Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Singapore - Part 4: Những người bạn khác

Trong chuyến đi này, càng đi thì mục tiêu của mình càng rõ ràng: Đến Singapore nhưng không phải đến Orchard, không Sentosa, không Zoo... Mình không muốn làm một khách du lịch bình thường, chỉ đến, hưởng thụ rồi trở về. Mình muốn xem mọi người bình thường ở đây sống như thế nào.
Và mình may mắn gặp được toàn những người giang tay ra giúp đỡ mình, rất tận tình. Họ giúp mình không chỉ là những chỉ dẫn, những lời chúc may mắn. Họ giúp mình thấy nhiều thứ mà nếu cứ đi một cách bình thường như các khách du lịch khác chắc chẳng bao giờ mình thấy.
Từ những người mình gặp trên đường, những người mình chỉ nói mấy câu để hỏi đường cho đến những người đi cùng mình một đoạn đường trong cuộc hành trình. Có những người mình nói chuyện với họ đến nửa ngày trời rồi tạm biệt, hẹn gặp lại mà thậm chí còn không biết tên nhau.
Chị đi làm giúp việc ở Dubai và bác gái đi giúp việc ở Đài Loan mình gặp ở sân bay Nội Bài trước lúc lên máy bay.
Bác gái trung niên đi làm về khuya và anh thanh niên chỉ đường cho mình về King George's Ave lúc mới đặt chân đến Singapore.
Chị Marichu, reception ở hostel đầu tiên.
Bạn gái da trắng tóc vàng đã bật đèn pin điện thoại cho mình mượn để sắp xếp đồ lúc mới đến hostel. Chẳng có dịp nói chuyện với bạn ấy ngoài mấy câu thank you, thank you.
Chị gái người miền nam trong nhóm du khách ở cùng hostel với mình, gặp vào sáng sớm hôm sau.  
Papa của mình. Ông đón nhận một đứa con gái trời cho như mình, dẫn mình đi theo trên con đường ông về nhà và hôm sau lại đi làm cùng ông. Cả những người bạn làm lái xe với ông nữa.
Bác doanh nhân người Hồng Công đi cùng mình trên con đường mòn ở Macritchie reservoir. Nhóm bạn trẻ người Singapore cũng gặp trên con đường này.
Rajoo/Sam, một người Singapore yêu Việt Nam rất đáng yêu. Bác ấy là người thứ hai sau Papa ôm và hôn lên trán mình để chúc mình may mắn và cầu cho mình bình an. Ôi, cái duyên mà mình gặp Rajoo chắc kể lại ít người tin nổi... Chỉ tình cờ gặp ngoài đường thôi mà bắt mình lưu số lại, xong dặn đi dặn lại là sang đến Penang thì phải nhắn tin về là an toàn, về lại Sing cũng phải nhắn tin báo, trên đường có bất cứ chuyện gì xảy ra thì phải gọi điện cho bác ấy ngay. Ôi trời, không biết nói gì hơn :)
Những chuyến xe tải chở những người công nhân đi qua lại giữa biên giới Singapore-Malaysia... Lúc ngồi trên xe đi qua gần khu vực biên giới từ Sing sang Malay và lúc trở về mình đều nhìn thấy những chuyến xe ấy, lúc đêm khuya hoặc sáng sớm. Nhìn họ, mình cũng có những thắc mắc nhưng mình không biết hỏi ai.
À, không thể không kể đến một loạt các bác hải quan cửa khẩu ở sân bay, ở biên giới Việt Nam, Singapore và Malaysia, những người cộp dấu vào hộ chiếu cho mình ấy. Chà, một chút hồi hộp mỗi lần đứng trước họ nhưng mà rồi thì mọi việc đều ok.
Cặp đôi đến Penang trên cùng chuyến bus với mình. Họ rủ mình share tiền taxi về Georgetown, chém gió một chút về du lịch lòng vòng mấy nước xung quanh và Việt Nam. Chà, mình người Việt mà còn nhiều chỗ ở Việt Nam mình còn chưa đặt chân đến, đúng là chém gió... haha...
Món cháo trắng với thịt xíu, lòng xào và một lon sữa đậu nành trong một cái quán nhỏ ở Penang. Ở đây có món cà phê rất đặc trưng mà ở cái quán nhỏ này ai vào cũng thấy gọi một cốc. Mình cũng muốn thử lắm nhưng mà trong tình trạng bụng không có cái gì ra hồn từ chiều tối hôm qua thì mình thấy mình không nên liều :)) Bác chủ quán nói tiếng hoa là chính, tiếng anh được mấy câu bập bõm nhưng rất thân thiện. Con gái bác ấy thì xinh xắn dễ thương, nhẹ nhàng, nhìn rất giống một người bạn ở Việt Nam, bạn Bình thì phải.
Bác gái trung niên gốc Hoa nhìn thấy mình tha đống balo to oạch trên người mà cứ lòng vòng đọc bảng chỉ dẫn ở bến bus Kontam mãi thì ra vỗ vai xổ ra một tràng tiếng Trung. Xong thấy mặt con bé nghệt ra, bảo không biết tiếng trung thì bác ý quay sang bắn tiếng anh như gió luôn. Bác ấy bảo ở đây có free shutter đấy, cứ leo lên đấy mà đi một vòng Georgetown cho biết. Bác ấy bảo đừng đi sang Sing làm gì, cứ ở đây chơi, đẹp mà cái gì cũng rẻ. Bác ấy đã từng làm việc ở Mỹ 20 năm, cũng lang thang khắp châu âu châu á rồi, bác bảo mày nên đi, đi thật nhiều vào con ạ, càng nhiều càng tốt, giờ bác già rồi nên mới về đây sống chứ không bác con đi nữa.
Bác Aziz, gặp trên xe bus ở Penang. Cũng một người đã từng đến Việt Nam làm việc, các dự án phá gỡ bom mìn ở miền trung. Hai bác cháu đã đập tay hứa là sẽ giữ liên lạc, gọi cho nhau sau này. Ngày hôm sau mở mail ra mình đã thấy ngay hai cái mail liên tiếp của bác ấy, chữ viết hoa: Mày đang ở đâu? Sao tao không thể gọi được cho mày? Mày vẫn ổn chứ? Take care!
Rồi đến bác chủ cửa hàng cho thuê xe đạp. Giá thuê là 10 đồng, deposit là 40 đồng. Trả tiền xong mình móc nốt mấy đồng malay trong túi ra đếm được còn 8 đồng với mấy xu lẻ. Mình hỏi giờ chỗ tiền này có đủ để ăn trưa không và cháu có thể ăn ở đâu được? Bác ấy liền lôi ngay 20 đồng ra định trả lại cho mình kẻo con bé lại không có tiền ăn mà lúc ấy là gần 2 giờ chiều rồi. Mình xua tay, không cần đâu, thế này là đủ ăn rồi thì không cần đâu, bác chỉ chỗ cho cháu ăn là được. Vậy là bác ấy lại lập cập dắt xe với chỉ đường cho mình.
Ông bác đang ngồi uống nước trong quán ăn ở Penang: nhân vật này làm mình vừa cảm động vừa buồn cười... Con bé lếch thếch dắt xe đạp vào quán, lập cập dỡ đống balo trên xe khoác lên người xong còn loay hoay khóa xe rất cẩn thận rồi mới bước vào quán. Lượn một vòng thì chỉ bát mì hỏi mọi người bán ở đâu. Gọi xong bát mỳ thì con bé chỉ cái ghế bên cạnh cùng bàn bác đang ngồi uống nước hỏi cháu ngồi đây được không? Bác gật đầu. Bác nhìn con bé lôi thôi lếch thếch một lúc rồi hỏi: Có uống nước gì không? - Bác đang uống nước gì đấy? - Trà Trung quốc thôi - Thế cháu cũng uống như bác. Vậy là bác gọi một cốc cho mình. Chủ quán bê ra bác bảo mình: Uống đi. Tao gọi cho mày uống đấy. Xong bác trả tiền luôn cho mình. Ôi trời, đến đây thì ngã ngửa ra luôn. Mình xua tay bảo cháu có tiền, để cháu tự trả, xong móc tờ một đồng ra đưa bác. Bác nhún vai bảo thôi, tao trả rồi, mày cứ uống đi chứ tao cũng không có tiền lẻ trả lại mày. Lúc đấy chả biết làm thế nào, đành ngồi ăn xong bát mỳ, ra chỗ chủ quán bảo tao muốn trả tiền nước thì bác chủ quán bảo của mày trả xong rồi. Thế mình xin đổi tiền lẻ để trả lại bác kia. Xong cầm đồng xu ra đưa bác ấy bác ấy chỉ cười đuổi đi. Bác chủ quán đứng cạnh đấy cũng cười, bảo thôi mày đi đi. Chẳng biết nói gì, chỉ biết cảm ơn rối rít rồi đi thôi. Chả hiểu lúc ấy trông mình thất thểu đến nỗi nào nữa :)))
Những người qua đường mình nhìn thấy trên xe bus, trên đường phố Georgetown. Những cái xích lô trang trí sặc sỡ hoa và có cả những bản nhạc bật ầm ĩ, trong đó một lần mình giật mình vì tự dưng nghe thấy nhạc sến Việt Nam. Một bài hát Việt Nam, ca sĩ Việt Nam, tiếng Việt... mình giật mình nhìn ra thì lại là một bác đạp xích lô người Ấn... Ha haaa.... Ôi! Mình rất muốn quay lại nơi đây một lần nữa. Có lẽ lần sau cũng chỉ cần một hành trình như thế này thôi, đi xe bus lòng vòng rồi lại thuê xe đạp đi lòng vòng ngắm phố phường trong vòng có một ngày, sáng đến rồi chiều tối lại đi. Chỉ cần như vậy thôi là đủ rồi.
Tiếp đến là chuyến xe trở lại Sing, bị nhà xe "bán khách" ở nơi cách biên giới 300km :)) Mình tự dưng bình tĩnh quá lại trở thành chỗ dựa động viên tinh thần cho chị đi cùng. Chị ấy người Trung Quốc, đang làm cô giáo dạy tiếng trung mẫu giáo ở Sing. Chuyến xe trở về có 4 người đi Sing thì chỉ có mình và chị ấy xách hành lý chuyển xe. Đôi vợ chồng còn lại thì chắc cũng hoang mang quá mà họ cũng có quá nhiều đồ nên cũng không biết làm thế nào. Mình thì cứ khoác balo đi tự nhiên như không nên chị kia cũng cứ thế lóc cóc kéo vali chạy theo mình. Thành ra trên đoạn đường còn lại hai chị em làm bạn với nhau. Chị ấy cũng lần đầu tiên sang Malay, đến Penang chơi 3 ngày. Nói chung là dân Sing nhắc đến Malay với một thái độ e sợ, rất dè dặt. Điều này lại càng làm mình cảm thấy cuộc sống ở Sing có cái gì đó không thoải mái được. Không như cái sự vô tư mình đã gặp ở Penang. Ôi, cũng chả biết nói gì. Việt Nam mình sự vụ kiểu này là bình thường đâm ra mình thấy bình thường còn ở đây người ta thấy đầy đe dọa thì cũng là chuyện bình thường nốt thôi. Ngoài thái độ lo sợ hơi quá thì nói chuyện với chị ấy cũng rất vui. Mình mới học một ít tiếng trung nên cũng bật ra được mấy câu để thực tập.
À sau còn gặp cùng chuyến xe một cặp mẹ con người Indo đi xe bus từ Penang sang Singapore để đi lễ ở một cái chùa nào đó xong sau đó sẽ lại quay trở về Penang luôn buổi chiều. Một hành trình vội vã giống mình. Mình lại chịu trách nhiệm đi cùng hai mẹ con nhà đấy cho họ yên tâm lúc qua cửa khẩu, đi cùng taxi với họ về Golden Mile Complex. À, có một cô bạn người Malay cũng đi cùng bọn mình đoạn từ cửa khẩu ra taxi vì bọn mình làm thủ tục lâu quá, mà sau ra không biết cái xe bus đã chạy mất đằng nào rồi. Làm mình cũng không gặp lại được chị Trung quốc ở trên nữa.
Đến đây mình về lại trạm xe bus Lorong 1 Geylang để chờ Papa. Ở đây mình gặp một bác, tạm gọi là chuyên gia đánh giá chấm điểm các tuyến xe bus, đại khái mình hiểu công việc của bác ấy là vậy. Thấy một con bé với một đống balo hành lý cứ ngồi lỳ ở bến bus nhìn hết chuyến này đến chuyến khác chạy qua bác cũng ngạc nhiên nên hỏi chuyện. Cuối cùng khi bác đứng dậy đi làm bác cũng chúc con bé là mình may mắn và bình an. Ở đây mình cũng gặp Marz Mastor, chị ấy và chồng cũng đến để chờ xe bus ở chỗ mình đang ngồi. Chị ấy bảo sáng sang Việt Nam chơi nên còn add facebook mình luôn để liên lạc.
Khu chợ ở Johor Bahru. Quán ăn papa và mình ăn bữa tối, bánh bột mỳ gì gì đó ăn với cà ri cá và một cốc cacao đá to. Khu vườn, kiểu như vườn bách thảo nhà mình ý, nơi có không gian rộng rãi, cây cối mát mẻ, không khí trong lành, có hồ câu cá, có cả bể bơi cho bọn trẻ con, có lối đi với sỏi mát xa các huyệt ở chân, có tượng con thằn lằn và con ếch rất to nữa, có cả cá vàng và loại cá to như cá thần ở suối cá Cẩm Lương ấy... Papa còn cho mình một đồng xu và bảo con ước đi rồi tung đồng xu này qua vai. Mình cũng ước, mình cầu cho papa sức khỏe, xong tung đồng xu thì đồng xu rơi trúng cái thành hồ nước.. ui trời, thôi cứ thành tâm là được. 
Hôm sau lúc theo papa đi làm thì gặp rất nhiều đồng nghiệp của ông, họ cũng là lái xe bus. Có một bác người gốc Hoa nhìn thấy mình thì trố mắt ra bảo "New driver??" làm mình rất buồn cười. À, còn gặp cả Mei nữa. Mei là con lai, bố người Ấn, mẹ người Hoa. Mei 24 tuổi, đang làm ở sân bay Changi. Một cô gái rất đáng yêu nhưng cũng rất chững chạc, giống Vikjie ấy. Bữa sáng của cô ấy lúc 4h sáng là một gói kẹo M&M nên papa trêu bảo con bé này naughty lắm. Cô bé ấy cũng giống mình ở mấy chỗ thích đi đây đó, không thích makeup, ... nên hai đứa thân thiết cũng rất tự nhiên và nhanh chóng. Papa đùa bảo mọi người vợ ông là người Hoa, mình là con gái cả của ông, giống mẹ nên trắng, còn Mei là con gái thứ hai, giống ông nên socola như thế. Mei với mình còn chụp ảnh, nhưng mà lại nằm trong điện thoại của cô ấy, mình thì ít chụp nên cũng không nghĩ đến việc chụp ảnh kỉ niệm với Mei. Mà vì Mei làm ở Changi nên papa bắt hai đứa lưu số của nhau, ra đến sân bay là mình phải nhắn tin báo với Mei và có việc gì cần là phải gọi ngay cho Mei để bạn ấy xử lý giúp. Tiếc là hôm sau điện thoại trục trặc nên mình chỉ có thể nhắn tin mà không nhận được tin nhắn, vậy là không có dịp gặp lại Mei trước khi về Việt Nam.
Trên xe bus của Papa mình còn gặp một bác hành khách quen gốc Hoa tin sái cổ mình là con gái papa thật. Bác bảo, thế mày ở Việt Nam với mẹ à? Sao lại để bố mày sống ở Malay rồi hàng ngày sang đây làm việc, xa thế. Ở Việt Nam thế nào? Thế à, rẻ hơn mà đẹp hơn Sing à? Thế thì mày bảo bố mày nghỉ hưu rồi về Việt Nam mua nhà cho bố mày ở đi... Ôi bác ơi, bác đáng yêu thật đấy.
Lúc lên máy bay về Việt Nam thì đáng ra lại như lúc đi, một mình mình lại một hàng 3 ghế. Nhưng lúc lên máy bay lại gặp ngay một tiểu yêu bé xinh cứ nằng nặc đòi mẹ cho ngồi ghế cạnh cửa sổ. Vậy là mình đổi chỗ cho mẹ bé, để bé được ngồi cạnh cửa sổ. Mình về ngồi cạnh một em sinh năm 92, người Việt. Hai chị em sau lại buôn chuyện sôi nổi. Cô bé này cũng đi sang Sing một mình, nhưng nó có bạn đang học bên này nên sang đây nó ở nhà bạn và đi đầy đủ những chỗ mình chưa đi ở Sing. Nó cũng kể đã đi qua khu Geylang nhưng chẳng biết tại sao ở đấy lại nhìn thấy nhiều chị người Việt ngồi ở các quán ven đường đến thế, nó thắc mắc thì bạn nó chỉ bảo sao mày ngây thơ thế. Hehe, nó là thái cực ngược lại với mình. Nhưng cô bé này cũng rất hay nhé. Bố mẹ nó đang ở Anh, lao động vất vả để gửi tiền về nuôi con ở Việt Nam, bố trồng cỏ, phải trốn chui lủi, mẹ thì làm nail cũng đỡ hơn. Con bé cũng muốn học hành tử tế để đi làm nuôi bố mẹ để bố mẹ có thể về với nó, không phải sống khổ sở ở bên kia nữa. Nói chung là mình toàn gặp được các bạn trẻ rất hay ho, sống rất có phương hướng và sống bằng trái tim rất nhiệt huyết. 
Ôi nói chung là trong chuyến đi này mình được nhận xét là talkative. Bản thân mình cũng tương đối choáng với mức độ chém gió với người lạ của mình. Rất nhiều người mình gặp có khi chỉ thoáng qua vài phút, không để lại cho nhau đến cả cái tên, hoặc có những người như papa, vẫn giữ liên lạc với mình. Nhưng dù là ai thì tất cả những người mình đã gặp trong chuyến đi này đều rất có ý nghĩa với mình.
Thực ra thì mang tiếng là đi Singapore nhưng mình cũng chưa kịp biết Singapore như thế nào, một Singapore mà tất cả những người trước đây đã đến và nói với mình ấy, một Singapore như thế thì mình vẫn chưa biết. Mình chỉ biết một Singapore khác, rất khác. Chắc chắn cần phải có một dịp nào đấy quay lại và đi đúng con đường mọi người đã đi để biết thế nào là Singapore trong mắt của thế giới. Như thế mới là trọn vẹn. Như thế mới thực sự đã.
Sau một tuần trở về, mình đã về từ chủ nhật tuần trước, thứ hai đã bắt đầu đi làm trở lại, và cho đến giờ là chủ nhật tuần sau rồi, tròn một tuần ngày trở về rồi... Đến giờ này mình mới tạm gọi là trở lại với mặt đất đây. Một chút sốc hoặc jetlag chăng? Chẳng biết nữa. Cũng có thể là do vừa về vẫn đang mệt mà bập ngay vào quá nhiều việc cứ phải chạy đi chạy lại nên mình không tập trung nổi. Dù sao thì thời gian vẫn cứ trôi. Rồi thì mọi việc sẽ trở lại quỹ đạo của nó thôi. Mình lại tiếp tục chăm chỉ cấy cày cho một chuyến đi trong tương lai nhé. Một chuyến đi xuất phát ở hướng khác hoặc một chuyến trở về Sing để làm nốt những gì dang dở... Thế nào cũng được... Cứ đi thôi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét