Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

từ một bạn tên Khôi - many thanks

Sáng nay tình cờ vớ được bài này. Thấy bạn nói đúng ý mình ghê. Mặc dù con đường của mình và bạn khác nhau nhiều, bởi cái chuyên môn, cái tạm gọi là bản lĩnh nghề nghiệp của mình ý mà, lại có đặc thù khác với công việc của bạn. Nhưng mà ngẫm kĩ mà xem, nghề nào, nghiệp nào thì cũng cần đảm bảo mấy kĩ năng và mấy điều định tâm nhất định thì mới có thể phát triển một cách tự tin và sảng khoái được trong ngành. 
Mà cũng vừa hay là hôm qua vừa ngồi nói chuyện với chị bạn mình về chủ đề "mình là ai, mình có gì khác thiên hạ, mình có vấn đề hay thiên hạ có vấn đề đây" :)) Thế nên hôm nay gặp bạn này mình rất vui. Đúng ý ghê cơ. 
Dạo này mình không xài facebook nữa. Đang không muốn vô đó. Thực ra với mục đích của mình thì dẫn bài này trên fb sẽ có ý nghĩa hơn, vì bên đó mình có nhiều friends và có thể lan tỏa ít nhiều đến các bạn khác. Tuy nhiên chả hiểu sao dạo này không muốn vô đó nói năng chi nữa, cứ tụt cảm hứng kiểu gì ý. Nên thôi đăng ở đây. Để ít nhất thì cũng có chút gì đó cho bản thân mình. Để thấy rằng ít nhất mình không đơn độc.
Cảm ơn đồng chí gì tên Khôi một lần nữa. Chả biết tuổi tác ra sao mà xưng hô cho phải theo Tiếng Việt nữa với lại tên nè hình như chỉ là bút danh thôi thì phải.
Link bài viết gốc đây nhé: https://hoangkhoiweb.wordpress.com/2017/06/15/4-bai-hoc-quy-ma-cong-viec-da-day-minh/
----------------

4 bài học quý mà công việc đã dạy mình

Hôm nay rảnh rỗi đôi chút, bỗng dưng mình nghĩ, mình nên viết chút về những điều mà mình đã học được từ công việc cho đến cấp trên. Trong những năm tháng đi làm cho đến khi chính thức “đảm nhận vai trò” freelancer có lương, mình đã học được 4 điều như sau:
  1. Tôn trọng nghề nghiệp của mình cũng là tôn trọng chính mình

Hồi mới bắt đầu đi làm ở một tờ báo thời trang, mình là chân chạy việc, bên cạnh các nhiệm vụ như đưa tin về các sự kiện, dịch thuật, viết bài theo chủ đề hàng tháng… thì nhiệm vụ chính là đi phỏng vấn mấy ngôi sao trong lĩnh vực giải trí: diễn viên, ca sĩ, đôi khi có nhạc sĩ và đạo diễn phim. Cuộc gặp gỡ khiến mình ấn tượng nhất là với cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Có lẽ ai trong nghề phóng viên cũng chẳng xa lạ với việc các sao nhà ta đi trễ, người thì trễ 5-10 phút, người thì trễ 30p-1h cũng là chuyện thường. Có lần nguyên ekip chụp ảnh của mình ngồi đợi sao A gần hai tiếng vì lí do “cúp điện nên không mở cửa cuốn ra khỏi nhà được” (!). Còn có sao nam B đến trễ nửa tiếng “vì bận cho con bú”.
Cho nên mình rất ngạc nhiên vì buổi hẹn của mình với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người có tuổi đời ngang với ông mình, nhạc sĩ đã đến trước buổi hẹn 1h đồng hồ, cho một buổi phỏng vấn với một con bé phóng viên mới vào nghề. Khi trò chuyện, ông không hề tỏ ra trịch thượng hay trả lời như một bậc bề trên, dù ông có danh có phận trong làng nhạc. Ông nói năng gần gũi và nói chuyện thân tình.
Trong buổi trò chuyện đó, ông cũng có nhận xét về một số ngôi sao trong làng nhạc. Có vài chi tiết mà mình biết, nếu mình viết lại trong bài báo nhất định sẽ trở thành chi tiết “đắt”. “Đắt” vì nó có thể tạo nên scandal, nhưng mình không muốn làm vậy. Vì mình nghĩ nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vị nhạc sĩ này. (Sau đó vài năm, trong một cuộc phỏng vấn khác, đã có phóng viên đưa những lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lên báo, dẫn đến việc nhạc sĩ phải lên tiếng xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng và Thanh Lam, dù rằng lời nhận xét của nhạc sĩ được phần lớn độc giả ủng hộ).
Khi chọn công việc làm báo vào thời điểm đó, mình đã luôn đưa ra một tiêu chí, mình không cố tình đưa tin bài giật gân hay câu khách, mình chỉ cố gắng tìm hiểu những quan điểm và giá trị công việc của các nhân vật, rồi chuyển tải thành một bài viết có khả năng truyền cảm hứng đến công chúng. Ít ra thì cho đến khi tạm biệt công việc, mình nghĩ mình đã không làm sai tiêu chí đó. Có lẽ mình không có đủ tài năng để làm một phóng viên, tuy nhiên mình cũng không làm gì quá sức.
Lúc ở Sài Gòn, sau này đi ngang khách sạn lớn, nơi mà mình đã từng đến tặng báo biếu cho nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sau khi bài viết thực hiện xong. Mình còn nhớ cảm giác ngồi ở sảnh nghe nhạc sĩ đàn, âm thanh rất tuyệt, dạt dào cảm xúc, khiến cho những vị khách ngoại quốc ai cũng ngoái nhìn lên tầng lửng để nhìn một lần người chơi đàn. Sự ra đi của ông là điều đáng tiếc cho làng nhạc Việt.
  1. Viết sao cho hữu ích với người đọc

Hồi mới bắt đầu vô nghề viết, mình viết dở lắm, câu cú thì lủng củng, sáo rỗng, màu mè… ý tứ thì bay véo véo ở đâu trên ngân hà chứ không nằm ở mặt đất nữa. Sau khi chuyển qua làm ở một công ty thương mại điện tử, mình có may mắn được sếp cũng như chị đồng nghiệp góp ý và hướng dẫn nhằm viết sao để câu từ mạch lạc hơn.
Chị sếp có cách sửa bài rất hay là chị không sửa trực tiếp trên bài viết, mà chị sẽ comment góp ý từng câu từng từ cho mình tự sửa. Vì sao dùng từ đó trong câu là không đúng, rồi nên dùng từ nào để thay thế, câu văn kia sai ngữ pháp ở chỗ nào, câu có quá dài quá khó đọc hay không… Chị giúp mình nhận thức được rằng viết sao cho đúng là điều hết sức quan trọng, và rèn cho mình sự tỉ mỉ trong viết lách. Viết là nhằm để truyền đạt ý của mình đến người đọc, nếu mình viết mà người đọc không hiểu gì hết thì phải coi lại cách viết.
Cũng trong quãng thời gian đó, mình đã học được cách viết tin bài cho website hay trang thương mại điện tử. Một trong những nền tảng cho công việc hiện tại của mình.
  1. Có thể thất nghiệp nhưng đừng dối lòng

Có một lần mình đã bỏ chạy trong quá trình thử việc ở công ty A, vì sau quá trình thỏa thuận công việc thì phát sinh thêm một nhiệm vụ: viết bài cho giám đốc đăng trên facebook cá nhân. Chuyện là mình nhận việc làm nội dung cho website và facebook của công ty nọ, tuy nhiên leader muốn lấy lòng sếp nên vẽ ra dự án gọi là “xây dựng thương hiệu cá nhân” cho anh giám đốc.
Anh giám đốc thì chia sẻ với mình những “nguyện vọng” trong lòng như sau: “Anh cần em viết nội dung để anh đăng facebook cá nhân anh (đứng tên anh), nội dung cần deep và tạo viral nói về các vấn đề của thời đại một cách sâu sắc như chương trình Táo Quân, bài gói trong khoản 300 chữ, nhưng vẫn thể hiện được tính cách và giọng điệu của anh (?). Mà anh không cần thu hút những người đọc trẻ, sinh viên gì tất, anh chỉ cần những lãnh đạo của các công ty, tập đoàn lớn vào đọc qua đó biết đến anh và quyết định sử dụng dịch vụ bên anh cung cấp. (Mà fb cá nhân anh hiện có khoản 250 friend, anh chỉ kết bạn với bạn bè và người thân cũng như cấp dưới anh thôi nha).”
Đến giờ mình vẫn không hiểu sao việc “xây dựng thương hiệu cá nhân” lại là lấy bài viết của người khác rồi cho là của mình (?). Nhưng mình thà thất nghiệp cũng không muốn làm việc như vậy, thế là đành good bye em phai công ty đó! Mình có thể chịu cực, chịu khổ, nhưng không chịu nổi việc trái lương tâm.
  1. Hãy thật lòng cho đi trước khi đòi nhận lại thứ gì

Cho đến cách đây hơn một năm, có lẽ mình vẫn chưa có khái niệm về việc làm điều gì đó có ích cho cộng đồng. Thực sự là vậy, mình chỉ nghĩ đến việc đi làm hưởng lương, con đường thăng tiến/ tăng lương từng năm. Kiếm tiền để shopping và mua sắm thoải mái, còn dư thời gian thì đi du lịch. Lúc ấy mình chưa hề nghĩ đến việc tạo ra một giá trị nào đó từ việc chia sẻ. Nhưng trong quá trình “thử việc” 4 ngày ở một công ty quà tặng đặc biệt đã giúp nhận ra điều đó. Hãy vô tư bày bỏ tình yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh, đừng bo bo giữ mình, hãy làm công việc mình thực sự yêu thích, những giá trị có được mới lâu dài. Đó là những lý tưởng mà chị giám đốc, người sáng lập ra công ty đã truyền đạt cho mình trong những buổi chuyện trò.
Chính điều này thúc đẩy mình thay đổi, mình bắt đầu bằng việc thực hiện những bài viết trên blog chia sẻ những gì học được trong cuộc sống, cũng như những kinh nghiệm bản thân tích lũy được, như bài viết: làm thế nào để tác phẩm của mình được xuất bản thành sách, nên gửi truyện đăng báo như thế nào, sách để tham khảo về kỹ năng viết…. và mình cũng bất ngờ vì đó là những bài nhận được view cao nhất trên blog mình. Bên cạnh đó, các bài review sách cũng được đọc nhiều. Lúc đầu, mình chỉ nghĩ là viết cho vui, để nhớ về những quyển sách đã đọc mà thôi.
Đến thời điểm này, mình dần dần nhận thấy giá trị của việc chia sẻ, đó là sự kết nối được với cộng đồng. Anh giám đốc ở phần thứ 3, mình từng đề án ra phương án cho anh ấy là hãy chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế mình có, đó là cách bền vững để được người khác yêu quý và nhớ đến. Tuy nhiên, anh ấy đã gạt bỏ ý kiến trên, mình thấy thật đáng tiếc.
Kết
Ôi, mình cũng không nghĩ là mình sẽ viết một bài viết dài đến như vậy!
Như đã từng nói trong phần giới thiệu (có phần sơ sài) về chính bản thân mình, mình từng làm việc với vai trò là phóng viên, sau đó là biên tập cho hai tạp chí thời trang. Mình là cộng tác viên truyện ngắn cho các tạp chí tuổi teen từ hồi còn đi học. Mình từng xuất bản bốn quyển sách và in chung trong một vài tuyển tập. Mình cũng từng làm thực hiện nội dung cho vài website, viết tin bài giới thiệu sản phẩm lẫn voucher cho các trang thương mại điện tử. Nói trắng ra là không có chuyên môn cụ thể, đụng gì làm nấy đấy ạ!
Thực ra, mình chưa từng học qua chuyên ngành về viết như báo chí hay văn học. Vì thế trong quãng thời gian đi làm, chủ yếu là mình tự học. Mình cũng có may mắn là được cấp trên, đồng nghiệp chỉ bảo nhiệt tình cho một con bé ngơ ngơ không chuyên môn gì cụ thể mà không hề kì thị cũng không “giấu nghề”.
Công việc, mình học được nhiều ở công việc, sau này đối với mình, công việc không chỉ đơn thuần là phương tiện để kiếm tiền mà còn giúp mình học hỏi, đồng thời phát triển bản thân. Mình xin kết bài chia sẻ dài dòng của mình ở đây ạ!
Thực xin lỗi vì nó quá dài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét