Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Sinh nhật

Sinh nhật
Ngày này cách đây 16 năm, khoảng tầm giờ này mình đang ngồi trong một ngôi nhà xa lạ và những người khác trong nhà thì đều đang ở trong bệnh viện cả. Bố mẹ mình thì có thêm một đứa con còn mình thì suýt mất mẹ.
Ngày hôm đấy mình cảm thấy thế nào nhỉ?
Mình hơi lo. Một đứa trẻ con một thân một mình ăn cơm ở nhà rồi lại được đón sang một ngôi nhà khác xa lạ. Mình bị bứt ra khỏi môi trường quen thuộc của mình. Hơi sờ sợ, lo lo.
Đứa em mới được sinh thì chả thể hình dung gì về nó. Vì từ đầu đến cuối cả quá trình mình là người ngoài cuộc. Mình chỉ biết là mình chẳng thấy mẹ mình đâu. Mẹ không vắng nhà vì đi làm, đi trực như mọi lần. Mình biết mẹ mình đang ở trong bệnh viện. Một việc đáng sợ.
-----
Cũng ngày này cách đây 7-8 năm gì đó. Lần đầu tiên mình thấy thật sự lo lắng, chán nản và bất lực. Không phải vì chuyện của mình mà vì nó.
----
Mình thấy trống rỗng.
Cảm xúc về những ngày sinh nhật luôn chỉ là trống rỗng mà thôi.

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

"Không-hợp-thời" (và những kẻ không hợp thời) - Done

Hợp thời => thời = thời cơ = thời gian + địa điểm
(Đợt trước lúc bắt đầu nghĩ ra ý tưởng và viết vội cái bản nháp này để đỡ quên thì nghĩ là đoạn mở đầu này viết ra dài phết đấy. Nhưng mà giờ thấy nó ngắn gọn thế này lại thành ra hay hơn)
Vì thế nên:
>< Sống tỉnh táo giữa một xã hội mù quáng là một cái tội.
>< Sống kiên quyết giữa một đống những kẻ hời hợt cũng là một cái tội.
>< Cứ thích thẳng thắn giữa những kẻ cứ thích vòng vo cũng là một cái tội.
>< Cứ cố gắng làm cho mọi thứ đơn giản trong khi cả xã hội lại ra vẻ phức tạp càng là tội.
Tội ở đây là tội lỗi ý nhé, không có phải là tội nghiệp đâu nha.
----
Thời? Thời? Thời?
Ý tưởng 1:
Hồi xưa, cuối cấp 2 hay đầu cấp 3 gì đó, mình đã nghĩ đến một dự án cho thuê xe đạp khắp thành phố. Nôm na thì nó là thế này: Công ty cho thuê xe đạp sẽ phân bố các điểm cho thuê xe khắp thành phố. Bạn chỉ cần làm một cái thẻ đăng ký, nạp tiền vào đấy, kiểu như thẻ tàu điện ngầm ở Singapore ý, đến điểm cho thuê xe thì lấy xe ra xài. Khi bạn đến nơi cần đến thì cứ trả xe ở điểm/trạm thuê xe gần nhất chứ không cần quay lại điểm xuất phát. Tiền nong thì có hệ thống tự động tính toán rồi trừ luôn vào thẻ của bạn. Đấy nôm na thì hệ thống hoạt động như vậy. Nghe có vẻ đơn giản. Nhưng mình đã từng ngồi ngẫm nghĩ xem làm như thế nào để quản lý được đống xe cho thuê đấy khi mà nó sẽ chạy lung tung loạn xạ khắp thành phố, rồi thiết kế khu vực để xe như thế nào, thiết kế khóa giữ xe như thế nào để người thuê chỉ cần làm mỗi một cái thẻ là có thể sử dụng được và cũng không cần có người ngồi trông coi ở từng địa điểm. Như vậy thì hệ thống mới hoạt động 24/7 và mới thực sự gọi là tiện ích. Rồi thì người thuê có thể dùng ở chế độ đạp như bình thường hoặc là dùng ở chế độ chạy bằng điện đối với những người cần trợ giúp (người già, con nít, người khuyết tật). Rồi thì phương án để tái sử dụng năng lượng đạp xe để sạc pin cho chính cái xe đạp đó, để đỡ tốn điện sạc pin, ví dụ như sử dụng dynamo chẳng hạn. Hồi xưa cái xe đạp Nhật bãi của mình cũng có gắn dynamo để dùng cho cái đèn pha. Mặc dù chả bao giờ dùng đến nhưng cái dynamo ấy là thứ mà mình thích nhất ở cái xe đạp ý chính vì ý tưởng tái sử dụng năng lượng của nó, sau đó mới đến bộ số trợ lực cơ.
Cái này hồi đó mới chỉ nằm trong ý tưởng của mình thôi, thậm chí còn chưa viết được ra giấy, mới chỉ ở trong đầu. Nhưng mà giờ thì nó đã thành hiện thực ở trên thế giới rồi đấy.
Ý tưởng 2:
Đấy là hồi cấp 2, cấp 3 chứ còn thì hồi cấp 1, mình với một đứa bạn nữa, hai đứa đã châu đầu vào ngồi vẽ vời, lên ý tưởng cho cả một ngôi trường trong mơ. Thiết kế, suy nghĩ từ cái nhỏ nhất đến cả một hệ thống giáo dục luôn. Cái bàn học cần phải cao bao nhiêu, bố trí ngăn bàn, cái móc treo đồ như thế nào, có loai dành riêng cho học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 riêng. Tủ để đồ thiết kế cao, dài, rộng như thế nào để tận dụng không gian hành lang, lớp học. Bố trí từng lớp học ra sao để phù hợp với thiết kế chương trình học. Từ thứ bé đến thứ to, từ thiết kế từng phòng học, đến thiết kế một hành lang, một tầng, rồi cả tòa nhà có bao nhiêu tầng, rồi ra đến sân chơi, sân thể dục thể thao… Rồi thì các môn học cho các cấp là gì, môn nào bắt buộc, môn nào tự chọn. Cách giáo viên giảng dạy như thế nào, quản lý hoạt động lớp ra sao. Rồi còn cả việc ăn uống, dinh dưỡng nữa chứ, mỗi học sinh sẽ có thẻ (lại thẻ hahaha, gọi là thẻ học sinh, một thẻ dùng được vào nhiều việc lắm: cantin, thư viện…) mỗi ngày đi ăn trưa thì cầm thẻ, suất ăn sẽ được hệ thống trừ vào thẻ, kể cả mua quà vặt cũng quy luôn vào thẻ, để bố mẹ thanh toán còn trẻ con không cầm tiền trực tiếp đến trường… v.v…
Tất cả những cái ở trên là ý tưởng, thậm chí có những cái vô cùng chi tiết (giờ lục ra chắc mình vẫn còn cả bản thiết kế cái bàn học, có số đo từng cm đàng hoàng đấy) nhưng cũng mới chỉ là ý tưởng thôi. Và cho đến hiện tại thì mình cũng mới chỉ nhìn thấy ở đâu đó có một vài điểm trong ý tưởng của mình trở thành hiện thực thôi, chứ chưa thấy được cả một ngôi trường mơ ước như thế ở đâu cả.
Tóm lại, mình dẫn ra 2 ý tưởng đó để thấy là để một ý tưởng trở thành một hiện thực thì cần 2 thứ, đó là công nghệ và quan điểm. Công nghệ thì dễ giải quyết rồi vì không người này thì người kia, không lúc này thì lúc khác, kiểu gì rồi cũng sẽ có thể giải quyết được. Nhưng vế còn lại “quan điểm” thì lại khác, cần phải có "thời"( = thời cơ, thời điểm). Quan điểm tức là cách nhìn nhận của xã hội, của những người sử dụng ý tưởng đó và dĩ nhiên ở đây sẽ cần một sự ủng hộ. Quan điểm bao giờ cũng mỗi thời một khác, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan cả chủ quan, dân trí, nhận thức, hoàn cảnh, bối cảnh, đòi hỏi mang tính thời điểm v.v… Và như vậy thì rõ ràng là “quan điểm” cần có “thời”.
----
Người Á Đông hay có suy nghĩ là cuộc đời người con gái có thì. Chữ thì ở đây theo mình hiểu thì ý các cụ chính là thời. Đấy là quan niệm của các cụ Á Đông. Và như mình bây giờ mà so ra với ý các cụ thì mình là đứa “không hợp thời” rồi đấy. Còn nếu so với bọn trẻ thì lúc thì mình hợp-thời, lúc lại không-hợp-thời. Hahaha… Thế mới thấy có hợp hay không thì cũng lại tùy quan niệm của người nhìn nhận. Mà trong xã hội nói chung thì vì ảnh hưởng của tư tưởng bầy đàn, của tâm lý đám đông, của trào lưu, của các thể loại ảnh hưởng… thì thành ra quan niệm của “người nhìn nhận” lại có thể không phải chỉ là của một cá nhân mà gộp chung là xu hướng kiểu nhìn của cả một tập hợp nhiều cá nhân, hoặc đôi khi là cả xã hội.
Đợt vừa rồi mình có đọc một quyển tên là “Cô gái Hà Nội mập mặc burqa”. Nhân vật Nhàn theo mình thì chắc cũng là một kẻ không-hợp-thời-một-phần. Chỉ là một-phần thôi vì bạn ý vẫn cứ là một cô nàng diêm dúa đáng yêu trong cộng đồng fashionista quận Nhứt. Nhưng vẫn là không-hợp-thời vì trái tim yêu mãnh liệt của bạn ý đã không chịu nằm yên chỉ trong cái cộng đồng ấy, nó đã vùng lên, đã Đoạt Tuyệt với đau khổ mà vùng chạy đến với hạnh phúc, theo cách mà cộng đồng fashionista bạn ấy đang sống có lẽ chưa hiểu hoặc cũng phải mất một lúc mới hiểu và thông cảm được.
Câu chuyện tiếp theo là về “La la land”, ứng cử viên triển vọng cho Oscar năm nay. Tên tiếng Việt của nó là “Những kẻ khờ mộng mơ”. Đặt chuẩn đấy chứ và mình thích cái tên ấy vì nếu đặt là “Những kẻ không hợp thời” thì nó mất sạch cả đáng yêu mất rồi còn gì. Hahaha… Không-hợp-thời ở chỗ này thì là bằng khờ + mộng mơ đấy. Sebastian, Mia… Nói chung là bạn cứ xem đi thì hiểu ;) Cả một khoảng từ giữa cho đến gần cuối phim tâm trạng mình bị loãng ra và chùng xuống, lúc ấy cả Sebastian và Mia đều gặp bế tắc, rồi dần họ hóa giải được, vẫn tiếp tục duy trì mộng mơ đến cùng và còn mơ tiếp những mơ mộng khác khi bất chợp nhìn thấy nhau sau một thời gian không gặp. Cho đến tận cuối phim, cảnh gần cuối, lúc ấy Mia kéo chồng ra về, cô ấy dừng lại một chút, quay lại nhìn Sebastian. Hai người cùng nhìn nhau, lần đầu kể từ lúc họ gặp lại và nhận ra nhau, và lúc ấy họ cùng mỉm cười. Mình đã cảm thấy thật viên mãn với nụ cười ấy. Mình thích cái khoảnh khắc ấy. Nó làm cho “những kẻ khờ-mộng-mơ” là “những kẻ không-hợp-thời” thôi chứ không phải là những kẻ sống-trên-mây, mãi mãi chân không bao giờ chạm đất.
Một câu chuyện khác về một kẻ không-hợp-thời nữa là về một cậu bé Mỹ gốc Việt (xem link http://m.kenh14.vn/cau-chuyen-nam-sinh-15-tuoi-nguoi-my-goc-viet-chon-cai-chet-lam-loi-canh-tinh-gay-rung-dong-du-luan-20161219103713112.chn). Em mới chỉ 15 tuổi khi em đưa ra quyết định chấm dứt cuộc đời của mình. Nhưng mình tin là em hiểu rõ em đang làm gì và tại sao em lại làm thế. Đây không phải là một cậu bé nông nổi thường gặp ở lứa tuổi dậy thì, không thể vượt qua nổi những xáo trộn do hormone gây ra. Những vấn đề của bản thân mình em đã nhận thức được từ khi còn rất nhỏ. Mình nghĩ có lẽ em nhận thấy mình là một kẻ không-hợp-thời.
Một góc nhìn khác để cho đủ hai chiều, cho đầy đủ nhé. Về một kẻ hợp-thời. Joe Ruelle, hay tên Việt là ''Dâu Tây” là một ví dụ đi (mà thực ra thì dạo này cũng có rất rất nhiều người kiểu kiểu như vậy có thể mang ra làm ví dụ). Mình đã đọc tuyển tập blog “Tớ là Dâu” rồi “Ngược chiều vun vút” của anh ấy và thấy nó có giọng điệu và cách nhìn nhận vấn đề rất thú vị (mình cố gắng tìm được từ “thú vị” để mô tả chứ không dùng từ "hay" vì thiếu sắc thái), còn mới lạ thì là đương nhiên rồi vì anh ấy là một anh Tây nói tiếng Việt mà. Ở đây mình chỉ nói đến vấn đề anh ấy là một kẻ-hợp-thời mà thôi nhé. Lý do tại sao anh ấy có thể hợp thời được như vậy thì mình không bàn đến ở đây (có thể vì anh ấy có tầm nhìn và anh ấy cũng giỏi sẵn rồi v.v… - không bàn đến nhé). Mình chỉ thấy là những vấn đề mà anh ấy đề cập thì rõ ràng không chỉ có mình anh ấy nhìn thấy, nhiều người khác, trong đó có cả mình nữa, cũng đã nhìn thấy và cũng có không ít người cũng đã viết về những điều đó. Nhưng tại sao anh Dâu lại thành công/gây tiếng vang như vậy? Câu trả lời có lẽ là bởi anh ấy hợp-thời. Thời cơ = thời gian + địa điểm. Thời gian: những năm 2000, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa, chào đón thế giới thôi và người Việt Nam rất rất háo hức với những điều mới lạ, có yếu tố ngoại, nhất là khi họ lại đề cập đến những vấn đề sát sườn, hàng ngày đập vào mắt với quan điểm và góc nhìn của họ. Địa điểm: Việt Nam, nơi mà văn hóa không quá đóng, luôn sẵn sàng cởi mở với những cái mới, và anh ý là một anh “Dâu Tây”. Chứ mà thời điểm đấy bạn là một anh Dâu Việt ở Việt Nam và nêu những vấn đề như thế xem, chắc bạn không thể “nổi” được bằng anh Dâu Tây đâu. Hehehe.
----
Đối diện như thế nào với "thời"?
Phương án 1:  I QUIT
Trong bộ phim “3 chàng ngốc” có một nhân vật là anh chàng ôm guitar và hát một đoạn trong đó có mấy câu tiếng Anh như thế này: “Give me some sunshine. Give me some rain. Give me another chance so I can grow up again”. Một đoạn phim sau đoạn hát này thì anh ý treo cổ tự tử trong phòng ký túc xá với dòng chữ “I QUIT” để lại trên tường. Xem phim thì bạn sẽ hiểu tại sao lại thế.
Một người nữa cũng chọn phương án này là cậu bé Mỹ trong câu chuyện ở đoạn trên. Cậu ấy cũng QUIT. Cậu ấy đã để lại 3 lá thư cho mọi người giải thích lý do và nêu ra mong muốn của mình nhưng lựa chọn cuối cùng vẫn là từ bỏ.
Khi bạn không-hợp-thời thì đôi khi quá sức chịu đựng khiến cho từ bỏ trở thành một lựa chọn nên chọn?
Phương án 2: Bèo dạt mây trôi
Trên đời này có những kẻ rất vui vẻ sống theo kiểu nước nổi bèo nổi, bèo dạt mây trôi. Họ đầy rẫy ngoài kia, chẳng phải hiếm. Mà chắc cũng phải thế thì dân số thế giới mới đạt đến cái ngưỡng chật chội đến thế này chứ đúng không ;) Nói chính xác ra thì họ là những kẻ biết nhìn hướng gió hoặc biết nhìn gương người khác mà học tập. Họ biết cách tránh gió độc và thuận theo gió lành để lên đường ra khơi, hoặc biết nhìn gương người khác mà học tập. Cái đoạn “hoặc biết nhìn gương người khác” không phải lỗi chính tả đâu nhé, đúng là nó phải lặp lại như thế đấy. Mà cũng không dễ để mà “biết nhìn gương người khác mà học tập” đâu nhé.
Đôi lúc bản thân mình cũng làm được như thế này. Vì thế mà giờ này mình mới có thể ngồi gõ như thế này được đâu.
Phương án 3: Không từ bỏ
Không từ bỏ có nghĩa là vẫn giữ cái kiểu không-hợp-thời của mình và tiếp tục sống giữa cộng đồng những kẻ hợp-thời. Để làm được thế thì trong đầu luôn có một lằn ranh, một cái vạch, biên giới giữa chấp-nhận-được và không-chấp-nhận-được. Có thể hình dung kiểu như cái vòng tròn bảo vệ mà Tôn Ngộ Không dùng gậy Như Ý vạch ra cho Đường Tăng ngồi trong đó để tránh sự tấn công của yêu quái ý, mô hình nó kiểu kiểu như vậy đó. Tùy người mà cái vạch biên giới đó sẽ nằm ở đâu, lằn ranh biên giới cứ mịn đều hay nhô ra thụt vào tùy địa hình, hay cái vòng tròn được quy hoạch trong vạch biên giới sẽ rộng đến cỡ nào. Nhưng đại khái là sẽ luôn có một cái vạch.
Như mình thì để cho đỡ bị stress, mình sẽ cố gắng đơn giản hóa vấn đề, mình sẽ chỉ quyết định cái gì nằm ở bên nào của cái vạch lằn-ranh-chấp-nhận thôi, xong sau đó thì… cứ để nó tự đâu vào đấy. Nhưng quả thực nhiều người không làm được như thế, mà với mình cũng nhiều lúc không làm được như thế một cách yên ả, không dằn vặt, khổ đau gì. Nhiều lúc chỉ là cố gắng giảm thiểu thôi, để quá trình lựa chọn quẳng cái gì đó về bên nào cái vạch Chấp Nhận là ít đau đớn, ít vật vã, nhanh gọn nhất có thể. Nhưng cuối cùng thì cho dù tốn mất ít nước mắt thì cũng vẫn là Không Từ Bỏ.
Phương án 4: Một khi đã đỏ rồi thì ... không thể đỡ được đâu :))
Cái này thì rõ ràng luôn rồi, khỏi phải bàn luận gì thêm. Mà với cả cái này cũng không hề hiếm luôn nhé.
Kết luận của phần này: Bản thân mình là kết hợp của một chút bèo dạt mây trôi, một ít không từ bỏ và một ít may mắn nữa.
Và túm lại thì: Thế giới này thực ra không có đúng-sai mà chỉ là bạn chọn phe bên nào để đứng mà thôi. Mình thì mình đang chọn phe tiếp tục.
----
Nháp:
Còn từ bỏ - đã từng
- câu chuyện về "không non-" và "non-": cái ranh giới trong và ngoài vòng tròn. Bạn - chơi được và không chơi được.
mình đọc xong Cô gái HN... lúc chiều, ngay trước khi quyết định xem La la land. Có lẽ vì thế mà thấy trống rỗng - cái kết viên mãn cảm xúc
----
“…Tâm hồn con người gấp một trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi, bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác. Người ấy lại giúp người khác nữa cứ thế đến vô cùng… Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tâm trạng cô đơn trước cuộc sống ...
(Trích tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời”)
Có một ý nghĩa gì đó - trích từ http://www.baomoi.com/cau-chuyen-quy-luat-cua-muon-doi/c/18627143.epi
-----------
Những câu chuyện góp nhặt được: mỗi câu chuyện là một mảnh trong ký ức, trong cuộc đời mình. Nhiều lúc giở lại chỉ để xem là lúc đấy mình đã làm gì, rồi thì mình cảm thấy như thế nào. Cũng chỉ để nhìn ngắm lại ký ức mà thôi.
Vào ngày 29/11, Kyle H., 15 tuổi, học lớp 10 tại Trung học Bolsa Grande, đã treo cổ tự tử tại nhà. Sự việc đã khiến gia đình, bạn bè và cả cộng đồng hoang mang; Và trên hết, để lại quá nhiều câu hỏi cho bất cứ bậc phụ huynh nào có con đang bước vào tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân cái chết thương tâm của Kyle chắc sẽ mãi là một bí mật nếu không được "giải mã" bằng 3 lá thư tuyệt mạng do chính em viết, để lại; một cho tất cả mọi người, một cho bạn bè, và một cho gia đình.
Sự việc gây chấn động và để lại nỗi đau khôn nguôi cho cha mẹ
"Ngày thứ Ba, 29/11, cảnh sát Garden Grove chính thức báo tin cho trường trung học Bolsa Grande rằng em Kyle H., học sinh lớp 10, đã qua đời vì tự tử tại nhà vào lúc rạng sáng cùng ngày," ông Thịnh H., cha của Kyle, cho biết.
Kyle vốn là một học sinh giỏi, "chỉ một điểm B, còn lại toàn điểm A từ năm lớp Bốn đến nay," là "người vui tính và hài hước, sống chan hòa với mọi người" theo nhận xét của các bạn cùng lớp.
Cái chết "kỳ tử" của Kyle không chỉ khiến gia đình đau khổ, mà hơn thế nữa, khiến họ tự vấn: "Tôi cứ ngồi suy nghĩ, thắc mắc, tự hỏi, tại sao lại như vậy?", ông Thịnh chia sẻ.
"Tôi thiếu cái gì? Có điều gì tôi chưa làm? Tôi sai sót chỗ nào? Con tôi giận cái gì? Có ai làm gì nó buồn? Chuyện gì lại đẩy một đứa bé 15, 16 tuổi chưa hiểu đời là mấy lại đi đến chỗ treo cổ?", ông Thịnh nói.
Thịnh H., người đặt những câu hỏi trên, chính là người cuối cùng nói chuyện, dặn dò đứa con trai trước khi rời nhà lúc 9 giờ tối, để chưa đầy 4 tiếng đồng hồ sau, trở về và nhìn thấy con mình thành người thiên cổ.
Nén nỗi đau, và thực hiện theo ý nguyện trong thư tuyệt mệnh của con trai, người cha đau khổ "muốn kể câu chuyện về con, chia sẻ nỗi niềm của mình, vì nhìn thấy được cái tâm của nó và muốn thức tỉnh mọi người, những bậc làm cha, làm mẹ."
"Vui tính, hài hước, sống chan hòa với mọi người"
Đó là nhận xét chung của bạn bè về Kyle. Có lẽ cũng chính từ tính tình đó mà rất đông bạn bè em, cả thầy cô giáo, từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp và trung học hiện tại đến nhà quàn Peek Family hôm Thứ Năm và Thứ Sáu vừa qua để tiễn đưa em về cõi vĩnh hằng.
Kyle là con trai út trong gia đình có đầy đủ ba mẹ và một chị gái đang học năm thứ nhất đại học UC Riverside.
"Hai chị em nó khá thân thiết. Năm ngoái hai đứa học cùng trường, chị nó lớp 12, nó lớp 9. Chị nó đưa đón nó đi học. Năm nay, con gái tôi vào đại học, mỗi cuối tuần mới về, thì tôi chính là người đưa đón, đi các sinh hoạt ngoại khóa," ông Thịnh cho biết.
"Kyle là đứa trẻ rất, rất bình thường, không có bệnh gì hết. Bác Sĩ Trinh Bùi là bác sĩ gia đình của cháu từ nhỏ biết rõ điều này. Hôm cháu mất, vì đã từng ghi nguyện vọng hiến tặng cơ phận cho khoa học nên bác sĩ gia đình được thông báo, và cả văn phòng Bác Sĩ Trinh đến dự đám tang chia buồn."
Đối với bạn học, Kyle là người "vui tính," theo lời thân phụ. "Kyle ít nói. Nhưng khi cần nói thì nó nói. Riêng với bạn bè thì nó vui vẻ lắm. Nó hài lắm, có thể gây cười cho bạn bè, biết nói giỡn, nói chơi. Ngay cả lá thư để lại cho bạn bè cũng viết hài hước nữa."
Câu chuyện nam sinh 15 tuổi người Mỹ gốc Việt chọn cái chết làm lời cảnh tỉnh gây rúng động dư luận - Ảnh 2.
Thư gửi mọi người (bạn bè và gia đình) của Kyle H. trước khi qua đời.
Không một dấu hiệu báo trước
"Nếu con tôi có bất cứ một biểu hiện nào khác thường mà tôi nhận thấy, hay nó có thổ lộ điều gì thì con tôi đã không nằm trong đó," ông Thịnh nói, tay chỉ về hướng quan tài, nơi Kyle đang ngủ giấc ngàn thu.
Hành động tự tử của cậu học sinh lớp 10 ngay trước ngày trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ Thanksgiving gây nên sự choáng váng với tất cả.
Ông Thịnh kể: "Ngày Thanksgiving, mọi người qua nhà em tôi họp mặt, ăn uống vui vẻ đến tối mới về. Ngày Thứ Sáu, ‘After Thanksgiving,’ cháu hẹn đi chơi với bạn bè. Thứ Bảy cháu còn đòi chị chở đi mua đồ để làm ‘project’ tiếng Việt, chiều Thứ Bảy, rồi qua ngày Chủ Nhật, các bạn đến nhà làm ‘project’ với cháu, trưa tôi đi mua pizza cho tụi nó ăn."
"Ngày Thứ Hai, 28/11 cũng vậy, mọi chuyện diễn ra bình thường. Cháu chơi bắn game trong phòng, cháu mê chơi bắn game lắm, chơi với nhiều bạn bè trên mạng. Trưa, cháu tự ra lấy pizza nướng ăn, rồi lại vào phòng chơi tiếp. Chiều, mẹ cháu đi ăn với mấy người bạn ở Boston qua chơi, tôi ở nhà. Đến khoảng 7 giờ, như thường lệ, tôi vào phòng hỏi con đói bụng chưa, con muốn ăn gì ba mua con ăn. Nó nói chưa nghĩ ra muốn ăn gì. Tôi đề nghị ăn cơm sườn, vì nó thích cơm sườn. Cháu đồng ý. Thế là tôi nhắn tin cho vợ là khi nào đi về thì ghé mua cơm sườn cho con."
Theo lời ông Thịnh, sau nhiều lần thúc giục, con trai ra ăn tối, và lại trở vào phòng tiếp tục chơi game một cách vui vẻ. Trong khi đó vợ chồng ông cùng những người bạn chuẩn bị đi dự họp mặt bạn bè từ nhiều nơi khác về.
Ông Thịnh kể tiếp, "khoảng 9 giờ tối thì chúng tôi đi. Trước khi đi, tôi vào phòng cháu, vẫn thấy nó đang cười ha hả nói chuyện với bạn bè trên phone, tay thì bắn game, tôi dặn chừng 10:30 giờ, 11 giờ nhớ dẫn con chó đi vệ sinh rồi nhốt nó lại, và nhắc nó đi ngủ sớm để mai còn đi học. Cháu nói, ‘OK, daddy.’"
Và đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của ông Thịnh và con trai.
Gần 1 giờ sáng, ông Thịnh về nhà. Mở cửa garage, ông nhìn thấy con trai trong tư thế có thể sẽ ám ảnh cả cuộc đời ông.
Ông Thịnh hồi tưởng giây phút hãi hùng ấy, "Tôi đặt cháu xuống, làm hô hấp nhân tạo cho con. Tôi cứ làm, trong bao lâu tôi không biết, và cứ hỏi tại sao vậy, chuyện gì vậy. Tôi không biết chuyện gì xung quanh nữa."
Rồi cảnh sát đến nơi, "tôi nghe ai đó nói ‘he’s gone. Nó đi rồi.’"
"Tôi cởi áo lạnh của mình, kê đầu cho cháu, và tôi cứ ôm nó, ôm nó trong bao lâu tôi cũng không biết." Đến khi tỉnh ra, ông Thịnh thấy tay mình bị còng ra phía sau và đang ngồi ở sau nhà. "Tay chân, đầu gối của tôi bị chảy máu, bầm hết. Những ngón tay tôi tê đi, không cảm giác gì cả. Đó là những gì tôi thấy sau cùng cho đến hôm gặp lại cháu ở nhà quàn."
Những lá thư để lại
Rồi cảnh sát yêu cầu mọi người không được đi đâu. Họ khám xét nhà.
"Có một cảnh sát gốc Việt, tên Định, nói cho tôi biết là cháu có để lại ba lá thư. Cháu đã ghi sẵn tờ ‘note’ để chỗ máy vi tính, chỉ dẫn cách mở máy và vào đâu để đọc những lá thư đã được viết sẵn đó. Cảnh sát theo đó vào, đọc để tìm hiểu lý do cháu chết. Viên cảnh sát kêu tôi bình tĩnh đọc thư đi rồi tính, nhưng tôi không đọc. Tôi không dám đọc…," ông Thịnh nhớ lại.
Ba lá thư của Kyle để lại ghi rất rõ:
Thư gửi mọi người - "Hãy tìm cách để thân nhân và bạn bè tôi đọc được thư này. Điều này vô cùng quan trọng!"
Thư gửi bạn bè – "Rất quan trọng! Nếu ai đó trong gia đình mình đọc xong những dòng này, xin vui lòng tìm cách để bạn bè con nhìn thấy và đọc nó, bằng cách đưa lên Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào. Xin cám ơn!"
Thư gửi gia đình – "Nếu người đang đọc thư này là bạn bè tôi, xin vui lòng đừng đọc tiếp vì thư này chỉ dành cho người thân trong gia đình tôi. Cám ơn!"
Những lá thư để lại đã cho biết lý do vì sao cậu học trò chưa qua tuổi 16 không muốn tiếp tục sống.
"Mình nghĩ là mọi người xứng đáng được nghe lời giải thích tại sao mình lại hành động như thế.
Vâng, có nhiều lý do để mình chọn cách hành xử này. Bắt đầu từ sự chán nản của mình. Mình nghĩ nỗi buồn chán đã nhen nhóm phát triển trong mình từ năm học lớp Bốn, những ý nghĩ về việc tự tử cũng manh nha từ khi ấy. Việc đến trường chỉ làm cho nỗi chán chường của mình trở nên tệ hại hơn, nhưng thật là may mắn vì các bạn chính là niềm vui giúp mình sống đến hôm nay," Kyle viết như thế trong thư gửi mọi người (cả gia đình và bạn bè).
Trong thư gửi bạn bè, em còn viết, "mình đã phải chịu đựng chứng bệnh chán chường trong một thời gian. Cho dù các bạn không hề biết điều này nhưng các bạn đã thực sự là lý do giúp mình sống lâu hơn. Không có các bạn, mình nghĩ mình đã tự tìm đến cái chết từ lâu rồi."
Theo những gì trong thư, chính căn bệnh trầm cảm, nhưng lại cố tình giấu, không cho ai biết, cùng với nỗi chán ghét việc học cùng hệ thống giáo dục đã khiến em không còn muốn tiếp tục sống.
Những lá thư cậu học trò để lại, ngoài việc nói lý do mình chọn cái chết bằng cách tự tử, còn lại, là những lời nhắn gửi trìu mến nhất mà em muốn gửi đến những người ở lại, đừng ai cảm thấy buồn phiền, có lỗi, hay oán trách việc ra đi của em. Đó là sự lựa chọn, là lối thoát cho chính em.
"Mình cũng hy vọng rằng lá thư này sẽ khép lại những ưu tư của mọi người về cái chết của mình, sẽ làm cho nỗi đau của mọi người nhẹ vơi đi.
… Khi bạn thật sự thấy chán nản hay buồn rầu, làm ơn nói ra với ai đó, bất kỳ ai. Bạn có bạn bè, có gia đình, đó là những người luôn sẵn lòng vì bạn và yêu thương bạn, giúp bạn bằng mọi cách để vượt qua. Mình biết mình giống như kẻ giả dối khi nói điều này, nhưng làm ơn đừng để nỗi buồn, cơn giận dữ hay bất cứ điều gì làm cho cảm xúc của bạn cứ tăng mãi trong lòng, bởi mình có thể bảo đảm rằng bạn sẽ làm điều gì đó để rồi phải hối tiếc.
Tận đáy lòng, mình rất nhớ mọi người và cám ơn tất cả những điều mọi người đã mang đến cho mình.
Và, nếu có Thiên Đàng hay Cõi Niết Bàn nơi thế giới bên kia, mình thật sự ao ước được gặp lại mọi người ở đó.
Lần sau cuối cho đến khi mình gặp lại nhau, vĩnh biệt!" Kyle đã viết như thế trong thư để lại.
Nỗi lòng người ở lại
Cái chết quá bất ngờ của người con trai khiến người cha tiếp tục đặt ra hàng loạt các câu hỏi, và vẫn đang đi tìm câu trả lời tại sao một cậu bé 15, 16 tuổi lại thấy cái chết là sự giải thoát, dù như ông nói, "Trong thư cháu có viết rõ là cháu biết mình bị trầm cảm nhưng cháu cố tình giấu, vì cháu biết nếu con nói ra, ba mẹ sẽ tìm cách giúp con nhưng con không muốn được giúp."
Ông nói như tâm sự, "Hôm đưa tang cháu, nhiều bạn bè nó lên nói rằng tụi nó cũng bị như vậy. Nhưng điều khác nhau là con tôi giấu, không muốn được giúp đỡ, trong khi những đứa bạn con tôi luôn nói chúng muốn được giúp, được lắng nghe, nhưng lại không có ai giúp chúng!".
Người cha vừa mất con nói như rút hết ruột gan,"Giờ con tôi đã đốt thành tro rồi. Tôi chỉ muốn thức tỉnh mọi người, hãy giúp những đứa bé đang mong được giúp. Phụ huynh hãy tự hỏi bản thân, mình muốn con mình làm điều gì đó cho mình hay cho bản thân nó. Nếu thật sự nói thương con thì hãy biết điều gì tốt cho con chứ không phải cho mình. Đừng đợi chuyện gì xảy ra thì hối hận cũng muộn. Người lớn chưa chắc lúc nào cũng đúng."
Sau đây là nội dung lá thư gửi "Everyone", đã được chuyển hóa sang tiếng Việt
HÃY TÌM CÁCH ĐỂ NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ TÔI ĐỌC ĐƯỢC LÁ THƯ NÀY! ĐIỀU NÀY RẤT QUAN TRỌNG!
Khi mọi người đọc được lá thư này thì mình đã chết rồi, chết vì tự tử.
Với những ai không biết, xin giới thiệu, tên mình là Kyle H., điều này hơi thừa với những ai đang đọc thư là bạn bè và người thân của mình.
Xin nói một chút về mình, món ăn mà mình thích là spaghetti, màu mình thích là xanh lá cây, số mình thích là số hai, truyện mình thích là bất cứ truyện nào mà nhân vật chính thay đổi hoài, phim mình thích dĩ nhiên là Avatar nhưng mình cũng thích nhiều phim khác nữa, nhạc thì mình nghe bất cứ loại nào khiến mình cảm thấy thoải mái.
Mình thật sự không có thú vui giải trí nào hết, mình chỉ thích ngủ và chơi game trên mạng với bạn bè hoặc đi chơi với họ. Mình rất là yêu nhóm Key Club và hầu hết thành viên trong nhóm. Môn học mình thích là khoa học và tâm lý, bất cứ cái gì thật sự có liên quan đến trí tuệ con người. Mình thích mặc áo quần đơn giản như áo thun không có hình vẽ, chỉ một màu trơn thôi.
Mình nghĩ là mọi người xứng đáng được nghe lời giải thích tại sao mình lại hành động như thế.
Vâng, có nhiều lý do để mình chọn cách hành xử này. Bắt đầu từ sự chán nản của mình. Mình nghĩ nỗi buồn chán đã nhen nhóm phát triển trong mình từ năm học lớp 4, những ý nghĩ về việc tự tử cũng manh nha từ khi ấy. Việc đến trường chỉ làm cho nỗi chán chường của mình trở nên tệ hại hơn, nhưng thật là may mắn vì các bạn chính là niềm vui giúp mình sống đến hôm nay.
Tuy nhiên, càng lớn, chuyện học hành càng trở nên khó hơn. Mình không muốn mọi người lo lắng, vì thế mình che giấu sự buồn chán của mình.
Bài tập ở trường, các projects đến hạn nộp, điểm số, sự căng thẳng, tất cả những điều ngớ ngẩn đó chỉ làm cho nỗi chán chường của mình mỗi lúc một tệ hơn. Mình hiểu rằng chúng ta cần học hành cho một tương lai tươi sáng và những điều tương tự thế, nhưng vấn đề khốn nạn của hệ thống học đường là những học sinh thông minh nhất cảm thấy "bị nhồi nhét," trong khi những đứa dở hơn thì muốn làm gì làm, không cần quan tâm.
Ngoài nỗi chán chường ra, mình còn quyết định kết liễu cuộc đời khi nhận ra rằng mình không thể đóng góp được gì có giá trị cho thế gian này. Mình luôn muốn giúp mọi người bằng mọi cách mà mình có thể, chính xác hơn là giúp loài người nhận ra rằng điều mà chúng ta làm đối với môi trường sống và đối với nhau là sai. Nhưng mình biết rằng điều đó là không thể. Con người luôn sát hại nhau bởi những lý do điên rồ và hủy diệt môi trường sống trong khi chúng chẳng làm gì nên tội ngoài việc giúp ích cho chúng ta mà thôi. Không gì có thể thay đổi được những việc làm đó. Đấy là điều khiến mình cảm thấy bức bối rất nhiều khi không thể làm được gì hết để tạo nên sự thay đổi, đặc biệt là với thằng nhóc 15 tuổi mà ba mẹ lại kỳ vọng nó đi vào lãnh vực y khoa.
Mình hiểu là mọi người có thể cho rằng mình ghét thế gian này, nhưng mình vẫn tin còn có người thật sự tốt ở đâu đó, hy vọng một ngày nào đó họ có thể thay đổi nhân loại, nhưng thật là tệ khi mình không thể chờ đợi đến ngày nhìn thấy điều ấy.
Nếu phải nói ra lý do vì sao mình tự tử thì đó chính là nỗi buồn chán, là căn bệnh trầm cảm, mình ghét việc học hành và hệ thống giáo dục, căm thù loài người và cảm thấy bất lực trong việc thay đổi thế giới.
Mình viết lá thư này hy vọng rằng nó sẽ giải thích cho mọi người hiểu tại sao mình không thể tiếp tục sống lâu hơn nữa. Điều này không phải chỉ thoáng hiện trong đầu mình ở một đêm, mà nó đã kéo dài trong nhiều năm và đã đến thời điểm mình không muốn sống tiếp.
Mình thật sự ao ước có một cách nào đó khiến mình vui hơn với những điều này, nhưng buồn thay, niềm ao ước đó không có.
Mình cũng hy vọng rằng lá thư này sẽ khép lại những ưu tư của mọi người về cái chết của mình, sẽ làm cho nỗi đau của mọi người nhẹ vơi đi.
Mình biết là mình ích kỷ khi kết thúc cuộc đời mình và là nguyên nhân của nhiều nỗi buồn, nhưng hãy làm ơn, làm ơn, làm ơn hiểu là tại sao mình làm như thế. Mình ghét thấy người ta buồn, người ta suy sụp, đặc biệt khi đó lại là những bạn bè của mình, vì mình không muốn ai khác cảm giác sự tồi tệ giống như mình từng cảm nhận. Vì vậy, làm ơn đừng buồn, hãy cố gắng tìm niềm vui bất cứ khi nào bạn có thể và tận hưởng từng giây phút đó.
Cũng như khi bạn thật sự thấy chán nản hay buồn rầu, làm ơn nói ra với ai đó, bất kỳ ai. Bạn có bạn bè, có gia đình, đó là những người luôn sẵn lòng vì bạn và yêu thương bạn, giúp bạn bằng mọi cách để bạn vượt qua. Mình biết mình giống như kẻ giả dối khi nói điều này, nhưng làm ơn đừng để nỗi buồn, cơn giận dữ hay bất cứ điều gì làm cho cảm xúc của bạn cứ tăng mãi trong lòng, bởi mình có thể bảo đảm rằng bạn sẽ làm điều gì đó để rồi phải hối tiếc.
Tận đáy lòng, mình rất nhớ mọi người và cám ơn cho tất cả những điều mà mọi người đã mang đến cho mình.
Và, nếu có Thiên Đàng hay Cõi Niết Bàn nơi thế giới bên kia, mình thật sự ao ước được gặp lại mọi người ở đó.
Lần sau cuối cho đến khi mình gặp lại nhau, vĩnh biệt!
Kyle C. H.
Có thể chính bạn cũng đã từng rơi vào trường hợp này, lúc mới ra trường, khi đi phỏng vấn xin việc, khi được nhà tuyển dụng hỏi về mong muốn của mình, bạn trả lời rằng "tôi muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp".Thế nhưng lúc đó, "chuyên nghiệp" theo bạn là gì? 
Rồi tới lúc đi làm ở những nơi đầu tiên, cũng rất có thể bạn đã không ít lần than phiền "cần được vào một môi trường làm việc chuyên nghiệp ở đây". Lúc đó, định nghĩa "chuyên nghiệp" là gì, theo bạn?
Mới đây, rất nhiều cư dân mạng đang cùng đọc và chia sẻ một bài viết với tiêu đề "Em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp". Sau khi được đăng tải, bài viết này đã tạo ra sự chú ý không hề nhỏ. Không chỉ cắt nghĩa từ "chuyên nghiệp", bài viết còn đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ khi đi xin việc và đưa ra lời khuyên.
Dưới đây chính là bài viết đang gây ra sự chú ý cũng như bàn luận từ mọi người:
"Em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp!"
99/100 em đi phỏng vấn đều chém câu đó. Nghe thì hay, nhưng khi đi vào thực tế nó lại trở thành điều vô cùng khôi hài, nó phản ánh tính hài hước không giới hạn của các em.
Trước hết, phải dịch nôm "môi trường chuyên nghiệp" theo tưởng tượng của các em:
- Công ty lớn, văn phòng đẹp
- Lương cao, thưởng đều, nghỉ mát đầy đủ.
- Nhân viên ăn mặc đẹp, thơm tho.
- Sếp hiền như bà tiên, ông bụt.
- Không quản lý về thời gian, nhưng cũng đừng quản lý cả hiệu suất.
- Làm việc bất đắc kỳ tử, hứng lên: làm như trâu chó, hết hứng: không làm.
Kiểu kiểu thế.
Các em xem nhiều phim, đọc nhiều tiểu thuyết, theo dõi nhiều show truyền hình thực tế nên chắc bị lậm. Thực tế "môi trường làm việc chuyên nghiệp" nó như này:
1. Quy trình chuyên nghiệp: nghĩa là em biết công việc cần làm bắt đầu từ đâu, kết thúc thế nào, phối hợp với ai, trong bao lâu phải hoàn thành. Em là một mắt xích trong cái quy trình đó, em làm việc đúng, làm việc đủ để đảm bảo quy trình vận hành trơn tru, vì ngoài em, những em khác cũng tham gia vào quy trình này, một đứa phá thối, cả quy trình sẽ rối loạn. Như cái chợ ấy, sẽ không còn chuyên nghiệp nữa.
2. Chính sách minh bạch: nghĩa là thưởng phạt phân minh, em biết em làm tốt được gì, làm tồi sẽ mất gì.
3. Con người chuyên nghiệp: chính là em, là tôi, là các bạn đồng nghiệp khác. Con người chuyên nghiệp là việc đã giao thì phải hoàn thành. Em có hứng thú hay không hứng thú, sức khoẻ tâm sinh lý có ổn định hay không em vẫn phải hoàn thành công việc. Cái đó còn được gọi là thái độ chuyên nghiệp.
Em hình dung như mình đang ở trong nhà máy sản xuất gà chiên, em phụ trách công đoạn vặt lông gà, bạn tiếp theo làm công đoạn chặt gà v.v... Hôm nay trái gió trở giời, mặt trời không đủ sáng để em quang hợp tạo ra hứng, em không làm việc vặt lông gà. Dây chuyền vẫn phải chạy, vậy là hoặc là không có gà để chiên, hoặc sẽ có món gà chiên cả lông, khách không mua, công ty không có doanh thu, nhưng em vẫn đòi hưởng lương bình thường, hihi.
Đấy, chuyên nghiệp nó chỉ thế thôi. Làm đúng, làm đủ là được, không cần "làm quá". Các em đi làm việc, không phải nghệ sĩ (mà nghệ sĩ họ cũng có nguyên tắc chứ không vô tội vạ như em tưởng). Các em làm việc tuỳ hứng, vô tội vạ. Xong các em đòi hỏi cái này mới quá đáng này: Sếp phải tâm lý, không được nổi cáu mà phải khéo léo tìm cách motivate em. Đùa, Sếp chứ có phải phường chèo mua vui cho các em đâu. Em thích Sếp phải như Tây còn bản thân mình thì cứ như... Ta. Chẳng bao giờ tự hỏi mình đã làm đúng, làm đủ chưa, chỉ thích mộng mơ và hờn dỗi.
Như thế là lừa đảo em ạ, em lừa người phỏng vấn để vào công ty. Em lừa nguyên cả một đám đồng nghiệp vì làm họ tưởng em là người có thể kề vai sát cánh, cùng làm-cùng hưởng-cùng chịu trách nhiệm. Xong rồi em lật lọng, giở mặt, em hiện nguyên hình là một thành phần vô trách nhiệm, làm ăn chả ra gì, em để lại đống hổ lốn em gây ra, và để lại trên vai họ thêm vài gánh nặng.
Lần sau đi phỏng vấn, thay vì nói "em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp" em hãy tự hỏi "mình đã chuyên nghiệp đủ với môi trường đó hay chưa" em nhé.
Nguồn: Facebook
Cuối năm vừa rồi, chính xác thì là sau đợt rét đầu tiên thì mình làm vé tháng xe buýt và bắt đầu đi xe buýt đi làm. Trời cứ lạnh thì tay lại bắt đầu đau. Mấy đợt sau trời lạnh không kinh khủng bằng đợt đầu tiên nên cũng đỡ hơn nhưng nói chung là nỗi sợ vì đợt đau đầu tiên vẫn khiến mình có tí hãi nên thôi, quyết định đi xe buýt một thời gian, coi như là dưỡng thương. Tính ra thì mình bắt đầu dán vé tháng từ tháng 11/2016, và dán được 3 cái vé, kín đủ 3 ô, đến hết tháng 1/2017 thì thôi. Mình dừng vì chán, hehe. Đợt đầu tháng 1 thì đi Hà Giang và bị say xe đúng hôm cuối nên về nghĩ đến cảnh leo lên ô tô ngồi là thấy hãi. Cuối tháng 1 thì lại là Tết, thế nên cũng việc này việc nọ phải chạy đi chạy lại, rồi lại còn liên hoan các kiểu nên đi xe buýt cũng không tiện. Và trời cũng ấm dần lên nữa rồi. Vậy là thôi, không đi xe buýt nữa.
Nhưng mà trong thời gian đi xe buýt mình cũng gặp nhiều chuyện, có chuyện hay, cũng có chuyện dở. Có những chuyện gặp xong thì cảm động cả ngày. Cũng có những chuyện làm mình thấy bực suốt cả buổi. Đấy, thỉnh thoảng bớt cô lập một mình trên cái xe máy mà chen chân vào xã hội bằng cách thử leo lên một cái xe buýt mà xem. Bạn sẽ thấy nó khác luôn. Câu chuyện được kể trong cái link số 3 này cũng gợi nhắc một cảm giác ấm áp của lòng nhân hậu mà mình cũng đã từng gặp. Sau đây là nguyên văn câu chuyện trong link đấy:
Đúng là cuộc sống có những điều thật đẹp và bình dị, việc của chúng ta là bớt đi một chút vội vã để dừng lại, nhìn ngắm và mỉm cười!
Mỗi ngày khi bước ra đường, bạn sẽ gặp rất nhiều người, chứng kiến rất nhiều sự việc. Có những câu chuyện thường thường như bao ngày khác, bạn nhìn, rồi sẽ quên ngay. Nhưng cũng có những điều tưởng chừng như rất bình dị rồi lại khiến bạn mỉm cười, thấy hạnh phúc và vui vẻ, để rồi nhớ mãi. 
Câu chuyện dưới đây kể về một anh phụ xe bus và một cậu nhóc học lớp 7 đang một mình trên xe để tới chỗ mẹ làm việc. Vô tình, cậu bé này quên mang tiền. Mặc dù người chứng kiến câu chuyện (và đăng tải nó lên mạng xã hội) đã có ý trả giúp tiền vé đó, nhưng anh phụ xe xua tay. Bạn có đoán được mọi việc sẽ diễn biến như nào nữa không? Hãy đọc nguyên văn nhé:
Chuyện giản dị phía sau bài toán của anh phụ xe và cậu nhóc lớp 7 ngay trên xe bus khiến ta mỉm cười! - Ảnh 1.Chuyện giản dị phía sau bài toán của anh phụ xe và cậu nhóc lớp 7 ngay trên xe bus khiến ta mỉm cười! - Ảnh 2.
"Hôm nay đi xe bus, gặp một tên nhóc mặt mày lấm lét lên xe, anh bán vé hỏi tên nhóc "đi đâu?". Nó bảo "Cháu đi sang chỗ mẹ làm việc" sau tự kiểm tra túi rồi mặt nghệt ra bảo "Cháu quên mang tiền...". Mình định tiến tới đưa tiền vé cho nó anh xua tay ra hiệu không cần. Sau đó anh bảo nó ngồi xuống và hỏi:
- Học lớp mấy rồi?
- Dạ lớp 7.
- Bây giờ chú đố một bài toán, giải được chú cho đi sang chỗ mẹ, không thì chú bắt về bến.
Nói rồi anh lấy mặt bìa sau của cuốn sổ viết đề bài, cu cậu ngồi đăm chiêu suy nghĩ nháp nháp rồi viết nguệch ngoạc.
- Sai rồi, phải giải như này.
Anh cầm bút rồi hướng dẫn nó làm đúng, mặt cu cậu hớn hở ra trò, cười rất tươi. Cuộc sống là vậy... có những điều thật đẹp và bình dị, chỉ là ta chưa dừng lại để ngắm nhìn mà thôi".

Một hành động tuy nhỏ nhưng lại rất đẹp, đúng không? Tấm vé đi xe bus có lẽ không đáng giá bao nhiêu, thế nhưng đổi lại, sự khéo léo, ân cần của anh phụ xe đối với cậu nhóc lớp 7 này đã khiến cho những ai biết tới câu chuyện đều mỉm cười. 
Niềm vui có được trong cuộc đời cũng thật bình dị, nhỉ? Chẳng cần gì cao xa, đôi khi chỉ là một khoảnh khắc, một hành động, một câu nói của những người lạ xung quanh thôi, nhưng đủ để ta thấy cuộc sống có nhiều điều thật đẹp! Việc của chúng ta chính là bớt đi một chút vội vã để dừng lại, quan sát, nhìn ngắm và thấy hạnh phúc vì những điều tốt đẹp đang diễn ra!
Nguồn: NEU Confessions

4. Messenger for a friend:
Theo tớ thì cậu rất được ở 2 chỗ: 1 là quyết tâm là làm bằng được. 2 là ở cái câu: "thôi đừng giới thiệu vì sợ làm mất thời gian của bạn kia". Haha có rất nhiều lý do để từ chối, và dĩ nhiên từ chối kiểu gì thì vẫn là vì bản thân mình thôi chứ chả là vì đứa nào khác cả nhưng mà k phải ai cũng phát ngôn ra đc cái lý do quá chuẩn và "nghe quá được" như vậy. Like! Like!👍👍👍
Còn khuyết điểm duy nhất là: không "hợp thời". Cái này thì cũng giống đa số những thành phần xã hội "được" và "chất" khác mà tớ thấy thôi.