Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

một đôi lời muốn nói

Có những điều không thể lên tiếng công khai ở "bên tê" nhưng vẫn muốn nói ra cho đỡ bức xúc và lộn xộn trong đầu nên đành chọn cái chốn riêng tư "bên ni" để mà gào thét, hò hét, quát tháo.... xả ra cho đỡ bức xúc.
Mình không muốn lên tiếng ở bên kia vì nhiều lý do. Vì friendlist có quá nhiều đối tượng thuộc nhiều thành phần mà không phải thành phần nào mình cũng có thể nói được cả. Hơn nữa còn có một số thành phần hơi quá khích và thích tranh luận nên để yên chuyện thì không nên đụng vào chủ đề này. Tóm là là thế.
Câu chuyện thì là do có một hành động "thường ngày ở huyện" ở ngoài xa tít tắp kia bỗng nhiên được sự trợ giúp của công nghệ thông tin mà nay bỗng trở nên nổi bần bật và cứ như là hiện tượng mới nổi vậy. Vậy là thiên hạ bỗng dưng dậy sóng. Mọi người mọi nơi mọi lúc đổ xô vào bàn tán xôn xao. Từ chốn văn phòng công sở nghiêm trang đến lớp học, đến cả hàng quán vỉa hè. Ai ai cũng bỗng chốc thành "người yêu nước", cũng tuyên bố hùng hồn, cũng bàn chuyện thiên hạ đại sự... Hôm nọ đang ngồi ăn phở gà trộn vỉa hè Lê Ngọc Hân bỗng thấy bàn bên cạnh xôn xao câu chuyện của mấy anh chị sồn sồn dân công sở quần là áo lượt đi ăn trưa cũng về chủ đề này làm mình tự dưng lại liên tưởng đến cái hôm ngồi ăn nem chua nướng Nhà Thờ và hóng hớt bên cạnh nhóm bạn trẻ ngồi bàn tán về chuyện vắc xin đợt scandal vắc xin viêm gan B. Tự dưng thấy vừa buồn cười vừa sợ, vừa mừng vừa lo.
Buồn cười là vì chả hiểu thế nào mà cứ thấy ngồ ngộ với cái cảnh ngồi vỉa hè, áo quần sành điệu, mồm ngậm tăm và bàn chuyện chính sự. Cũng không có ý khinh khi, kì thị gì đâu nhưng thấy cái cảnh ý quả thật vừa đáng yêu vừa buồn cười vì nó ngồ ngộ, là lạ.
Sợ là vì cái tư tưởng của bà con thời đại này quả thật vô cùng đáng sợ. Cái gì cũng theo trào lưu rộ lên rồi lại nguội xuống, sóng sau đè bẹp sóng trước. Người ta cứ trào lên một thời rồi xong lại như chưa có gì xảy ra mặc kệ bản chất vấn đề là gì. Vô cùng đáng sợ là vì thế.
Mừng là vì dù sao trong những đợt sóng ý cũng có những đợt sóng thực sự là cần thiết, cũng có những vấn đề đáng để cả xã hội phải quan tâm và đáng phải được đề cập đến.
Lo là vì rồi sau đợt sóng này xô qua thì sau đó có để lại được cái gì không hay lại bị cuốn sạch sẽ như chưa từng xuất hiện giống những đợt sóng trước.
Mình không phải không thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nhưng mình thấy cần bình tĩnh và phải tìm giải pháp thích hợp. Có thế mới có thể giải quyết hoặc làm mọi việc tốt đẹp hơn.
Giờ người ta giơ nắm tay lên, giờ cờ Tổ quốc, hô khẩu hiệu ầm ầm. Hôm nọ thời sự Hà Nội còn phỏng vấn một bạn nữ sinh viên và một cô giáo trung niên, cả hai người đều "sẵn sàng...". Ôi nghe mà sợ. Có bao nhiêu người đã nói từ "sẵn sàng" ý đã thực sự ngồi xuống và hình dung ra cái cảnh mà họ sẽ "sẵn sàng" xông pha? Giờ là thời đại nào rồi mà sao họ có thể nói từ đấy dễ dàng thế nhỉ?
Dù là thời đại nào đi nữa, hoàn cảnh nào đi nữa thì đáng lẽ ra cái cảnh loạn lạc đụng chân đụng tay phải là phương án cuối cùng nên được nghĩ đến chứ nhỉ? Làm thế nào mà chưa gì họ đã cứ hung hăng lên thế. Có đầy những cách khác để thể hiện chính kiến của bản thân, và chắc chắn cách thức đấy phải giữ thể diện cho đất nước. Ở đây mình không thể nói đến những người công nhân vất vả ít học ở một nơi xa xôi nào đó, họ bị dụ dỗ do nhận thức họ chưa được tốt, họ không có lỗi, hoàn cảnh khó khăn ăn không đủ thì làm gì có thời gian và tâm sức mà tìm hiểu những thứ xa xôi. Nhưng có những người có ăn có học, có thừa thời gian nhưng lại chả chịu nhận thức gì cả. Chưa kể đến còn có những người còn có tầm ảnh hưởng nữa chứ... lúc ầy việc làm của họ lại càng nguy hiểm hơn. Thế mà rồi... vẫn cứ có những tranh luận, vẫn cứ sồn sồn lên, vẫn cứ lên gân lên cốt... Làm thế để làm gì???
Những việc đơn giản hơn, thiết thực hơn, thiết thân hơn, chắc chắn họ có thể làm được thì họ không làm? Họ hãy cứ làm tốt công việc họ đang làm đi. Bình tĩnh cũng là một cách để cho thế giới thấy Việt Nam vững vàng đến thế nào cơ mà. Giờ thế giới nhìn vào Việt Nam mình thì thấy gì? Các bạn thanh niên trẻ trên mạng xã hội đổi avatar "chúng tôi đã sẵn sàng". Các khu công nghiệp nơi đáng lẽ người ta phải cố gắng làm ăn thì lại thấy loạn lạc, hỗn chiến, hôi của. Mà ai bị thiệt hại chứ? Chính người Việt mình mất mạng vì người Việt mình chứ đã thấy ai ở ngoài đánh đâu... Thế giới nhìn từ ngoài vào thấy được gì? Có gì khác đây ngoài một Việt Nam hiếu chiến, đang mất bình tĩnh, mất kiểm soát. Có lẽ mấy chục năm chiến tranh đã để lại một máu hiếu chiến mà hơn ba mươi năm qua rồi cũng không xóa bỏ được à? Thỉnh thoảng cứ phải có đánh nhau người Việt Nam mới đoàn kết, mới hô hào chung tay chung sức, mới máu lửa,... mới là người Việt Nam à????
Mình không nói, không dám nói và không thể nói không mà ngược lại còn chắc chắn yêu nước là đúng, hô hào đoàn kết vì Tổ quốc là đúng, sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc cần là đúng. Nhưng bây giờ có cần phải đứng lên để mà hỗn loạn như thế không? Giờ đứng lên và bỏ hết các việc đang làm để Việt Nam lại trở về thời đồ đá à? Thời đại này là thời đại gì rồi? Giờ người ta nhìn nhau bằng trí khôn, bằng tiềm lực kinh tế, bằng vị thế của sự tử tế và chính nghĩa trên trường quốc tế. Lịch sự lắm chứ. Đâu có thể cứ điên lên là làm như vác cuốc đuổi gà ngoài vườn rau được.
Hơn nữa giờ mà cứ xông ra chiến trường thì chỉ có chết một cách vô nghĩa thôi. Vì cho dù có giết được nhiều người đến mức bên kia phải giơ tay xin hàng thì cuối cùng cũng chết vì nghèo đói thôi. Mà giờ khác xưa rồi nhé. Nghèo đói thì dân bây giờ không sống được như các cụ ngày xưa đâu. Hãy tự nhìn lại mình đi các bạn trẻ. Việt Nam giờ về thời đồ đá thì bao nhiêu người trong số các bạn chịu đựng được??? Đã ai từng ngồi ngẫm nghĩ điều ấy chưa?
Giờ người ta chơi game nhiều hơn đọc sách, đi cà phê, nhà nghỉ nhiều hơn ngồi văn phòng (chưa nói đến là có ngồi trong văn phòng thì làm gì nhé), ngồi vỉa hè chém gió không khác gì đi hội thảo khoa học. Vậy thì Việt Nam có gì trong tay để mà so sánh với người?
Bao nhiêu bạn trẻ Việt Nam bây giờ nhận thức được sống ở Việt Nam sướng đến như thế nào hay họ lúc nào cũng ngồi mơ mộng đi đông đi tây và đến khi có điều kiện một chút thì đi thẳng luôn, có thèm quay đầu nhìn lại đâu? Việt Nam giờ có còn gì trong tay để mà so sánh nữa?
---
Việc to nhớn của cả xã hội không phải việc của riêng mình và cũng không phải chỉ riêng mình nhận ra những điều trên. Dù sao thì thế cũng là tốt rồi.
Giờ thanh niên phải sống tích cực, làm việc chăm chỉ để cống hiến và hưởng thụ cuộc sống. Phải biết tìm đường đi để mà thu nhặt những điều đẹp đẽ trên đời chứ không phải chỉ "sẵn sàng" trong tâm tưởng để rồi chả làm gì cả.
Mình đã từng ra thế giới, chuyến đi không dài nhưng đã nhìn thấy những điều ý nghĩa. Bức tường chiến tranh Việt Nam ở D.C. Mình cũng gặp những con người hết sức bình thường, một người thu ngân trong siêu thị thôi, nghe đến chữ Việt Nam và đã rất hớn hở: à à, tao biết người Việt Nam đấy, tao có bạn người Việt Nam đấy. Thế là mừng rồi. Mình chưa bao giờ xoắn cái chuyện nếu giới thiệu mình là người Việt Nam mà người nước ngoài cứ ố á không biết là gì, không biết là ở đâu, Việt Nam chưa có gì đóng góp cho thế giới thì dĩ nhiên là người ta không biết đến mình thì cũng phải. Mình lại càng không thích cái kiểu cứ nhắc đến chữ Việt Nam là lại nhắc đến chiến tranh, đấy là chuyện quá khứ lâu rồi mà, lại còn là quá khứ đau thương chứ vui sướng nỗi gì mà cứ thích nhắc cơ chứ. Mình chỉ thích được như thế kia thôi, nhắc đến Việt Nam thì người ta sẽ tay bắt mặt mừng và hớn hở mà bảo rằng: a, tao cũng có bạn người Việt Nam đấy, người Việt Nam tốt lắm. Thế là mãn nguyện rồi. Thế là vui sướng nhất rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét