Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

big Questions

Hôm nay cứ như là ngày của những câu hỏi lớn í.
Sáng ra xem Ngày này năm xưa thì gặp ngay bác Các-mác (đấy là phiên âm kiểu thường thấy trong sgk còn google ra thì viết tên bác ý là Karl Marx). Hồi xưa học suốt ngày được nghe tên bác thì cũng chỉ hình dung ra bác là một người vĩ đại, tư tưởng của bác vĩ đại, nhưng nói thật là học xong thì cháu cũng quên kha khá nên vậy là giờ chỉ mơ hồ, mang máng vậy thôi. Hôm nay thì mới nghe ra là bác ấy đã nghĩ ra những gì, ngộ ra những gì, một số những quy luật và rồi một số những điều hết sức ý nghĩa. Khổ cái là tự dưng trong lúc nghe đầu óc cháu lại hoạt động mạnh, lại nghĩ ra được một số thứ từ những gì nghe được về bác đâm ra cũng lại mải mê với những cái tự nghĩ và quên mất những gì nghe được. Đại khái là sáng nay nhận ra được thế này:
- Các bác vĩ nhân như bác Các-mác, bác Ăng-ghen... các bác lãnh đạo cách mạng Anh, cách mạng Pháp... đều vĩ đại ở chỗ tìm ra và giải quyết những vấn đề siêu vĩ mô, vấn đề của cả xã hội, cả thế giới. Nhưng mà mình vẫn thắc mắc một điều: theo lý thuyết thì cái đỉnh cao của phát triển, của sung sướng hạnh phúc là xã hội chủ nghĩa, là tư tưởng cộng sản vậy mà thế quái nào giờ này ta vẫn cứ cơm áo gạo tiền, vẫn là giai cấp bị bóc lột thế chứ lị??? Bao giờ cho đến bao giờ nhỉ?
- Thực ra câu hỏi của mình là ngộ ra được như các bác ý rồi nhưng làm thế nào để được đến cái đỉnh cao ý lại là chuyện khác có phải không? Mà cái ý thì bác nào đã nghĩ ra chưa nhỉ?
- Mình thì mình nghĩ thế này: cái mà các bác ý nghĩ ra là hết sức có ý nghĩa nhưng nó ở tầm vĩ mô, siêu vĩ mô và rất ít người có tầm có thể dùng được nó. Còn với mình thì cái chuyện cả xã hội vận hành như thế nào giờ chưa chắc đã quan trọng, đã cấp thiết bằng vấn đề phải xử sự lúc mặt đối mặt với một đối tượng nào đó trong công việc hàng ngày như thế nào đâu. Mà cái vấn đề của mình thì rõ là chẳng thế áp các bác Các-mác, Ăng-ghen vào được. Biết làm gì bây giờ?
- Một cái nữa là con người vẫn là động vật, bậc cao đi nữa vẫn là động vật, một nhúm người vẫn được gọi là quần thể thì phải. Thế thì theo những gì mình học và nhận thấy về mặt sinh học thì quần thể có xu hướng của nó, quy luật của nó, các loài khác nhau có những đặc trưng riêng nhưng cũng sẽ có những cái chung. Ví dụ như trong quần thể sẽ có kẻ có xu hướng vươn lên làm lãnh đạo để cầm đầu, có kẻ lại sẽ ỉ lại, dựa dẫm phụ thuộc thôi. Trong xã hội cũng vậy. Có bao nhiêu cuộc khởi nghĩa bùng lên rồi lại thất bại, hoặc thậm chí thành công xong rồi cuối cùng cũng vẫn sụp đổ. Xã hội không tưởng cứ tưởng là lý tưởng nhất, đẹp nhất rồi mà cuối cùng cũng không trụ được. Vì thiếu sự đồng nhất, thiếu sự tin tưởng, quyết tâm.... Nhiều lý do tác động nhưng cuối cùng vẫn giống một bầy đàn động vật, vẫn nên có kẻ lãnh đạo, đảm nhận vai trò dẫn đường chỉ lối. Như thế chắc là vẫn ok hơn kiểu ngồi lại tất cả ai cũng nêu ý kiến và không ai nghe ai. Theo mình thì chắc lý tưởng nhất vẫn phải là một mô hình như thời phong kiến, nông dân với một ông vua tử tế. Vì nói cho cùng bản tính ỉ lại của con người lớn lắm, người ta vẫn cần một kẻ cầm đầu để nghĩ hộ họ, làm hộ họ, phân phối các lợi ích, duy trì sự công bằng một cách tương đối và quan trọng nhất đó cũng là kẻ chịu trách nhiệm, là kẻ để đổ lỗi khi có biến :))
- Xã hội bao giờ cũng có người này người kia, cần các thế lực khác nhau để giữ cân bằng, kiểu như sự kìm hãm lẫn nhau trong chuỗi thức ăn ở trong một hệ sinh thái ấy. Cứ nhìn vào phim Tể tướng Lưu gù mà xem nhé. Chắc chắn Càn Long không mù đến độ không biết Hòa Thân làm gì, tham như thế nào. Theo mình thì Hòa Thân và Lưu Dung có sự kìm hãm lẫn nhau một cách tự nhiên, và Càn Long giỏi ở chỗ ông ta trọng dụng được cả hai kẻ đối nghịch ấy. Hòa Thân là một thế lực đa công dụng, ông ta tham cái này cái nọ nhưng cũng rất biết điều, ông ta vẫn chịu dưới trướng của Càn Long, vẫn mang lại lợi ích cho Càn Long, giúp Càn Long nhiều thứ mà. Còn cái sự kìm hãm Hòa Thân, việc của Lưu Dung lại đảm bảo cho mọi sự lộng hành của Hòa Thân không đi quá đà. Nếu nghĩ đến cái cảnh Hòa Thân bị diệt, chỉ còn lại Lưu Dung thì rồi cũng kiểu như xã hội không tưởng ý, mọi thứ sẽ đứng yên, không phát triển được. Thế cũng lại hỏng xã hội thôi. Con người vốn dĩ cũng là động vật mà, vẫn phải có sự phân cấp về quyền lợi, chứ cứ bổ đều ra thì rồi kiểu gì cũng loạn, tính tham nó là bản chất từ phần con rồi mà, rất dễ đi quá đà.
Đấy, nghĩ loạn xạ ra được ngần ấy ý.
Lúc đi làm thì gặp ngay cảnh, kẻ cần thì không có mặt, việc muốn làm cho xong thì cứ ách trước mặt vì sự vắng mặt ý. Nhiều lúc mình tự hỏi là mình làm việc dở đến thế à? Chả chuyên nghiệp gì đến thế à? Đâm bực. Cái cảnh cứ bị phụ thuộc vào kẻ khác làm mình đâm bực mình. Mà còn cả sự ghen tị vì cái số phận trớ trêu, cứ có việc thì kẻ ý nghỉ, làm việc thì bay mà mình không nói nổi. Có lúc mọi sự bực mình nó dâng lên đến cổ rồi mà không thoát ra miệng được, không hẳn vì mình kiềm chế mà vì mình bị mấy bài học với con người này rằng nếu xổ thẳng ra thì mình từ người tử tế, thẳng thắn có thể thành cái thể loại vô cùng xấu xa, chuyên soi mói hại người. Mình uất cái thái độ ấy lắm nên mình chán chả buồn nói.
Nhiều lúc mình nghĩ thà cứ tự mình làm thì vất vả tẹo cũng xong, đỡ dính vào kẻ khác, đỡ mệt. Vấn đề cả xã hội xoay vần thế nào cao và xa lắm, chứ cái việc mặt đối mặt nhau nó hàng ngày, và khó gấp tỉ tỉ lần ý. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Siêu mệt mỏi. Siêu uất ức.
Trưa đi ăn xong đi uống nước thì gặp ngay vĩ nhân (vĩ nhân theo nghĩa là người to, thế to chớ cũng không hẳn là vĩ đại theo kiểu ca ngợi nhé!) và mấy người thích bàn chuyện của các vĩ nhân. Đúng là có những người chả sợ gì cả, chẳng cần gì cả, thích nói gì thì nói, thích thể hiện thái độ nào thì thể hiện vì họ có cái thế của họ. Nhưng vấn đề là mình là ai và mình đang đứng ở đâu. Mình nghĩ thế. Mình chỉ cần biết mình là ai và mình phải làm gì chứ mình cũng cóc quan tâm lắm người ta như thế nào. Không quan tâm lắm vì vẫn cứ phải biết mình biết ta như các cụ dạy, để làm việc cho đúng mà thôi. Chứ còn cứ ngồi mà nói, mà nghĩ là người ta thế này thế nọ xong chỉ có loạn. Mà biết nhiều quá chỉ tổ ức chế. Rơi vào cái chốn này thì chỉ cần biết là chả có ai đụng phải trên đường là không phải con ông cháu cha, hoặc không thì cũng giỏi theo một nào đấy thì không thể có mặt ở đây được. Biết vậy là được rồi. Còn cứ ngồi đấy mà hỏi: "ơ người ý là người nhà ai ai ý thì phải" thì.... mình nghe rất khó chịu, cứ như kiểu buôn chuyện làm quà ý, lúc nghe thì cũng vui tai, thú vị đấy nhưng mà thực ra chỉ tổ bực.
Buổi chiều thì có buổi ngồi "phỏng vấn", "đàm đạo" với một "vĩ nhân" khác, chức to, vai trò kiểm soát thời cuộc và đang muốn đi xây dựng chế độ mới. Vấn đề là lý tưởng nghe ra có vẻ hay nhưng mà mình thấy nó hơi mù mịt. Vì đơn giản là vạch ra thì toàn việc phía mình, những kẻ ở phía dưới phải làm thì cái hệ thống ấy mới chạy lý tưởng ấy mới trơn được. Mà vấn đề là họ nói thế thì đúng nhưng mà mình có quá nhiều thứ đổ vào đầu rồi. Và vấn đề thay đổi con người mình thấy quá khó trong cái cảnh xã hội này, bối cảnh toàn "vĩ nhân" hoặc những kẻ tưởng mình là "vĩ nhân" này.
Ôi toàn những thứ ở tầm vĩ mô, to lớn thì mình thấy không khó. Cái khó của mình là mình nhận ra nó, biết nó mà vô duyên với nó dã man con ngan í í í i i i i i i.....
Tối thì mình chợt nhận ra là mình là kẻ mà xã hội chỉ cần và dùng được ở một thời điểm nào đó, lúc nào cần thì gọi đến, chứ mình mà tự chủ động với sang giao lưu với xã hội là mình vô duyên ngay. Vì chả ai quan tâm mình muốn làm gì, cần gì. Mình chỉ có cho đi thôi chứ xã hội không cho lại mình đâu. Mặc dù mình cũng chả đòi hỏi gì hơn, chỉ cần bằng như cái mình đã cho thôi, mà đa phần còn chả bao giờ cần nhiều bằng ngần ấy, chỉ cần một thái độ tử tế tích cực là được rồi. "Xã hội" ở đây là trường hợp một người mà cũng đã từng có trường hợp xã hội là nhiều người rồi.
Một là mình vô duyên với xã hội, hoặc là cũng có thể mình thực sự chỉ được đóng vai trò hứng chịu và giải quyết trong xã hội thôi. Hoặc là thực sự tư tưởng của mình quá khác biệt với xã hội xung quanh, cái mình coi là quan trọng thì với xã hội lại chả là gì và ngược lại, cái mình muốn gạt di, coi nhẹ đi, bỏ qua một bên thì lại là mấu chốt mà dường như cả xã hội cứ xoay vần quanh nó ý.
Mệt dã man là mệt.
Trời thì oi nóng, tâm trạng thì mệt, đâm ra là quên một số thứ và rồi cũng ngủ quên luôn.
---
Nhiều khi tự hỏi sao mình lạc lõng thế. Mà sức chịu đựng của mình cũng quá lớn đâm ra mình lại cứ ì ra, cứ ì ở chỗ chịu cái sự lạc lõng í. Nhiều lúc thấy như kiểu mình bị trượt vào một cái rãnh, rồi càng cố trượt ra thì càng miết vào cái thành hố làm nó sâu hơn, rộng hơn ra.
Có những lúc thấy cần than thở với một người nào đó mà rồi thấy tuyệt vọng ngay từ cái bước tìm kiếm, lựa chọn một người để trút bầu tâm sự. Chả có ai dáng bị đổ cái mớ hổ lốn mình phải chịu lên đầu cả. Và cuối cùng thì mình chỉ có thể tự upside down cái hũ đựng những bực bội, bức xúc, băn khoăn của mình mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét