Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Song Lang

Hôm qua vừa cố gắng hết sức có thể để kịp giờ chạy ra rạp cgv nguyễn chí thanh để xem Song Lang. Mình cứ nghĩ bụng mãi là nếu trưa hôm qua không chạy đi xem được thì chắc không có lúc nào xem được phim ấy nữa, vì lười ra khỏi nhà, vì giờ chiếu không hợp ý mềnh.. vân vân và mây mây các thể loại lý do. Thế là quyết tâm phi xe đi và xem.
Thực ra tuần trước, trước khi phim ra mắt 1 tuần, lúc đọc thấy giới thiệu phim này đã nghĩ là sẽ đi xem. Vì mình phim Việt mình cũng chỉ muốn xem kiểu phim này thôi. Kiểu như, Mùa hè chiều thẳng đứng ý, vừa năm ngoái thì có Dạ cổ hoài lang. Hết. Mà hay (dở) cái là phim Việt thì chỉ có xem ở rạp chứ tìm bản trên mạng là hem có. Vậy nên muốn thưởng thức là phải cố gắng mà đi thôi.
Đọc giới thiệu thì thấy cũng thú vị, muốn đi xem người ta làm phim như nào. Vì góc nhìn cũng là của một đạo diễn có tí yếu tố Việt kiều nên mình cũng tò mò không biết cách tư duy của người ta ra sao. Nhất là nội dung nói về nghệ thuật cải lương nữa, giống như hồi xưa đi xem Dạ cổ hoài lang chính là vì bản Dạ cổ hoài lang đó. Nhưng nói thật là sau mấy hôm nhìn hình ảnh poster Issaac mà mình lại hơi nhụt chí. Vì nó gợi cho mình nhớ ngay đến hình ảnh của Trương Quốc Vinh mà mình đã từng nhìn thấy ở đâu đó. Leslie cũng mặc một bộ quần áo hóa trang, của kinh kịch, đó là hình ảnh trong phim Bá Vương Biệt Cơ. Thần thái của Issaac cũng na ná Leslie. Thế nên là chỉ nhìn mỗi cái poster thôi cũng đoán đoán câu chuyện là về tình cảm của 2 anh rồi. Cơ mà nếu chủ đề như thế thì mình lại chả hào hứng muốn đi xem nữa. Nói chung là cứ cái kiểu mô tả nhân vật hơi tí đã lao vào nhau, mà đa số vẫn toàn thế, kể cả là nam-nữ, nam-nam hay nữ-nữ đi chăng nữa thì mình cũng vẫn thấy khó nuốt như nhau. Nhưng rồi, may mà hôm thứ 7 đã đọc được một bài phỏng vấn Leon Lê, đạo diễn phim đã trả lời rằng trong phim không có mấy cảnh xôi thịt nhức mắt đó, và rằng nếu khán giả muốn xem mấy cảnh đó thì sao không đi xem phim khiêu dâm cho rồi. Vậy là mình yên tâm. Vậy là mình quyết tâm đi thưởng thức nghệ thuật.
Xem rồi mới thấy khá là ổn. Phim nói về nghệ thuật cải lương truyền thống nên trong phim có đoạn thầy dạy trò diễn vở Mỵ Châu Trọng Thủy. Thầy dạy trò phải biết yêu để cảm nhân vật và hát cho ra cái tình trong vai diễn. Phần về nghệ thuật cải lương thì cũng đủ. Phần về kịch bản phim, nhân vật phim, các mối quan hệ trong phim thì cũng đủ và đẹp, không phô. Mối quan hệ giữa nhân vật Dũng Thiên Lôi với cô bạn gái rồi cả với Linh Phụng (vai của Issaac) đều vừa đủ vừa đẹp, không quá lộ thiên mà rất âm thầm ý nhị. Mình thích thế. Tình yêu chỉ cần ánh mắt, cái nhìn là đủ để hiểu chứ cần gì đâu. Mà phải thế mới thấm, mới ngấm được tình cảm đến thế nào để mà choáng váng, sững người cái lúc Dũng Thiên Lôi bị đâm chết. Hic. Khúc cuối, tình tiết phim đột ngột ngoặt một phát đến là choáng váng. Đến giờ nhớ lại vẫn còn thấy rõ cái cảm giác choáng váng trong người mà cú ngoặt đó tạo ra. Tình tiết phim khá đều đều cho đến khi cú ngoặt đó diễn ra nên nội dung phim có thể dễ đoán, các chi tiết trong phim cũng không quá đắt hay để lại ấn tượng mạnh cho mình. Nhưng mình lại thích chính cái kiểu ấy vì đạo diễn có vẻ rất bình tĩnh, không chộp giật các tình tiết để câu khách làm gì mà cứ từ từ mô tả mọi thứ theo cách của mình. Thế nên chẳng thể nghĩ Dũng Thiên Lôi sẽ chết đột ngột như vậy. Thế nên đoạn sau phim nghe Linh Phụng ca mới chợt rung động đến thế, khác với lần đầu, tuy tròn trịa nhưng thiếu phần nào tình cảm. Mà đạo diễn cũng để mở lắm, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Cái tình của Linh Phụng là cái tình cảm mến với một người tri âm, tri kỷ, đồng điệu tâm hồn hay cái tình của một người con gái đối với người yêu thì khó mà phân định rõ. Nhưng chẳng thể nào phủ nhận cái tình rất rõ ấy. Mình không hiểu cải lương lắm mà nghe còn rưng rưng nước mắt theo Linh Phụng cơ mà.
Đi xem phim mà trong rạp có mỗi 3 khán giả. Một cặp 2 anh chị với mình là 3. Lần đầu tiên vắng đến thế. Mà vắng cũng có cái hay là đỡ phải nghe bình luận nhảm. Điều không cần thiết cho phim này là bình luận, à bình loạn mà :))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét