Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

A kick - Inception

Inception - a kick for me.
Lúc đầu mình xem Inception chỉ vì ấn tượng về một cái cười đắc ý của một nhân vật nữ mà bạn mình đã từng nhắc đến. Giống y hồi xưa mình đã từng tìm đọc "Quy luật của muôn đời" chỉ vì lúc đi học thêm, cô Tú dạy toán đã nhắc đến nhân vật bác thợ giày có khả năng "nhìn giày đoán người". Mình tò mò về ấn tượng của mọi người, tò mò về những nhân vật, những chi tiết đó. Vậy là phải tìm xem. Và nói thật là lúc đầu xem thì cảm giác ban đầu là không thể hiểu tại sao một chi tiết nhỏ như vậy lại có thể gây ấn tượng mạnh như thế. Vì khi mình xem phim hoặc đọc truyện thì đều thấy chi tiết hoặc nhân vật đó đều không phải là một chi tiết quan trọng, đúng như bạn mình nói, chỉ xuất hiện hoàn toàn thoáng qua mà thôi, gần như là bạn và cô giáo không nói đến thì chắc chẳng bao giờ mình nhận ra.
Nhưng quan trọng là nhờ sự tò mò ấy mà mình được tiếp cận với hai tác phẩm thực sự là ấn tượng. Một cú hích (ở đây mình muốn chỉ khái niệm "a kick" được dùng trong Inception ý) đối với mình. Tự dưng đầu óc thông suốt hẳn. Kiểu như lúc bạn thốt lên câu "À, ra thế!" vậy.
Đối với "Quy luật của muôn đời" ngày xưa thì ngày xưa mình "giác ngộ" được thế nào là quy luật của muôn đời. À, mà giờ mới bất chợt hiểu ra cái gì đã khiến mình nói với Papa rằng: "Con chẳng theo tôn giáo nào cả. Đối với con không có chúa, không có phật, không có thần, không có trời gì cả. Tất cả những cái đó cuối cùng cũng chỉ để răn con người sống cho tốt. Vậy thì chỉ cần trong đầu con nghĩ tốt, trái tim con cảm thấy là tốt, và con hành động tốt là được". Và Papa mình, một người gốc Ấn ngoan đạo, trong tab của ông đầy hình ảnh của các vị thần Ấn Độ, trong balo của ông và xe ông có hình quan âm bồ tát, trong nhà ông có bệ thờ thần voi Ấn Độ, và ông còn dẫn mình đến trước ban thờ vị nữ thần nào đó mình không nhớ tên để cầu phước cho mình, con người ngoan đạo ấy đã gật đầu và bảo mình rằng "Con nói đúng". Một người nữa, là bác người Hồng Kông mình gặp ở Macritchie reservoir, bác ấy cũng bảo mày nói đúng, tao cũng không thích đến Haw Pack vì ở đấy chỉ có những bức tượng để dọa dẫm người, nhưng những cái đó không có tác dụng nếu bản thân con người không nhận ra là họ cần phải làm điều đúng. Giờ mình mới chợt hiểu, tại sao những ý tưởng đó, ý tưởng về "quy luật của muôn đời" ấy lại xuất hiện trong đầu óc mình lúc mình nói chuyện với mọi người. Vì đơn giản là nó là một phần trong tiềm thức của mình, và từ lâu mình đã nhận ra sự tồn tại của nó, và còn ngôn ngữ hóa nó, để mô tả được nó rồi.
Hôm nay xem Inception cũng vậy, cuối cùng thì mình thấy nhẹ nhõm hẳn, không còn bị vật vã như hồi sáng, lúc viết entry trước nữa. Có một cú hích đã xảy ra.
Lúc đầu xem phim thì bình thường. Đến đoạn Ariadne xuất hiện mình cũng vẫn mới chỉ để ý đến nụ cười của cô ấy mà bạn mình đã nhắc đến. Thậm chí còn ngủ quên ở đoạn đầu một ít lúc bắt đầu xem đêm hôm qua. Sáng nay lúc tỉnh dậy, định xem nốt luôn nhưng không kịp thời gian, vậy nên chỉ cố ngồi gõ xong cái entry trước trước khi đứng dậy đi thăm mẹ con Chinh. Vậy là cả ngày mọi suy nghĩ nảy sinh từ hôm qua vẫn cứ quằn quại trong đầu mình. Cho đến chiều về, lúc quyết định xem tiếp nốt bộ phim, cho đến đoạn Dom Cobb kể với Ariadne về người vợ của anh ta, thì mình bị cú hích đầu tiên. Ánh mắt của Cobb, câu chuyện của anh, tất cả làm mình chợt cảm thấy tỉnh ra, như kiểu vừa nhớ ra được một chi tiết rất rõ rệt trong giấc mơ của mình vậy. Đó là ánh mắt của the man of Geylang street. Câu chuyện của một người chồng về người vợ. Ánh mắt của bác ấy. Mình nhận ra là mình đang tỉnh táo, câu chuyện ở Sing là thật chứ không phải mơ hồ nữa. Đó là cú hích đầu tiên.
Từ lúc đấy, các chi tiết, nội dung câu chuyện diễn ra khiến mình nhớ lại những cái đã từng xuất hiện trong đầu mình. Giấc mơ ở trong giấc mơ. Thực tế trong sự mơ hồ, giấc mơ trong đời thực. Lẫn lộn. Sự bế tắc không tự giải thoát được. Sự vô tận của không gian, của thế giới. Cả vũ trụ này chỉ nằm trong một cái cốc thủy tinh đặt ở trên một cái bàn trong một căn phòng có cửa sổ nhìn ra một thành phố trải rộng ngút tầm mắt rất nhiều các nóc nhà nhỏ. Một cú hích, kiểu như bước hụt trên cầu thang trong giấc mơ, làm bạn tỉnh giấc, và kéo theo cảm giác mơ hồ và nuối tiếc.
Cuối cùng thì thông điệp quan trọng nhất là cảnh cuối, Cobb xoay con quay, totem của anh, nhưng rồi lại không nhìn vào nó mà nhìn ra phía các con. Cuối cùng thì chuyện là mơ hay là thật thì cũng thật sự không quan trọng bằng việc anh ấy đã tự giải thoát được cho mình, và đã có thể bắt đầu sống một cách trọn vẹn với nghĩa của từ hạnh phúc. Dream becomes true. Một điều siêu phi lý là chỉ một cái tin nhắn của Saito mà Cobb đã có thể từ một kẻ bị truy nã, có nguy cơ bị tù chung thân và phải xa rời các con, cuối cùng đã có thể đường hoàng giơ hộ chiếu ra để nhập cảnh và kéo vali đi vào cánh cổng "Welcome to the USA", phi lý đến mức ấy còn có thể xảy ra cơ mà :)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét