn đề tình cảm đơn thuần, mà song song với đó tác phẩm còn khắc họa sắc nét về thời cuộc lúc bấy giờ. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã vô cùng thành công trong việc khắc họa mối tình nhiều tiếc nuối giữa Tịnh Thu và Lão Tam, đồng thời cũng truyền tải rõ nét bối cảnh của thời đại lúc bấy giờ, thời đại mà con người luôn bị kèm kẹp, luôn bức bối, không thể sống tự do với những ước muốn của bản thân.
 
The Classic (2003)
 
 
The Classic (Cổ điển) xoay quanh hai câu chuyện tình yêu cách nhau 3 thập kỷ. Ji Hye (Son Ye Jin) và Soo Kyung là đôi bạn thân thiết, trớ trêu thay họ cùng phải lòng một chàng trai. Soo Kyung tính tình bồng bột, nhờ Ji Hye viết thư tình giúp mình để gửi đến Sang Min (Jo In Sung), chính điều này đã giúp Soo Kyung và Sang Min đến được với nhau. Cũng từ đó mà Ji Hye luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách né tránh Sang Min. Nhưng duyên số cũng rất tình cờ sắp xếp cho Ji Hye và Sang Min những lần gặp gỡ bất ngờ, khiến tình cảm giữa họ nảy nở như nụ hoa trong sương mai. Một lần dọn dẹp gác mái, Ji Hye đã bắt gặp chiếc hộp gỗ của mẹ cô, nơi lưu trữ nhật ký cũng như những lá thư của bà về mối tình đầu.
 
 
Không phải ngẫu nhiên mà The Classic lại được người bạn Hong Kong bầu chọn là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh châu Á. Đạo diễn Kwak Jae-yong đã vô cùng thành công trong việc vẽ nên bức tranh muôn màu về hai chuyện tình cách nhau 3 thập kỷ một cách tự nhiên và lôi cuốn. Sự thành công của The Classic không thể không kể đến diễn xuất ấn tượng của “Cựu tình đầu quốc dân” Son Ye Jin, Jo Seung-woo và Jo In Sung. Cùng nhau, cả ba đã tái hiện hai chuyện tình đẹp như mơ tưởng chừng chỉ có thể xuất hiện trên những trang sách.
 
 
Hệt như cái tên, mọi thứ diễn ra trong The Classic đều rất cổ điển, khẽ khàng len lỏi vào tâm trí người xem như một bài thơ, nhẹ nhàng dao động những con tim đang yêu như một bản nhạc không lời. The Classic như lát cắt muôn màu về những kỉ niệm tươi đẹp của tuổi trẻ, về tình yêu thuần khiết, tình bạn trong sáng, tuy ma mị nhưng lại man mác buồn, không khỏi khiến người xem day dứt.
 
Su-ki-da (2005)
 
 
Su-ki-da (Là yêu) xoay quanh cô bé Yu, Yu có cảm tình với cậu bạn Yosuke điển trai, người hay ngồi ở bờ sông đánh đàn ghi-ta. Lúc nào cũng vậy, Yosuke chỉ chơi một khúc nhạc duy nhất, tò mò thôi thúc, Yu luôn tìm đến bờ sông với niềm mong mỏi, đợi chờ và cả nỗi buồn không tên vì người mà Yosuke để tâm không phải là Yu mà là một người khác – chị gái của Yu. Ôm buồn đau vào lòng, Yu tìm mọi cách gán ghép hai người với nhau, tuy nhiên một tai nạn khủng khiếp xảy ra đã khiến chị gái Yu rơi vào trạng thái hôn mê. Kể từ đó, Yu và Yosuke không gặp lại nhau nữa mãi đến 17 năm sau.
 
 
Mọi thứ về Su-ki-da của đạo diễn Hiroshi Ishikawa đều trầm lắng, phim lấy tông màu tối chủ đạo, xuyên suốt phim hầu như không có bất kỳ một bản nhạc nền nào vang lên, song song với đó luôn là ánh mắt buồn man mác của nhân vật, chính những điều trên đã cuốn người xem vào một hành trình tình yêu lặng lẽ, day dứt khôn nguôi. Hai bộ đôi Aoi Miyazaki – Eita và Hiromi Nagasaku – Hidetoshi Nishijima trong vai đôi bạn Yu – Yosuke khi còn trẻ và khi về già đã thành công trong việc dẫn dắt người xem dõi theo hành trình tìm kiếm tình yêu của họ.
 
 
Su-ki-da của điện ảnh Nhật Bản như một món ăn lạ trong danh sách Những bộ phim gợi nhớ về tuổi học trò đầy kỉ niệm, cũng gợi nhớ về tuổi học trò, cũng gợi nhớ về tình yêu, tình bạn, nhưng ở Su-ki-da có gì đó rất lạ lẫm, tác phẩm tập trung khai thác sâu vào nỗi cô đơn của con người hiện đại, nhiều người trong chúng ta lặng lẽ sống qua từng ngày mà thậm chí còn chả nhớ được lần gần nhất mà bản thân cảm thấy hài lòng với chính mình là khi nào.
 
Like Stars on Earth (2007)
 
 
Tuyệt phẩm của điện ảnh Ấn Độ Like Stars on Earth (Cậu bé đặc biệt) xoay quanh cậu bé 8 tuổi Ishaan Awasthy (Darsheel Safary). Ishaan Awasthy sở hữu một đầu óc đầy nghệ thuật, song cậu lại có thành tích học tập đáng hổ thẹn ở trường lớp. Chính điều này đã khiến gia đình Ishaan quyết định gửi cậu đến một trường nội trú, cũng tại ngôi trường mới này, Ishaan đã gặp gỡ thầy giáo Ram Shankar Nikumbh (Aamir Khan), người đã phát hiện Ishaan mắc chứng khó đọc và luôn tìm cách để giúp cậu vượt qua khó khăn này.
 
 
Đừng quá bất ngờ khi có một tác phẩm liên quan đến trẻ con ở đây nhé, ngày Quốc tế Thiếu nhi đang đến rất gần rồi. Quan trọng hơn, Like Stars on Earth cũng là một tác phẩm gợi nhớ về tuổi thơ và ca ngợi tình thầy trò. Điểm ấn tượng nhất ở điện ảnh Ấn Độ chính là âm nhạc và vũ đạo, và với Like Stars on Earth những bản nhạc đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền tải những bài học quý giá nhờ vào ca từ dễ hiểu, đáng yêu luôn vang lên vào thời điểm thích hợp.
 
 
Như chính cái tên Like Stars on Earth, mọi đứa trẻ đều đặc biệt, đều được ví như ngôi sao trên trời, tỏa sáng đẹp đẽ. Like Stars on Earth của đạo diễn Aamir Khan thực sự là một tác phẩm xuất sắc về trẻ con, về cách giáo dục trẻ con. Nếu bạn là một người yêu quý trẻ nhỏ và có trách nhiệm với trẻ nhỏ, thì đây chính là bộ phim dành cho bạn.
 
Những tác phẩm trên, tuy cùng thuộc chủ đề về tuổi học trò, nhưng mỗi tác phẩm là một câu chuyện rất riêng, một bài học rất riêng về cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình thầy trò. Hãy dành thời gian thưởng thức những bộ phim này, trân trọng hơn những gì đã có, đang có và cố gắng tận hưởng tuổi trẻ một cách nhiệt huyết nhất. Để nhiều năm sau, nếu có nhìn lại cũng không cảm thấy tiếc nuối vì ngày xưa vẫn chưa sống hết mình.
 
Theo
Lý Cơ Hân / Trí Thức Trẻ