Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Ode to joy

Ngụy Vị tiên sinh là một nhân vật rất lạ. Thực ra mình thích gọi vị ấy là Kỳ Điểm hơn. Kỳ Điểm tức là điểm kì lạ, chứa nhiều bí ẩn ý mà. Tên nhân vật trong truyện và phim thì giống nhưng mình cảm thấy nhân vật trong phim lại khác nhân vật trong truyện. Và vì mình xem phim chứ chưa đọc truyện, trừ một đoạn nho nhỏ, đoạn mô tả đầu tiên về hình dáng nhân vật trong lần đầu lộ diện, chỉ mô tả ngoại hình vậy nên mình có thể nói là mình thích nhân vật này trong phim cả về ngoại hình và tính cách.
Về ngoại hình dĩ nhiên sẽ có ảnh hưởng một phần đến cảm nhận về con người nhân vật đó. Vì đây là phim, không như truyện, có thể hình dung con người nhân vật qua mô tả của tác giả, hay qua lời dẫn dắt của tác giả và qua nhiều chi tiết có liên quan khác, trong phim thì đầu tiên là phải nhìn cách tạo hình nhân vật, đó là một ẩn dụ, sau đó mới là chú ý đến các chi tiết cử chỉ, hành động để nhận định về nhân vật đó. Và với phim thì phần nhiều là cảm nhận, đôi khi bị mơ hồ, lẫn lộn y như khi gặp người thật ngoài đời, rất khó mà rõ ràng, dễ dàng như khi được dẫn dắt trong câu chữ của truyện. Vì thế, phải nói là Kỳ Điểm trong phim là một nhân vật khác Kỳ Điểm trong truyện hoặc có lẽ đã được nhà biên kịch ưu ái hơn rất rất nhiều, ít nhất là về ngoại hình.
Một người đàn ông tay trắng dựng nghiệp, dáng người mảnh khảnh, đôi vai lúc nào cũng so lại, không hiên ngang, lẫm liệt, mà ngay cả giọng nói cũng là giọng cao, nhỏ, nói nhẹ chứ không phải giọng trầm, đục, tất cả như đối lập với hầu hết các nhân vật nam khác. Nhưng chính điều này khiến mình cảm nhận được và dự đoán được hầu hết các phản ứng của nhân vật này trong các tình huống. Và phần lớn các trường hợp thì Kỳ Điểm đã không làm mình thất vọng.
Mình đặc biệt ấn tượng với lúc anh ấy vươn người đứng dậy trước mặt Đàm Tông Minh, lần đầu tiên mình thấy anh ấy đứng mà vươn thẳng người, dõng dạc, hiên ngang đến thế, đấy là lúc anh ấy nói về Andy, nói rằng dù sao thì anh ấy cũng có cái dũng khí mà Đàm Tông Minh không có. Chắc đại thúc Tổ Phong, diễn viên diễn vai này cũng thấy khổ sở với dáng vẻ co ro, rụt người thường đóng khuôn của Kỳ Điểm lắm. Nó bí bách, bức bối vô cùng, nặng nề vô cùng.
Con người này đem lại cảm nhận anh ấy là sản phẩm của cuộc đời anh ấy. Sóng gió thương trường dập vùi cộng với những thăng trầm trong cuộc sống riêng đã nhào nặn ra con người ấy, tính cách ấy và cũng dĩ nhiên là dẫn dắt đến những phản ứng như thế. Vì vậy có thể nói là giữa một rừng các nhân vật đậm chất ngôn tình khác thì Kỳ Điểm quả thật là một nhân vật rất kì lạ. Kì lạ chính là bởi vì Kỳ Điểm mang lại cảm giác vừa cực đoan, mang tính đại diện của ngôn tình song cũng lại rất đời thực nên mình cứ có cảm tưởng là nhân vật này sẽ phá vỡ hết các quy tắc thông thường của ngôn tình. Mà quả thực lúc xem phim mình cũng chỉ mong là nhân vật này sẽ phá sạch hết các quy tắc đó. Thậm chí mình còn từng nghĩ, nếu quả thật nếu biên kịch không cho Kỳ Điểm vượt qua nổi định kiến về tuyến nhân vật mà anh đại diện thì cũng sẽ phải nghĩ ra cho bằng được một cái lý do nào đó, một tình huống nào đó hoặc lý giải theo một cách nào đó để cho mình chấp nhận được cái điều hiển nhiên ấy, chứ nếu không thì mình sẽ ức lắm :))) Đến cuối cùng thì quả thật là nhân vật Kỳ Điểm không vượt qua nổi thật, không thể thể hiện đến cuối cùng sự khác biệt giữa phim với truyện cho ra ngô ra khoai, cuối cùng vẫn phải chịu kết cục như truyện. Mình hơi buồn với cái kết này, dù nó vẫn lửng lơ, chưa chốt hẳn nhưng cứ theo chiều hướng này thì.... Cuối cùng thì vớt vát được mỗi một điểm là quả thực nhà biên kịch rất khéo léo, đã đẩy được cái sự ấm ức của mình đi, chính xác hơn là đánh lạc hướng nó được bằng những cảm nhận mạnh mẽ khác do những tình huống bất ngờ gây ra. Vì vậy dù cái kết lửng lơ, không như mình mong đợi nhưng nó cũng không khiến mình ấm ức lắm...
Theo quan điểm của mình, đối với Andy mà nói thì thích hợp nhất vẫn là Kỳ Điểm. Tại sao? Dù cho Kỳ Điểm là người đẩy Andy vào tình huống phải đối mặt với nỗi lo sợ khinh khủng, nhưng mình cảm thấy cũng chỉ có Kỳ Điểm mới là người có thể giúp Andy vượt qua được khủng hoảng này mà thôi. Bên cạnh Andy có những ai? Bốn chị em còn lại của tầng 22 ư? Cơ bản họ là những nhân vật điển hình của ngôn tình, là những hình mẫu đại diện, vậy nên họ chỉ có thể làm tròn vai đại diện cho tuyến nhân vật của mình mà thôi, đấy là ở bên xung quanh Andy để an ủi, là lớp chăn ấm áp của Andy. Họ chân thành để an ủi, nhưng không có sức mạnh để giúp Andy đối mặt. Đàm Tông Minh? Lúc đầu ấn tượng của mình với nhân vật này khá tốt, lại cũng lại là một nhân vật điển hình của ngôn tình, âm thầm, lặng lẽ đi bên cạnh, ngoài an ủi, thực lực của anh ta còn có cả khả năng bảo vệ nữa. Nhưng cho đến đoạn Lưu Tư Minh đột tử thì mình nhận ra một chi tiết rất nhỏ nhưng nói nên rất nhiều. Đàm Tông Minh quả thực là đã tạo ra một cái lồng vàng và nhốt chặt Andy ở trong đó. Bản thân lão Đàm cũng tự thừa nhận anh ta không có cái dũng khí để có thể chịu trách nhiệm với Andy nhưng mình cảm thấy anh ta lại không chỉ cam chịu làm một nhân vật ngôn tình đặc biệt, điển hình cho những người đóng vai người bạn không dám tiến xa hơn, lúc nào cũng chỉ đi bên cạnh giúp đỡ ủng hộ nữ chính. Rõ ràng Đàm Tông Minh không cam chịu làm một nhân vật ngôn tình bình thường như vậy. Anh ta đã tạo được cho mình một vị thế quan trọng hơn nhiều, hay ít ra là ra vẻ như vậy. Anh ta đào hào, đắp đập quanh cái lồng vàng để nhốt Andy, nói với Andy rằng cô luôn đúng, cô không sai. Tưởng như anh ta hết mình ủng hộ, hết mình yêu thương nhưng mình nghĩ làm như Đàm Tông Minh thì quả thật Andy chỉ có ngày một không thực tế, sau sẽ càng khó thoát ra khỏi những cái bóng ám ảnh mình. Được cái là nhờ những bộc lộ vào phút chót của Đàm Tông Minh mà mình cảm thấy kết thúc của phim cũng không đáng oán cho lắm, cuối cùng nó cũng phải tuân theo một quy luật gây bất mãn thường thấy ở đời. Còn Bao Dịch Phàm? Một nhân vật ngôn tình điển hình và nhờ anh ta mà câu chuyện được giữ đến cùng vẫn trong khuôn khổ của một câu chuyện ngôn tình kết thúc có hậu. Anh ta là một cái điều hòa không khí, xoa dịu câu chuyện.
----
Ode to joy là bản nhạc của Beethoven. Bản nhạc vui vẻ.