Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Mỗi chuyện một tí

Mỗi chuyện một tí
Chuyện 1: Mấy ngày đầu năm mới, vừa ra Tết ý, thường mấy chị em hội cơm trưa hay lang thang đi ăn ngoài thay vì mang cơm đi như thường lệ. Năm nay mình rất ấn tượng cái buổi trưa đầu năm đi ăn ở hàng bún chả góc đầu phố Lê Ngọc Hân. Không phải món bún chả ở hàng đấy gây ấn tượng gì với một đứa “tai trâu” trong ẩm thực như mình mà là cái cách hoạt động của nó khiến cho mình bị ấn tượng, đến nỗi mà cái đầu đang ong ong của mình tỉnh cả ra đấy.
Hàng đấy buổi trưa bình thường cũng đã đông rồi. Nhưng đầu năm mới ra mới có mấy ngày, nhiều hàng quán khác còn chưa mở hàng nên thành ra hôm đấy càng đông. Tất cả cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh ấy chỉ bao gồm cái bếp nướng chả, mấy cái chậu than hoa, rồi bát rồi đũa như các hàng ăn khác, thêm vào đó là tầm chục cái bàn nhựa được kê một cách hết sức tiết kiệm diện tích trong khuôn viên là khoảnh vỉa hè góc đầu phố. Bếp nướng thì bố trí phía ngoài đường để khói khỏi tạt vào khách. Ngay góc cạnh đấy là cái bàn đại bản doanh của cô chủ quán vừa làm nhiệm vụ chia chả cho các suất vừa làm thu ngân. Cạnh bàn cô ngồi là nồi đựng nước mắm đã được pha vừa ăn theo bí kíp riêng của quán và nồi đựng dưa góp ăn kèm. Việc bố trí này rất tiện để chia suất và đưa ra phục vụ khách vì cách trình bày món bún chả là chả nướng sẽ được xếp vào bát, sau đó cho thêm dưa góp rồi chan nước mắm và mang ra cho khách. Còn bún và rau sống thì lại được bố trí ở riêng một khu khác, chếch vào phía trong hơn và cách biệt với khu ngoài chỗ cô chủ ngồi vì mấy cái bàn cho khách ngồi, và chắc là rau sống cũng được để luôn gần chỗ vòi nước rửa nữa. Thực ra thì lúc ý mình ngồi ở đầu bàn ngay sát chỗ cô chủ ngồi chia chả nên cũng không thấy được khu vực để bún và rau sống phía trong nên đoạn gần vòi nước thì mình chỉ đoán vậy thôi. Đấy mới là về vụ quy hoạch các vị trí còn về nhân sự thì ngoài cô chủ ngồi chia chả cộng thu ngân và một cô chuyên trách nướng chả thì còn có tầm ba cô nữa thì phải, xoay vòng thay nhau làm nhiệm vụ: bố trí chỗ ngồi cho khách, dọn bàn, bưng bê, mang bún, mang rau và mang bát chả ra. Chưa nói đến đoạn rửa bát có ai chuyên trách không thì mình không quan sát kịp vì còn mải ngắm cô chủ hàng đang pha thêm một nồi nước chấm mới, hehe. Có một điểm làm mình cứ ngẩn ngơ mãi đó là việc các cô phụ trách chạy vòng ngoài hoạt động rất nhịp nhàng với nhau mặc dù rõ ràng là họ không có phân công riêng mỗi người phụ trách một món, như kiểu người chuyên mang rau, hay chuyên mang bún, hay người chuyên đứng nhìn tổng thể để chỉ chỗ cho khách hay điều hành người khác lấy cái này cái nọ theo yêu cầu của khách. Không, tất cả họ hoạt động cùng một lúc, tất cả các cô đều có lúc thì lấy rau, có lúc lại lấy bún, có lúc thì dẹp bàn, hướng dẫn khách hoặc nhận yêu cầu của những người mua mang về đang ngồi trên xe máy đỗ dưới lòng đường tít phía ngoài xa. Họ làm tất cả mọi việc mà không kiểu ồ ạt, bàn này thiếu bún thì lúc sau đồng loạt mấy cô đều mang bún ra, không, họ vừa làm vừa quan sát nhau để khi thấy người này lấy bún cho khách này rồi thì người kia sẽ đi lấy rau. Một người đã đi lấy bún thì họ sẽ nhìn một lượt xem có bao nhiêu suất bún cần lấy lúc bấy giờ và mang ra một lượt cho một nhóm 3-4 khách một lúc. Người lấy rau lúc đó cũng sẽ nhìn và mang ra như vậy. Hoặc gặp khách đi một mình hoặc nhóm 2 người thôi thì cô lại mang cả bún và rau cùng một lúc luôn. Một cô khác trong lúc đó sẽ hỏi khách ăn gì và nói to thông báo cho cô ngồi chia chả để lấy cho đúng suất theo yêu cầu. Mà yêu cầu có nhiều lúc rất phức tạp, kiểu đồng thời mấy nhóm khách yêu cầu một lúc như thế này: “ở đây 3 lẫn một băm - ở đây 4 nem nhé – bàn bác áo xanh này 2 suất lẫn với 2 nem nhé”, kiểu kiểu như vậy. Mà có một vấn đề nữa ấy là thứ tự phục vụ. Lẽ dĩ nhiên là khách đến trước sẽ được phục vụ trước. Nhiều khách cũng bạo miệng đòi được ăn, nhưng đa số thì chả cần đòi vì các cô sẽ tự đòi quyền lợi cho khách vì các cô đều quan sát và sẽ có ý kiến lên tiếng nếu cần. Theo mình nhận thấy thì ngoài thứ tự ưu tiên thông thường là trước-sau thì họ còn phải phân bổ ưu tiên cho cả những người đỗ xe dưới đường chờ mang về nữa thế nên đôi khi các cô phải lên tiếng là vì vậy.
Cuối cùng, sau tất cả, sau hết thảy những yêu cầu: bún, rau, chả, giấm, ớt… vân vân và mây mây… thì cuối cùng là màn thanh toán. Ở đây sau khi ăn uống xong xuôi, lau miệng xỉa răng đầy đủ thì khách mới ới các cô: cho tôi thanh toán. Lúc ý thì các cô vòng ngoài lại chỉ khách: anh/chị vào kia (chỉ cô chủ đang ngồi chia chả) thanh toán hộ nhé. Khách bước lại chỗ cô chủ: chị ơi cho tôi thanh toán với, của tôi là … suất này suất kia… Cô chủ quán đang chia chả sẽ dừng tay ngẩng đầu nghe khách nói rồi tính tiền, thu tiền và trả lại. Có những khi khách cũng chả cần phải khai là mình ăn gì mà các cô vòng ngoài sẽ ới vào báo với cô chủ quán là: bên này thanh toán 2 suất chị ơi, rồi chỉ khách vào trong trả tiền.
Hôm đấy chả nhớ là có phải do trời giở cái nắng nửa mùa giữa mùa đông không mà mình nhớ là mình đi vào hàng đấy trong tâm trạng vô cùng chán ngán vì đầu thì cứ ong ong đau, và mình thấy hàng đấy quá đông, phát ngột ngạt. Mới đầu còn chả có đủ chỗ ngồi cho 3 chị em mà chỉ thấy có 2 ghế trống thì 3 chị em nhường nhau tranh thủ ngồi vào đó rồi chờ các cô lấy thêm cho cái ghế nữa. Nhưng may là vì mình chọn chỗ ngồi ngay sát cô chia chả và cô nướng chả nên thành ra lại là vị trí rất đẹp để mà ngắm nghía quan sát trong lúc chờ được ăn. Thế là rồi chả biết từ lúc nào cơn đau đầu đã bay đi mất. Thay vào đó thì não mình bị thu hút vào guồng làm việc của các cô ở hàng bún chả. Và lúc sau thì vừa gắp bún gắp chả cho vào miệng vừa nghĩ: Ôi siêu thật, làm thế nào mà cái chỗ hỗn loạn này lại hoạt động có trật tự đến vậy được nhỉ ???
Note: Chắc là lúc nào mình cũng bị thu hút bởi sự hoạt động của những cỗ máy được cấu thành bởi nhiều chi tiết phức tạp thì phải.
------
Chuyện 2: Về cái vòng mình đang đeo ở bên tay trái. Cái vòng là này tình cờ bắt gặp nó trong đống vòng vèo bày trên sạp hàng nhỏ nằm bên triền dốc phố Cầu Mây ở SaPa. Lúc ý là đang trong lúc mặc cả để mua hộ ông anh làm cùng phòng đồng bạc hoa xòe nên đầu thì nghĩ là trả tầm ý là vừa chưa còn mắt mũi thì cứ gọi là đảo quanh khắp gian hàng như rang lạc để giết thời gian. Thế nào rồi mà lại nhìn ngay ra em ý. Quá chuẩn kiểu mình thích luôn. Ha ha phải nói là cảm xúc của mình lúc ý là rất sướng mà không dám ồ, à, whoah, whoah quá lộ liễu, chỉ nhẹ nhàng quay sang hỏi bác chủ, kiểu như rất vu vơ thôi, là “Cái này thì bao nhiêu tiền hả bác?”. Ôi giời, đến lúc nghe xong bác ý trả lời, mình còn chả tin vào tai mình, còn phải hỏi lại, xong quyết rất nhanh là em ý phải về với mình thôi. Thế là thôi chỉ khổ thân ông anh vì lúc ý con em này chả nhớ gì đến việc ông anh dặn dò nhờ vả cả, chả còn áy náy đắt rẻ gì hộ cho ông anh nữa rùi, he he.
Thế là em ý đi về với mình từ hôm ý. Đến tận giờ này mình vẫn chả rõ là em ý có bằng bạc thật hay nhôm hay gì gì đi nữa. Mình hầu như vẫn đeo em ý trên tay hàng ngày và thỉnh thoảng thấy em ý đổi màu một tí, có lúc có ánh vàng vàng xỉn xỉn. Có lúc mình lấy kem đánh răng ra cọ hoặc có lúc lười thì mình cũng kệ chả làm gì, chỉ cứ đeo thôi nhưng sau em ấy vẫn sáng trở lại. Em ý nhỏ xinh, rất đơn giản, mà lại nhẹ nên không có cảm giác vướng víu gì cả. Nói chung là yêu vì thích mà lại hehe.
-------
Chuyện 3: Mấy hôm nay có một bài hát mới này: Cám ơn vì đã nói câu từ chối.
Đầu tiên mình bị thu hút bởi cái tựa đề rất lạ. Cảm ơn vì đã nói câu từ chối. Sau đó thì bị thu hút tiếp bởi vì tên người hát có Phạm Dũng Hà. Mình bị ấn tượng với giọng của anh này từ hồi anh ý thi The Voice (vì thế mình vẫn thích gọi anh ấy là Phạm Dũng Hà như ngày xưa hơn là bằng cái tên mới bây giờ). Cuối cùng, vì tất cả các sự thu hút kể trên thì mình bấm vào nút play để nghe thử và thấy nó … thế nào nhỉ … ngang phè ra, nghe chả thấy vào gì cả.
Tối hôm kia, trong lúc ngồi đọc linh tinh thì phát hiện ra một điều. Hóa ra bài hát này lấy cảm hứng từ La la land. Vậy là lại thử giở ra nghe lại bài hát một lần nữa. Và lần này thì tự dưng lại thấy … sao mà có lý thế. Kiểu: à, à, hóa ra là vậy, à, à… Tóm lại là càng nghe càng thấy hợp lý. Ha ha…
------
Chuyện 4: Giờ copy paste tạm vào đây cái note ý tưởng vừa nghĩ ra hôm nọ trên đường đi làm, lúc nào lại ngồi triển khai nó ra cho câu chữ đầy đủ sau vậy.

1. Học ngôn ngữ trong môi trường có nhiều thứ tiếng:
Huấn luyện cơ lưỡi - âm giọng đặc trưng của mỗi thứ tiếng, mỗi vùng miền
Nhận diện các đại từ nhân xưngSự khác biệt của môi trường ngôn ngữ sử dụng từ đơn âm tiết và đa âm tiết - nhận diện các tổ hợp âm tiết có nghĩa nhờ các điểm ngắt nghỉ và sự biến đổi trong ngữ điệu - hiểu một phrase, cấp độ nhỏ hơn của sentence2. Bản chất của dinh dưỡng - Khái niệm "ăn mồi" ở động vật và thực vật - Từ đó dẫn đến quan điểm về nhân đạo từ góc nhìn về chuỗi thức ăn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét