Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Singapore - Part 3: the man on Geylang street

Đây là một nhân vật vô cùng đặc biệt.
Nói thật là sau cuộc gặp gỡ đấy mình đã tự hỏi bao nhiêu lần là mình mơ hay tỉnh. Giờ đây, đang ngồi ở Việt Nam, sau đúng 1 tuần cái cuộc gặp đấy mình tự dưng lại nghĩ, chẳng có lẽ là mình mơ...
Con người đó là một người mình tình cờ gặp, tình cờ giúp đỡ mình và để lại cho mình một ấn tượng sâu sắc.
À, tiếng Việt có một cái rất dở đó là xưng hô. Mình giờ không biết gọi người đó là bạn, là anh, là bác, là ông hay là gì gì nữa rồi. Gọi là bạn thì không ổn vì người đó hơn mình kha khá tuổi, 44 rồi thì phải. Gọi là anh thì cũng không ổn, cái chữ anh của Việt Nam nó đa nghĩa lắm, rất khó dùng. Gọi là bác hay là ông thì tự dưng có những cái cảm xúc bị mất đi và không đúng. Gọi bằng tên thì mình không biết chính xác tên người đó là gì. Quên mất không hỏi. Mà thực ra cũng chẳng thấy cần thiết phải hỏi. Người đó cũng không hỏi tên mình mà.
Ngược lại thì tiếng Anh lại rất hay ở chỗ này. Chỉ có you and I, không phân biệt ngôi thứ, tuổi tác, địa vị. Người đó đơn giản là một người bạn. Một người có thể chia sẻ một phần suy nghĩ của mình, một phần soul của mình. Hay thôi mình cứ gọi người ấy là bác, với nghĩa là một người anh thân thiết nhé.
Mình gặp bác ấy khi đến check in cái hostel thứ 2 ở Sing. Bác ấy đứng ngay quầy lễ tân, ngó thấy cái hộ chiếu Việt Nam thì cả bác ấy cả anh reception đều thốt lên "Mày là người Việt Nam à?". Về sau thì mình hiểu là người Việt Nam ở cái khu này nhạy cảm ra làm sao nhưng mà lúc ý thì còn đang sưng mắt lên vì khóc nên cũng chẳng để ý lắm. Lúc đấy bác ý chỉ bảo mình là vợ tao cũng là người Việt. Anh reception cũng bảo người yêu anh ý cũng ở Việt Nam. Túm lại là cái lúc ý chỉ thấy hai chữ Việt Nam sao mà quý thế. Cứ thi nhau nhận người quen, nhận là có liên quan đến Việt Nam để mà thấy ấm áp thế.
Quay về với người bạn mới của mình. Mình hỏi thế vợ đâu. Bác ý bảo vợ bác ý người Cần Thơ và vẫn đang ở Việt Nam. Lúc ý chả hiểu sao mình lại bật luôn là cái thắc mắc: Why? Why you are here while your wife is still in Vietnam? Bác ấy chỉ cười rồi bỏ đi. Mình thì nhận phòng và chui vào phòng thu xếp đồ đạc. Xong mình còn ở trong phòng khóc thút thít một hồi lâu nữa. Lúc ý vẫn chưa dứt nổi cơn khóc vì papa. Bác ấy cùng một người nữa sau đó có vào phòng để dọn cái đệm giường bên cạnh. Lúc ý chả biết bác ý có nhìn thấy mặt con bé đang ướt nhoèn nhoẹt, mắt húp híp vì khóc hay không nữa...
Tầm hai giờ chiều thì mình quyết định đi ra khỏi phòng, lên đường đi tìm mấy món đồ các chị gửi gắm. Trong số đó có món dầu tràm, dầu gió thì google mãi không ra nên đành chìa ảnh ra hỏi. Và trời xui đất khiến, bước chân ra cửa gặp ngay bác ý đang ở ngoài hiên. Bác ý kéo ghế hỏi mình có ngồi không? Mình thì lôi ảnh ra hỏi luôn: tao đang muốn tìm mua cái này. Vậy là bác ý bảo: mày có muốn mua rẻ không, tao sẽ chỉ chỗ cho. Nếu mày đồng ý thì đi theo tao. Vậy là mình ok và đi theo bác ấy.
Thì lại vừa đi vừa nói chuyện.
Bác ấy hỏi mình đi du lịch một mình à? đi những đâu ở Sing rồi? Hỏi những câu mình hay được hỏi trong mấy ngày ở đây. Vậy nên mình cũng trả lời và kể câu chuyện của mình mấy ngày qua y như với những người khác. Và y như rằng, nghe đến Malaysia một phát là bác ý lại bảo mày nên cẩn thận, ở đấy nguy hiểm còn ở đây nếu tao chạm vào mày như thế này thì mày chỉ cần hét lên "Help me!" một cái là mọi người sẽ giúp mày. Ồ, mình cãi lại, bảo giờ thì tao chẳng sợ gì cả đâu, tao còn đi Penang một mình rồi cơ mà....
Câu chuyện cứ thế miên man từ chủ đề này sang chủ đề khác. Miên man suốt quãng đường đến cửa hàng bán dầu gió. Miên man lòng vòng trong cái cửa hàng tạp hóa ý. Rồi miên man qua cả ngõ ngách Geylang. Cuối cùng thì kết thúc khi mình đứng dậy ra khỏi quán cơm trung quốc toàn người Việt ở Geylang ấy, gần Lorong 9 thì phải.
Chính vì thực sự đến giờ này mình lại giật mình không hiểu lúc đấy mình tỉnh hay mơ, câu chuyện đã mình đã nói với bác ấy có là thật hay không nên thực sự từng câu từng chữ chi tiết của cuộc hội thoại mình không nhớ nổi và cũng không muốn kể lại ra đây. Nó có một phần nhạy cảm, rất riêng mà nếu người ngoài nghe có thể sẽ không hiểu, sẽ hiểu sai. Mà đây là một con người rất đáng trân trọng với mình.
Đây là người đã cho mình thấy khi một con người bị mất đi một điều ý nghĩa trong cuộc đời thì họ có thể sống đau khổ đến thế nào, mất phương hướng đến thế nào. Và người đó cũng dạy mình rằng, sống phải có nguyên tắc và đừng bao giờ quên điều đó, đặc biệt là với một người học và làm về sinh học như mình. Một bài học lớn sẽ không bao giờ mình quên.
Bác ấy có đôi mắt rất đặc biệt. Ấy là sau này lúc ngồi đối diện với nhau trong quán ăn và tranh luận nảy lửa mình mới nhìn rất sâu vào mắt bác ấy và cảm nhận rất rõ điều đó. Chứ trước đó trong lúc nói chuyện mình chỉ thỉnh thoảng mới nhìn vào mắt bác ấy thôi, mà cũng chỉ lướt qua, mình vốn dĩ có thói quen ngược đời là không nhìn vào mặt người khác lúc nói chuyện mà. Đôi mắt rất buồn, chắc là kiểu mắt ướt như mọi người thường nói ấy. Đôi mắt chất chứa rất nhiều thứ tình cảm bị đè nén. Đôi mắt bác ấy... à không phải, lần đầu tiên mình nhìn vào đôi mắt bác ấy là lúc mình nói "I'm sorry. I'm really sorry" sau khi bác ấy kể chuyện về người vợ, tại sao họ lại không ở bên nhau. Lúc đấy đôi mắt ấy không khóc nhưng nó đầy nước mắt, rất buồn.
Bác ấy bảo bác ấy là Singaporean, đã từng du học ở Anh, học ngành điện. Bác ấy lấy vợ năm 24 tuổi nhưng 15 năm nay bác ấy sống một mình, ở đây. Vợ là người Cần Thơ. Mình mới hỏi thế bác ấy có biết nói tiếng Việt không. Bác ấy bảo tao có thể đọc được tiếng Việt nhưng chỉ biết nói mỗi câu "Anh yêu em" để nói với vợ tao thôi còn thì không nói câu nào nữa. Mình bảo thế là không được, ít ra cũng phải học tiếng việt để nói chuyện với vợ, vì vợ chứ. Bác ý bảo không cần, tao chẳng cần nói gì vợ tao cũng hiểu tao muốn gì thì việc gì tao phải học tiếng việt. À vậy thì đây quả là một mối tình đáng ngưỡng mộ, một đôi vợ chồng đáng ngưỡng mộ đây. Vậy thì tại sao hai người lại không ở cùng nhau, sao vợ thì ở Việt Nam còn chồng thì lại ở đây, mà xa cách những 15 năm rồi. Mà một người từng du học ở Anh, lại học ngành kĩ thuật như vậy mà giờ lại sống như thế này, dùng từ chính xác thì là sống vất vưởng, làm việc cho hệ thống hostel Backpacker ở khu Chinatown, mà làm kiểu phụ việc vớ vẩn ý chứ chắc cũng chẳng phải reception. Ôi mà đoạn sau câu chuyện bác ấy có nói với mình về gia thế nhà bác ấy, nếu mà là thật thì nói thật là giờ bác ấy sống như thế này đúng là kiểu sống cho qua ngày thôi chứ chả phải là sống như một con người nữa ấy.
Cuối cùng sau năm lần bảy lượt mình phải thốt lên rằng: thật là không công bằng khi mà chồng thì ở Sing còn vợ thì lại ở Việt Nam. Sao lại phải chịu xa cách như vậy. Mình cứ tại sao, tại sao năm lần bảy lượt thì bác ấy mới nói ra lý do.. Bác ấy bảo, tao học ngành điện, làm điện thế mà vợ tao chỉ vì một lần tao không cẩn thận... Bác ấy có một cái máy, chỉ nhỏ như một cái túi xách tay đi làm bình thường thôi nhưng nó có năng lượng đủ cho một cái tàu ngầm chiến đấu hoạt động. Và một lần bất cẩn của bác ấy khiến vợ bác ấy ra đi mãi mãi. Bác ấy cứ hỏi đi hỏi lại mình, nhìn chằm chằm vào mặt mình mà hỏi: Mày có hiểu không? Tao học điện, làm điện mà vợ tao lại ... Mày có hiểu không? cứ day đi day lại "Do you understand?"
Lúc đấy quả thực là mình bị sốc. Mình không ngờ mình lại gợi lại một việc kinh khủng như vậy đối với bác ấy. Ánh mắt bác ấy nhìn mình lúc ấy... không biết nói gì... đau đớn vô cùng.
Lúc ấy, ngày hôm ấy, cả buổi sáng mình cứ khóc không ngừng nổi khi nghĩ đến papa. Cứ một lúc gạt được nước mắt đi là nước mắt lại ứa ra. Mãi đến lúc đấy, đến lúc nghe câu chuyện của bác ấy thì đầu óc mình chợt tỉnh lại. Mình nhận thấy một sự mất mát có thể kinh khủng đến mức nào. Thứ nhất là đừng bao giờ để mất những điều đáng quý, đừng bất cẩn. Thứ hai là nếu chẳng may mất mát là điều không tránh được thì cũng đừng để mất phương hướng, đừng sống một cách vật vờ như thế.
Một điều thứ hai về con người này là đây là người đã cầm tay mình, khoác tay mình, dẫn mình đi và cho mình thấy thế nào là Geylang, cho mình thấy một góc của người Việt ở Sing. Bác ấy hỏi mình "Do you want to see your sisters here?"... "Want to see more sisters?"...
Đây có lẽ là lý do mà bác người Hoa già trông coi ở hostel hôm sau khi mình hỏi về người ấy đã nói lắc đầu và nói với mình: "He's not a good guy". Đây cũng là lý do mà thật sự không dễ để mình có thể kể về người bạn vô cùng đặc biệt này cho mọi người. Mọi người nhìn con người bác ấy ở một góc độ khác, sẽ chẳng mấy người hiểu được cái mà bác ấy đang nói với mình.
Geylang - Thực ra trước khi đặt chân đến Singapore, ngay từ khi đặt vé 6 tháng trước thì mình đã đọc được một vài thông tin về khu vực này. Mình hiểu cái hộ chiếu Việt Nam của mình mà lang thang ở khu Geylang thì sẽ được hiểu với nghĩa như thế nào. Nhưng tất cả những cái đó, tất cả trước khi mình gặp người bạn đặc biệt của mình, tất cả chỉ trên lý thuyết. Giờ thì mình đã đi thẳng vào trong ngõ ngách của Geylang, thậm chí còn trong tư thế "Keep quiet. I will tell them that you're my sister that you will be safe", mình cũng được nhìn là một trong những "sisters" ở đây. Vậy đó.
Ngay cả lúc nói chuyện với mình về vấn đề này thì bác ấy cũng không nói thẳng một cách trực tiếp rằng các Vietnamese sisters của mình đang làm gì ở đây, tại sao có thể thấy họ ở đây nhiều như vậy. Nhưng mình hiểu và bác ấy cũng biết là mình hiểu. Bác ấy bảo: Tao dẫn mày đi để mày biết, và nếu lần sau có đến đây thì cứ đường to ở bên ngoài mà đi, không được bước chân vào các ngõ ngách của Geylang này, đi với bạn bè cũng vậy mà đi một mình thì lại càng phải chú ý.
Cảm giác của tôi như thế nào khi ngồi ở giữa một quán ăn, xung quanh toàn các Vietnamese sisters mà không được phép nói tiếng Việt, không được hớn hở đi ra tay bắt mặt mừng với đồng hương ở nơi đất khách quê người lạnh lẽo này ư? Tôi có thể nói rằng trước hết tôi không sợ. Người bạn của tôi, khi nắm tay tôi dẫn tôi vào khu vực này cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng: đừng sợ, mày đi với tao thì mày an toàn. Nhưng tôi không hề sợ. Tôi cũng không có cảm giác khinh bỉ hay ghê sợ những người chị em đồng hương của tôi. Tôi chỉ thấy thương họ vô cùng. Tôi muốn ra chào họ, nói chuyện với họ, đơn giản là như với những người nước ngoài hoặc khách du lịch Việt tôi gặp trên đường đi mấy ngày qua. Ấy vậy mà không được. Tôi không được phép làm thế. Tôi có thể dễ dàng nói chuyện, dễ dàng kết bạn với những người xa lạ mà ngày với những người đồng hương của mình thì tôi lại phải im lặng. Người bạn tôi đã dặn tôi không được lên tiếng mà cũng không nên làm thế ở chốn này. Họ có cuộc sống của họ. Bác ấy không nói gì nhiều về vấn đề này nhưng nhìn ánh mắt của bác ấy thì tôi hiểu. Bác ấy để tôi ngồi xuống bàn, rồi bước ra chào hỏi những người chị em của tôi, cầm tay họ, cười với họ. Còn tôi chỉ đơn giản là ngồi đó và nhìn theo, không nói lời nào.
Lần thứ hai, có lẽ trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ, tôi lại có cảm giác bị đánh một cú vào đầu, khiến cho đầu óc tỉnh táo hẳn ra.
Ồ vậy ra cuộc sống con người là đây. Những người chị em đồng hương của tôi ở nơi đất khách quê người. Người bạn của tôi... cô đơn và vật vờ...
-----
Người bạn này đặc biệt này của tôi cuối cùng nói với tôi một câu trước khi chúng tôi đứng lên rời khỏi quán ăn, tôi thì tiếp tục chuyến đi của tôi còn bác ấy thì bước ra tay trong tay với một sister và đi con đường của bác ấy. Bác ấy bảo: Tất cả mọi thứ dừng tại đây. Chúng ta không nói nữa (trong câu chuyện giữa tôi và bác ấy có một chút tranh luận riêng tư không được đề cập đến ở đây). Cuối cùng thì đây chỉ là một bài học nhỏ cho em thôi. Hãy nhớ một điều, phải cận thận, rất cẩn thận, giữ lấy nguyên tắc của mình. Một sai lầm nhỏ thôi nhưng hậu quả có thể khủng khiếp lắm. Take care!
----
Con người này đã chia sẻ với tôi nhiều thứ. Đây là người thứ hai tôi có thể nói lên được những suy nghĩ của tôi về gia đình, những câu hỏi của riêng tôi mà tôi không trả lời nổi, những câu hỏi làm đầu óc tôi muốn nổ tung. Bác ấy đã nghe, không đồng tình cũng không phản đối. Bác ấy hiểu con người tôi là gì. Vậy là đủ rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét