Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Chả biết cuộc đời này màu gì nữa..

Thắc mắc tẹo: cuộc đời màu gì? Người ta hay có câu: nhìn đời bằng con mắt toàn màu hồng. À, thì có thể kiểu như chụp ảnh ý, dùng kính lọc màu gì thì ảnh sẽ có sắc độ màu như thế. Vậy thì nhìn bằng con mắt màu hồng thì đời sẽ có màu hồng thôi. :)) đơn giản phết nhỉ..
Thực ra thì mình đang không có ý nhận xét gì về cái câu "nhìn đời..."" kia, mà đúng ra là mình muốn biết cuộc đời màu gì thật?
Mình hay xem phim truyền hình, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, mới đây còn cả Phillipin nữa mình cũng xem tuốt. Cơ bản là thấy hay là xem. Người ta hay bảo đời không như là phim nhưng mình cứ thích xem và cứ thích tin là phim nói thật đấy. Cuộc đời màu hồng chăng?
--
Hôm nay xem phim Hàn Quốc, "Chúng ta hãy kết hôn", có đoạn thế này. Hai vợ chồng ly dị phải dẫn đứa con đến tòa án để bên tòa án đánh giá xem xét xem quyền nuôi con thuộc về ai. Đứa bé lần lượt chơi riêng với bố, rồi chơi riêng với mẹ, người của tòa án ngồi quan sát. Rồi cô ở tòa án hỏi chuyện đứa bé, người thân là gì và bảo vẽ lại cho cô xem. Đứa bé trả lời: người thân là bố, là mẹ, là bà ngoại, là dì. Còn lúc đầu khi mẹ dắt tay bước vào đến sảnh tòa án thì đứa bé quay sang hỏi mẹ: đây là đâu, đến đây làm gì. Bố nó bảo: đây là tòa án và mình đến đây vì chuyện ly dị mà hôm trước mẹ đã nói với con rồi đấy. Mẹ nó bảo: đây là tòa án con ạ, mình đến đây để gặp cô giáo (người đánh giá của tòa án) vì cô muốn nói chuyện với con.
Bố nó, người đi ngoại tình và mẹ nó, người kiên quyết đòi ly hôn. Ờ, thực ra thì mình xem mấy tập trước về vụ ly hôn này mình chẳng có cảm xúc gì. Thấy nó bình thường. Cũng chẳng có suy nghĩ gì xem là hoàn cảnh như thế có nên ly hôn hay không? Vì người vợ ở đây là người mà trước đây người chồng ngoại tình trong cuộc hôn nhân đầu tiên và người chồng cũng thản nhiên quá trong cái cách cư xử nên mình cũng chẳng có cảm xúc giận dữ hay bên này đáng được cảm thông hơn bên kia.. Chẳng có cảm xúc gì cho đến ngày hôm nay, thấy cái cảnh người bố người mẹ ấy dắt đứa con đến toàn án để người ta đánh giá xem đứa bé ấy sẽ ở với ai. Thằng bé còn quá nhỏ, chắc tầm 3-4 tuổi thôi, nó đã nhận thức được gì đâu. Đến đây thì mình thấy họ quá ác. Không thể chấp nhận được. Chuyện của riêng người lớn thì việc ly hôn hôm nay có thể là chuyện nhân quả mà họ phải chịu thôi, hoặc với thái độ của người chồng ý bình thường mình có thể rất ủng hộ việc người vợ đòi ly dị bằng được. Nhưng thực sự sau cái cảnh đứa bé đứng ở sảnh tòa án quay sang hỏi bố hỏi mẹ đến đấy để làm gì, rồi cái cảnh nó bị người ta ngồi quan sát đánh giá thái độ để mà phán xét quyết định số phận nó, rồi còn cả cái câu trả lời của nó, người thân là gì. Mọi chi tiết ấy khiến mình chợt cảm thấy tức giận với người cha người mẹ kia. Cho dù lỗi là của ai, ai đáng thương, ai đáng giận thì cũng là nhân quả của họ. Còn đứa bé thì nó có làm gì đâu mà nó phải gánh chịu hậu quả mà người khác gây ra như thế. Ôi điên quá. Đồ dã man. Mình đã nghĩ rồi. Tạo ra một thế hệ sau không phải là bản năng duy trì nòi giống của loài người nữa khi mà xã hội văn minh ngày nay thì phần NGƯỜI phải lớn hơn phần CON chứ. Và đã tạo ra thì phải có trách nhiệm với nó, tử tế với nó. Còn không làm được thế thì đừng làm gì cả. Đừng có độc ác với chính đứa con mình đẻ ra như thế. Sống tử tế đi.
--
Câu chuyện thứ hai là một phim của Nhật, "Saitou", tên nhân vật chính, đọc là Sai-tô, một người mẹ sống với đứa con trai đang học mẫu giáo trong khi người chồng đi công tác nước ngoài. Hai mẹ con họ hình như là vừa mới chuyển đến khu này sau khi người chồng đi nước ngoài và mọi thứ, trường học, những người xung quanh đều mới mẻ với họ. Mình không xem từ đầu và cũng không xem liên tục phim này vì còn bận xem một phim nữa chiếu cùng giờ nên cũng không nắm chi tiết hoàn cảnh cụ thể của phim này lắm. Đại khái là trong mỗi tập hoặc trong vài tập sẽ là một câu chuyện nhỏ về việc hai mẹ con giải quyết một vấn đề nào đấy xảy ra trong cuộc sống của họ. Nhân vật chính là người mẹ, một kiểu anh hùng nghĩa hiệp xuất hiện trong một xã hội nho nhỏ mà xung quanh chỉ toàn là những người vì muốn yên ổn mà chọn thỏa hiệp với cái xấu chứ không chịu đứng dậy đấu tranh. Chính vì vậy người mẹ, cô Saito được mệnh danh là bà cô lắm điều, khó tính, hay xen vào chuyện của người khác. Đại khái là có rất nhiều tình tiết hay và đắt xung quanh bà mẹ Saito này mình mà kể hết chắc bằng với đi xem phim luôn rồi nên mình chỉ kể lại ấn tượng ngày hôm nay thôi. Chuyện là thế này, đoạn mình bắt đầu vào xem thì đã là cảnh phòng học với các mẹ ngồi kín trong lớp (vùng này toàn các bà nội trợ thì phải, suốt ngày thấy họp hội phụ huynh, không ở trường thì cũng là kiểu đi ăn cùng nhau rồi bàn chuyện tổ chức hoạt động này nọ cho trường mẫu giáo, cũng lạ phết), phía nửa trên là bọn trẻ con ngồi cùng hướng về đầu lớp là thầy hiệu trưởng mặc quần áo hóa trang hươu cao cổ và hai cô giáo, hình như là đang biểu diễn hay họp hành gì đó. À, ở giữa có 2 cậu bé đang đứng nhìn nhau. Một đứa đang cúi gầm mặt thì ngẩng lên bảo đứa kia: nào chúng ta cùng làm nhé, rồi nắm tay nhau dắt nhau lên đứng trước cả lớp và các mẹ như có điều gì muốn nói. Cô Saito lúc đấy lên tiếng nói với thầy hiệu trưởng và các mẹ là xin để cho hai bé được nói vài lời và thầy hiệu trưởng đồng ý. Thế là hai bạn nhỏ đã nhận lỗi của mình trước tất cả mọi người, bạn thứ nhất thì vì muốn chơi với một bạn khác (bạn này lại có cái đồ chơi điện tử nhất định không chịu rời) đã giấu đồ chơi của bạn đi để bạn chơi với mình, và bạn thứ hai thì đã nhìn thấy nhưng không nói gì mà còn giấu đồ chơi của bạn đi nữa. Hai bạn nhỏ đứng trình bày rất rõ lỗi của mình và vừa mếu máo vừa cúi gập người xin lỗi bạn, và xin lỗi tất cả mọi người ở đấy. Mẹ Saito đã lên tiếng nói rằng hai bạn đã biết nận lỗi thật đáng khen. Sau đấy thì tất cả mọi người lớn đều cảm động vỗ tay bày tỏ ý ủng hộ hai bé. Câu chuyện đến đây đã rất đẹp rồi. Những cậu bé dũng cảm nhận sai và mọi người xung quanh biết thông cảm, ủng hộ bọn chúng. Thật đẹp. Cuộc đời màu hồng và thật lung linh!
Nhưng câu chuyện không chỉ có thế. Chợt có một chút gì đấy kéo mình tụt ngay xuống, giật hết tất cả các vì sao lung linh trong khung cảnh ở ngay cảnh phim sau: ở ngoài hành lang lớp học, cô Saito và cô hội trưởng hội phụ huynh đứng nói chuyện với nhau, sau lưng là cửa sổ lớn nhìn vào lớp học ở trong các bé đang rất vui vẻ bên nhau. Cô hội trưởng nói với cô Saito: "Chị nghĩ sao khi cổ vũ cho hai đứa trẻ nhận lỗi trước mọi người như thế. Một khi đã có lỗi lầm mà ai ai cũng biết thì người ta sẽ không xóa đi được ấn tượng xấu đâu". Mình không nhớ rõ câu chữ, nhưng đại ý là cô ấy trách cô Saito đã khuyến khích hai đứa trẻ đứng lên nhận lỗi trước tất cả mọi người vì có thể như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến ấn tượng của mọi người đối với chúng, như thế sẽ không tốt cho chúng. Ý cô ấy là biết nhận lỗi là đúng nhưng không nên để nhiều người biết việc xấu chúng đã làm như vậy vì họ có thể sẽ nghĩ sai về chúng và dấu ấn xấu đấy sẽ không bao giờ xóa đi được. Cô Saito khi nghe vậy đã rất kiên định trả lời lại rằng: "Cần gì phải quan tâm là người khác nghĩ gì. Quan trọng nhất là khi hai đứa trẻ nói ra sự thật và xin lỗi thì chúng cảm thấy thanh thản. Đấy mới là điều có ý nghĩa".
Hai người này từ trước đã có những xung đột trong quan điểm sống và cách xử lý các vấn đề. Cô hội trưởng cũng là người mạnh mẽ, cứng rắn nhưng là dạng mềm mỏng, khéo léo, ngại va chạm. Cô Saito ngược lại, rất thẳng thắn và dứt khoát, một hình ảnh nghĩa hiệp, không có gì là chướng ngại vật cả, không sợ gì cả, dám đứng dậy phản ứng, đấu tranh với cái xấu.
Hai cách sống. Tự dưng mình chợt khựng lại. Không thể nói là ai đúng ai sai được.
Cuộc đời màu hồng chợt có mấy vệt xước màu xám.
--
Trưa hôm nay vừa mở miệng định hỏi ý kiến chị Nga một cái mà chả hiểu sao gặp đúng lúc chị ý lại nói với mình rõ dài. Đúng là chị ấy bị rơi vào cái thế cô lập và bí bách quá rồi. Mình cứ để chị ý nói thôi, để cho chị ấy xả bớt. Chị ấy nói đúng cả, tâm huyết cả, mọi thứ cứ như trào ra ý, quả bóng bị xì hơi. Chị Nga cũng bảo với mình là chị không nói Thiên, mà đúng là không thể nói gì được mình, mình quá hiểu những điều đó rồi và mình cũng đang cố gắng. Chị muốn mọi người cũng hiểu và cùng cố gắng. Nhưng sức người có hạn. Cho dù là tốt thì đấy cũng chỉ là mình muốn thôi, không phải mọi người muốn thì mọi người cũng đâu có làm.

Nhìn vào đấy mình hiểu thế nào là lực bất tòng tâm.
Chị Nga bảo chị ấy cứ nhớ mãi cái hình ảnh trò "qua sông" hôm liên hoan công ty ở EcoPark. Một người sẽ đi cà kheo sang trước rồi ném cái lốp về bờ bên này và lần lượt kéo người sang sông. Đầu tiên là chỉ một người kéo. Dần dần cứ mỗi người qua được bờ bên này là sẽ có thêm một người kéo, sức mạnh tăng dần và sức nặng giảm dần.
Ồ, có bao nhiêu người nhớ về vụ EcoPark đấy với cái hình ảnh ấy trong đầu?? hay là mọi người chỉ bị ấn tượng vụ ăn trưa hôm đấy thôi? Giờ khi ngồi viết những dòng này thì mình chợt tự hỏi như thế. Bao nhiêu người trong cái bộ máy này nhận thức được tầm quan trọng của bản thân mình? Đâu có phải cứ các sếp mới là người quyết định. Mỗi người đều phỉa nắm một vị trí và chịu trách nhiệm quyết định trong khả năng của mình và từ đó sẽ tự động đóng góp sức mình cho tập thể thôi. Có điều là ai hiểu điều ấy? Và ai có khả năng làm cho mọi người hiểu điều ấy? Hôm nay chị Nga cũng nói với mình, rất thẳng thắn, chị chưa làm được cái việc gọi là truyền lửa cho mọi người, chưa thể nói để mọi người hiểu được. Chị Nga là người rất nghiêm túc, nhưng có lúc chị ấy bị căng thẳng quá. Mà với một môi trường như thế này, với thói quen vốn có của mọi người thì nghiêm túc quá như thế không phải là giải pháp tốt. Mọi thứ phải được dung hòa. Mình ghét cái từ này. Nhưng mình không thể phủ nhận hiệu quả của nó. Vì nó là cuộc sống.
Không thể chỉ đơn giản là không A thì là B theo y như một cái lưu đồ có sẵn được. Sự việc thực tiễn xảy ra có thể là C, từ A nhưng không hướng đến B, hoặc cũng có thể đâm sầm vào B nhưng lại từ một hướng nào đấy không phải là A, hoặc cũng có thể C lại đi lòng vòng và chẳng dính gì đến A hay B cả. Mọi thứ có thể lộn xộn loạn xạ lên như vậy đấy.
Mình nhận ra điều đó ngay từ những ngày đầu bước chân vào cái tủ lạnh này rồi. Mà có thể từ trước đó. Nhưng lúc đầu mình không ứng dụng nhiều nhận thức của mình vì thực sự mình thấy không cần thiết phải thế. Và bây giờ thì càng ngày mình càng ứng dụng cái gọi là "dung hòa" nhiều hơn. Nhưng vấn đề là mình vẫn giữ được cái mình là mình là được. Tức là cái nào không cần dung thì thôi, không muốn dung thì thôi không cần cố. Và dung đến mấy thì dung nhưng đừng rụng là được. Mình chỉ cần cố như thế thôi.
--
Kết hôn không đơn thuần chỉ là một sự kiện mà là cùng nhau tạo dựng một cuộc sống - See more at: http://vtv.vn/Goc-khan-gia/Phim-moi-tren-VTV3-Chung-ta-hay-ket-hon/106019.vtv#sthash.OFcHucuT.dpuf
Kết hôn không đơn thuần chỉ là một sự kiện mà là cùng nhau tạo dựng một cuộc sống - See more at: http://vtv.vn/Goc-khan-gia/Phim-moi-tren-VTV3-Chung-ta-hay-ket-hon/106019.vtv#sthash.OFcHucuT.dpuf
Kết hôn không đơn thuần chỉ là một sự kiện mà là cùng nhau tạo dựng một cuộc sống - See more at: http://vtv.vn/Goc-khan-gia/Phim-moi-tren-VTV3-Chung-ta-hay-ket-hon/106019.vtv#sthash.OFcHucuT.dpuf
Kết hôn không đơn thuần chỉ là một sự kiện mà là cùng nhau tạo dựng một cuộc sống! Vậy đó, mình vẫn thích nhìn cuộc đời với tông màu hồng và cả những màu rực rỡ khác nữa. Mình vẫn thích những câu chuyện tình lãng mạn, dễ thương trong những bộ phim đời thường Hàn Quốc, thích cả những câu chuyện nhẹ nhàng, tươi vui, đầy ý nghĩa và cổ vũ trong phim Nhật Bản nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét